Nhân đọc bài viết của anh Nguyễn Ngọc Quang viết về người thầy cũ, Thầy Bùi Tho, nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, ngày 20 tháng 11. Thêm vào đó, sự kiện vừa xảy ra mấy ngày qua cứ quẩn quanh trong đầu tôi. Chút trầm tư, tôi ghi lại dòng nghĩ của mình và xin được chia sẻ với tất cả.
Thú thật, những năm tháng định cư nơi xứ người, coi như quê hương thứ hai, hàng năm tôi vẫn nghe nhắc đến ngày này và thường khi nhớ tới thì nó vừa qua đi. Đây là ngày lễ hội, ngày “tôn sư trọng đạo”, nhằm mục đích tôn vinh những người đã đóng góp trong ngành giáo dục, truyền đạt phẩm chất và kiến thức cho bao thế hệ con người. Ở Việt Nam, trong ngày này các học sinh thường đến thăm, tặng hoa hay biếu quà cho các thầy cô giáo.
Ngày xưa khi tôi còn đi học “hình như” (nếu trí óc còm cõi của tôi không phản bội tôi), dù không có ngày được gọi với danh xưng nêu trên nhưng vẫn được ông bà, cha mẹ và xã hội luôn nhắc nhở, dậy bảo về tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Đây là một đạo lý thật cao đẹp đã được truyền dạy từ ngàn xưa. Là nét đặc trưng sâu sắc có được từ nền giáo dục và đạo lý gia đình Việt Nam. Tinh thần ấy vẫn được gìn giữ và nuôi dưỡng cho đến nay ở mãi trong ta dù ở quê nhà hay những người đã bao năm xa cách quê hương.
Nền giáo dục lấy lễ làm gốc (tiên học lễ, hậu học văn). Trong gia đình có ông bà, bố mẹ, bước ra ngoài đời có thầy cô, bạn bè với một tôn quy vâng lời cha mẹ, và kính thầy trọng bạn. Riêng tôi, cuộc sống nơi đây, đối mặt với luồng văn hóa có khác hơn ở quê nhà, có lúc tôi tưởng tôn quy một thời tôi được hấp thụ không được coi trọng. Nhưng nếu chịu khó để ý và tìm hiểu kỹ lưỡng hơn thì bất cứ nơi nào đạo lý con người luôn được coi trọng dù hình thức có khác đi đôi chút.
Mới sáng nay, nơi tôi làm việc có một cô cháu đến nhờ tôi in dùm một vài bài viết ngắn. Ngoài công việc thường ngày, một người mẹ của ba đứa con nhỏ, cô ta còn là một cô giáo dậy lớp Việt Ngữ. Cô kể tôi nghe cô đang soạn một bài dạy cùng với hình ảnh để cuối tuần này cô muốn kể và dậy cho các em một ít về tinh thần "tôn sư trọng đạo". Cô cho biết, trong lớp các em học trò bé nhỏ đang ở tuổi trên dưới 10 và hầu hết sinh ra, lớn lên ở bên này. Chúng được học và hấp thụ một nền văn minh ở xứ người vẫn thường được gọi là nền văn minh “I want It” hay “It is my choice”. Tuy nhiên, cô giáo trẻ kể cho biết lớp của cô dù các em học trò rất nhỏ nhưng rất quý và vâng lời thầy cô và cô thường nghe bố mẹ các em kể lại khi về nhà các em nhớ lời cô dậy hơn lời mẹ dặn! Tôi nghe câu chuyện cũng cảm thấy vui trong lòng. Vui vì cảm nhận tinh thần “tôn sư trọng đạo” dù ở các em ở tuổi rất non nớt với những bước chân chập chững, giống như những đứa trẻ của thời chúng tôi.
Cũng trong tuần qua, trong sinh hoạt của các liên trường trung học hải ngoại, chúng tôi nhận được một thư mời của giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu H.T Petrusky, cựu Thứ Trưởng VHGD, Chủ Tịch Lê Văn Duyệt Foundation, mời các liên trường đến tham dự ngày Tôn Sư Trọng Đạo, còn gọi là "Ngày Nhớ Ơn Thầy" hay "Ngày Sư Phạm" được tổ chức vào ngày 22 tháng 11 tại khu Little SàiGòn. Tôi biết buổi sinh hoạt này ngoài cơ hội để thầy cô, bạn bè có cơ hội gặp nhau, nó còn là một ngày lễ hội mang ý nghiã vừa sâu sắc vừa cao đẹp: Tôn vinh công ơn của Thầy Cô. Quan khách tham dự dĩ nhiên có nhiều thành phần nhưng hầu hết là những vị đã hay đang vào tuổi Thất Thập cổ hy lai, có trẻ hơn cũng phải là Lục Thập như bất tùng kê hay Ngũ Thập tri thiên mệnh. Cái tuổi mà sự suy nghĩ đã làm sói đầu hay tóc pha ít nhiều màu muối. Nhưng dù ở tuổi nào đi nữa, dù điều kiện thuận lợi hơn để tiến thân trong sự nghiệp hay học hành thì tinh thần "Tôn Sư Trọng Đạo" vẫn được giữ gìn; dù anh là gì hay anh là ai đi nữa?
Tôi chợt nhớ đến một trong 3 câu thơ trong bài viết của anh Nguyễn Ngọc Quang. "Thầy là người đã mang lại cho tôi tất cả" Thật vậy! Là khởi đi những gì cho ta có được ngày hôm nay.
Chứng kiến những gì xảy ra trong thế giới nhỏ của chúng ta trong những lúc gần đây, nhất là những gì vừa đọc những ngày qua, tôi chịu thua và không thể hiểu nỗi. Không thể đổ lỗi cho xã hội, hay thời gian để làm cho người ta quên đi để có thể hành động từ sự tha hoá đến cùng tột như vậy. Nếu quên đi công ơn cũ thì vẫn còn cái tình. Nhất là tính người không thể trong bỗng chốc, bốc hơi để còn trơ lại thân xác người nhưng mất tình và tính của chất người.
Khi đọc bài viết của anh Quang, nghe tâm sự của cô giáo trẻ, và công ơn của Thầy Cô đã được tôn vinh, ghi nhớ ở quê nhà cũng như buổi lễ có cùng mục đích tôi sắp đi dự vào cuối tuần nầy, tất cả đã làm tâm trạng chán ngán ở tôi vơi đi phần nào. Thôi thì, cứ nghĩ trong tương đối, cũng may, những gì đã xảy ra quanh ta, chỉ co cụm ở một vài cá thể quá đặc biệt, quá hiếm hoi. Tích cực hơn, chấp nhận nó và hy vọng vết nhơ sẽ mờ dần theo tiến trình tự hủy của chính nó.
Với tên gọi "Ngày Nhà Giáo Việt Nam", "Ngày Tôn Sư Trọng Đạo" hay "Ngày Sư Phạm", tất cả chỉ là tên gọi và mang cùng một ý nghĩa, cùng chủ hướng: Ghi nhớ về những người đã cống hiến đời mình trong sự nghiệp giáo dục bao thế hệ tiếp nối. Nhân ngày nầy, với lòng kính thương, trang trọng và thành kính nhất, chúng em, học sinh NLS Bảo Lộc gởi lời biết ơn đến tất cả Thầy Cô, những người đã cất công dạy cho chúng em từ thuở học ê a: "tiên học lễ, học văn", cho đến khi khôn lớn bước vào đời trong hành trình làm người cho ra người. Kính chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.
Nguyễn Triệu Lương, TL67-69