Thoạt nghe qua thì hào hứng lắm, ai cũng náo nức muốn có ngay trên tay mình Tập Kỷ Yếu Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Họp, bàn rồi phân công. Tất cả đều rất hăng hái nhiệt tình nhận trách nhiệm. Nhưng khi đến bắt tay vào việc thì mới thấy thật không dễ dàng.
Không nhớ từ bao giờ Thầy Châu Kim Lang gởi tặng chúng tôi bản danh sách các lớp 12 của các niên khóa từ 1969 đến 1974. Trong đó có ghi cả ngày và nơi sinh của từng người. Lúc đầu tôi tự nghĩ có một tập tư liệu quí như vậy mình giữ làm kỷ niệm để sau này có ai đó muốn tìm xem lại tên tuổi quê quán của bạn mình cũng vui.
Rồi thời gian trôi qua, mấy năm gần đây sinh họat của Hội Cựu Học Sinh Trung Học NLS Bảo Lộc bổng phát triển mạnh mẽ. Ở hải ngoại các bạn đã phát hành 2 cuốn Đặc San NLS năm 2007 và 2008. Về mạng lưới toàn cầu, Hội chúng ta có một trang nhà tương đối khang trang và đã được quý Thầy Cô và anh chị viếng thăm mỗi lúc mỗi thường xuyên hơn. Mới đây xuất hiện thêm blog NLS Thủy Lâm 72-75. Được biết một nhóm bạn NLS của niên khóa 1976 sắp thực hiện một Video Clip về Trường Xưa Bạn Cũ nữa.
Trước khí thế sôi nổi như nấm nở rộ vào đầu mùa mưa như vậy, nhóm chúng tôi quyết tâm thực hiện một ý định đã được ấp ủ từ lâu. Đó là sẽ cố gắng trong chuyến về thăm trường năm 2010 sẽ cho trình làng đến Thầy, Cô và bạn bè một tác phẩm nho nhỏ: Tập Kỷ Yếu Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Với một bề dầy lịch sử như trường chúng ta thì làm sao tập hợp đầy đủ được? Trăn trở mãi với câu hỏi này và cuối cùng chúng tôi đành chấp nhận biện pháp “có được bao nhiêu hay bấy nhiêu”. Đồng thời chúng tôi kêu gọi các anh chị và các bạn các lớp các khóa chung tay góp sức, để việc thực hiện được hoàn hảo.
Về mặt thuận lợi, chúng ta đã có hơn 20 lần họp mặt hàng năm, qua đó đã có hơn 200 địa chỉ các anh chị liên lạc thường xuyên. Đầu năm 2009 chúng tôi đã tiến hành việc chụp ảnh chân dung riêng từng bạn, đã được hơn 100 ảnh.
Anh Phan Đình Thọ (CN69) nhận lo phần in ấn, vì anh có công ty in. Chị Ngô Anh Thuấn (CN69) phụ trách liên lạc bạn bè của các lớp 12 từ niên khóa 1969 trở về trước. Tôi lo sắp xếp các lớp từ 1970 trở về sau. Chúng tôi bắt đầu công việc từ bản danh sách các lớp của thầy Châu Kim Lang gửi đến.
Một lần nữa chúng em cảm ơn Thầy rất nhiều. Nhờ những tư liệu của Thầy cung cấp đã giúp công việc của chúng em thuận tiện hơn.
Thật thú vị khi đọc lại những tên gọi thân quen của các anh chị và các bạn. Mỗi lần đọc một tên, ghi xuống ngày, năm sinh, địa chỉ hiện tại, chị Thuấn và tôi lại ngừng một chút để kể cho nhau nghe những huyền thọai của người ấy, rồi những biệt danh thân thường đáng nhớ.
Tôi biết bây giờ có một số anh chị không muốn nghe hoặc rất vui khi được nghe lại những biệt danh gọi ngộ nghỉnh thời ấy do bạn bè đặt cho nhau mà đã đi vào lịch sử cùng nhiều ấn tượng của một thời. Như tôi chẳng hạn, 40 năm trước nghe ai gọi tiếng Hippie là tôi ghét cay ghét đắng và ước gì giết được người đó mới hả dạ. Thế nhưng bây giờ tôi lại thiết tha thèm được nghe tên gọi thân thương đó vì tôi biết chỉ có bạn bè NLS Bảo Lộc mới biết và gọi tôi như thế. Và cũng chỉ có bạn bè NLS mới có một cách gọi tên nhau thật đặc biệt ấn tượng là gọi cả tên lẫn họ. Có lẽ vì trường chúng ta đông người, nhiều người trùng tên nhau nên khi gọi phải gọi cả họ để phân biệt mãi rồi thành thói quen chăng?
Và một người đặc biệt nhớ và thuộc tên chúng ta nhất phải kể đến bác Nguyễn Duy Nhất, thư ký trên văn phòng. Ai trong chúng ta mà chẳng ít nhiều một lần được bác Nhất gọi tên lên nhận thư hoặc lảnh “măn đa”. Dù bạn học lớp nào, khóa nào sau bao nhiêu năm gặp lại bác Nhất, chỉ nhíu mày một chút rồi bác gọi đúng phóc tên họ của bạn ngay, thật đáng khâm phục.
Chị Thuấn kể trước năm 1969 có một nhóm nổi tiếng là “Minh Dự Kế”. Tôi nhớ ngay đến anh Trần Quang Minh (TL67) hiền lành vui vẻ, anh Trần Danh Dự (MS67) thân thiện họat bát luôn có mặt trong các buổi họp mặt đầu năm. Chỉ có anh Trịnh Minh Kế, CN63-67 thì tôi chỉ nghe tên và gần đây mới thấy ảnh của anh trên Trang Nhà của Hội. Trông các anh hiền lành như vậy mà đã vang bóng một thời đó sao? Rồi anh Đặng Tấn Lung nữa. Tôi lên trường năm 1968 thì các anh đã ra trường. Mãi đến năm 2005 lần đầu tiên gặp nhau ở Đại Hội kỳ 2 bên Hoa Kỳ vẫn cảm thấy thân thiết như đã từng quen biết lâu lắm. Rồi năm 2007 tại San Jose tôi được gặp lại anh Tư Lung và chị Huỳnh Hương cùng với các anh Đinh Văn Lê và Trần Thanh Mới. Tôi đã được đón tiếp thật nồng hậu, thâm tình này tôi nhớ mãi không bao giờ quên.
Nói đến nhóm Bát Cẩu của chị Cao Thị Xuân Liễu thì tôi quen quá vì tôi vào lớp 10 các anh chị đang hoc lớp 12. Ban nhạc Playboy của anh Dương Đình Thọ nữa. Băng Thất Nương của các chị niên khóa 1970, bây giờ kẻ còn người mất. Nhớ đến tên anh Trần Thanh Nghị (TL70). Tôi nhớ lại hồi đó tôi rất sợ mỗi lần anh Nghị đi với nhóm bạn ngang qua lưu xá E. Tôi nghe tiếng hét thật to: “Hippie, chuyến này chuyến chót đó nha - hỏng chịu lấy anh ế ráng chịu đó”. Hồi đó nghe thì giận và ghét lắm. Bây giờ nhớ lại rất thương anh Nghị. Anh đã không còn để dọa tôi nữa. Anh đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc. Rồi đến anh Vương Đình Cảnh ngày xưa là cặp bài trùng với anh Hồ Công Danh. Năm 1971 tôi đang học lớp Kiểm Sự ở Nha Học Vụ thì anh Cảnh về Nha nhận bằng Tốt Nghiệp. Với dáng vẻ ngang tàng bất cần đời anh cuộn mảnh giấy xác nhận thành tích bao nhiêu năm học tập nhét vào túi áo. Anh nói: “Đàng nào cũng đi lính, có bằng cấp hay không cũng vậy thôi” và anh Cảnh cũng đã ra đi không trở lại.
Đến tên Nguyễn Đình Phê (MS69). Thuấn hỏi không biết anh Phê giờ có còn làm nghề chạy Honda ôm không? Tôi nhớ có lần anh Phê đang chở khách chạy ngang cổng công ty gặp tôi đang đứng nói chuyện với Nguyễn Hồng Sơn (MS71). Anh Phê lập tức dừng xe lại và mời người khách thông cảm đón xe khác đi tiếp vì anh gặp bạn cũ rồi không muốn đi nữa. Thật chỉ có tình bạn NLS Bảo Lộc mới khiến người ta quyết định như vậy.
Nhắc đến tên chị Nguyễn thị Kim Nguyên (CN.68) tôi thật ngưỡng mộ chị với vóc người nhỏ bé xinh xinh mà sao chị tháo vát vô cùng. Tôi may mắn được gặp chị nhiều lần ở Sài Gòn cũng như ở Santa Ana Hoa Kỳ. Lần nào chị cũng dành cho tôi những tình cảm thân thương. Chị Cao Thị Xuân Liễu thì để lại cho tôi một ấn tượng khó quên. Chị đã ân cần đưa đón và cho tôi cảm giác được làm đẹp ở tiệm Number 1 Hair&Nail miển phí. Chị Trần Thị Sâm (CN68), tôi chỉ được hân hạnh thấy ảnh chị trên đặc san NLS và Video Đại Hội NLS, chỉ tiếc là chưa có duyên hội ngộ với một đàn chị duyên dáng hoạt bát dễ thương. Chị Hàn Ngọc Chi (MS68) thì tôi thân quá. Chị đã thêu cờ lưu niệm cho Hội Cựu Học Sinh NLS Bảo Lộc. Bây giờ chị Chi và chị Đặng Thị Hòa Bình đang định cư ở NewYork, Mỹ. Mấy năm liền chị Hòa Bình giữ vai trò thủ quỹ thu chi tiền trong các buổi họp mặt. Chị Hòa Bình ơi! chị đi rồi tụi em thất thu quá!
Nhắc đến chị Hòa Bình thì không thể quên chị Ngô Thị Độc Lập. Lần đầu tiên tôi biết chị là năm 1971, chị đi du học và năm đó chị về trường thăm cô em gái là Ngô Thị Kim Oanh (CN71). Mãi đến thập niên 1980 tôi gặp lại chị ở nhà chị Lại Thị Khiếu (MS68) ở Sài gòn. Lúc đó chị Lập với tôi vẫn còn xa lạ. Cho đến năm 1995, trong lần thứ ba gặp chị ở Bảo Lộc; lần đó tôi lên trường để gặp Ban Giám Hiệu bàn về việc tổ chức họp mặt về trường kỹ niệm 40 năm thành lập trường. Tôi đi xe đò một mình. Chị Độc Lập đi xe cơ quan của chồng là anh Claudio để khảo sát đề tài nông nghiệp gì đó, có anh Bùi Châu Dương (TL67) tháp tùng nữa. Tình cờ gặp chị ở tiệm cơm Cao Nguyên. Ăn trưa xong chị cho tôi đi nhờ xe về Sài Gòn. Trên đường đi chị kể cho tôi nghe những kỹ niệm của chị về trường, về bạn bè và từ đó tôi trở thành cô em nhỏ thân thiết của chị.
Còn một người nữa mà tôi thân như ruột thịt đó là anh Đặng văn Nước (TL67) và chị Vương Thị Huệ (MS67). Năm tôi lên lớp 10, anh Nước tốt nghiệp Sư phạm trở về trường với vai trò giáo sư. Anh không dạy lớp tôi nhưng tôi thân với anh qua sinh họat của phong trào Hướng Đạo. Năm đó anh làm lể cưới chị Huệ. Tôi, Thái Thị Tốt, Nguyễn Thị Nga, Tôn Kim Yến, Võ Thị Huệ đã giúp anh chị tổ chức chu đáo phần nghi lễ ở nhà thờ và ở tiệc cưới. Chúng tôi đã làm những cánh hoa hồng bằng giấy xinh xắn để cài lên áo khoác cho khách đến dự tiệc. Hồi đó có mấy ai làm được như vậy. Sau biến cố 1975 tôi bặt tin anh chị. Tôi dọ hỏi mãi bạn bè ở Sài Gòn cũng như ở Bảo Lộc nhiều người có nghe và có biết tin anh đang ở Mỹ nhưng không có địa chỉ. Mãi đến năm 2006, thầy Nguyễn Văn Khuy về thăm quê hương. Trong bữa tiệc đón Thầy tình cờ tôi nhắc đến anh Nước và Thầy cho tôi địa chỉ. Tôi đã liên lạc được với anh Nước và chị Huệ. Thật cái duyên tình NLS dù cách xa nửa vòng trái đất chúng ta vẫn tìm được nhau.
Thế nhưng vẫn còn nhiều người rất thân cùng lớp cùng khóa tôi mà tôi vẫn chưa tìm được tông tích như Trần Thị Lài (CN71), hay Hoàng Văn Bản (MS71). Có người hứa trao giải thưởng cho tôi nếu tìm được Hòang văn Bản. Tôi tiếc là năm 1974 Hoàng văn Bản ở Ý về SàiGòn có ghé Viện Vi Trùng thăm tôi và tôi vô tình không ghi lại địa chỉ của bạn. Nhớ làm sao cho hết những người bạn cùng thời của tôi.
Khi tôi ngồi viết những tên của bạn bè, từng khuôn mặt hiện ra. Ngày xưa mỗi đứa một tính nết, bây giờ mỗi người một hoàn cảnh. Như Hồ Tấn lạc (TL71) với biệt danh Út Lạc vì ở nhà quê hắn thứ út nhưng lên trường lại tỏ vẻ anh chị. Tôi còn nhớ hình ảnh hắn cạo trọc đầu, chuyên đón đường nhe răng cười duyên với bọn con gái mà hồi đó tụi tôi gọi là “nụ cười nham nhở” bây giờ hắn dể thương y hệt một lão nông dân Nam bộ. Các bạn có dịp về Thủ Thừa Long An, mời ghé qua trại chăn vịt của hắn thế nào cũng được đãi món cháo tiết canh vịt.
Ở Thủ Thừa có Nguyễn Khắc Giao (CN71) với biệt danh Giao Bèo nổi tiếng với câu chuyện tuyệt chiêu đó là lừa ông già vợ leo lên mái nhà lợp tôn sửa ang ten TV, rồi thằng rể quí đứng dưới đất chích điện vào mái nhà, thế là xong. Kể đến đây tôi lại nhớ luôn đến bài học giết vợ của Hùynh Tấn Kỹ (TL71). Kỹ xui bè bạn bỏ con rắn hổ mang vào lu gạo rồi bảo vợ đi xúc gạo nấu cơm. Đố ai tìm được tang vật. Hi… Hi…
Những câu chuyện dí dỏm của bạn bè tôi trong các buổi họp mặt cứ dòn tan không bao giờ dứt. Khóa tôi còn có một người chuyên sưu tầm các mẫu chuyện tiếu lâm là Ngô Kiều Phát (TL71). Đối thủ của Phát là anh Tôn Thất Phước (MS70). Ngày xưa anh Phước điềm đạm ít nói mà sao bây giờ anh ấy họat bát và dí dỏm thế. Mỗi lần chị Nguyễn Ngọc Điệp (CN70) tổ chức họp mặt bạn bè ở nhà chị không ai muốn về sớm vì thích ở lại nghe những câu chuyện dí dỏm của anh Phước và bạn Phát.
Câu chuyện bạn bè khóa tôi thì còn dài, nếu có cơ hội tôi sẽ viết riêng một bài về bạn bè khóa tôi.
Còn bây giờ phải lướt qua vì còn nhiều khóa nữa. Đến niên khóa 72, không hiểu sao không có lớp 12 Thủy Lâm. Tôi gọi điện hỏi Thầy Châu Kim Lang thì thầy cũng không nhớ nguyên nhân, chỉ biết khóa 1972 chỉ có 2 lớp 12 Canh Nông và Mục Súc. Nhưng qua khóa 73 thì lại thêm lớp 12 Công Thôn. Tôi phải nhờ Nguyễn Lê Tuệ (MS72) tổng kết khóa 72 vì khóa này tôi không nhớ nhiều.
Tôi chỉ nhớ nhất là niên khóa 71, năm đó tôi học lớp 12. Trong lần bãi khóa đầu năm tôi hay rủ các bạn lớp 10 quây quần ngoài vườn cây Thũy Lâm nghêu ngao mấy bài hát du ca. Hồi đó tôi có nhận mấy đứa làm em mà mỗi đứa là một câu chuyện khác nhau. Như Phạm Đình Long (TL) Trần Ngọc Dũng (TL) thì cùng sinh họat với tôi trong phong trào hướng đạo rồi thân. Bộ tam Nguyễn Thành Trung (MS), Trần Quang Tâm (MS), Phạm Vũ Dũng (MS) thì cũng cùng sinh họat Hướng Đạo nhưng có thêm cùng sở thích thi ca hội họa. Thường mỗi buổi chiều chủ nhật mấy chị em hay rủ nhau lang thang lên đồi trà hoặc ra bờ hồ để tìm đề tài sáng tác. Có khi dẫn nhau đến phòng vẽ của một họa sĩ vô danh nào đó xem tranh.
Trường hợp Phạm Kim Bình (CN) và Hùynh Kim Ba (TL) mới ngộ nghĩnh. Đầu tiên tôi nhận Phạm Kim Bình làm em vì thấy nó nho nhỏ, đen đen giống tôi. Mấy bữa sau nghe Nguyễn thị Kim Thanh (CN73) mách tôi là Kim Ba đánh Kim Bình. Tôi lên lớp hỏi thì Kim Ba nói: “tại chị nhận Kim Bình làm em mà không nhận em nên em đánh nó” Thế là tôi nhận Kim Ba luôn. Rồi nhận luôn Hòang Việt Hùng (CN). Còn một người nữa tôi suýt quên là Nguyễn Đức Trang (TL). Mãi đến năm 2004 sau 33 năm gặp lại Trang nhắc tôi mới nhớ. Năm 1971 Trang mới lên lớp 10, buồn nhớ nhà muốn bỏ học về Sài Gòn, nhưng nghe lời khuyên của tôi, Trang ở lại tiếp tục học. Thật tình bạn NLS Bảo Lộc không bút mực nào tả hết.
Còn niên khóa 74-75 thì tôi nhờ Võ Thị Huệ (MS74) tổng hợp vì thật lòng tôi không nhớ nhiều các lớp sau này. Xin thông cảm cho sự thiển cận và trí nhớ yếu dần của tôi. Cũng như danh sách các lớp 12 niên khóa 66, 67, 68 tôi phải gọi điện thọai, email khắp nơi để nhờ các anh chị gíup bổ sung.
Ước mong được sự hướng dẫn của Thầy Cô và sự góp sức của các anh chị và các bạn để tập Kỷ Yếu NLS đơn sơ này sớm hoàn thành, để thầy trò chúng ta dể dàng nhận ra nhau và cùng nhớ về một thời. Hẹn tao ngộ năm 2010. Chúc sức khỏe. Tất cả vì truyền thống tốt đẹp của trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc.