
Năm nay mùa lễ kéo dài từ Thanksgiving, Christmas, New Year, rồi Lunar New Year. Người Việt Nam ở Mỹ được “ăn Tết” lớn! Ở California, trên đại lộ Bolsa có đến hai cuộc diễn hành xe hoa. Virginia đón mừng Tết cổ truyền náo nhiệt ở phố Eden, trung tâm thương mại của người Việt vùng Hoa Thịnh Đốn. Tết ở Việt Nam thì sao? Dĩ nhiên là rất tưng bừng và lộng lẫy, nhất là ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn.
Nhưng bên cạnh sự tưng bừng và lộng lẫy đó, báo chí Việt Nam luôn phải lên tiếng với nhiều vấn đề (xảy ra thường xuyên) về tai nạn giao thông, đường hoa bị dẫm đạp, vân vân… Tệ hơn nữa, dịch viêm phổi “lạ” Corona từ Trung quốc lây qua đường du lịch đang tăng nhanh trong dịp Tết này. Cho nên, dù rất muốn về thăm Việt Nam tôi phải bận tâm suy nghĩ xem có đúng lúc hay không?
Năm nay tối ba mươi, đang chuẩn bị đón Giao Thừa, tôi nhận được điện thoại của con trai từ Việt Nam, là sáng mồng một Tết. Ký, cháu nội ba tuổi rưỡi đòi mở Skype để thấy bà nội mới chịu nói chuyện. Nhìn cháu trai yêu diện vest bảnh bao, tôi hỏi:
- Con đi đâu mà đẹp vậy Ký?
- Ký đang ở nhà bà ngoại với mimi.
Thằng cháu nói tiếng Việt trôi chảy. Thì ra MiMi là tên con chó của bà ngoại Ký. Tôi hỏi tiếp:
- MiMi là boy hay girl?
- Nó là con trai.
Tôi phì cười. Tưởng thằng cháu nhỏ không hiểu, té ra nó nói tiếng Việt không “ba rọi” tí nào! Không biết khi gia đình con trai tôi trở lại Anh Quốc sau kỳ nghỉ phép, tiếng Việt của cháu ra sao?
Trưa mồng một Tết, lòng tôi tràn ngập hân hoan khi nghe lời chúc Tết của ba đứa cháu ngoại. Lần này đúng là tiếng Việt “ba rọi” thật sự:
- Can I chúc bà ngoại something bằng tiếng Anh không?
- Chúc bà ngoại năm mới healthy, lucky, vui vẻ.
Rồi trước khi rửa mấy cái bát vừa ăn cereal, hai cháu gái lớn còn “trả giá”:
- Con rửa chén, bà ngoại cho extra lì xì há?
Nghe hai chị nói, thằng cháu ngoại bốn tuổi cũng lên tiếng “me too”. Đúng là các cháu đáng yêu, biết cách làm cho bà cười vui vẻ mở hầu bao.
Hôm qua mồng bốn, tôi vẫn còn nhận được điện thoại chúc Tết của bạn bè khắp nơi. Có lẽ đó là những lời chúc muộn nhất của Tết Canh Tý. Dù ở xa xôi, bạn bè cũng không quên gọi điện, gửi email, hoặc tin nhắn chúc mừng nhau. Ở ngưỡng cửa thất thập, những lời hỏi thăm chia sẻ của bạn bè rất đáng quý. Mỗi dịp gặp nhau, ngó qua ngó lại, ghế bỏ trống nhiều hơn lần trước, sao không khỏi chạnh lòng! Thế thì, cuộc sống có ý nghĩa gì nếu một ngày ta không nhận được những lời thăm hỏi (từ xa)? Rồi sẽ như “Đường lâu ngày không đi, cỏ sẽ mọc. Người lâu ngày không gặp, sẽ hóa thành người dưng”. Đúng vậy không?
Năm nay, mồng năm Tết khai bút. Tôi vẫn giữ thói quen viết, hoặc ghi lại chuyện gì đó để giữ cho trí óc sáng suốt và tinh thần thư thái. Vì nơi đây đường xa dịu vợi, bạn bè cũ chỉ dăm ba người, gọi điện thoại là tốt lắm rồi. Tôi rất nhớ bạn học và bạn cùng làm việc ở Việt Nam. Nơi đây có láng giềng lịch sự và tử tế nhưng ngôn ngữ bất đồng, không thể nói cười nhí nhố như với bạn thân được. Cảm ơn Thượng Đế ban cho tôi sức khỏe để mỗi ngày còn thấy yêu đời khi nghe tiếng chim hót trong ánh nắng ban mai, và nhìn bóng hoàng hôn cùng áng mây chiều lãng đãng trôi...
Qua khung cửa sổ, ngoài kia cây cối vẫn trơ cành, chỉ có những hàng thông xanh lá. Bầu trời mùa Đông Virginia mây xám và gió lay động những nhánh cây khô. Không khí tĩnh lặng như mọi khi, như không biết Tết vừa mới qua đây.
Hồ Thị Kim Trâm