Thế hệ Nông Lâm Súc Bảo Lộc của những niên khóa 1965-1970 không ai mà không nhớ biệt danh dễ thương mà học trò chúng ta gọi riêng cô giáo dạy Pháp văn, cô Nguyễn Thị Kim. Từ lâu chúng ta không có được thông tin nhiều về cô. Hôm nay tôi muốn chia xẻ với các bạn những giây phút gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy ấp thân tình cô trò.
Tôi được học cô 3 năm liên tục nên tôi nhớ cô rất rõ. Hồi đó cô cắt tóc ngắn như búp bê, khi lên lớp cô thường mặc áo dài trắng eo rất thon, lúc nào cũng khoát chiếc áo len mỏng. Cô rất hiền, luôn nở nụ cười thật tươi, dù chúng tôi có nghịch phá hay lười biếng cũng không thấy cô quở trách, mà cô chỉ nhỏ nhẹ khuyên bảo. Vì vậy chúng tôi yêu kính cô hơn là nể sợ và cũng vì vậy mà môn Pháp văn cô dạy tôi nhập tâm nhiều hơn. Sau này học anh văn là sinh ngữ phụ, tôi vẫn quen miệng: Oui! Mademoiselle.
Ngày xưa trong lớp, tôi cũng chỉ là một học trò bình thường như bao nhiêu học trò của cô. Đến lúc đi làm việc, tình cờ tôi quen anh Nguyện, cán bộ Ty Nông Nghiệp Lâm Đồng là cháu của cô. Qua câu chuyện thăm hỏi bây giờ tôi mới cảm thấy mình thân thương cô hơn. Nghe kể sau khi chuyển về Sài Gòn, cô lập gia đình rồi định cư ở Mỹ trước năm 1975. Mãi đến năm 1995 anh Nguyện cho tôi hay tin cô về thăm quê hương. Tôi xin phép được đến thăm cô, tôi gặp đứa con gái nhỏ của cô lúc ấy khoảng 15, 16 tuổi thật xinh đẹp. Cô bé không biết nói tiếng Việt. Cô bảo tôi có thể nói chuyện với em bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp cũng được. Tôi xấu hổ chỉ biết cười và bập bẹ mấy câu xã giao đơn giản. Riêng cô đã hỏi thăm tôi rất nhiều về thầy cô và học trò NLS Bảo Lộc. Tình cờ năm đó anh Lê Văn An TL68, chồng chị Nguyễn Thu Thanh MS70, mới mất, tôi đưa cô đến thăm gia đình chị Thu Thanh. Cô còn gửi số tiền gọi là ủng hộ các em trong sinh họat. Sau đó mỗi đầu năm cô đều nhờ anh Nguyện chuyển cho chúng tôi số tiền ủng hộ họp mặt. Một thời gian sau, anh Nguyện cùng gia đình đi định cư. Tôi lại bặt tin cô.
Vào khoảng năm 2005, cô có dịp về Sài Gòn. Lần này anh Châu Kim Đính KS NLM cho tôi biết tin. Tôi vui mừng chạy vội đến cô vào một buổi sáng sớm. Lúc đó gia đình cô chuẩn bị đi du lịch nên cô trò chỉ kịp trao đổi mấy câu thăm hỏi. Dù vậy tôi cũng thấy rất vui vì được gặp cô giáo của mình. Cô không quên nhờ tôi chuyển lời hỏi thăm quí thầy cô và bạn bè NLS vì cô không có thời giờ để gặp gở mọi người dù trong lòng cô luôn nhớ. Thỉnh thoảng tôi liên lạc qua email với cô. Được biết cô đã nghỉ hưu, và cô đã có một đứa cháu ngọai, xin chúc mừng cô.
Tháng 10-2009 cô gởi cho tôi mấy tấm ảnh tư liệu thật quí. Ảnh chụp cô và học trò NLS trong họp đoàn Vạn Hạnh. Ảnh cô chụp ở bờ hồ Bảo Lộc hơn 40 năm trước và tấm hình mới nhất cô chụp ở Mỹ. Chúng tôi đã chọn tấm ảnh cô chụp năm xưa để in vào Kỷ Yếu. Tôi hứa sẽ gởi tập Kỷ Yếu tặng cô. Nhưng cô bảo đừng gởi. Để Tết cô về Sài Gòn, cô gặp em.
Sau ngày 01-01-2010, tôi loay hoay mãi không còn nhớ gì nữa. Chợt sáng nay đang lướt qua các thư mục trong email thì dòng chữ “cô mong gặp em” làm tôi xúc động. Tôi nhấp vội con chuột và đọc nhanh mail của cô. Cô đã về đến Sài Gòn, cô nhắn tin muốn gặp tôi, cô cho số điện thọai…. Tôi reo lên: “Ôi! cô đã về”. Tôi nhấc điện thọai gọi ngay. Bên kia đầu dây có tiếng trả lời: Cô không có ở đây. Tôi chưa kịp thất vọng thì đã nghe tiếp: hảy gọi đến số này… Tôi vội cám ơn. Gọi tiếp: Lần này thì chính cô nhấc máy. Cô trò mình gặp nhau nhé. Dạ… Em hãy đến… cô chờ… Dạ em đến ngay. Đặt điện thọai xuống, tôi thay áo lấy xe đi ngay, sợ cô chờ. Tôi kịp lấy cuốn Kỷ Yếu và mấy cuốn album hình họp mặt NLS các năm gần đây đem cho cô xem. Đi được một đọan đường tôi mới chợt nhớ mình quên đem theo máy ảnh để chụp với cô vài tấm hình kỷ niệm. Quay trở lại thì sợ chậm trễ cô chờ. Thôi thì đành vậy. Và tôi đến chỗ hẹn trước. Tiệm phở 5 sao đường Cao Thắng. Tôi ngồi chờ cô mà lòng rộn vui. Nhìn qua lớp cửa kính, tôi nhận ra dáng cô từ xa. Ôi! cô giáo của tôi.
Vẫn giản dị, hiền hòa thân thương. Tôi ra đón cô. So với lần gặp trước đây tôi thấy cô khỏe và trẻ ra. Tôi nói ra nhận xét này thì cô cười nói có lẽ bây giờ nghỉ hưu, không phải đi làm nên cô thoải mái. Cô bảo tôi chọn món ăn, cô mời. Tôi hạnh phúc như đứa học trò nhỏ được nuông chiều. Tôi gọi một tô phở nhỏ và một ly sữa kem. Còn cô chỉ gọi một ly cam tươi và câu chuyện bắt đầu:
Tôi tranh thủ giới thiệu sơ lược cuốn Kỷ Yếu. Cô có vẻ rất thích thú, lướt qua danh sách, hình ảnh các Thầy Cô … Bất chợt cô kêu lên: “Sao các em viết tên cô họ Lê, cô họ Nguyễn mà”. Ôi chết rồi! một sự sai lầm không tha thứ được. Sau khi phát hành Kỷ Yếu chúng tôi biết có rất nhiều sai sót. Nhưng viết sai tên họ của cô giáo mình thì thật quá tệ, bây giờ biết đổ lỗi cho ai? Tôi xin lỗi, cô cười dễ dãi: Không sao đâu em. Lướt qua vài trang nữa cô lại phát hiện sai sót của ban biên tập, điều này thì chúng tôi đã biết trước nên không ngạc nhiên, nhưng trong lòng khâm phục trí nhớ của cô. Vì cô nhận ra trong Kỷ Yếu in nhầm hình chị Lâm Thị Cúc mà ghi tên và địa chỉ của chị Dương Thị Cúc. Thì ra chị Lâm Thị Cúc là học trò ruột của cô. Tôi kể cô nghe hôm tháng 10-2009 hai anh Vương Đình Ánh và Bùi Đức Thắng về Sài Gòn có mời nhóm bạn NLS ăn tối. Hôm đó chị Lâm thị Cúc có hỏi tôi địa chỉ mail của cô. Chị nói chị không quen sử dụng vi tính nhưng sẽ nhờ con chị mail thăm cô.
Cô rất vui khi nhìn lại tương đối khá đầy đủ những khuôn mặt thầy cô và học trò NLS, cô hỏi thăm từng người mà cô nhớ. Tôi cũng đưa cô xem album hình họp mặt hàng năm, đặc biệt là ngày 01-01-2010. Cô khen ngợi tình đoàn kết NLS Bảo Lộc chúng ta.
Thời gian qua thật nhanh, cuộc hàn huyên chưa thỏa thì đã đến lúc cô phải đi. Cô nhắn tôi gửi lời thăm thầy Châu Kim Lang, thầy Phạm Phi Hòanh, thầy Hồ Phước Hải… thăm cô Nguyễn Nguyệt Yến, cô Võ Thị Vân…, thăm tất cả học trò của cô mà tôi gặp. Tôi cũng giới thiệu với cô trang nhà nlsbaoloc.info. Mong rằng cô sẽ tìm được nhiều niềm vui. Chúc cô luôn vui khỏe, an lành. Mong gặp lại cô một ngày thật gần
Học trò của Cô,
B.T.Lợi, MS 71