Quá khứ có những thăng trầm, có lúc đầy nhọc nhằn nhưng cũng có lúc thật êm đềm. Có lẽ qua thời gian ký ức của ta chỉ thích giữ lại những gì an vui, đẹp đẽ và cố dần quên đi những gì ta không vừa ý. Và hình như ký ức cũng tìm cách thi vị hóa những sự việc trong quá khứ để chúng lắng đọng trở thành những kỷ niệm thú vị khó quên của đời ta.
 
     Việc quay về với quá khứ để được sống với kỷ niệm, có lẽ là một điều hết sức tự nhiên của đời người. Và chính với ý hướng đó chúng ta tìm về với nhau, cùng tìm lại những nơi ghi lại dấu chân ta ở những ngày xa xưa. Xa hơn chút nữa, chúng ta gợi nhớ lại những gì đã xảy ra vào thời ấy nhưng với một tâm hồn thanh thản, vị tha hơn và trong tâm tình tràn đầy yêu thương cùng sự thân thiết gắn bó. Hình ảnh chốn cũ, Hoàng Hoa lộ, Đỗ Mai lộ, Đại Thính Đường, Lưu Xá E, Câu Lạc Bộ, Quán Chị Tráng… v…v… đã được chúng ta nhắc đến như những huyền thoại. Hình ảnh của người bạn đồng môn, nhân viên nhà trường, thầy cô giáo dần dần được nhắc lại, đem lại cho nhau làn hơi ấm trong tuổi sắp hay đã xế chiều.
 
     Khởi đầu, với tâm tình của người hoc trò cũ, qua Đặc San 2007, Vương Thế Đức đã gợi lại hình ảnh cùng những kỷ niệm vui buồn cũng như thân tình với hai người thầy đã vĩnh viễn ra đi, đó là các anh Nguyễn Thanh Vân và Nguyễn Viết Huyền. Tiếp đến, trên Trang Nhà và Đặc San 2008, anh đã viết một loạt bài về các Thầy Cô khác mà anh vẫn còn có dịp liên lạc với họ. Tiếp sức, Nguyễn Triệu Lương cũng đã ghi lại những gì còn đọng lại trong ký ức của mình về hai người cô đó là cô kỹ sư Võ thị Thúy Lan và Võ thị Vân. Đồng nhịp, anh Từ văn Trường, môt cựu học viên khóa I và về sau là Giáo sư phục vụ tại trường, qua bài viết của anh, anh đã góp thêm trong việc nhắc lại gần như khá đầy đủ về quí vị nhân viên phục vụ tại trường,  kèm theo những nét đặc thù của mỗi vị. Tiếp nối, theo chân các đàn anh, chị Bùi thị Lợi với tấm lòng một mực thương kính thầy cô và sự quí mến bạn bè đã được thể hiện qua việc làm của chị bấy lâu nay; chị đã không ngần ngại, bỏ công tìm mọi cách để tiếp cận với các thầy cô giáo cũ, thăm hỏi chuyện trò, và qua đó chị đã khéo sắp xếp ghi sơ lược về cuộc đời, sự cống hiến cũng như tình cảm tốt đẹp của riêng chị cũng như của tập thể NLS Bảo Lộc vẫn còn giữ được về họ.
 
     Một bài viết của chị trong tâm tình tôn kính, tưởng nhớ về Bác sĩ Đặng Quang Điện, người đã khai sinh và nhiều năm trực tiếp điều hành hệ thống Trung học chuyên nghiệp NLS,  bài viết ấy đã được xếp vào danh sách 10 bài được đọc nhiều nhất dù chỉ mới được đăng vào những tháng gần đây. Trong loạt bài về Thầy Cô của chị, chị viết về những thầy cô đã để lại nhiều dấu ấn đẹp và đậm nét cho Trường NLS Bảo Lộc như thầy Châu Kim Lang, thầy Phạm Phi Hoành, cô Nguyễn Nguyệt Yến, thầy Trần ngọc Xuân. Loạt bài của chị đã được dần đăng trên Trang Nhà của Hội và bài nào cũng được đọc giả đón nhận nồng nhiệt với số lần đọc khá cao. 
 
     Để nói lên sự hâm mộ của đồng môn đối với chị Thái thị Tốt, có bạn đã không ngần ngại phát biểu “Những ai không biết Thái Thị Tốt, không phải HV-NLS Bảo Lộc!” Tôi nghĩ câu nói đó cũng rất đúng với chị Bùi Thị Lợi. Quả thế, từ những năm trước, khi bầu trời chưa được quang đãng lắm sau cơn ba đào của vận nước, chị Bùi thị Lợi đã cùng một số anh chị em có lòng đã tìm mọi cách để tổ chức ngày họp mặt hằng năm của anh chị em NLSBL.  Trong buổi giao thời, lòng người xao xuyến, có cơ hội gặp mặt nhau, nói với nhau đôi lời để đem lại chút niềm tin, là điều thật sự hết sức cần thiết! Một việc làm khởi nguồn từ sự cần thiết tìm lại tình người trong hoàn cảnh suy thoái đạo đức, quả đã nói lên được ý nguyện chung, do đó, càng ngày đã được anh chị em tìm về với nhau trong ngày họp mặt càng đông hơn, và đã trở thành một ngày thông lệ hàng năm! Riêng những anh chị ở nước ngoài có dịp trở về thăm quê nhà và muốn gặp bạn bè cũng được chị Lợi sẵn lòng tiếp đón và thường là mối dây cho các cuộc gặp gỡ. Chị đã có ít nhất đôi lần gặp chúng ta tại xứ Cờ Hoa nầy. Những chuyến trở lại mái trường xưa trước đây đều có sự đóng góp tích cực của chị, và khi chúng ta có Trang Nhà dot.com, rồi thêm dot.net thì những tin tức về trường, về bạn… qua ngòi bút của Bùi Thị Lợi đã đến với chúng ta khá thường xuyên. Trang nhà càng ngày càng nhận được nhiều bài viết cũng như hình ảnh từ các bạn ở quê nhà, trong số ấy có hai cây bút rất khỏe đã liên tục viết bài cho trang nhà không mệt mỏi, đó là anh Bùi Tho (Bảo Lộc) và chị Bùi thị Lợi (Sàigòn). Trang nhà rất trân trọng sự đóng góp của quí vị.
 
     Vừa mới đây, chúng tôi nhận được bài viết của chị về ông Hà văn Thân, cựu Giám Đốc Nha Học Vụ NLS. Tôi nghĩ chị Bùi thị Lợi biết nhiều về Ông Hà văn Thân không qua liên hệ thầy trò trước đây mà do sự tiếp xúc về sau nầy trong những lần thầy trò họp mặt, đặc biệt là giai đoạn ông ấy ở Pháp thường hay đi về và mỗi năm lưu lại ở Việt Nam khá lâu. Thật tình tôi cũng không biết nhiều về ông ấy, tuy rằng, giữa chúng tôi là anh em cô cậu ruột. Từ quan hệ ruột thịt ấy tôi xin ghi thêm những điều biết về Ông Thân cho vui, mặc dầu tin tức có được cũng chỉ do người trong gia đình nói lại thôi.
 
     Ông Bà ngoại tôi người Huế, thuộc loại phú nông, có 4 người con trai đầu và 2 cô con gái cuối. Thân phụ ông Thân là người con trai thứ tư, và thân mẫu tôi là con gái út. Cậu tôi được gởi ra Hà-Nội học về Thú Y. Sau khi ra trường ông được bổ dụng vào miền nam, có lẽ vì ở Huế và các tỉnh lân cận không có nhu cầu. Tại vùng đất miền nam trù phú nầy, cậu tôi kết hôn với một người con gái thuộc gia đình giàu có, nhưng cậu tôi, thân sinh của ông Thân, trở nên rất giàu là do vợ chồng biết cách làm ăn cùng với vận hên trời cho. Đã giàu, trời lại giúp thêm, Cậu Mợ tôi trúng lô độc đắc vé số Đông Dương 100 ngàn đồng. Đây là số tiền lớn kinh khủng so với vật giá sinh họat thời bấy giờ (lương một người thư ký chỉ khoảng 4 đồng một tháng). Câu mợ tôi đã dùng hầu hết số tiền đó mua ruộng, vì vây, ông có một số ruộng đất rất lớn. Nghe má tôi nói lại, hình như ông có khoảng 5-7 ngàn mẫu ruộng, phần lớn nằm ở Cần Thơ và Sóc Trăng. Sau nầy một phần bị truất hữu mua lại bởi chính sách người cày có ruộng của chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà. Sau cuộc đổi đời, mất sạch, công khố phiếu không được thanh toán, đất điền bị trưng thu, liệu con cháu của cậu tôi có còn được một xẻo nào để dung thân không? Không khéo lại còn bị khép vào tội địa chủ bóc lột!
 
     Lúc tôi khoảng 7 tuổi, cậu tôi có lên Đà-Lạt thăm ba má tôi. Ở thời kỳ đó mà cậu tôi đi xe hơi Ford mới toanh thật oai vệ. Thời gian ấy câu tôi có quốc tịch Pháp. 
 
     Ông Hà Văn Thân du học tại Pháp rất sớm và sống tại đó khá lâu. Ông hấp thụ tính thẳng thắng của người cha và tính hiền hòa nhân ái của người mẹ nên tính tình của ông ấy trung thực và hiền hòa. Không phải chỉ lúc nầy, mà ngay trong thời gian dạy học hoặc trong thời còn đang giữ những chức vụ Giám Đốc hay Tổng Giám Đốc, ông hết sức bình dân. Sự  hiền hòa của con người Miền Nam, lại hấp thụ một nền văn hóa tuyệt vời của Pháp khiến ông trở thành một con người phóng khoáng và rất dễ  mến. Tôi nghĩ đó là lý do trong thời kỳ giá trị đạo đức bị xem rẻ, tình nghĩa dễ dàng cho xuống ống cống, và ông bị chánh sách ngược đãi thì ông vẫn được những người quanh ông quí mến tận tình giúp đỡ.  Không phải một lần mà nhiều lần với những con người và hoàn cảnh khác nhau. Những mẫu chuyện ông Thân kể lại với chị Lợi phản ánh phần nào con người của ông, đồng thời cũng nói lên tâm tình con người NLS Bảo Lộc đầy tình nghĩa của chúng ta.
 
     Xin góp thêm đôi điều và trân trọng giới thiệu đến quí vị bài viết của chị Bùi Thị Lợi. Với sự tích cực đóng góp và lòng thương quí đặc biệt về trường và tập thể NLSBL, chắc chắn chúng ta sẽ được đọc thêm nhiều bài khác của chị. (Gurnee, Mar.18.2009, Lục Phan, Trang Nhà)   

MỘT CÕI ĐI VỀ 

Còn nhớ lần đầu tiên tôi được anh Nguyễn Khoẻ mời đến nhà dự tiệc tất niên mừng Thầy Hà Văn Thân ở Pháp về thăm quê hương (Đó là khỏang cuối năm 2000). Một buổi chiều tôi đi với chị Ngô Anh Thuấn tìm theo địa chỉ trong thư mời. Nhà anh Khoẻ ở mãi Quận 9, một vùng ngoại thành hẻo lánh, qua khỏi khu vực Cát Lái, xa ơi là xa .... Hai bên đường đồng ruộng mênh mông hoang vắng, chúng tôi đi mãi, đi mãi... phải hỏi thăm hai ba lần mới tìm được nhà. Nói là nhà chứ kỳ thực là xưởng sản xuất bàn ghế bằng sắt, inox. Cơ sở rất rộng, có ao cá vườn cây rất thoáng mát và một căn nhà nho nhỏ xinh xinh.

 Nghe nói Thầy định cư ở Pháp, thỉnh thoảng về Việt Nam nghỉ ngơi. Thầy không còn người thân ở Sài Gòn, mỗi lần về Thầy ở nhà anh Nguyễn Khoẻ là một cựu học sinh NLS Bảo Lộc (68-69). Với Thầy, anh Khoẻ không là bà con họ hàng nhưng đặc biệt có một mối ân tình sâu nặng với Thầy, nghe nói ngày xưa Thầy đã giúp anh Khoẻ một việc gì đó. Còn chuyện anh Khoẻ lên trường NLS Bảo Lộc cũng là một cơ duyên kỳ ngộ lý thú. Năm đó Thầy làm Chánh Chủ Khảo ở Huế, tình cờ quen anh Khoẻ trong một quán bún bò, nghe anh Khoẻ có ý muốn vào Sài Gòn học ngành NLS, Thầy bèn giới thiệu cho anh Khoẻ lên Bảo Lộc thi tú tài NLS. Và ở đây anh Khoẻ lại có một món nợ đời với Thầy Phạm Phi Hoành (tôi sẽ kể chuyện này cho các bạn nghe sau) mà mãi đến bây giờ khi nhắc đến Thầy Hoành, anh Khoẻ cười rất vui và nói nếu như ngày xưa Thầy Hoành cho anh Khoẻ thêm ½ điểm nữa thì cuộc đời anh Khoẻ chắc không thành đạt như bây giờ.

Trở lại câu chuyện về Thầy Hà Văn Thân. Thầy quê ở làng Thạnh Thới An Tỉnh Sóc Trăng. Ông ngoại của Thầy là người có công tiên phong thành lập làng. Ba của Thầy học ngành Thú Y ở Hà Nội, nghe kể nhờ trúng số độc đắc nên có tiền mua một lô đất dài 2 km ở mặt tiền đường, Thầy trở thành con địa chủ. Năm 1947 Thầy sang Pháp du học, được Ông Tỉnh Trưởng Sóc Trăng là người Pháp cho ở trọ. Đến năm 1957 Thầy được Ông Châu Tâm là ba của Thầy Châu Tâm Luân bấy giờ làm Tổng Thư Ký Bộ Canh Nông mời Thầy về nước làm việc cho Bộ. Thầy được tuyển dụng về Nha Học Vụ NLS lúc ấy đặt tại garage của Văn Phòng Bộ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thầy được diện kiến với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thầy rất có uy tín, nếu cần đi Pháp để báo cáo trực tiếp công việc Thầy chỉ cần đề xuất là được chấp thuận cho đi ngay. Nhưng đề án cơ giới hoá Đồng Tháp Mười do Thầy phụ trách bị Mỹ phản đối vì Mỹ không muốn Việt Nam lệ thuộc kỹ thuật máy móc của Pháp.

Cùng thời điểm này Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục B'lao bãi khoá biểu tình chống đối Bộ Nông nghiệp rút bớt tiền học bổng. Để giải quyết vấn đề, Bộ quyết định cho Khoá I đi tập sự và Thầy Hà Văn Thân hướng dẫn khoá I, Thầy ký sự vụ lệnh và phát học bổng cho khoá I, Thầy dạy môn Nông Cụ Cơ Giới cho các khoá II, III, IV .. Thầy xem các anh chị như bạn, những lúc rổi rảnh Thầy hay rủ các anh đánh cờ.

Đến năm 1961 Thầy có quyết định đi Mỹ tu nghiệp. Kể đến đây Thầy cười nói lúc ấy muốn đi Mỹ phải mua sắm áo lạnh tốn kém Thầy do dự không muốn đi, cuối cùng bị động viện khoá 12 Thủ Đức. Tốt nghiệp khoá học quân sự Thầy về Nha Chiến Tranh Tâm Lý ở Thị Nghè. Đến năm 1965, giải ngũ Thầy lại trở về Nha Học Vụ NLS bây giờ đã chuyển qua số 9 Mạc Đỉnh Chi. Thầy giữ chức vụ Chánh Sự Vụ phụ trách cấp Trung Đẳng và Sơ Đẳng. Thầy Đặng Quan Điện phụ trách cấp Cao Đẳng

Năm 1967 Thầy đi Mỹ học ngành Farm Machinery, nhưng mới một năm Thầy lại được triệu tập về nước để giải quyết một số việc nội bộ. Số là Thầy phụ trách việc lương bổng cho tất cả các trường NLS, nên khi có biến cố 1968, tướng Nguyễn Cao Kỳ cải tổ hành chánh, Thầy phải về thu xếp ... Thầy tiếp tục làm việc ở Nha Học Vụ NLS đến cuối năm 1974. Đầu năm 1975 thì chuyển qua Tổng Nha Nông Nghiệp. Một lần nữa Thầy cười nói: Thầy làm Tổng Giám Đốc Tổng Nha Nông Nghiệp có 4 tháng mà phải đi học tập cải tạo 3 năm.

Thầy lập gia đình năm 1960, Thầy có 2 con trai, 1 con gái và 2 cháu ngoại. Tất cả đều định cư ở Pháp. Một người con trai của Thầy hiện làm công tác Ngoại Giao cho Pháp ở Bờ Biển Ngà. Thầy gọi mẹ của Thầy Phan Bá Sáu là cô ruột. Hoa hậu Hà Kiều Anh là cháu gọi Thầy là ông Chú.

Thầy có 1 người con nuôi là người Miên làm công tác Miên vận chức vụ Đại Tá Thượng Nghị Sĩ chế độ VNCH nên khi Thầy đề xuất xây dựng một trường NLS ở Sóc Trăng là được chấp thuận ngay. Vì Sóc Trăng là vựa lúa của đồng bằng Nam bộ nên thầy muốn thành lập 1 trường Cao Đẳng NLS ở đây. Rất tiếc trường chưa được xây xong thì giải phóng.

Thầy đi học tập 3 năm, chuyển qua nhiều trường trại, có rất nhiều kỷ niệm vui buồn mà luôn có sự hiện diện của học sinh NLS Bảo Lộc. Thầy kể lại cho chúng ta nghe:

- Đầu tiên ở trại Long Thành. Mấy tuần đầu còn bán những tư trang mang theo như đồng hồ, nhẫn ...Vài tháng sau là bắt đầu lo đói. Một hôm có một anh cán bộ trẻ tự xưng là học sinh NLS chào Thầy, hỏi Thầy có cần giúp đỡ gì không? Thầy nói muốn gửi thư về nhà xin tiền. Anh ta hứa giúp. Đêm đó Thầy vừa mừng vừa lo, không biết có kết quả gì không? Sáng hôm sau xuống căn tin, gặp anh ta tươi cười mời Thầy bát phở nóng và chuyển cho Thầy 50 ngàn đồng gia đình gửi. Thầy mừng ơi là mừng, Thầy nói có đi học tập mới biết cái đói thật là khủng khiếp.

- Sau đó Thầy được chuyển ra trại Thanh Cẩm - Thanh Hoá. Một buổi chiều Thầy thấy buồng bên cạnh có người ngoắc mình (Buồng được ngăn chia thành phần người ở, cho phép nói chuyện chứ không cho qua lại). Anh ta giới thiệu là học sinh Cao Đẳng Nông Nghiệp. Anh dặn Thầy sáng đi lao động nhớ đưa tay ra hiệu cho anh ta thấy để chiều về anh đem thức ăn về cho Thầy, vì anh ta lao động nặng được phần ăn nhiều hơn nên sẽ để dành cho Thầy bồi dưỡng thêm.. Thật cảm động và thắm thía câu nói: một miếng khi đói bằng một gói khi no.

- Đến khi được thả về Sài Gòn, lần đầu tiên được anh Khoẻ mời Thầy ăn món gà hầm thuốc bắc để tẩm bổ quá ư là sung sướng nhưng Thầy vẫn nhớ mãi những xẻ chia ngọt bùi trong thời gian học tập.

Cải tạo về Thầy làm việc ở Công Ty Dịch Vụ Kỹ Thuật thuộc hội Trí Thức Yêu Nước, Thầy phụ trách kỹ thuật máy cày, thường phải đi công tác ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Lần đó đoàn về Long An ở lại đêm trong một trường học, cách xa thành phố điều kiện điện nước khó khăn. Nhất là nước thì cực kỳ hiếm, nước để ăn uống còn hiếm thì làm gì có nước tắm. Ăn cơm xong, trời tối, cả đoàn ra sân ngồi hóng mát thì có 1 anh xưng là học sinh NLS Bảo Lộc mời tôi ra nói nhỏ: Thầy vào lấy khăn, em đưa Thầy đi tắm nước mưa cho mát. Còn gì sung sướng cho bằng, buồn ngủ mà gặp chiếu manh, tắm gội xong anh ta còn dẫn Thầy đi ăn cháo vịt. Thật hạnh phúc khi gặp lúc khó khăn Thầy luôn được những học trò NLS giúp đỡ chăm sóc tận tình.

Đến năm 1982 Thầy được cho nghỉ việc vì Ông Giám Đốc cho rằng Thầy có ý muốn đi Pháp. Mà thật vậy, năm 1983 cả gia đình Thầy được Chính Phủ Pháp chấp nhận cho định cư theo diện công dân Pháp. Thầy kể nhờ Ông Phạm Văn Hai chủ hãng dệt Mỹ Á nộp dùm hồ sơ chỉ 1 tuần sau là được duyệt. Thật may mắn, ở hiền gặp lành.

Nhìn lại cuộc đời mình Thầy nói: "Tôi biết ơn các anh em NLS Bảo Lộc đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tiện đây cho tôi gởi đến các anh chị và nhất là anh Khoẻ lời cám ơn chân thành"

Mỗi năm Thầy ở Pháp 3 tháng, về Việt Nam 9 tháng. Thầy vẫn ở nhà anh Nguyễn Khoẻ số 69 Bưng Ông Thoàn, Quận 9. Ở đậy rộng rãi, mát mẻ, yên tĩnh. Thầy và anh Khoẻ vẫn thường tổ chức các buổi liên hoan mời bạn bè NLS tham dự. Bây giờ đường từ trung tâm ra Quận 9 không còn hoang vắng nữa, đồng ruộng đã biến mất thay vào các khu dân cư đô thị mới. Mỗi lần có dịp đến thăm Thầy tôi thường đi nhờ xe hơi của các anh chị NLS nên cũng không còn thấy xa. Nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác của lần đầu tiên gặp Thầy trong buổi tiệc tất niên. Tôi đã chuẩn bị để hát tặng Thầy bài Một Cõi Đi Về. Nhưng không nhớ vì lý do gì tôi đã không hát và cho đến bây giờ mỗi lần nhớ đến Thầy Hà Văn Thân tôi lại nhớ bài hát của Trịnh Công Sơn. Xin chúc Thầy luôn vui khoẻ và mãi bình an hạnh phúc trong Cõi đi về của mình

Bùi Thị Lợi

Cùng Tác Giả / Đề Tài