Tôi đến Trường NLS Bảo Lộc năm 1967 như một người chập chửng vào nghề thì anh Trần Ngọc Xuân đã giắt lưng 10 năm kinh nghiệm! Bây giờ tôi mới biết anh Xuân và tôi cùng một tuổi, con trâu Đinh Sửu. Tuy cùng tuổi con trâu, nhưng có lẽ anh được sinh vào ban đêm hay là sinh ở thành phố nên chẳng có ruộng để phải cày bừa vất vả suốt ngày. Trong khi tôi lại được ra đời ban ngày mà lại ở vùng quê, thành thử từ bé đã có quá nhiều vất vả, ngay việc học hành cũng sình lên xọp xuống không biết mấy lần!
Một người đã trải qua nhiều năm kinh nghiệm, một người mới chân ướt chân ráo vào nghề, nhưng có lẽ tuổi tác xit xoát nhau nên dễ hiểu nhau hơn. Tôi không dám nhận là bạn thân của anh Xuân, vì thời gian sống và làm việc tại trường với nhau không đủ dài, nhưng tôi được phép nghĩ anh đã xem tôi như là một người bạn, và chúng tôi đã có cơ hội chuyện trò vói nhau nhiều lần không những tại Văn phòng mà ngay cả tại nhà anh nữa.
Từ đồng nghiệp cho đến anh chị học viên, ai cũng biết anh Xuân là một thầy giáo mẫu mực. Ngoài lương tâm nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao, anh Xuân là một người thầy thẳng thắng nhưng độ lượng. Anh hiểu và thương quí học viên không chỉ với tư cách của một người thầy, mà có lẻ còn có cả phần nào tình anh em hay cha con nữa kia.
Anh Xuân có cái thú chơi phim ảnh. Lúc bấy giờ phim ảnh cũng là món chơi xa xỉ đấy, nhất là phim màu. Hình như phim màu phải gởi ra nước ngoài để sang thì phải? không biết tôi có nhớ lầm không? Anh Xuân chụp hình, chuyển qua Slide và xem hình nổi rất đẹp. Nhiều lần anh cho xem, tôi rất thích. Tôi dự định bắt chước anh, nhưng tự hẹn rày hẹn mai và chưa bao giờ thực hiện được cả!
Thời gian mới lên trường, tôi và anh Phan quang Định rất thích tập cởi ngựa. Muốn cởi ngựa chúng tôi phải mua mấy kilo đường tán, và phải có bộ yên ngựa. Muốn có yên ngựa phải xin phép thầy Xuân. Có nhiều em học viên cởi ngựa không có yên như thổ dân da đỏ! Nhiều lần tôi nhờ các em học viên chuyển lời tôi đến thầy Xuân để mượn bộ yên cương. Vì cái thói thích cởi ngựa nầy mà anh Định đã bị ngựa cho té lăn cù tưởng đã gãy xương. Còn tôi, trong một lần khác, nhờ lanh tay đánh đu được trên cành cây thoát nạn!
Thời gian thụ huấn quân sự 9 tuần ở Lam Sơn, tôi và anh Xuân cùng chung một Đại đội 273. Tôi nhớ một buổi chiều, sau khi đi tập ở ngoài bãi về, chúng tôi được lệnh tập họp ngoài sân trại để nghe vị Chỉ huy phó Trại Huấn Luyện nói chuyện.
Hình như ông ta là Trung tá Thiên thì phải, ông chỉ nói chuyện tiếu lâm cho anh em khóa sinh chúng tôi đở buồn thôi. Chúng tôi ngồi bệt xuống đất theo hàng ngũ ngay ngắn, ông ta vừa đi đi lại lại vừa nói chuyện, bổng nhiên thấy ông tiến sát lại gần hơn và hơi cúi xuống để nhìn, rồi cười vui vẻ và nói: " Toi đó à, Xuân''. Anh Xuân cho tôi biết ông ta là người cùng xóm với anh ở Sài gòn chứ chẳng bà con chi. Nhưng bắt đầu ngày hôm sau, đại đội chúng tôi được sỹ quan đại đội đối xử dễ dàng hơn nhiều!
Nhân đọc bài viết của chị Bùi thị Lợi về anh Trần Ngọc Xuân làm tôi nhớ đến anh, một đàn anh, một người bạn đáng kính. Hy vọng một ngày nào đó tôi được cầm tay anh, nhìn anh để biểu lộ lòng quí mến của tôi đối với anh.
Gurnee Feb.09.2009
Lục Phan
Nhớ Mãi Buổi Chiều Xuân
Khoảng thập niên 2000. Mỗi khi có dịp đi qua khu vực Quận 7 tôi vẫn nhớ trong địa chỉ NLS là nhà Thầy Trần Ngọc Xuân ở gần đâu đây, nhưng mãi vẫn không có cơ hội ghé thăm. Mỗi lần họp mặt ngày 1 tháng 1 gặp Thầy, tôi lại nghe câu mời: "Hôm nào rảnh mời các em ghé nhà tôi chơi". Và cứ thế .... Mấy năm gần đây không được gặp Thầy thường xuyên nữa, nghe nói Thầy bận chăm sóc bà mẹ già tuổi ngoài 90 nên không tiện dự các buổi họp mặt.
Khoảng thập niên 2000. Mỗi khi có dịp đi qua khu vực Quận 7 tôi vẫn nhớ trong địa chỉ NLS là nhà Thầy Trần Ngọc Xuân ở gần đâu đây, nhưng mãi vẫn không có cơ hội ghé thăm. Mỗi lần họp mặt ngày 1 tháng 1 gặp Thầy, tôi lại nghe câu mời: "Hôm nào rảnh mời các em ghé nhà tôi chơi". Và cứ thế .... Mấy năm gần đây không được gặp Thầy thường xuyên nữa, nghe nói Thầy bận chăm sóc bà mẹ già tuổi ngoài 90 nên không tiện dự các buổi họp mặt.
Tôi và chị Thuấn cứ nhắc nhau: mình phải sớm qua thăm Thầy và Bà Cụ. Vậy mà năm 2005 Bà Cụ mất, chúng tôi vô tình không hay biết, sau này mới nghe Thầy nói vì ngại làm phiền anh em NLS nên Thầy không báo tin. Thật Thầy làm tụi em có lỗi quá. Đến năm 2006 chị Lê Thị Nhài về thăm nhà, nhờ tôi tìm địa chỉ của Thầy, tôi mới biết Thầy không còn ở đường Trần Xuân Soạn nữa mà đã chuyển qua đường số 20 ở Quận 7. Thời gian gần đây Thầy nói sức khoẻ mình kém nên không muốn đi lại nhiều. Thỉnh thoảng tôi vẫn liên lạc với Thầy qua điện thoại và qua sinh hoạt anh chị khoá 1 Nông Lâm Mục. Thú thật đường qua Quận 7 không xa, nhưng tôi rất ngại mỗi khi có việc đi một mình qua đó. Và rồi một ngày cuối năm cơ duyên lại đến. Tôi có đứa cháu theo chồng về Quận 7. Đến thăm nhà đứa cháu, tôi chợt nhớ và nhờ đứa cháu chỉ đường tìm đến nhà Thầy.
Quận 7 bây giờ đường phố thay đổi nhiều quá. Ruộng đồng đã trở thành đô thị. Vùng bên kia là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, nhà cao tầng san sát nhìn như một góc Singapore thu hẹp. Thật là một vùng ngoại ô trù phú. Tôi tìm được nhà Thầy dễ dàng và thật may mắn: Thầy có nhà. Trước khi đi tôi đã cẩn thận gọi điện thoại báo tin, nhưng Thầy đi vắng không ai nhấc máy. Dù vậy tôi vẫn nhũ mình cứ đến, nếu không gặp Thầy thì lần sau mình trở lại. Và thật là duyên may, tôi đang dáo dác tìm số nhà thì Thầy ra mở cửa. Tôi suýt không nhận ra Thầy. Bẳng đi mấy năm không gặp, không ngờ Thầy tôi thay đổi quá nhiều. Tôi cất tiếng thưa: "Em chào Thầy ạ". Thầy nhận ngay ra tôi. Thầy thoáng bối rối vì cuộc viếng thăm bất ngờ của tôi. Tôi cũng bàng hoàng vì những nét đổi thay của Thầy. Thầy gầy, tóc cắt ngắn nhưng vẫn bạc phơ. Thầy không còn đeo cặp kính trắng như mọi khi, chỉ có giọng nói trầm ấm của Thầy là vẫn vậy.Thầy nói trong nhà chật hẹp, nóng nực nên đem ghế ra trước sân, dưới bóng mát của cây điệp vàng, hai thầy trò ngồi hàn huyên. Bây giờ tôi mới biết Cô đã đi dịnh cư ở Mỹ. Thầy ở lại với cô con gái duy nhất và 2 đứa cháu ngoại xinh xắn có nhà ở gần đó. Một điều thú vị là Thầy vẫn còn sử dụng chiếc xe hơi hiệu La Dalat mua lại của Thầy Đặng Quan Điện từ năm 2000 đến nay vẫn chạy tốt. Thầy hứa hôm nào có dịp sẽ chở các em học sinh NLS Bảo Lộc đi một vòng Sài Gòn Chợ Lớn. Bạn nào muốn đi thì đăng ký với Thầy nhé.
Khi nghe tôi nói muốn viết một bài về Thầy, Thầy ngập ngừng từ chối. Thầy nói mình không có gì xứng đáng để viết. Tôi cố thuyết phục Thầy rằng nhiều bạn bè ở xa không có dịp về VN, rất nhớ Thầy, muốn được biết chút thông tin về Thầy. Cuối cùng Thầy xiêu lòng. Thầy nói sẽ nhắc lại sơ lược quảng đường đời Thầy đã đi qua nghe cho vui thôi. Rồi Thầy sẽ viết những cảm nghĩ của mình đối với trường và học trò NLS Bảo Lộc gởi cho tôi sau. Ôi, tôi cũng chỉ mong được như vậy. Và Thầy kể:
Thầy sinh năm 1937 tại Sài Gòn, học trung học ở Trường Petrus Trương Vĩnh Ký. Năm 1955 đọc báo thấy đăng tin Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục B'lao tuyển sinh khoá đầu tiên. Thầy nộp đơn và thi đậu vào Ban Mục Súc. Sau 3 năm học tập đến năm 1958 tốt nghiệp được bổ dụng về Trường Canh Nông Thực Hành Cần Thơ sau đổi tên là Trường Trung Học NLS Cần Thơ cùng với 2 anh Phan Kỳ Lân (Ban Canh Nông) và Lê Quang Hồng (Ban Thuỷ Lâm). Ở xứ Cần Thơ gạo trắng nước trong, dừa xanh rợp bóng, phụ trách các lớp huấn sự Chăn nuôi nhưng lòng Thầy vẫn nhớ xứ B'lao đồi núi sương mù nên xin chuyển vể trường NLS Bảo Lộc dạy môn Mục Súc và Thực Hành Nông Trại (1964).
Thầy nói đây là khoảng thời gian thú vị nhất trong cuộc đời dạy học của Thầy. Vậy mà đến năm 1968 Thầy lại phải rời Bảo Lộc một lần nữa để về lại Sài Gòn vì không thể cưỡng lại nghị định thuyên chuyễn Thầy về đảm nhiệm chức vụ Chủ Sự Phòng Khảo Thí ở Nha Học Vụ NLS. Có chuyện này Thầy không muốn kể nhưng tôi có nghe: khoảng năm 1969 Thầy được đi tu nghiệp ở Mỹ vế ngành Giáo Dục Nông Nghiệp, Thầy đi qua nhiều tiểu bang, tham quan các trường hướng nghiệp. Sau đó Thầy dạy trường Trung Cấp Nông Nghiệp Thủ Đức. Bản tính hiền lành chân thật, Thầy được học trò yêu kính và đồng nghiệp quí mến. Trong câu chuyện Thầy thường ca ngợi các bạn đồng môn, còn mình thì thật khiêm tốn không muốn kể nhiều về mình. Tôi nghe có lần Thầy được đi cùng phái đoàn các giáo sư Đại học và Trung Học chuyên nghiệp sang Liên xô tham quan về công tác giáo dục nông nghiệp. Đến năm 1985 Thầy xin nghỉ hưu. Từ đó công việc hàng ngày của Thầy là đọc sách báo và vui cùng 2 đứa cháu ngoại.
Tôi xin phép Thầy chụp vài tấm ảnh, Thầy rất sẳn lòng, và chiêu đải tôi ly kem thật ngon. Tôi chào Thầy ra về và hẹn sẽ trở lại để xin bài Thầy viết. Đến mùng 6 Tết, chị Độc Lập gọi rủ tôi đi thăm Thầy. Chị nói trong tập hồi ký của chị cũng có một đoạn viết về kỷ niệm buổi thực hành nông trại đầu tiên với Thầy mà chị muốn đọc cho Thầy nghe. Chúng tôi lại chở nhau sang Quận 7, vì có hẹn trước nên Thầy đã chuẩn bị đón chúng tôi. Thầy đem chiếc xe La Dalat ra dự định chở chúng tôi, nhưng tôi không biết gởi chiếc xe Honda của mình ở đâu nên đành lẻo đẻo chạy theo sau mà lòng ganh tỵ với chị Độc lập được ngồi trên xe với Thầy. Phải công nhận chiếc xe của Thầy được người đi đường trầm trồ vì Sài Gòn khó tìm được chiếc xe thứ 2 như vậy. Thầy muốn đưa chúng tôi sang chơi nhà cô con gái, chị Độc Lập muốn mời Thầy đi ăn món đặc sản của quán ăn ngoại thành. Cuối cùng Thầy quyết định đến siêu thị Lotte, một siêu thị hiện đại mới khai trương ở Quận 7. Thầy nói thức ăn nhanh ở đây ngon mà rẻ, tôi và chị Độc Lập thích thú đi theo Thầy. Thầy nhắc kỹ niệm năm 1969 Thầy sang Mỹ tu nghiệp gặp chị Độc Lập du học bên đó. Đã 40 năm, đi hơn nửa vòng trái đất, bây giờ thầy trò gặp lại nhau chan chứa nghĩa tình.
Bỏ lại ngoài kia cái nắng chiều gay gắt, ngồi trong cửa hàng mát lạnh máy điều hoà mà tôi vẫn thấy ấm lòng. Trong khi chờ đợi chị Độc lập mua bánh mì Hamburger và nước uống, tôi đọc lướt qua những dòng chữ Thầy ghi trong trang giấy học trò mà Thầy viết cho chúng ta. Bây giờ tôi viết lại cho các bạn đọc nhé:
Suốt hơn 30 năm làm nghề giáo, những kỹ niệm mà tôi yêu thích nhất vẫn thuộc về thời gian sống ở bảo Lộc. Khí hậu mát mẻ của núi rừng, hoa lá xanh tươi, với ngôi trường xinh xắn và nhất là trường có chế độ nội trú cho học sinh, nhà giáo viên cũng ở trong khuôn viên trường nên mọi sinh hoạt của Thầy trò gần gủi, thân mật. Đang dạy học ở Cần Thơ, mà nhớ trường Bảo Lộc nên tôi xin chuyển về. Nhưng rất tiếc thời gian tôi dạy ở Bảo Lộc quá ngắn. Năm 1968 nhận quyết định chuyển về Nha Học Vụ tôi rất buồn.
Tôi nhớ một buổi trưa hè năm 1978, tôi vào công viên Tao Đàn ngồi nghỉ trưa, tình cờ gặp một anh cựu học sinh NLS Bảo Lộc cũng vào đây để tránh cái nắng SaiGon gay gắt như đổ lữa trong giờ nghỉ giải lao để rồi lại tiếp tục công việc lao động chân tay. Anh ấy chào tôi. Ban đầu tôi không nhận ra học trò mình vì sau cuộc bể dâu, nỗi vất vả cuộc đời thường đã làm người ta thay đổi nhiều. Trò chuyện với anh tôi được biết tin tức của học trò cũ ở Bảo Lộc ai còn ai mất, ai ở lại Sài Gòn, ai về quê làm ăn, ai tiếp tục công việc, ai ra bán chợ trời... Tôi nhớ từng người một, khuôn mặt, tính tình, có khi còn nhớ cả vị trí của họ ngồi trong lớp nữa. Hình ảnh các em học sinh nô đùa, cười giởn trên giảng đường, trên Hoàng Hoa Lộ đầy ấp hoa vàng hiện ra trong tâm trí tôi. Khác hẳn với những trường khác mà tôi đã dạy. Trường NLS Bảo Lộc gắn bó chúng ta lại như một gia đình lớn. Thắm thoát đã 4 thập niên trôi qua, mà mỗi lần gặp lại nhau chúng ta đều vui vẻ, đối xử với nhau thật tốt. Tình thân thương NLS Bảo Lộc đã được thử thách qua thời gian. Có 1 điều mà tôi xin gởi đến các bạn NLS, đó là khi còn ở trường các em gọi tôi bằng Thầy. Nhưng nay các bạn đã trưởng thành, đã ra đời, xin hảy gọi tôi bằng anh hay bằng chú cũng được. Tôi nghĩ mình chưa xứng đáng...
Thầy ơi, chúng em xin phép đọc cho Thầy nghe câu:" Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Dù học một bài, thực hành nông trại một buổi, chúng em vẫn mãi là học trò của Thầy. Dù cuộc sống bộn bề, lo toan, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, nhưng khi có dịp ngồi lại với nhau thì Thầy trò chúng ta vẫn nhớ hoài những năm tháng cùng sống và học tập dưới mái trường thân yêu.
Nắng chiều đã tắt tự bao giờ, trong cái se lạnh của buổi hoàng hôn, chúng tôi tạm biệt Thầy. Nhìn theo dáng Thầy chúng tôi cảm thấy chạnh lòng. Chị Độc Lập rưng rưng nước mắt, còn tôi cũng nghẹn lời không nói được câu cám ơn Thầy đã tặng cho mỗi đứa một hộp bánh làm quà. Thầy ơi, chúng em ước rằng mùa xuân năm sau lại được đến thăm Thầy, được Thầy dẫn đi ăn Hamburger.... để cho bạn bè gần xa ganh tỵ. Chúc Thầy vui khoẻ an lành.
Và mùa xuân sẽ còn mãi với Thầy như tên gọi Thầy Trần Ngọc Xuân.