Đó là cô giáo của chúng ta. Tên của cô thường được hiểu lầm là tên của một loài chim báo hiệu mùa Xuân về, và mãi đến hôm nay tôi mới được nghe cô giải thích thật ra tên của cô: Yến là ánh sáng, Nguyệt là trăng. Ánh trăng cao nguyên đã một thời dắt chúng ta, cô Nguyễn Nguyệt Yến.

Hiện nay cô vẫn còn ở ngôi nhà trong con hẻm nhỏ đường Trần Quang Diệu, thuộc quận 3. Mặc dù mỗi năm một lần tôi viết địa chỉ nhà cô trên thiệp mời họp mặt NLS đến thuộc lòng, và mỗi lần có dịp đi ngang con hẻm nhỏ tôi thường nhủ: hôm nào mình phải ghé thăm cô. Thế mà sáng nay tôi và chị Ngô anh Thuấn bị lạc đường. Con hẻm đó bây giờ người ta xây cất nhà khang trang quá, cả nhà cô cũng vậy, may mà chị Thuấn còn nhớ nhà cô gần kề một ngõ quẹo nhỏ nữa. Chúng tôi gỏ cửa, và được đích thân cô ra mở cửa. Cô nhận ra chúng tôi ngay và vui vẻ gọi đích danh Ngô Anh Thuấn và Bùi Thị Lợi. Chúng tôi cũng rất vui khi được gặp cô. Nhiều năm trước, cô đều có mặt thường xuyên trong các buổi họp mặt ngày 1 tháng Giêng. Chúng tôi còn nhớ một lần họp mặt tại nhà cô, vào khoảng thập niên 80, lúc đó nhóm bạn NLS ở Sài Gòn mới liên lạc được khoảng vài chục người, đời sống xã hội lúc bấy giờ còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi thấy mỗi lần họp mặt ở nhà hàng tốn kém quá nên nghĩ ra cách mượn nhà ai đó rộng rãi để họp mặt.  Đầu tiên là kéo đến nhà thầy Phan Quang Định, rồi đến nhà thầy Phạm Minh Xuân, kế đến kéo về nhà cô Nguyệt Yến. Nhà cô cũng không rộng lắm, dọn dẹp hết bàn ghế đồ đạc cũng vừa đủ chỗ cho 50 - 60 người, chúng tôi ngồi quay quần dưới nền nhà. Vậy mà vui lắm, hạnh phúc lắm. Thế mới biết tình đoàn kết Nông Lâm Súc Bảo Lộc là tuyệt vời.

Cô nói: mấy năm gần đây, ngày 1 tháng Giêng học sinh NLS Bình Dương cứ đưa xe đến tận nhà đón cô đi họp mặt với tụi nó. Năm nay, cô nhất quyết không đi Bình Dương nữa. Cô sẽ đến với Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Cô đã nhận được thư mời của chúng tôi và cô để ngay trên đầu bàn để nhớ.

Còn chúng tôi cũng có cái lỗi là mấy năm gần đây không thấy cô đi họp nhưng cũng không có dịp ghé thăm cô. Chúng tôi cứ lo lắng không biết sức khoẻ của cô như thế nào. Tôi và chị Thuấn cứ hẹn mãi đến sáng nay mới đi được để đến thăm cô và chúng tôi đã có một buổi trò chuyện rất vui. Tôi chợt có ý nghĩ ghi lại để kể với các bạn.

Cô của chúng ta sinh năm 1934 tại Chợ Lớn. Lúc nhỏ cô học tiểu học ở trường Việt Nam Học Đường, rồi qua cấp hai tại trường Huỳnh Khương Ninh, đến lớp 12, cô chuyển qua trường Gia Long. Đậu Tú Tài, cô thi vào đại học Văn Khoa và tốt nghiệp Cử Nhân chuyên khoa Nhân Văn. Năm cô 25 tuổi, cô bắt đầu đi dậy trường cấp 1 ở Bà Điểm, Hốc Môn. Đến khi được đề cử làm hiệu trưởng thì cô cảm thấy không thích hợp chức vụ nên xin đổi qua dậy cấp 2 trường trung học Mỏ Cầy. Ở đây, thầy hiệu trưởng Hồ Văn Trai biết ngày xưa cô học giỏi môn Toán nên giao cho cô phụ trách môn Toán. Đến năm 1966, tình cờ cô biết trường trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc, vốn yêu thích cảnh đẹp núi đồi cao nguyên, nên cô về sở Giáo Dục để xin chuyển về Bảo Lộc.

Cô nói mấy năm dậy ở Bảo Lộc là thời gian đẹp nhất của cô. Chẳng những trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc có khung cảnh thơ mộng mà học trò NLS Bảo Lộc cũng để lại cho cô nhiều ấn tượng tốt đẹp. Cô kể có một lần cô bắt gặp có một nhóm nam sinh len lén khiêng một trái mít từ sau vườn nhà giáo sư đi ra. Cô gọi lại hỏi, các bạn rất bình tĩnh trả lời: "thưa cô, tụi em thấy trái mít chín nên hái dùm!", cô cười xoà và cho các bạn khiêng trái mít về lưu xá. Cô kể tiếp, có một lần từ Sàigòn trở lên trường, cô lại bỏ quên chìa khoá ở nhà, đang bối rối thì gặp mấy học trò của mình đi ngang, chỉ cần một cọng kẽm, các bạn ngoáy mấy vòng là mở được cửa nhà cô. Cô nói thương nhất là tụi học trò lúc nào cũng quan tâm đến cô, hôm nào cô bệnh không lên lớp được, là các học trò đến nhà thăm cô. Cô cần dọn dẹp, khuân vác đồ đạc là các bạn sốt sắng giúp cô thật chu đáo vì cô sống độc thân, đơn chiếc, và mãi đến bây giờ cô vẫn còn sống độc thân, các bạn ạ! Cô kể, lúc ở trên trường, mỗi cuối tuần cô thường đi với cô Hạ Huỳnh Yến lên Đà Lạt. Hai cô có nhiều kỷ niệm với nhau, nhưng từ lúc cô Hạ Huỳnh Yến đi Mỹ thì cô bặt tin bạn.

Sau biến cố Mậu Thân, cô được chuyển về trường NLS Bình Dương, cho đến 30 tháng 4 năm 1975, thì cô được chuyển về trường Nguyễn thị Minh Khai và dậy học đến năm 1988 thì chính thức nghỉ hưu, nhưng cô vẫn tiếp tục dạy hợp đồng với hai trường Ngô Thời Nhiệm và trường Nguyễn thị Diệu.

Có một điều đặc biệt lý thú là cô tốt nghiệp Cử Nhân Nhân Văn nhưng cô không dậy Văn mà chỉ dậy duy nhất môn Toán. Có một lần bà hiệu trưởng trường Nguyễn thị Minh Khai có ý nghi ngờ khả năng dậy Toán của cô cử nhân Nhân Văn nên đích thân đến dự một buổi lên lớp của cô, sau đó bà ta an tâm tin tưởng giao cho cô phụ trách môn Toán cho các lớp. Cô có một phương pháp sư phạm rất hay là cô vừa dậy vừa kể chuyện vui nên học trò rất dễ tiếp thu bài.

Cô cũng có cơ duyên thú vị là làm thầy cả hai thế hệ mẹ và con. Như trường hợp của chị Ngô Anh Thuấn, niên khoá 1965-1968 học trò của cô, sau đó Hạnh Chương, con gái chị Thuấn cũng được là học trò của cô khi học trường Nguyễn thị Minh Khai năm 1988. Cho đến bây giờ, đã vào tuổi 74, cô vẫn còn mở lớp dậy Toán ở nhà để dậy thêm cho các em cấp 2. Cô cười nói nhỏ với chúng tôi rằng đôi lúc cô phải nói dối rằng tuổi cô chưa đến 70 vì sợ phụ huynh học sinh nghĩ rằng cô già yếu và không tin tưởng cho con em đến học. Giá như các bạn gặp cô bây giờ cũng sẽ thán phục vì cô ở tuổi thất thập cổ lai hy mà cô vẫn còn tráng kiện, vui vẻ lạc quan, nhanh nhẹn đứng lớp mỗi ngày. Với mấy dẫy bàn ghế đơn sơ, học trò của cô gồm nhiều lớp, mỗi lớp độ 10 em. Cô chỉ dậy duy nhất môn Toán. Cô nói: thật là duyên trời định, vì nếu cô dậy Văn thì bây giờ đâu có mở được lớp dậy thêm vì đâu ai cần học thêm môn Văn. Nhờ môn Toán mà cô tự lo cho bản thân và còn chu cấp cho cả gia đình người em trai bị tai biến. Cô vui vẻ khoe mỗi tháng cô thu nhập cũng khá, cô còn để dành được chút vốn xây lại ngôi nhà và giúp đỡ cho mấy đứa cháu.

Cô như cánh chim không mỏi, tân tụy chăm chút giảng dậy, các học trò yêu kính cô và mặc dù tuổi của chúng đáng là cháu nội ngoại của cô nhưng vẫn một mực tôn kính hai chữ: Thưa Cô.

Nhìn cô vẽ những hình khối mạnh mẽ trên tấm bảng đen, chúng ta như thấy lại cô Nguyệt Yến trẻ trung của hơn 40 năm về trước. Cô hứa đến ngày 1 tháng Giêng năm 2009, cô sẽ đọc cho học trò NLS Bảo Lộc thân yêu của cô nghe bài thơ bất hủ "Mầu Mực Tím" của nhà thơ Kiên Giang. Chúng ta chờ nghe nhé.

Sài Gòn, tháng 12 năm 2008

Bùi Thị Lợi

Cùng Tác Giả / Đề Tài