Người xưa có câu: mùng một giỗ Cha, mùng hai giỗ Mẹ, mùng ba giỗ Thầy. Trong ba ngày quan trọng nhất của một năm, ngoài việc tỏ lòng hiếu thảo đến bậc sinh thành, chúng ta còn phải biết bày tỏ sự biết ơn và lòng thương kính đến người có công dạy dỗ mình khi họ đã khuất bóng.  Qua đó, đạo lý cao đẹp của nền văn hoá Việt, " tôn sư trọng đạo", luôn được Ông Bà ta nhắn nhủ, dạy dỗ con cháu.  
Thấm thoát đã tròn một năm ngày Thầy Đặng Quan Điện đã rời chúng ta, một vị Thầy đáng kính, đáng yêu của các anh chị ngành Nông Nghiệp Việt Nam nói chung và của các cựu học sinh Nông Lâm Súc Bảo Lộc nói riêng. Ông vốn là nhà kiến trúc, khai sáng và lãnh đạo hệ thống giáo dục nông nghiệp cấp trung học toàn Miền Nam trong một thời gian dài trước năm 1975.
Trong tâm tình ghi nhớ công ơn của Thầy, chị Bùi Thị Lợi đã thay anh em chúng ta đã đến thắp nén hương trước bàn thờ Thầy nhân ngày cúng giáp năm. Trang nhà xin trân trọng giới thiệu bài viết của chị Lợi. (Trang Nhà)
 

 

MỘT NÉN HƯƠNG KÍNH DÂNG THẦY

 

Hôm nay 4 tháng 11 năm 2008 là ngày cúng giáp năm (giỗ đầu) của cố Giáo Sư Bác Sĩ Đặng Quan Điện. Gia đình Thầy tổ chức lễ cầu siêu tại chùa Phật Đà, Quận Tân Bình, T.P. Hồ chí Minh.

Tôi không có may mắn được Thầy dạy cho một chữ nào vì năm đó tôi theo học lớp Kiểm Sự mà Thầy chỉ dạy cho các lớp Sư phạm. Thế nhưng trong cuộc đời, tôi lại có duyên được Thầy nhận là học trò cưng. Nhân kỷ niệm một năm ngày Thầy mất, tôi mạn phép giới thiệu với Trang Nhà đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của Thầy đã có một thời gắn bó với Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc chúng ta, và một số bạn trong chúng ta đã từng là học trò cưng của Thầy.

Thầy Đặng Quan Điện sinh năm 1926, quê Thầy ở Lái Thiêu, Bình Dương. Thầy lập gia đình với cô Lê Kim Chung và có hai người con trai (có một chi tiết thú vị: Thầy là anh em cột chèo với bạn Nguyễn Hồng Sơn, lớp mục súc khóa 68-71). Vào giữa thập niên 40 Thầy sang Pháp du học tại trường Thú Y Quốc Gia LYON, tốt nghiệp Bác sĩ Thú Y với luận án xuất sắc về đề tài nghiên cứu hệ động mạch gia cầm, Thầy đã được tặng giải thưởng F.X LESBRE. Năm 1951, Thầy sang Đan Mạch học kỹ thuật chăn nuôi heo, sau đó sang thực tập và nghiên cứu ở Viện Di Truyền và Cải Thiện giống gia súc bên Scotland, Anh Quốc.

Khi về nước, công việc đầu tiên của Thầy đảm trách là khảo sát, qui họach, thiết lập hệ thống các Trung Tâm Thực Nghiệm Chăn Nuôi đại gia súc như: T.T Tân Sơn Nhất, T.T Bò sữa Bến Cát, T.T Bò và Trâu sữa Hưng Lộc, T.T Nha Hố, T.T Khánh Dương v.v. Năm 1955, Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao được thành lập, Thầy đảm nhận chức vụ Chánh Sự Vụ Sở Cao Đẳng Học Vụ rồi Giám Đốc Nha Học Vụ Nông Lâm Súc kiêm Giám Đốc Trường Cao Đẳng NLS Sài Gòn.

Thầy đã cùng Bác Sĩ Vũ Ngọc Tân, Giáo sư Lê Văn Ký và Giáo sư Bùi Huy Thục xây dựng trường lớp, cư xá, thư viện, đại giảng đường, nông trại .... Tuy rất bận rộn với công việc ở Sở Cao Đẳng và Nha Học Vụ NLS nhưng hàng tuần Thầy vẫn lên Bảo Lộc 3 ngày thứ năm, thứ sáu, thứ bảy để giảng dạy 2 cấp Cao đẳng và Trung đẳng. Thầy phụ trách 3 môn Súc học Đại cương: Chăn nuôi, Dinh dưỡng và Di truyền. Ngòai ra thầy còn giảng dạy thêm môn Khí tượng và Khí hậu học. Sau khi các lớp Cao Đẳng NLS dời về Sài gòn và các khóa Trung Đẳng kết thúc chuyển sang hệ Trung học NLS thì chúng ta chỉ còn gặp Thầy ở Nha Học Vụ NLS và Trường Đại Học Nông Nghiệp.

Sau năm 1975, Thầy vẫn tiếp tục giảng dạy sinh viên Trung cấp, Đại học, hậu Đại học, đào tạo kỹ thuật viên Nông nghiệp, Kỹ sư Nông nghiệp, Thạc Sĩ, Tiến Sĩ. Thầy là thầy của nhiều Thầy trong ngành Nông nghiệp. Học trò của Thầy nhiều người đã trở thành viên chức lãnh đạo của nhiều cơ quan trong ngành nông nghiệp.

Thầy đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp phát triển chăn nuôi, phát triển giáo dục nông nhgiệp. Thầy đã được tặng nhiều huy chương của Bộ và của Thành phố. Nhưng Thầy nói phần thưởng mà Thầy trân trọng nhất đó là sự thành công và lòng kính yêu của nhiều thế hệ sinh viên học sinh dành cho Thầy.

Bản chất thầy bình dị, đơn giản từ cách ăn mặc đến lời nói. Thầy nghĩ sao nói vậy, không trau chuốt. Nhớ kỹ niệm lần đầu tiên tôi được diện kiến Thầy là năm lớp 12, tôi đại diện học sinh bãi khóa bỏ học về Nha Học Vụ trình nguyện vọng lên Ban Giám Đốc. Hôm đó chúng tôi đến Nha thật sớm, chờ ở cổng. Khi xe Thầy đến, chúng tôi chờ mãi không thấy Thầy xuống, chỉ thấy bác Tài xế mặc áo sơ mi trắng mang giầy tây xách cặp đi lên lầu. Đến lúc được gọi lên trình diện, chúng tôi mới ngở ngàng sửng sốt, thì ra Thầy tự lái xe. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì Thầy chỉ tôi và bảo "Nhỏ này có việc gì trình bày đi". Thật ra người được chỉ định trình bày với Thầy là Trần Tấn Phước, còn tôi và Châu văn Xịch chỉ đi theo cho đủ thành phần Ban Đại Diện học sinh. Nhưng thầy đã bảo thì tôi phải trình bày. Không nhớ tôi đã nói những gì mà Thầy dịu dàng bảo 3 đứa trở về trường, mọi chuyện để Thầy giải quyết. Sau lần đó tôi hết dám sách động bạn bè, và đó cũng là ấn tượng đáng nhớ của tôi về Thầy.

Mãi đến những năm 1990, nhóm bạn NLS Bảo Lộc ở Sài Gòn sinh họat thường xuyên tôi mới có dịp liên lạc và gặp lại Thầy. Với vai trò Ban Tổ Chức, tôi được gần gủi với Thầy nhiều hơn, được Thầy góp ý và chỉ dẫn ân cần. Có một câu nói của Thầy mà tôi thường nhắc lại cho nhiều bạn bè nghe. Thầy Đặng Quan Điện đã nói: "Thầy tự hào về những học sinh xuất thân từ trường NLS Bảo Lộc vì chúng ta đều là những người nếu không thành đạt vẽ vang thì cũng có thể đứng vững vàng trong xã hội và cuộc sống".

Trong hai lần kỷ niệm 40 và 45 năm thành lập trường vào năm 1995 và 2000, Thầy đã giới thiệu cho tôi hợp tác với trường Đại Học Nông Lâm T.P tổ chức đưa thầy cô và bạn bè về trường thành công tốt đẹp. Đến năm 2005, gặp trở ngại vì thủ tục hành chính khó khăn, chính Thầy đã góp ý là không cần phải về trường, chỉ cần thầy trò, bạn bè ngồi lại với nhau thì dù ở đâu cũng thắm đượm tình nghĩa. Thầy luôn có mặt trong các buổi họp đầu năm của nhóm NLS, ở tuổi ngoài 80 Thầy vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, Thầy hay cổ vũ những câu chuyện tiếu lâm của chúng tôi. Và các anh cũng hay kể những mẩu chuyện vui về Thầy. Có lần Thầy đi công tác ở một tỉnh miền Tây, sau khi công việc hoàn tất, lãnh đạo có ý chiêu đải Thầy, trong bửa tiệc có gọi mấy cô gái phục vụ, thoạt đầu Thầy rất vui vẻ vì thật thà tưởng như em cháu tiếp mình, đến khi các cô có thái độ quá mức cần thiết, Thầy đã lớn tiếng bảo "mấy cô đi ra, không thôi tôi gọi công an đó...". Trong giảng dạy Thầy thật nghiêm khắc, nhưng ngoài đời Thầy rất thân thiện. Sau này Thầy thường bảo chúng ta như là đồng nghiệp của Thầy. Riêng tôi vẫn hãnh diện là cô học trò nhỏ được Thầy thương mến. Thế mà ngày Thầy ra đi tôi đã không có mặt ở quê nhà để thắp một nén hương và đưa Thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng. Hôm nay nhân ngày cúng giáp năm (giỗ đầu tiên), mượn những dòng chữ này tôi thành kính dâng lên Thầy tấm lòng yêu kính và tri ân của cựu học sinh Nông lâm Súc Bảo Lộc, và nguyện cầu cho hương hồn Thầy được siêu thăng tịnh độ.

Sài Gòn ngày 4.11.2008

Bùi Thị Lợi

Cùng Tác Giả / Đề Tài