Sau 1975, bạn thời trung học của tôi không ít người rời quê hương với nhiều lý do và định cư tại nhiều nước trên thế giới. Số đông các bạn đang sống ở Mỹ, rải rác các tiểu bang khác nhau. Ở châu Âu, tôi có hai người bạn thỉnh thoảng gửi email thăm hỏi là Nguyễn Văn Xuân đang sống ở Italy, Trần Văn Khanh ở Germany. Khanh thi nhảy nên ra trường trước tôi một năm.
 
Giáng Sinh 2015, tôi đi England thăm gia đình con trai. Xuân và Khanh biết tin, muốn mời tôi qua Italy và Germany chơi một chuyến. Nhưng vì chưa chuẩn bị trước, hơn nữa Giáng Sinh là mùa lễ nên con trai tôi được nghỉ ở nhà để đưa mẹ đi chơi quanh nước Anh.
 
Năm 2016, cháu nội tôi mới sinh. Tôi lại khăn gói đi thăm cháu, và cứ như vậy mỗi năm một lần bay sang Anh Quốc. Năm sau, con trai tôi tổ chức sinh nhật cho con đầu lòng, và gợi ý “con bận không đưa mẹ đi châu Âu thăm bạn mẹ được. Nhân dịp này mẹ mời hai chú qua nhà con chơi.” Tôi nghe cũng có lý nên báo cho Xuân và Khanh biết, nhưng hai bạn ấy bận với việc làm nên không thu xếp sang được. 
 
Năm nay, con trai tôi gọi điện hỏi “mẹ muốn đi du lịch châu Âu không, vì con có việc đi Đan Mạch năm ngày. Mẹ đi với gia đình con, rồi từ Đan Mạch bay qua Đức là tiện nhất.”
 
Thế là tôi email cho Khanh, hỏi ý bạn. Biết tin, Khanh rất vui mừng và ân cần mời cả gia đình con trai tôi qua Đức chơi. Tuy nhiên, con trai tôi bận công việc phải về lại Anh nên tôi qua Đức một mình.
 
Biết thời gian tôi ở Đức chỉ gần 3 ngày, nên Khanh đã sắp đặt chương trình đi chơi rất chu đáo để có thể cho tôi thăm viếng được các nơi mà theo lời Khanh “chưa tới những nơi này là chưa tới Đức!”
 
oOo
 
Buổi sáng vừa đến phi trường Stuttgart, Khanh đã đưa tôi đi thăm biệt thự của một vị tướng người Pháp. Biệt thự trông như một tòa lâu đài cổ kính, được xây dựng trên một ngọn đồi bao phủ bởi thảm cỏ xanh mướt tựa thảo nguyên, nhìn xuống bên dưới là toàn cảnh thành phố tráng lệ. Rời căn biệt thự, chúng tôi vào thành phố. Nắng lên cao và nhiệt độ cũng rất cao, phỏng chừng 90 độ F. Khanh cho xe vào bãi đậu, rồi cùng tôi vào một tiệm kem bên đường giải nhiệt, nhìn ra là khu chợ lộ thiên bán hoa quả do nông dân chở từ vườn đến. Chợ này tôi cũng thấy giống nhiều nơi ở Mỹ và Anh. 
 
Sau đó Khanh chở tôi về nhà, đón vợ cùng đi ăn trưa.
 
Đúng là quả đất tròn! Tuyết, vợ Khanh cũng là nữ sinh trường Gia Long trước năm 75, học sau tôi ba lớp. Anh rể của Tuyết tên Phát, lớp Mục Súc, từng chơi đàn trong ban nhạc niên khóa 68-71 cùng với Nguyễn Văn Tài và Hồ Kim Phượng (em gái tôi). Thế là chúng tôi được dịp “ôn cố tri tân” chuyện dài Gia Long và NLS Bảo Lộc, tự nhiên như đã quen nhau từ lâu. Nhân tiện, Khanh nhờ tôi chuyển lời hỏi thăm đến chị Kim Nguyên và anh Thái Phương, Khanh đã gặp một lần tại Việt Nam cách đây vài năm.
 
Rời quán phở, chúng tôi đi dạo khắp trung tâm thành phố Stuttgart ngắm sự náo nhiệt của nó, rồi ghé tiệm souvenir mua quà lưu niệm, đợi đến 6 giờ chiều về lại nơi hẹn đón Phượng, cô em vợ của Khanh, cũng ghé thăm anh chị dịp này. Sau khi nhắc ba phụ nữ cài dây an toàn, Khanh biểu diễn "tay lái lụa,” trực chỉ quán bia Đức nổi tiếng thành phố. Không riêng thành phố, bia Đức còn nổi tiếng thế giới, và Khanh không bỏ lỡ cơ hội để giới thiệu với bạn từ xa đến thăm. Xa cả nửa thế kỷ từ thời trung học, và xa cả khoảng cách hai châu Âu- Mỹ của hiện tại. “Bia vào lời ra, khá vui!” Bốn người chúng tôi cùng hàn huyên cho đến gần 9 giờ tối mới rời quán.
 
Trở về khách sạn, mặt tôi đỏ bừng vì nắng và bia. Tạm kết thúc một ngày dài từ 6 giờ sáng ở phi trường Copenhagen - Đan Mạch đến 9 giờ tối nơi đây, ngày đầu tiên trên nước Đức. Soạn hành lý, tắm rửa, nghỉ ngơi, rồi ráng ngủ để… “đúng 5 giờ sáng mai tụi này đến đón Trâm đi sớm cho kịp mua vé vô cửa nghen.” Lại thêm một ngày đúng 5 giờ sáng! Ngủ sớm được không, hay phải nhờ đồng hồ báo thức đây!
 
Ngày thứ nhì, chúng tôi đi thăm viếng hai lâu đài lịch sử của các vị vua qua nhiều triều đại nước Đức trước đế chế Hitler.  Neuschwanstein Castle đẹp nguy nga, là nguồn cảm hứng để hãng Walt Disney bắt chước xây dựng mô hình trong các phim hoạt họa nổi tiếng. Cạnh đó là một lâu đài nhỏ hơn, nhưng đẹp không kém. Muốn lên được lâu đài phải đi xe ngựa hoặc xe buýt vòng quanh núi giống như đường đèo Hải Vân ở Việt Nam. Thanh niên có thể đi bộ khoảng 30 phút đến 45 phút. Tôi? Chắc phải mất cả giờ đồng hồ! 
 
Buổi chiều, Khanh trổ tài nấu món truyền thống của Đức đãi bạn. Theo Khanh “món này Khanh thường làm lúc còn học đại học,” gồm thịt bò nướng, bánh khoai tây, bắp cải tím nấu, và gia vị chính là sốt nho khô. Bữa ăn tối ấm cúng của bốn người thật khó quên!
 
Ngày thứ ba, cũng là ngày cuối. Tôi bay chuyến 9:40 tối, nên Khanh đã lên chương trình “đi chơi cho đáng!”
 
Chín giờ rưỡi sáng, Khanh đến đón tôi về nhà cùng ăn sáng với vợ chồng Khanh và cô em vợ để đưa cô em ra trạm xe lửa trở về nhà, ở một thành phố khác. Bữa ăn sáng, Khanh cũng tự vào bếp, bày ra một thực đơn gồm cà phê, bánh mì nướng, cá hồi hun khói, bơ, ya-ua, và trái cây cắt nhỏ. Khanh quả là một nhà dinh dưỡng học thật sự!  
 
Sau khi tạm biệt cô em dễ thương, vợ chồng Khanh và tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Hohenzollern Castle của triều đại các vị vua Williams. Lâu đài này cũng xây trên đồi cao, chung quanh là bờ thành kiên cố, có cổng sắt hai cánh giống những phim xưa như Cleopatre, Hercules, King Alexandre, v..v… chúng ta đã từng say mê.
 
Trên đường về, chúng tôi đi thăm thành phố cổ. Đúng như tên gọi “Old Town.” Nơi đây có những con đường nhỏ quanh co, lối đi lát những viên đá mài hình chữ nhật nên gồ ghề, không bằng phẳng dễ đi như gạch hiện đại. Hai bên đường rợp bóng cây che mát cho khách bộ hành. Nếu không có những tàn lá đan kín trên cao chắc tôi đã bị say nắng bởi cái nóng mùa hè gần 100 độ F. Nhưng thà nắng còn đi chơi được, chứ mưa thì đành ở nhà ngắm “hạt mưa, mưa rơi tí tách…” mà không biết nước Đức là gì.
 

Trên đường đi bộ, cứ cách một khoảng độ 300 mét, có xây một cái hồ nhỏ chứa nước trong vắt. Tôi hỏi hai người bạn “người ta đặt hồ nước làm gì?” Nhưng Khanh, Tuyết, và tôi đều tự suy đoán: để uống, để rửa mặt, để làm mát không khí,.. chứ không biết rõ nguồn gốc. (Dự tính khi về nhà hỏi "thầy Google" mà tới giờ cũng chưa!) Chúng tôi đi bộ rất xa và rất lâu, qua bao con dốc, bao cửa hiệu thời trang, bàn ghế cổ điển, v..v… mới đến trung tâm phố cổ. Giữa quảng trường là một hồ phun nước, chung quanh có nhiều quán cà phê, nhưng vẫn còn ngôi nhà từng là trung tâm tài chánh của thành phố. Nếu không bị cái nóng mùa hè “hành hạ,” có lẽ ba chúng tôi còn đủ sức thả bộ trong từng ngóc ngách của phố cổ thơ mộng mà quên cả lối về.
 
Ngày cuối ở Stuttgart trôi qua thật nhanh. Mới đó đã 6 giờ chiều. Chúng tôi đi ăn món Ý trong một tiệm nhỏ, xinh xắn trên đường đến phi trường. Dự định 7 giờ vào check in, nhưng bịn rịn mãi với hai bạn đến 7:30 chúng tôi mới chia tay. Trong lúc ngồi chờ lên phi cơ, tôi mở điện thoại xem lại từng tấm hình đã nhờ Khanh chụp những nơi đã đi qua. Cám ơn Khanh đã chịu khó đội nắng, chạy tới chạy lui để ghi lại cho tôi nhiều tấm hình kỷ niệm khó quên.
 
Năm năm hay năm mươi năm, chẳng qua là những con số chỉ thời gian. Không phải người yêu tôi từng nói “Tình yêu không có tuổi” đó sao? Tình bạn cũng vậy, sự chân thành mới quý giá, đáng trân trọng. Như lời Ngô Hữu Thành chào tạm biệt tôi sau tiệc cưới của con gái Kim Oanh “Best friend forever!”
 
Hồ Thị Kim Trâm

 

Cùng Tác Giả / Đề Tài