Ngày về thăm Trường nhân kỷ niệm 60 năm thành lập gần kề, 12-12-2015, kính mời Thầy Cô và các bạn đọc lời tâm tình của người con Bảo Lộc, do duyên phận đã gắn chặt gần cả đời người nơi miền đất cao nguyên núi đồi. Và cũng khởi đi từ tâm tình của người học trò, người Thầy do duyên may được thọ học, sau đó được phục vụ tại Trường khá lâu, nếu không nói là lâu nhất, từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước cho đến những năm đầu của thế kỷ sau; ngay cả khi Trường đã thay tên. đổi chủ.
   Xin hãy nhẹ bước theo lời tác giả đưa ta về thăm Trường Xưa, qua từng con đường, từng gốc cây, ngọn cỏ nơi đó ta có khoảng đời, những năm tháng tuyệt diệu của tuổi hoa niên. Và hình như khi rời xa chốn ấy hồn ta đã ít nhiều ở lại.
   Cám ơn người anh, người Thầy đã dầy công đóng góp cho Trường, bỏ công viết về miền đất mộng mơ, về Ngôi Trường yêu dấu, nơi đó ta đã bỏ lại niềm thương ngọt ngào, nỗi nhớ không nguôi. (Trang Nhà)
 
---oOo--- 
 
Theo truyền thuyết Á Đông, từ một kim loại quí hiếm, người ta đã lấy màu của nó đặt tên chính nó hoặc ngược lại, đó là vàng, màu vàng.
 
Rồi từ đó, màu sắc ấy chỉ được dành cho vua chúa, cho tước vị đỉnh cao, người ta đã dùng cái từ này để nói đến  Phật Giáo  “Ánh Đạo Vàng”  ngay cả trong cung cách trang trí, ăn vận đều được dùng đến màu vàng đó là y áo, cà sa. Một số nước Đông Nam Á như Thái lan, Lào, Miến Điện tôn kính vàng qua  đền vàng, chùa vàng, tháp vàng, Phật vàng... Thời phong kiến nước ta, màu vàng chỉ được dành cho vua chúa  gọi là hoàng bào cho đến vị vua cuối cùng của Việt Nam là Bảo Đại vì sủng ái hoàng hậu Nam Phương mà đã có chiếu chỉ cho phép bà được dùng màu vàng trong xiêm y. Vì nghĩ đến màu vàng tôi cũng đã chịu khó ngồi rà soát gần hai trăm lá cờ của các nước trên thế giới thì có trên 50% quốc gia dùng màu vàng trong quốc kỳ của mình.
 
Để rồi quay về với Nông Lâm Súc mà tiền thân phải nói đến là Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao. Cũng đã chọn ngành Nông nghiệp là số một thể hiện trong ban Canh Nông trên cái huy hiệu của trường đã chọn màu vàng, rồi đến 1970 Nha Học Vụ Nông Lâm Súc tiến hành lập đoàn Nông Gia Tương Lai Việt Nam trước hết lá cờ của NGTL với nền màu nâu còn chữ và các nét thể hiện khác dùng màu vàng. Cho ta thấy màu vàng, chất vàng được trọng và được dùng rất nhiều trong đời sống chúng ta, có phải cái thuở hồng hoang, thời khai thiên lập địa khi con người chưa có thì chắc chắn  màu vàng cũng đã xuất hiện trong bảy sắc của cầu vồng, rồi đến màu của  ngàn hoa với vô vàn kiểu dáng?
 
Để cho chúng ta  thần dân Nông Lâm Súc Bảo Lộc mỗi lần thấy một cụm hoa vàng, lại nhớ đến Hoàng Hoa Lộ, đó là tâm trạng  chung của mỗi một chúng ta? Cho nên trong một bài viết về con đường huyền thoại này có đoạn: “Để rồi đến bây giờ, dù năm tháng đã trôi qua. Những ai từng sống, học tập nơi đây, nếu được thả bộ trên con đường này, bất chấp mùa nào vẫn cảm thấy được hoa vàng đang rực sáng và cảm nhận được những cánh vàng rải thảm đang lay động sau mỗi bước chân đi.”
 
Không rõ nó có mặt từ năm nào, ý tưởng của ai? vì ngày ấy ngoài con đường trồng loài hoa cho màu vàng này, ta còn có một con đường cho hoa vàng nữa cũng bắt đầu từ cột cờ  đến nông xưởng đó là Hoàng Mai Lộ, gọi thế vì để tôn vinh loài hoa mai, thực sự hoa mai vàng được trồng dọc theo một bên  đường trước các Lưu Xá A, B,C còn bên kia đường trồng cây Đại Hồi, hai loài cây này  thoái hóa và mất dần sau năm 1965. Riêng Hoàng Hoa Lộ, rộ nhất đẹp nhất khoảng năm 1965 trở đi vì lúc ấy các cành nhánh cây đã bắt đầu giao nhau tạo cho con đường như một cái hang từ tháng 5 cho đến 11 dương lịch che mát với tàng xanh của lá, sau đó trở thành một cái hang dài ngun ngút màu vàng vì ngay cả mặt đường xác hoa rụng rải thành thảm. Tiếc rằng những năm tháng ấy hình ảnh ghi được chỉ toàn phim đen trắng, cho nên khi nói đến con đường này chúng ta chỉ mường tượng mà thôi. Nhân đám cưới của tôi tháng 9 năm 1970, anh Lê Phước Tự ở Huế có tặng cho tôi một bộ ảnh màu, trong đó có khá nhiều ảnh chụp trên con đường huyền thoại này, lúc đó hoa vàng nở rộ, rất đẹp. Bộ ảnh đó bị mất đi trên con đường di tản (lúc đó muốn có ảnh màu, phải mua phim màu Kodak chụp xong gửi qua Mỹ họ rửa ảnh gửi lại cho mình.)
 
Về con đường huyền thoại ấy, với chiều dài khoảng 800 mét bắt đầu từ cột cờ chạy về cánh tây qua sau 3 giảng đường A, B, C trước nhà cao cẳng, Lưu Xá D, Lưu Xá E, các nhà từ số 10 đến số 14 dành cho giáo sư.
 
Trước 1975  việc chăm sóc từ vườn sưu tập cây rừng, đến Hoàng Hoa Lộ, Đỗ Mai lộ, Bằng Lăng lộ... đều do các lớp Thủy Lâm chăm sóc trong giờ Thực Hành Nông Trại. Sau năm 1975, trường không còn Ban Thủy Lâm, theo đó vì vấn đề kinh tế nhà trường chỉ lo trà, cà phê, dâu tằm, những cây lương thực... không chăm chút đến rừng cây thảm cỏ, những cây to gần nhà sợ gió bão  ngã đổ làm hư hại công trình như đám thông quanh nhà Bố Trực,quanh Lưu Xá B, C trước nhà cao cẳng KH 2 và KH3 nên đốn để lấy gỗ, vùng rừng thông trước Đại Thính Đườngtrồng trong đợt Chiến Dịch Mái Trường Xanh năm 1973. Vì nhu cây thực phẩm cấp cho nhân viên trồng khoai sắn, cho nên Hoàng Hoa Lộ, thảm cỏ rừng cây gần như bỏ quên thành hoang hóa... thêm vào đó nhu cầu chất đốt cũng là vấn đề thời bấy giờ việc mé nhánh, đốn hạ lén lút xảy ra.
 
Ta đã biết sắc mộc tạo thành Hoàng Hoa Lộ chính là cây muồng Cassia Multijuga. Vốn là loài cây dòn, dễ bị nứt tét khi gió bão, thêm vào đó cứ sau mùa hoa vào mùa khô hạn lá lại rụng toàn phần, nhìn cây xơ xác như chết khô lại động lòng tham cho những người thèm củi đốn hạ. Cứ như thế, hai hàng cây bên đường thưa dần.
 
Trong lúc bên ngoài lãnh thổ đó những con người từng học, từng làm việc ở đây, lưu lạc trên khắp tinh cầu này vọng nhớ về trường, và luôn nhắc về con đường hoa vàng này, xem như đó là thánh tích, để cho văn xuôi, văn vần, để cho lời thơ, để cho ý nhạc dâng trào.
 
Không có một dấu tích bằng hình ảnh, bằng hội họa thể hiện màu sắc thật, nó đọng  trong ký ức  mỗi người là mỗi cảnh, mỗi kiểu, mỗi hình tượng khác nhau nhưng chắc chắn là đều hiểu rằng đó là con đường đầy hoa vàng rất đẹp, rất mộng mơ, rất kỳ vĩ.
 
Hàng cây lập nên Hoàng Hoa Lộ ấy mất dần cho đến đầu thập niên 1990 trên thực tế nó không còn nữa, dù rằng năm 1993 có cuộc họp mặt đầu tiên của học sinh Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc lần đó có giáo sư Lê Văn Ký về dự, và theo yêu cầu của tôi là trồng một cây lưu niệm họp mặt, tôi chọn cây vương tùng tức tùng bách tán  giống như cây do sinh viên Quốc Gia Nông Lâm Mục trồng khi tỉnh Lâm Đồng thành lập, anh chị em lần đầu tiên trở lại thấy sự hoang hóa của  thảm rừng bãi cỏ  chỉ biết nhìn nhau, cũng chỉ để than vãn, tiếc nuối. Sự hoang hoá lại tiếp tục, hàng thông theo đường vào Đại Thính Đường cũng bị phá bỏ vì từ khoảng rừng thông biến qua khu trồng khoai củ cải thiện, để trồng cà phê rồi trường được Tổng công ty dâu tầm tơ tiếp thu khu vực đó lại trở thành vườn dâu tằm…
 
Tình hình chung thời ấy, tại Bảo Lộc việc chú trọng làm đẹp bằng cây hoa cho môi trường chừng như mới bắt đầu, với những người Nông Lâm Súc thì chỉ chú ý nhiều đến Hoàng Hoa Lộ, thật sự những dấu ấn khác đã mất đi mà ít khi được nhắc đến đó là  cây Tai Tượng Nâu, đó là cây Đỗ Mai, đó là cây Móng Bò Tím trên dường ra cổng phụ., đó là cây Cườm Thảo Hoa Vàng trên đường vào câu lạc bộ...
 
Bất ngờ vào đầu năm 1996 ông Đỗ Ngọc Diệp Hiệu Trưởng đã nhờ tôi phụ trách  tổ Công Viên Cây Xanh của trường, với lý do là Ngành Giáo Dục đương thời đặt lại vấn đề Môi Trường Giáo Dục trong đó có nhiều vấn đề việc dạy, việc học. Cơ sở trường lớp, sân bãi, cảnh quang cần có để  góp phần xây dựng  chương trình đó... và tôi trở lại với cây hoa sở trường cũng như ham thích của mình. Hình như ở thời gian này câu phương châm “Tiên Học Lễ Hậu Học Văn” được dùng lại ở các trường học?
 
Từ đó những hình tượng những cảnh quang, những cây những hoa, dấu tích Nông Lâm Súc ngày nào sống lại lại trong tôi. Từ bảng Ghi Nhớ cho đến Hồ Con Cá, từ bệ Cột Cờ  đến Hoàng Hoa Lộ, từ thảm cỏ xanh  đến cây tre vàng, từ Bạch Trinh Mỹ  đến Tai Tượng Nâu... Và như thế, cây Tai Tượng Nâu đã được phục hồi nhanh chóng, nhờ phần tài trợ của Dương Thành Đạt, học viên Canh Nông ở California một lần ghé thăm và  anh em chúng tôi hẹn gặp nhau ở quán bún bò chị Tráng. Hoàng Hoa Lộ được thành hình đạt được mong ước của thầy Nguyễn Phúc Chân, rồi thảm cỏ được phục hồi, tre vàng được trồng thêm đây đó. Bạch Trinh Mỹ được tập trung, trồng thành luồng, từng cụm dưới gốc cây cao khoe hoa sắc trắng trên nền xanh tươi mát.
 
Năm 2000, cuộc họp mặt Nông Lâm Súc kỷ niệm 45 năm thành lập trường, Hoàng Hoa Lộ được phục hồi đã lại nở hoa lần đầu, thảm cỏ đã xanh gọn, Tai Tượng Nâu vẫn xếp hàng theo đường đón khách... Đặc biệt nhất có thể nói là tập thể Thủy Lâm 72-75 trồng lưu niệm nối Hoàng Hoa Lộ từ ngã tư Lưu Xá D ra đến cổng thay một phần đường của Đỗ Mai, hàng hoa vàng này như muốn cùng cây hoa vàng lẻ loi bên cạnh đường đã ra hoa suốt năm như “Xin Được Đón Chào” những người anh em NLS mỗi lần qua lại. Những vườn hoa  trước văn phòng NLS, trước, bên hông văn phòng mới, trước thư viện được thành hình. Tất cả cả được hoàn thành để đón chào ngày gặp mặt lịch sử vào năm 2000. Trong khoảng thời gian này, một hôm ông Đỗ Ngọc Diệp có gặp tôi và đặt vấn đề là hiện nay cột cờ nhà trường đã đặt trước thư viện gần Đại Thính Đường rồi, cho nên ông ta nhờ tôi tiến hành hủy cái cột cờ và cả phần xây dựng kèm theo. Tôi có ý kiến là không nên vì bớt đi cũng chẳng được gì, vừa mất cảnh quang vừa nguy hiểm về việc xe cộ lưu thông. Vài hôm sau ông ta lại gặp tôi trả lời là  giữ nguyên hiện trạng, thay vào đó là trụ đèn, như vậy là qua 15 năm khi có ý tưởng phá hủy phần cấu trúc chân cột cờ ngày nào, đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
 
Tôi chính thức rời trường tháng 6 năm 2002.
 
Như thế là đúng 39 năm 6 tháng gắn bó với trường. Phần nào đó mình cũng mãn nguyện vì đã tạo dựng lại một số cảnh quang theo yêu cầu xanh sạch đẹp của môi trường giáo dục hiện thời, nhưng trong đó ẩn dấu sự phục hồi  bóng hình ký ức mà ai đã từng sống nơi đây đều biết đều nhớ nó. Vì bây giờ dù tái tạo, nhưng nó thể hiện rõ ràng bằng mắt thấy, bằng tai nghe nếu ai đó có dịp trở lại vùng đất này sẽ thấy được thảm cỏ xanh, hoa muồng vàng, thấy được Tai Tượng Nâu, hoa trắng Bạch Trinh, cụm tre vàng hay chùm Đỗ Mai hồng tím... như chừng sẽ thấy tuổi thơ của mình đâu đó? Dẫu biết rằng không cần phải hình tượng rõ ràng, thấy tận mắt, rờ tận tay như bây giờ, mà nghìn trùng xa cách, mà bao năm tháng chia lìa trong mỗi chúng ta con dân Nông Lâm Súc Bảo Lộc vẫn lưu giữ bóng hình của ngôi trường thân yêu ấy luôn sáng ngời, luôn sống động.
 
Phải mất đến mấy tháng trời, tôi mới xa dần khung cảnh đó, không phải vì tiếc nuối, mà vì thói quen, cứ sau thời cà phê buổi sáng thì tôi lại loanh quanh lên vùng cây hoa ấy, vẫn đi lại vẫn xăm soi bụi hoa thảm cỏ, thăm hỏi chỉ vẽ đôi điều với những anh chị em đang tiếp nối công việc của tôi... Để có người buộc miệng “Anh đã nghỉ hưu mà chúng tôi có cảm giác là anh vẫn còn làm việc.” Thế đó, đã dính vào đó là gắn bó là khó rời. Tình cảm Nông Lâm Súc của tôi!
 
Thời gian vẫn trôi, thảm cỏ thêm rộng thêm xanh, hoa vàng trổ hoa mấy độ, không chỉ ở con đường xưa mà còn nối dài ra tận cổng, và đây đó trên khuôn viên rộng lớn ấy nơi nào trồng được thì trồng, trong vườn sưu tập, cạnh văn phòng, gần quốc lộ... Ngày ấy khi trồng, mong muốn cho anh em mình mỗi lần qua lại thấy được sắc vàng, để nhớ đến Hoàng Hoa Lộ.
 
Nhớ rằng thời mình vào học, con đường ấy chưa có tên, hàng cây ấy cũng như mình đang ở cái tuổi thiếu niên, khi trở lại mình thành con người khác thì con đường cành lá đã giao nhau, đến mùa hoa thành một cái hang vàng huyền ảo, để cho ai đó đặt tên là Hoàng Hoa Lộ. Quản lý có ban có bệ, chăm chút xén tỉa thì có Thủy Lâm, gìn giữ thì là của toàn trường vì đó là vốn quí là nét đẹp đặc trưng của nhà trường thời ấy.
 
Đường Hoa Vàng được tái tạo năm 1996 rồi cũng đến tuổi 10, tạm gọi là cây đã già, cành nhánh đã giao nhau, tiếc rằng bây giờ sao mưa gió nhiều hơn, để nhánh cành tơi tả? Tôi không còn quyền để giải quyết vấn đề, dù có đôi lần được mời lên tư vấn làm sao giữ được hàng cây này?
 
Tôi đã dài giòng rằng: ngay ngã tư cột cờ người xưa chọn trồng một số cây, cùng giống mới một cây gần cổng chính có khi nào chúng ta chú ý đến nó? Nếu chú ý, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên vì trên đầu ngọn trổ những đóa hoa màu trắng tựa như hoa sen. Rồi con đường từ cổng vào đến Lưu Xá D, một loại cây cho hoa vào dịp tết như hoa anh đào, bao năm rồi biết bao nhiêu chặt phá, có phân tro gì đâu, cây vẫn đâm mầm vẫn phát triển rồi vẫn cho hoa.
 
Rồi đến đường hoa muồng, nhắc lại một chuyện một chị học sinh cũ một lần ghé thăm đi trên con đường huyền thoại, bỗng òa khóc khi đến một hoa muồng đã bị đốn hạ, dù rằng cây đã có một cây thay thế nhờ chồi mới mọc lên. Với người con gái đó và gốc cây muồng đó chắc chắn đã có một kỷ niệm khó quên, nói lên điều này để cho ta thấy rằng cây muồng hoa vàng nẩy chồi rất mạnh, vì thế ngày xưa chúng tôi giữ được Hoàng Hoa Lộ bằng cách giữ thân chính khoảng 3 mét, cho cây đâm chồi, rồi chăm sóc xén tỉa sau mùa hoa hằng năm. Để thấy rằng người đi trước đã chọn trồng cho ta những loài cây dễ tính.
 
Nghĩ rằng sự tư vấn của mình về cây muồng vàng được áp dụng, nào ngờ dựa vào lý do cành nhánh dễ gảy ấy mà hai hàng cây vừa được 10 năm tuổi ấy không còn.
 
Cách đây 2 năm trong một lần ghé lại, được gặp vị trưởng phòng hành chính, ông ta đang chỉ đạo việc hủy bỏ một số gốc Đỗ Mai trên đoạn đường từ ngã tư đến ngã rẻ vào thư viện (hông nhà học C) trước là Đỗ Mai Lộ. Ông vẫn vui vẻ cho biết, nhà trường vẫn giữ lại di tích Đỗ Mai Lộ nên đã chuyển gốc Đỗ Mai cuối cùng về trồng trước Văn Phòng nhà làm việc hai tầng. Nếu cây đó nói được thì chắc sẽ bảo, “tôi không thích chỗ cao trọng đầy đâu? chỗ của tôi là trên con đường đã mang tên từ trên 50 năm trước.” Còn chúng ta, khi nói đến một gốc Đỗ Mai, chắc không thể nào quên được nơi  ghi dấu nhiều kỷ niệm bằng gốc Đỗ Mai ở cánh phải nhà học C, có ai còn nhớ đã leo trèo nghịch đùa dưới gốc cây này?
 
Như vậy bằng cụ thể, hiển nhiên là những cây hoa vàng nằm đâu đó trên khuôn viên của trường vẫn là dấu tích của Hoàng Hoa Lộ phải không? Chỉ có con đường Bằng Lăng vẫn nguyên vẹn, trong lúc Đường Chiều của  loài hoa Móng Bò Tím không còn, anh em nhà nó còn một gốc sau nhà học A. Tai Tượng Nâu còn thấy một gốc lẻ loi ngay đầu đường từ cột cờ dẫn đến lớp, không biết còn trụ được bao lâu?
 
***
 
Gần đây, tôi nhận được nhiều điện thư cùng các cuộc điện thoại xa gần nói về nói rằng  ngôi trường nay mai sẽ bị đập bỏ đi?
 
Những  công trình xây dựng, sẽ đổi thay với nhiều lý do vì nhu cầu sử dụng, vì xưa cũ. Đến cả những địa danh, lâu đài, dinh thự, như những ngôi trường chúng ta đã học, những thành phố chúng ta đã sống, những con đường chúng ta đã qua, không còn tên xưa cũ, vì đã thay tên đổi họ.
 
Nhưng còn đó vùng trời, còn  đó cây hoa, còn đó bao dấu tích! Tên thầy, tên anh, tên chị, tên tôi, rồi cây sao, cây dầu... Rồi kỷ niệm, rồi ký ức nào có mất! mà ngày càng thêm trân quí, ngày càng thêm dềnh rộng, phải không?
 
Sẽ có một ngày nào đó, thần dân Nông Lâm Mục, thần dân Nông Lâm Súc là lão ông, lão bà may mắn nếu có một lần trở lại, hít thở cái không khí nơi đây, sẽ chú ý nhiều đến ngàn cây nội cỏ sẽ nhắc đến Hoàng Hoa Lộ, Đỗ Mai, cây tùng NLM, cây tùng NLS, cây Sao, cây Dầu, cây Sapotilier, cây Cọ, cây Bạch Đàn, cây Phượng Vàng, cây thông... Dù trí không còn minh mẫn, mắt không được tỏ tường, chân đi không được vững, để chỉ khoảnh khắc trong vùng trời này thôi, đoạn phim ký ức sẽ sống động trào dâng trong mỗi người.
 
 Tôi xin được nhắc đến những kỷ niệm ấy bằng 10 lưu dấu sau đây:
 
1-    Cây Tùng Nông Lâm Mục: ngay cổng vào được trồng 1959 do SV Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao trồng lưu niệm khi tỉnh Lâm Đồng thành lập
 
2-    Cây Tùng Nông Lâm Súc: cánh trái của văn phòng  mới trồng ngày 12-12-1993 do thầy Lê Văn Ký trồng nhân họp mặt Nông Lâm Súc đầu tiên tại Bảo Lộc.
 
3-    Cây Kim Giao trên đường Đỗ Mai và Cây Gừa trước Thư Viện do Bác Sĩ Đặng Quan Điện Giám Đốc Nha Học Vụ Nông Lâm Súc trồng tháng 12 năm 2000 lần họp mặt thứ 3 tại Bảo Lộc.
 
4-    Cây Thông Xa Mu trước văn phòng NLM, NLS trồng kỷ niệm 50 năm ngành Giáo dục Nông Lâm Súc Việt Nam do lớp đệ tam đầu tiên (1963-1966) trồng lưu niệm ngày 9-11-2013 Kỷ niệm Hội Ngộ 6
 
5-    Cây Muồng Hoa Vàng “Xin Được Đón Chào“ cây cho hoa suốt năm, cạnh quốc lộ 20 đối diện với nhà hàng Nam Huê.
 
6-   Cây Đỗ Mai của Đỗ Mai Lộ được trường CĐ Công Nghệ dời về trồng chọn làm di tích, trồng khoảng 2014 trước văn phòng mới. Di tích quý báu của Đỗ Mai, xin các bạn đến cánh trái nhà học C ở đó còn gốc của cây Đỗ Mai, được rất nhiều hình ảnh lưu lại với cảnh leo trèo của các học sinh ngày ấy.
 
7-   Hoàng Hoa Lộ 2  trồng từ ngã tư Lưu Xá D  xen với Đỗ Mai ra đến cổng do tập thể lớp Thủy Lâm 72-75 trồng lưu niệm nhân họp mặt NLS lần 3 năm 2000. (năm nay đang rộ hoa – kèm ảnh)
 
8-   Cây Thông “Mái Trường Xanh” ngay cổng vào, được trồng đầu tiên lễ phát động của Chiến Dịch Mái Trường Xanh, trồng tháng 11 năm 1973.
 
9-  Cây Thông Đẹp Nhất, tôi chắc các bạn đồng ý với tôi về dáng hình uy nghi của nó, cây được trồng trong Chiến Dịch Mái Trường Xanh năm 1973, tại cư xá  giáo sư số 11.
 
10- Cây Muồng Hoa Vàng cuối cùng của Hoàng Hoa Lộ, năm nay cũng đang nở rộ hoa, nó nằm trên phần đường từ cư xá số 10 đến số 14, trên phần đất của cư xá số 9.
 
Đó là góc nhìn của tôi, đánh giá của tôi dĩ nhiên dù là chủ quan, nhưng chắc sẽ không thoát khỏi cái kỷ niệm cái ký ức chung về toàn cảnh, cuộc sống, kỷ niệm về ngôi trường đó trong mỗi anh chị em.
 
Và như thế mỗi người trong chúng ta sẽ mang một dấu tích từ ngàn cây nội cỏ, từ những con đường, từ những công trình xây dựng, thì rõ ràng vô vàn dấu tích về ngôi trường thân thương ấy, không bao giờ phai nhòa, dù rằng những kiên trúc xây dựng bằng gạch đá  một thời đã có tên văn phòng, Đại Thính Đường, câu lạc bộ, giảng đường, cư xá... sẽ không còn nữa.
 
Như riêng phần tôi không biết kể sao cho hết, nó đã gắn với phần đời tuổi thơ, thời ăn học, thời làm việc vui có buồn có... những dấu tích vẫn còn trên vùng đất này làm chứng cho sự hiện diện của tôi, cũng là một tự hào đem cái sở học của mình để lại cho đời dù rằng không gì to lớn. Như hàng cây Khuynh Diệp theo quốc lộ 20 ngày đầu vào học, như cây Phượng Vàng gần thư viện, sau nhà học A và ở cổng, như Cây Chiêu Liêu và hàng Phát Tài che mát cánh tây của Đại Thính Đường... là những cây chính tay tôi đã trồng. Còn nữa những cây Phượng Tím mà anh Nguyễn Quí Định từ Honululu đem giống về giao cho tôi ương và trồng, đây đó trên khuôn viên trường đã nở hoa, nhiều nhất là cạnh Lưu Xá D trước nhà E. Rồi các anh chị cùng các bạn khi đến thành phố Bảo Lộc sẽ thấy những hàng cây cho hoa màu đỏ cam  nở rộ, xin nói nhỏ rằng đó là công lao không ít của một thành viên xuất thân từ ngôi trường mà các anh chị đã học: Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
 
Bùi Tho
 
1- Cây Tùng Nông Lâm Mục
 
2- Cây Tùng Nông Lâm Súc
 
3- Cây Kim Giao
 
4- Cây Thông Xa Mu
 
5- Cây Muồng Hoa Vàng “Xin Được Đón Chào“
 
6- Cây Đỗ Mai của Đỗ Mai Lộ
 
7- Hoàng Hoa Lộ 2
 
8- Cây Thông “Mái Trường Xanh”
 
9- Cây Thông trước căn nhà thứ 11 (Nhà của của Quý Thầy Cô trước 75)
 
10- Cây Muồng Vàng cuối cùng của Hoàng Hoa Lộ

 

Cùng Tác Giả / Đề Tài