Theo thói quen cố hữu, với tay cách vô thức bóc tờ lịch. Một ngày cũng như mọi ngày, lại qua đi cách hờ hững trong cuộc sống. Nhưng nét chữ to và đậm Thứ Sáu 17 của tháng 8 vừa qua đã khiến tôi tự nhủ, “vậy chỉ còn 1 tuần nữa là đến ngày tiền Đại Hội rồi, mau quá đi thôi”. Thì hôm nay, với dòng chữ Thứ Năm 25 của tháng 10, lại khiến tôi bàng hoàng, “Ồ, đã hai tháng trôi qua rồi à, mau quá đi thôi”.
 
Quả thật, mọi việc trôi qua mau quá đi thôi, tất cả như mới chỉ xảy ra vài ngày hôm truớc. Những hình ảnh sống động của tuần lễ Đại Hội lần thứ 7, từ thứ tư 22 đến thứ ba 28, hình như vẫn còn đang phảng phất đâu đây. 
 
Vẫn còn lưu luyến trong tâm trí tôi, đôi khi đang lái xe trên đường phố, khiến lòng bỗng thấy rộn ràng và chợt nở nụ cười vu vơ. Vẫn còn vẩn vơ bên tôi ở những bữa cơm chiều ấm cúng với gia đình, để chợt bật tiếng cười khúc khích khiến vợ và cô con gái nhìn nhau ngơ ngác. Và đôi khi vẫn còn vấn vương bên gối, nhè nhẹ đưa tôi vào giấc mộng êm đềm, để sáng mai thức dậy, lòng cảm thấy tươi vui thầm nhủ, “tình bạn bè thật đáng quý biết bao”
 
Giờ phút này mà bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng la chói lói của Đinh Văn Lê khi bị Thái Thị Tốt từ phía sau đổ chai ‘dầu xanh’ lạnh (bia Heineken) lên tóc, trong lúc anh đang thắc mắc về những câu ca ‘Cơm và Phở’ của Bùi Thị Lợi. Sau đó anh đã phải chấp tay xá xá và chụp luôn một cái tô to lên đầu, đề phòng những trận tấn công tiếp nối của cô em gái rất dễ thương nhưng nghịch ngợm nổi tiếng.
 
Giờ phút này mà trước mắt tôi vẫn như đang nhìn thấy các chị Châu Thị Nga, chị An Hảo, chị Hoa, chị Hội, vợ anh Lê Đình Bang, chị Duyên, đang ngồi khom lưng, cặm cụi đơm từng khuy áo, cắt ráp từng miếng vải trong một căn phòng ở nhà chị Kim Nguyên. Sau đó tất cả lại cùng nhau tập đi, tập lại những dáng điệu cho bài vũ sẽ được trình diễn vào đêm hôm sau.
 
Trong lúc đó, một số chị khác như chị Yến, chị Trang, chị Thoại, chị Kim Thu, Kim Anh Thủ Quỹ, Thái Thị Tốt, lại tất bật thu tiền niên liễm, tiền bán vé, trên cái bàn ngay sát cửa ra vào ngoài sân sau. Còn Bùi Lợi thì cũng đi tới đi lui để trao từng cái cà vạt đến tận tay từng anh một.
 
Điều khiến tôi xúc động nhất là hình ảnh nhỏ bé của chị Hương-Đạo, mặt đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, lui cui với nồi bún riêu thật to trên bếp hồng nóng bỏng, đang sôi sùng sục khiến những miếng đậu phụ rán vàng tươi nhấy nhót liên hồi. Trong lúc chị Kim Anh Thủ Quỹ, cũng đang bận tíu tít với những nồi bún, được luộc liên tục để kịp cung cấp cho nhu cầu ăn uống của các bạn ngoài sân.
 
Thỉnh thoảng những câu hỏi vang lên đó đây, “Có nhớ ai đây không mày?”, “Đố mày nhận ra thằng này ?”, “Uả, sao mày trông già dữ vậy!”. Rồi cả hai ôm choàng lấy nhau bật cười ha hả. Thằng này thương xót, nói sao thằng kia trông già quá, thằng kia cũng đau lòng hét lại, mày cũng đâu có trẻ hơn tao.
 
Quả thật, rất nhiều, thật nhiều những tiếng cười chan hòa bầu không khí, vui nhộn, trẻ trung và đầy tình thân bè bạn của một thời. 
 
Viết làm sao cho hết được những gì đã diễn ra vào những ngày họp mặt của kỳ Đại Hội lần thứ 7 này, phải không các bạn. Nhưng như truyện những người mù đi xem voi, chúng ta mỗi người nhìn Đại Hội ở mỗi góc cạnh khác nhau, vì thế tôi chỉ xin ghi lại đây những sự việc đáng nhớ trong đêm Đại Hôi 25 tháng 8, ở góc cạnh riêng cá nhân tôi mà thôi. 
 
Nếu thấy điều chi còn thiếu sót (chắc chắn là có rồi), xin các anh chị vui lòng bồi đắp thêm, qua phần đóng góp bài vở cho Trang Nhà. Hầu mong rằng, tất cả những anh chị em khác, có thể đón nhận nhiều nét đẹp khác nhau, qua những ngòi bút khác nhau. Để rồi toàn thể quý Thầy, Cô và các anh chị em, sau khi đọc xong, đều phải công nhận: Đại Hội kỳ này cũng như những kỳ Đại Hội trước, đều thành công một cách trọn vẹn. 
*****
Đêm Đại Hội đã diễn ra vào ngày thứ bẩy 25 tháng 8 tại nhà hàng China Feast, thành phố Stanton, bang California. Ai cũng biết lần tổ chức này đã thành công mỹ mãn, khi nhìn thấy anh Dương Thái Phương, lăng xăng đi tới, đi lui, hết trong nhà hàng, lại ra tới ngoài sân, gương mặt ánh lên niềm rạng rỡ với nụ cười thỏa mãn trên môi.
 
Rồi các anh Tư Lung, Thành Ngô, Thắng, Triệu Lương, Hòa, Cảnh cũng như các chị Xuân Liễu, Kim Anh Thủ Quỹ, KimAnh-Thành, Hương-Đạo v…vv, hớn hở cười nói, đi lên, đi xuống sân khấu liên tục, để trao những đóa hoa tươi đến các ca sĩ. Hình ảnh dễ thương nhất chính là lúc anh Tuấn vừa đặt một cành Hồng vào tay chị Quỳnh Hoa, thì anh lại nhận được ngay một nụ hôn đáp lễ thật nồng ấm tình vợ chồng.
 
Con số tham dự lên đến trên 200 người, trong lúc ban Tổ Chức trước đó chỉ dự trù khoảng 160 người mà thôi, đủ để nói lên sự thành công vượt bực rồi.
 
Ngoài ra chúng ta không bao giờ quên được những đóng góp của chị Liễu, tuy đang bị bịnh, nhưng tất cả những buổi họp mặt để bàn bạc, chuẩn bị cho Đại Hội ở bất cứ chỗ nào, thì đều có sự hiện diện của chị. Chính chị đã chọn màu áo dài, cũng như gởi người về VN đặt cà vạt cho kỳ Đại Hội này. Chân thành cảm tạ tấm lòng bao dung và luôn sẵn sàng giúp đỡ bà xã, trong những công việc này của chàng rể Duy Cương.
 
Chương trình văn nghệ với chủ đề, “Đêm Đại Thính Đường”, để nhắc nhở lại một khung trời xưa cũ, được mở màn với các chị Kim Nguyên, Như Nguyện, Quỳnh Hoa, Duyên, cùng với các anh Thành, Lương, Hoà và Cảnh. Tất cả hợp ca bản ‘Ngày Hội Ngộ’, “…chung vui ngày họp mặt, quên đi hết ầu sầu. Hôm nay gặp gỡ đây, trao nhau lời mến thương, tháng năm dài xa cách...” Mọi ánh mắt đểu ngời lên niềm xúc động và cùng đổ dồn lên sân khấu, nơi hình ảnh Đại Thính Đường thân yêu đã được ban Tổ Chức cho phóng thật to, làm nền phía sau. Có nhiều người hát theo nho nhỏ như những lời tâm sự của chính riêng mình, “hôm nay gặp gỡ đây, trao nhau lời mến thương”.
 
Rồi đến các màn đơn ca, song ca và múa thật đặc sắc. Hoạt cảnh của bài ‘Sáng Rừng’ với Má Chè (Thường Xà Bất), cô Lan (Nguyễn Thị Kim Nguyên) và nhóm học trò trai gái (Triệu Lương, Cảnh, Khánh Văn, chị Nga, chị Thoại, chị Hà, chị Kim Anh Thủ Quỹ, chị Trang, chị Liễu, chị Quỳnh Hoa) rất vui và tràn đầy kỷ niệm.
 
Đặc biệt chị Châu Thị Nga cùng với hai chị Nancy Hoàng và Thanh Hải rất dí dỏm, “Hôm nay ngày thi, bao nhiêu người đi… phen này mà tao trượt thì ai đậu cho…”
 
Cũng như khi thưởng thức cảnh chị Nga cùng các chị An Hảo, Hoa, Duyên và Thường, với chiếc nón lá trên tay, mềm mại theo tiếng nhạc, “Ngày nào em đến áo em mầu trinh, áo xinh là xinh. Áo em trong trời buồn, là gió, là bướm, là hoa, là mây chiều tà”, trong màn vũ ‘Hình Ảnh Người Em Không Đợi’, khiến tôi không thể không thán phục.
 
Và khi bản nhạc Tiếng Xưa được chị Ngọc Vân cất lên. Lời hát của chị nhẹ nhàng như sương, như khói, như đang được quyện lẫn với những ánh đèn hoa sen trên tay, lan tỏa dịu dàng bên những tà áo dài uyển chuyển thướt tha rất Huế. Khiến tôi phải vỗ đến rát cả lòng bàn tay.
 
Đậm nét nhất trong tôi chính là hình ảnh chị Hương Lan (Khúc Lan) với bản nhạc do chính chị sáng tác cách đây 28 năm. Dáng đứng của chị thật thùy mị, nhưng sao có vẻ lẻ loi, giọng hát của chị thật êm đềm, nhưng sao chứa đầy buồn bã, “Giọt nước, có biết mình là sông, nhưng sông vẫn chẩy. Ngọn cỏ, có biết mình là rừng, nhưng rừng vẫn xanh”. 
 
Ôi, Hương Lan đó ư? Hương Lan của 45 năm trước đó ư?
 
Vâng, 45 năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh bé nhỏ, xinh xắn của chị Hương Lan trên sân khấu trong đêm Đại Hội, được tổ chức tại Đại Thính Đường vào niên khóa 66-67, đã làm toàn thể khán giả trong đêm đó đều nín thở, khi chị cất giọng với bản ‘Biệt Ly’ thật buồn, thật da diết, “Biệt ly! nhớ nhung từ đây. Ôi! còi tầu như xé đôi lòng.
 
Không bao giờ hình ảnh của chị có thể phai mờ trong tâm trí của tôi, cũng như của nhiều bạn bè khác. Quả thật, nếu một giọt nước có thể biến thành một nụ hồng, thì chúng tôi sẽ mang đến tặng chị nguyên một dòng sông.
 
*****
Tôi xin dừng ở đây một chút, để gợi nhớ lại vào những năm còn học trên trường. Thuở đó, chúng ta đang ở vào lứa tuổi của nhiều mộng mơ, lứa tuổi học trò ngây thơ trong trắng, lứa tuổi của ‘một thời để yêu, một thời để nhớ. Nên mấy ai trong chúng ta lại không e ấp một hình bóng trong lòng. Nhưng vì một hoàn cảnh nào đó, khiến chúng ta không thể cùng dìu nhau đi hết đại lộ Hoàng Hoa, để cho mãi đến giờ này vẫn còn khắc khoải u hoài, “từng mùa Thu chết mùa Thu chết, vẫn giữ trong tim một bóng người”.
 
Vậy cứ hai năm một lần, chúng ta hãy cố gắng về lại với nhau ở những kỳ Đại Hội, để trao nhau những nụ cười thân ái, và để cùng nhau nhớ lại những tháng ngày yêu dấu trên trường. Và nếu có thể, thì đây cũng là dịp, để tỏ cho ‘người ấy’ biết được những tình cảm đã được chôn sâu, dấu kín trong bao năm.
 
Chả thế mà anh Đoàn Thế Đạt, cố nuốt vội một ngụm rượu để dằn cơn cảm xúc, rồi mới tha thiết, “Yêu ai, yêu cả một đời, tình những quá khắt khe, khiến cho đời ta, đau tủi cả lòng, vì yêu ai mà lòng hằng nhớ. Năm tháng, trôi lạnh lùng hoài, tình đó nhắc nhớ luôn đến ta tình ai. Nhớ cả một đời, tình yêu kia, mà người nào hay…” Rồi anh phơi bầy lòng mình, “Yêu ai, ai hiểu được lòng, thầm kín những đớn đau với riêng lòng ta. Ấp ủ lạnh lùng, tình yêu kia mà người nào hay.”
 
Phải, cho tới giờ phút đó, đã bao "năm tháng trôi lạnh lùng hoài", nhưng "tình yêu kia mà người nào hay". Anh vẫn ấp ủ mối tình câm cách "đớn đau với riêng lòng ta".
 
Ngay cả chị Hồ Kim Trâm, mặc dù hết sức là mệt mỏi bởi những cuộc tụ họp rong chơi cùng bạn bè, cộng thêm một đêm gần như thức trắng ở nhà anh chị Duy-Cương & Liễu. Nhưng tiếng hát của chị qua bản "Giọt Lệ Cho Ngàn Sau", vẫn vươn cao sung mãn, chị quả không hổ danh với tước hiệu "giọng ca vàng" của trường NLS chúng ta.
 
Tuy nhiên, nếu có ai lưu ý một tí thì sẽ nhận ra ngay, trộn lẫn với những cung bậc đầm ấm, thướt tha, là những âm thanh thâm trầm, than trách, “cuộc tình ta tan mau…Nhìn nhau cho thêm đau, mưa trên nụ cười, mưa trên tình người…
 
Ánh mắt ray rức xa xăm, chị đứng đó, nhưng lòng chị phải chăng như đang bềnh bồng theo sóng nhạc, lui về một chốn phiêu lãng xa vời. Nơi mà, có lẽ đã ghi dấu một cuộc tình mong manh, không trọn vẹn của một ngày tháng qua, “Yêu nhau một thời, xa nhau một đời, lệ này em sẽ khóc, ngàn sau”.
 
*****
Ngoài ra, tôi cũng xin gởi lời chân thành cảm tạ đến đôi uyên ương Thành & KimAnh rất nhiều. Vì trước đó, anh Bùi Đức Thắng và tôi rất hoang mang, do việc chúng tôi cứ hát trật nhịp với nhau hoài. Hát dở thì khán giả không trách, có ai là ca sĩ chính hiệu đâu. Nhưng đã dám bò lên sân khấu, mà lại hát không ăn khớp với nhau, chứng tỏ suốt mấy ngày nay chỉ lo ham vui, đấu hót với bạn bè, bỏ bê việc tập dợt. Kiểu này hứng trứng và cà chua không kịp, chứ ở đó mà còn mơ tưởng đến một cành hoa trao tặng, như những anh chị em khác!
 
Chính lúc, ánh mắt của anh chị đang âu yếm trao nhau trên sân khấu, nương theo tiếng nhạc, “Một chiều êm, tay đan tay dìu nhau trên lối, đưa em đi nhè nhẹ vào đời… Kể từ khi, đem cô đơn mọc lên phố vắng”, đã cho tôi một ý nghĩ là bắt chước theo lối trình bầy của anh chị, mỗi người sẽ thay phiên nhau hát một đoạn trong bài ca. Nhờ đó, chúng tôi cũng đã hoàn thành màn song ca được giao phó cho.
 
Còn nhiều, rất nhiều điều tôi muốn viết ra đây, nhưng tất cả hình ảnh cùng sinh hoạt trong đêm Đại Hội đã được ghi lại trong DVD do anh Lê Đình Bang thực hiện. Các bạn nếu muốn biết rõ hơn về đêm Đại Hội, thì có thể liên lạc với anh Bang qua email:
 
“Lê Đình Bang”<This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>
 
******
Bài này viết lên để bầy tỏ tấm lòng ca ngợi của tôi đến với tất cả những anh chị em NLS, những chàng Rể và nàng Dâu, cùng cô “con nuôi” xuất sắc Kim Anh Thủ Quỹ. Các bạn đã bỏ rất nhiều thời gian, cũng như công sức của riêng mình, chỉ vì mục đích chung cho ngày Đại Hội.
 
Như các bạn đều biết, mỗi chúng ta, đều mang một sắc thái riêng biệt, nên khi cùng làm việc với nhau, thì tránh không khỏi vài điều khác nhau về ý kiến. Nhưng với tinh thần đoàn kết thương yêu, với tấm lòng hướng về một mục đích chung làm sao cho Đại Hội được thành công tốt đẹp. Sự thành công của Đại Hội đã nói lên tinh thần trách nhiệm, hợp tác của các anh chị. 
 
Điều này, khiến tôi nhớ lại câu nói của nhà văn phi công, Saint Exupéry, người viết cuốn ‘Chuyến Bay Đêm’, “Thương nhau, không phải là ngồi ngó nhau, nhưng cùng ngó về một hướng.”
 
Vâng, chúng ta đã cùng nhau ngó về một hướng, làm đậm thêm thân tình đã có sẵn của chúng ta. Hãy cùng nhau hứa hẹn, cùng nhau tràn về họp mặt, như từng giọt nước, từng ngọn cỏ, để tạo thành sông, thành rừng vào những kỳ Đại Hội lần tới.
 
“Giọt nước có biết mình là sông, nhưng sông vẫn chẩy. Ngọn cỏ, có biết mình là rừng, nhưng rừng vẫn xanh

Perth – Ngày tháng Hạ năm 2012
Con Đại Thử

 

Lời ghi cuối dòng:

* Xin chân thành cảm tạ anh Vương Thế Đức, người đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để giúp tôi hoàn thành hình thức lẫn nội dung của bài viết này, cũng như tất cả những bài viết từ trước đến nay của tôi.
 
* Xin chân thành cảm tạ chị Hương Lan (Khúc Lan), về bản nhạc do chính chị sáng tác, “Giọt Nước Có Biết Mình Là Sông”, mà tôi đã mạn phép, dùng 2 câu cho lời kết của bài này.
 
* Xin chân thành cảm tạ anh Lê Đình Bang và anh Bùi Đức Thắng đã góp ý cho nội dung của bài này.