Nhng ai đã từng ngồi mài đủng quần tại ngôi trường trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc hay đã chọn cột cờ làm điểm đứng, điểm ngồi của những ngày giá buốt và đêm lạnh của xứ Blao, hẳn đều biết đến Thầy hay được nghe qua về Thầy. Được biết Thầy cũng đã từng mài đủng quần tại ngôi trường này vào những năm đầu khi ngôi trường vừa được xây dựng và được cố Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hoà, Ngô Đình Diệm khánh thành và đặt viên đá đầu tiên vào năm 1955. Sau khi hoàn tất chương trình học, thầy đã đi qua Hoa Kỳ để học lên một chương trình cao hơn nữa; năm 1966 thầy đã trở về trường cho một giấc mơ và ấp ủ của một vị thầy mong sao thế hệ con em sau sẽ phải khá hơn mình. 
Năm 1967, tôi lên nhập học và cũng là lần đầu tiên tôi gặp thầy, nét oai nghiêm và trong sáng trong thầy mà tôi vẫn cảm nhận được vào những buổi sáng sớm thứ Hai chào cờ, rồi sau đó được nghe những lời nhắn nhủ của thầy. Có lẽ vào thời gian đó, chả riêng tôi, những bạn bè của tôi cũng không cảm nhận được những bài học quý giá từ thầy mà thay vào đó là những sự sợ sệt hay lo âu trong tâm trạng của những học trò vị thành niên xa nhà lấy vui chơi và nghịch phá để cho đúng với những gì trong câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.
 
Trong trí nhớ của tôi, ngôi nhà “White House” nơi thầy ở mà hàng ngày tôi vẫn đi qua, nó nằm gần vườn rau nông trại, và mỗi lần đi qua đó, một ý nghĩ thèm thuồng được bước chân vào trong đó, được nhìn tận mắt cuộc sống và sinh hoạt cuả thầy trong căn nhà này. Thời đó tôi vẫn không hiểu rằng mình phải là thế nào hay phải học hành giỏi lắm mới được vào ở trong nhà của các thầy cô và nhất là nhà của Thầy. Quen thuộc nhất vẫn là hình ảnh của chiếc xe Falcon đen thật dài hằng ngày vẫn chạy ngang cột cờ và làm nửa vòng quay để lái về căn nhà có một không hai trong trường, hình ảnh của vị thầy trông thật sáng, trẻ và đẹp trai cùng một ít gì của nét kiêu hãnh ngồi bên tay lái, khiến cho tôi bỗng một thoáng thèm thuồng và mơ ước.
 
 
Một kỷ niệm khó quên, lúc đó tôi đang ở lưu xá B, hằng đêm thầy cùng với thầy Thảo vẩn đi tuần và kiểm soát xem học trò nội trú sinh hoạt, đang ngủ hay đang làm những điều gì mà nội quy trường không cho phép. Thầy luôn đi đằng sau mỗi phòng và nhón nhìn qua cửa sổ để xem đám học trò đang làm gì mà giờ này chưa chịu đi ngủ. Trong phòng thì sáng và bên ngoài thì tối nên chúng tôi không thể biết được thầy đến “thăm” chúng tôi. Thỉnh thoảng thầy vẫn gỏ vào cửa kiếng khi thấy trong phòng đám học trò đang quay quần hay lui cui đánh cờ tướng, binh xập xám, nấu nướng một cái gì đó hay thức khuya học bài trong phòng như một nhắc nhở; mấy bạn “chới với” của tôi sợ và ghét chuyện đi kiểm soát hằng đêm của thầy lắm. Thời đó bao quanh trường tôi còn rất nhiều rừng và nhiều thú hoang, thầy vẩn có những buổi đi săn đêm, chỉ có những tay “có tên tuổi” trong trường mới dám đi săn và được đi săn với thầy. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn được nghe những mẫu chuyên đi săn đầy thú vị trong thèm thuồng và ước ao, có lẽ chả bao giờ tới phiên mình!!

 

Năm 1969, tôi từ giã ngôi trường và nghĩ không biết bao giờ sẽ gặp lại thầy nữa; đến năm 1972, tôi đã gặp lại thầy ở Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp SaiGòn, và được biết thầy về đây để chuẩn bị một học bổng của chính phủ Úc Đại Lợi, đi học tiếp văn bằng Ph.D. Có lẽ giấc mơ cuả thầy đã đạt! Hơn 30 năm sau, tôi đã gặp lại thầy tại quận Cam, Little Sàigòn, California, được biết thầy đã định cư ở đây sau một thời gian dài sống và sinh hoạt tại Úc Đại Lợi và thầy đã đi rất nhiều nơi trong một chương trình làm việc với Liên Hiệp Quốc.
 

 

Năm 2004, chúng tôi đã liên lạc được với thầy và cũng là khởi điểm khi các thầy cô và các cựu học sinh trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc tìm lại nhau. Thầy đã đến với tất cả cựu học sinh Nông Lâm Súc Bảo Lộc qua các kỳ Đại Hội và biết bao buổi họp mặt và sinh hoạt chạy dài từ miến Bắc xuống miền Nam của California. Hiện tại cuộc sống của Thầy thật giản dị, nhẹ nhàng và đầy nghệ sĩ tính mặc dù Thầy cũng như bao nhiêu người khác là vẩn phải còn “đánh vật” với nó. Hình ảnh đẹp nhất mà học trò vẫn thích nhìn ở Thầy đó là khi Thầy ngồi với cây đàn guitar cùng với tiếng hát.
 
 
Tiếng đàn năm xưa của thầy cùng với bao nhạc phẩm của một thời xa xưa đã trở lại với học trò, đã gieo vào lòng mọi người như một ít gì để gợi nhớ về những kỷ niệm đáng nhớ tại Đại Thính Đường hay các đêm lửa trại hay những buổi sinh hoạt của học sinh Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Thời gian có khả năng tàn phá con người nhưng tôi đã cảm nhận được một điều thời gian đã phải né tránh tiếng đàn và giọng hát của thầy mặc dù thỉnh thoảng thầy vẫn tâm sự rằng “bây giờ tôi không còn hát và đàn được hay như ngày xưa nữa, tôi già rồi!!!” nhưng thầy ơi!! tiếng đàn và giọng hát thầy, chúng em vẫn thích nghe.
 
 
Trong Đại Hội 4 vừa qua, thầy đã đóng góp thật nhiều thời gian cũng như tham dự “tới bến” những buổi tập dợt văn nghệ, có nhiều khi đã vuợt qua đêm để rồi sau đó thầy trò đều thấm mệt và quây quần bên nồi cháo gà nóng hổi đêm khuya như một cái gì gợi nhớ lại những kỷ niệm của năm nào trên Blao. Thầy cũng tâm sự “ngày xưa, tôi dậy các em chữ, ngày nay tôi dậy các em đàn ca hát”, và có lẽ thầy cũng cảm nhận làm thầy đám “học trò già” này dậy khó hơn rất nhiều khi các em này ở tuổi mười mươi!! bởi vì đám học trò già này đã yếu hơn ngày xưa rất nhiều, không còn trai tráng khoẻ mạnh như ngày nào, để đi rừng, nuôi heo gà hay lên luống trồng rau, mà bây giờ cứ nghe thầy dậy dăm ba câu nhạc lời hát thì lại phải xức vài chai hay nhiều chai “dầu gió xanh” hay “dầu nhị thiên đường” thì mới tỉnh táo và nhớ bài, hoặc đang giờ học lại bỏ ra ngoài “check smog”, nhiều lúc thầy cũng muốn say xẩm với mùi dầu hay khói!!! Thầy ơi!! chúng em có già hơn xưa những vẫn là học trò của thầy và suốt đời vẫn đứng hạng thứ ba sau ma và quỷ.
 

 

Thầy ơi, vì đã lỡ hẹn với quỹ hưu bổng tiền già ở Nevada nên ngày sinh nhật thầy chúng em đã không có mặt để cùng các bạn chia vui và chúc mừng thầy được, chúng em tiếc quá, nhưng hy vọng một ít gì của đêm Orange Hill đã sưởi ấm thầy!! Chúng em vẫn cầu chúc thầy sức khoẻ thật an lành và vạn điều tốt đẹp vẫn luôn đến với thầy để thầy có nhiều thì giờ đến với học trò của thầy, đến với mọi người, những ai vẫn mê và yêu thích tiếng hát và tiếng đàn cuả thầy. Happy Birthday to Thầy Nghiêm Xuân Thịnh. 
 
Tổng Sấn cẩn
Oct 2007
Cùng Tác Giả / Đề Tài