altTrong bài “Thầy, Cô tôi và những người bạn” đã được đăng trên ĐS 2010 trong năm, tôi đã ghi lại một vài cảm nghĩ và kỷ niệm với các Thầy Cô đã dậy dỗ chúng tôi dưới mái trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Tuy chỉ vỏn vẻn ba năm nhưng với tôi là một vốn liếng vô cùng quý giá và giúp tôi đứng mạnh và đi vào đời, sống với nó và trôi nổi đến ngày hôm nay. 

Ông không những là một trong những người Thầy mà tôi thật quý mến ngay từ những ngày đầu nhập học mà còn ở những năm ra đời đến hôm nay. Như tôi đã viết, “Thầy là một vị thầy nghiêm nghị, từ tốn nhưng lại rất thân thương với học trò …”

Ông dậy chúng tôi môn Anh Văn, đây là một môn thuộc loại yếu của tôi và tôi lại là cô học trò nhỏ luôn có duyên được thầy kêu lên trả bài thường xuyên. Tuy là một môn tôi yêu thích và yếu kém nhưng không khiến tôi có ý nghĩ “cúp cua” giờ của thầy mà trái lại tôi lại đi lớp của Thầy đầy đủ. 

Là bạn thân với hai người cháu ruột của ông, đó là các chị Nguyễn thị Hồng và Nguyễn thị Thứ ban Canh Nông. Những năm trên trường, hàng tuần tôi thường theo Hồng và Thứ đến nhà Thầy chơi cuối tuần như một mái ấm thứ hai của những đứa trẻ nhỏ sớm xa gia đình. Sau ngày rời trường vào những năm 1970-1975, tôi sống ở Sài Gòn và có cơ hội được sinh hoạt với gia đình thầy cô thường xuyên. Sau khi tôi lập gia đình và tôi có thêm cơ hội được lưu trú ở nhà ông khoảng 6 tháng vì vậy ông đã coi tôi như con cháu trong nhà. Tôi không giám bình phẩm khen ngợi hay nói về chức năng nhà giáo hay điạ vị của ông mà tôi chỉ muốn viết đôi chút về một gia đình mà tôi đã có cơ duyên được gần gũi và biết về ông qua cái nhìn và suy nghĩ của riêng mình. 

Ông sinh năm 1936 tại tỉnh Bắc Giang. Năm 1962, ông tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Sài Gòn ban Anh Văn. Năm đầu tiên ông được bổ nhiệm dậy các lớp Anh ngữ cho hệ Trung Đẳng Nông Lâm Mục Blao. Sau đó từ 1963-1967 ông chính thức dậy môn Anh ngữ cho các lớp 10, 11, và 12 tại trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Từ năm 1967-1971, ông đắc cử Dân Biểu Hạ Viện tỉnh Lâm Đồng. Năm 1971 xong nhiệm kỳ ông trở về Sài Gòn dậy Anh ngữ tại trường Nguyễn An Ninh. Cũng trong năm này ông đã đi Rome, Italy và đã được gặp Đức Giáo Hoàng Paul Đệ Nhị. Qua năm 1972, ông làm việc tại Phủ Tổng Thống và đi tu nghiệp thời gian ngắn tại Hoa Kỳ. Năm 1973, ông đắc cử chức vụ Nghị Sĩ Thượng Viện, nhiệm kỳ 6 năm của thời đệ Nhị Cộng Hoà. 

Thời niên thiếu, Ông đi tu tại Tiểu Chủng Viện Đà Lạt (cấp Tiểu học), sau đó lên Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt (bậc Trung Học). Có lẽ cái duyên với đạo của ông chưa trọn vẹn, theo như ông kể, cứ mỗi lần chuẩn bị mặc áo dòng đen để học lên ra linh mục, thì ông lại trải qua một cơn bệnh. Sau đó ông quyết định xuất tu và chuyển qua ngành Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Gia đình Ông có 2 người chị gái, 2 anh trai và một em trai, và hiện đang là Linh Mục Chánh Xứ Vincent, Xóm Mới, Sài Gòn. 

altÔng lập gia đình sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm. Ông có 4 người con, một trai và ba cô con gái. Tất cả đã trưởng thành, lập gia đình và thành tài. Trong số những người con có hai cô con gái đầu là Bác Sĩ, một cô Út Dược Sĩ, và cậu con trai là Kỹ Sư. Ngoài ra ông cũng có 6 người cháu ruột, tất cả đều là cựu học sinh Nông Lâm Súc Bảo Lộc. 

Bản chất của ông thật hiền hậu, vui tính, dễ dãi, và không biết giận. Tôi luôn dành sự kính trọng đặc biệt cho ông với hai đức tính khiêm nhường và thật thà. Câu chuyện như sau ... Trước khi có đứa con đầu lòng, ông có nhận nuôi một đứa bé gái 8 tháng. Đứa trẻ này đã làm cho ông và cô rất mệt mỏi và nhức đầu về sự dậy dỗ và giáo dục. Người con nuôi này vẫn được ăn học đến nơi đến chốn và hết mực yêu thương và nay cũng đã có gia đình con cái và thành danh. Sau khi ông đã có 3 người con, ông đã quyết định nhận thêm một đứa bé gái nữa làm con nuôi. Ông bà đã dành trọn vẹn tình thương đến những đứa con kể cả con nuôi một cách đồng đều và nuôi dưỡng chúng ăn học thành tài. Tôi còn nhớ vào dịp Giáng Sinh 1973, sau bữa cơm tối chúng tôi quây quần nói chuyện về thời sự, xã hội, chức vụ và cuộc sống ... Bất chợt ông nói với tôi: "Chú không tài giỏi đâu! vì nuôi hai đứa con nuôi nên chúa ban cho hai chức vụ". Tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói khiêm nhường này của ông cho tới bây giờ.  

Đời sống của ông rất mẫu mực và đơn giản. Trước khi đi làm ông thường ăn sáng bằng một miếng đậu hũ nóng không chiên. Bữa cơm gia đình hàng ngày của ông thì cô nấu gì ông ăn nấy. Ông đọc sách thường xuyên để trau dồi kiến thức. Ông ít sinh hoạt tiệc tùng hay ăn nhậu nếu cảm thấy không cần thiết. Ông quý mến các học trò của ông, đặc biệt là những học trò Nông Lâm Súc. Ông luôn niềm nở giúp đỡ mọi người chẳng hạn như Hồng, Thứ và tôi, kể cả một số bạn bè học trò các trường ngoài. Thỉnh thoảng muốn nhờ vả ông giúp ai điều gì, chúng tôi cứ nói dối với ông đó là học sinh Nông Lâm Súc Bảo Lộc, thế là xong! Ông ở một căn nhà rất bình thường, không cổng kín cao tường. Cổng nhà ông luôn mở rộng để con cháu hai bên và các cô cậu học trò trong đó có tôi không phải rụt rè hay ngại ngùng khi tới gặp ông. 

Ông có một mái ấm gia đình thật hạnh phúc. Qua đức tính thật thà của ông đã tạo sự tin yêu của cô Nhi, vợ của Ông ngay từ lần đầu tiên cô gặp ông. Tôi đã được cô Nhi kể lại một kỷ niệm khi cô quen biết ông. Lần đầu tiên cô được mời đi uống nước. Ông gọi hai chai soda mà không có chanh đường. Cô Nhi không thể uống nước soda mà thiếu chanh đường nhưng lại ngại không dám nhắc ông. Thấy cô không uống, thế là ông uống luôn hai chai. Cô Nhi thấy ông quá thật thà nên có cảm tình và từ sự thật thà của Ông là khởi đầu cho cuộc tình duyên cho hai người và cũng là sự vững bền của một gia đình trong khuôn khổ giáo dục và luân lý. 

Trước ngày 30 tháng 4, ông để vợ và con rời Việt Nam và ông ở lại... nhưng rồi ông cũng bắt buộc phải ra đi vào cuối tháng 5 năm 1975. Hồng và tôi ở lại nhà ông cho tới khi biết tin ông đã đến nơi bình an. Sự kiện ông ra đi mà không có tiền cho chuyến đi và người chị ruột của ông đã phải bỏ tiền ra trả cho chủ tầu như thế để tôi hiểu được tính liêm khiết nơi con người của ông. Tôi không quên được buổi sáng hôm đó ngày mà ông đã làm một quyết định lớn cho cuộc đời mình. Trời vẫn còn tối ông thức giấc sớm và ngồi cầu nguyện. Trước giờ đi ông nói với Hồng và tôi: "Chú đi! các cháu ở lại cố gắng giữ gìn đức tin" rồi ông cười thật tươi. Tuy khuôn mặt ông lúc đó có đôi nét tiều tụy và lo lắng nhưng tôi hiểu nụ cười của ông chính là niềm tin và sức mạnh đã giúp ông vượt qua cái chết để tìm sự sống.  

Còn riêng tôi luôn nghĩ rằng hồng ân của Thượng đế đã ban cho ông chính là cô Thu Nhi. Tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp với cô. Cô là một người phụ nữ đảm đang, khôn ngoan và là cánh tay phải của ông. Cô không phải là mẫu người vợ khôn khéo, lo củng cố địa vị cho chồng, nhưng cô là một người vợ của công, dung, ngôn, hạnh và ân cần với chồng con. Cô là một người mẹ tận tụy, hiểu biết, hy sinh và biết cách giáo dục con cái. Đây là điều tôi đã học nơi cô khi tôi lập gia đình và có con cái.  

Cô có giọng nói nhẹ nhàng của người Hà Nội ngày xưa. Cô hát hay và cũng là giọng ca chính của ca đoàn nhà thờ Phú Thọ thuở nào. Khi còn trẻ, cô đẹp, duyên dáng và bén nhậy. Cô cởi mở, tấn tiến và biết thông cảm tuổi trẻ của chúng tôi thời bấy giờ. Những lúc vui buồn hay trong chuyện tình duyên tôi thường đến với cô để tâm sự. Cô có tài nói chuyện và rất tâm lý. Cô hướng dẫn chúng tôi biết và tránh những điều không nên làm. 

Khi tôi tròn 20 tuổi và lúc đó đang chập chững bước vào lãnh vực tình yêu. Tôi tâm sự với cô nhiều và một lần cô đã nói: "Tim cái Thường phải cắt nhỏ ra rồi cho vô chảo xào chín!". Một câu nói vui, rất ý nhị và có sự thông cảm của cô dành cho tuổi trẻ. Cô hướng dẫn tôi về đời sống đạo đức, cách xử thế cũng như sự giữ gìn nhân phẩm phụ nữ một cách nhiệt tình nhưng kín đáo và tế nhị. Cô khéo tay, cô không hề đi học may nhưng cô may áo dài rất đẹp. Tôi vẫn còn giữ một kỷ niệm, một món quà, đó là chiếc áo dài mà cô đã may cho tôi vào năm 1973. 

Những năm Thầy Nhuệ đã có địa vị trong xã hội nhưng cô vẫn không thay đổi cách sống trái lại con người cô còn có phần nhún nhường hơn. Thời đó ở địa vị của Thầy Cô vẫn là điểm đến của các giới anh chị. Một lần, Cô tôi đã khéo thuyết phục họ, nhóm du đãng Hùng Bò, sau cùng đã phải từ bỏ những ý tưởng và hành động xấu và gia đình Thầy Cô đã thoát nạn năm 1972. 

Cũng gần nửa thế kỷ trôi qua, Thầy Cô hiện nay vẫn không ngừng làm việc. Công việc của ông bà là những việc thiện nguyện về xã hội, và về đức tin như phụ trách các lớp về thăng tiến hôn nhân. Hiện giờ hàng tuần Thầy và Cô vẫn đi các nơi để họp hành, hướng dẫn chung với các hội đòan trong cộng đồng Việt Nam tại California. Thầy đã giúp đở nhiều gia đình tránh không bị đổ vỡ, hay hàn gắn những cặp vợ chồng trở lại với nhau sau khi ly dị. Nay dù đã ngoài 70 tuổi họ vẫn luôn làm việc không biết mệt hầu mong muốn được đi trọn con đường tâm đạo mà ông bà đã cùng chung một chí hướng. 

Không thước tấc nào đủ để đo bề dầy sự đạo đức của ông bà. Giá trị của một người không tùy thuộc vào bằng cấp địa vị mà chính là chất liệu và nhân cách của họ. Giá trị của ông là con người và cách sống của ông. 

Con kính chúc Chú, Cô và toàn thể gia đình hưởng một mùa Giáng Sinh thật vui tươi đầm ấm và một năm mới 2011 trong an bình và hạnh phúc. 

Nguyễn thị Thường
Huntington Beach, 15 tháng 12 năm 2010
Cùng Tác Giả / Đề Tài