altĐây không phải là một chuyến đi theo tour du lịch lữ hành tổ chức đưa du khách tham quan các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long, mà là chuyến viếng thăm Thầy cô Lê Văn Ký của những anh chị cựu học sinh Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao vào ngày 5-11-2010 vừa qua. Tôi hân hạnh được tháp tùng theo đoàn vì vốn có mối giao hảo thân tình với các anh chị qua các buổi sinh hoạt họp mặt cựu học sinh NLS Bảo Lộc trong thập niên 1990. Hồi đó trong các buổi họp mặt ngày 1 tháng Giêng hằng năm tổ chức tại Saigon luôn có sự hợp tác của các anh chị NLM từ khoá 1 đến khoá 8 và cả các khoá Cao Đẳng NLS nữa.
 
 
Thầy Lê Văn Ký là Thầy của các thế hệ đàn anh đó nhưng với chúng ta Thầy không hề có khoảng cách. Trong các buổi họp mặt Tân Niên và trong những lần về trường Thầy luôn hiện diện trên hàng ghế giáo sư bên cạnh Thầy Đặng Quan Điện để khích lệ và là niềm tự hào cho chúng ta.
 
Tôi vinh hạnh được Thầy nhận là Đệ tử Nhí, nên dù không được học chữ nào của Thầy nhưng có nhiều cơ hội ở bên Thầy qua những lần họp mặt nên cũng được Thầy chỉ dẫn cho nhiều điều hay. Tôi nghe các anh chị kể về cuộc đời và sự nghiệp giáo dục của Thầy mà lòng đầy ngưỡng mộ.
 
Thầy Lê Văn Ký sinh năm 1921 tại làng Hoà An, Quận Cao Lãnh, Tỉnh Sa Đéc nay là tỉnh Đồng Tháp. Thuở nhỏ Thầy nổi tiếng là người hiếu học. Năm 1935, Thầy thi đậu vào trường College Mỹ Tho. Thầy nhận được học bổng toàn niên học nhờ vào các thành tích học tập xuất sắc. Năm 1939 Thầy thi đậu bằng Thành chung (Diplôme) và trúng tuyển vào Trường Lyceé Pétruský. Thầy được Thống Đốc Nam Kỳ tặng phần thưởng học sinh xuất sắc và đặt cho biệt danh là Ký Major (nghĩa là học sinh giỏi nhất lớp).
 
Năm 1942 Thầy ra Hà Nội học trường Đại Học Jules Brerie ngành Thuỷ lâm. Năm 1945 tốt nghiệp thầy trở về miền Nam đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong ngành Lâm Nghiệp như Trưởng Ty, Trưởng Khu ở Xuân Lộc (Trảng Bom) và Ba Rịa Vũng Tàu.
 
Thầy nói như có một nợ duyên gì đó khi Thầy nhận làm giáo sư giảng dạy tại trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao ngay từ khi trường mới thành lập tháng 9 năm 1955. Thầy đã từ bỏ mọi tiện nghi vật chất ở thành phố để lên miền cao nguyên. Thời gian đầu thiếu thốn mọi phương tiện sinh hoạt nhưng cũng chính nhờ vậy mà tình cảm Thầy Trò càng thêm gắn bó. Thầy cũng có một niềm hạnh phúc lớn là luôn có Cô bên cạnh để chia sẻ và chăm sóc Thầy. Cô không những chăm sóc Thầy chu đáo mà Cô còn chăm sóc cả những đứa học trò nội trú xa nhà với tấm lòng người mẹ. Hồi đó có nhiều anh chị xin được làm con nuôi của Thầy Cô mà cho đến bây giờ tình nghĩa thiêng liêng đó vẫn còn được các anh chị trân trọng giữ gìn.
 
Đến năm 1965, Thầy đi Mỹ du học và 2 năm sau trở về nước với bằng Thạc sĩ Lâm Nghiệp. Thầy là một trong những người có công chuyển các lớp Cao Đẳng NLS về Saigon và thành lập trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc mà Thầy là Hiệu Trưởng nhiều năm liền sau được đổi tên là trường Đại Học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh.
 
Sau biến cố 75 Thầy vẫn được trọng dụng với chức vụ Trưởng Bộ Môn Dưỡng Lâm và Phân Loại Thực Vật cho đến năm 1991 thì Thầy nghỉ hưu và cùng Cô về sống ở quê nhà Đồng Tháp. Trong suốt thời gian 36 năm cống hiến đời mình cho sự nghiệp giáo dục, Thầy đã đào tạo 42 khoá học bao gồm Kiểm sự, Kỹ sư, Cao học với hơn 1,000 sinh viên tốt nghiệp. Thầy cũng đã nghiên cứu và hoàn thành 3 bộ giáo trình: Thực Vật Rừng, Khí hậu khí tượng và Phương Pháp Nghiên Cứu Khoa Học. Thầy còn biên soạn 2 cuốn tự điển Pháp Việt và Anh Việt về Danh Từ Khoa Học Lâm Nghiệp.
 
Thật không quá lời khi các anh chị đã yêu kính gọi Thầy là Cây Đại Thụ của ngành Lâm Nghiệp VN. Không những học vấn uyên bác mà Thầy còn sở hữu một trí nhớ tuyệt vời. Bây giờ ở tuổi 90 mà Thầy vẫn nhớ và đọc làu làu tên khoa học của các loài thảo mộc.
 
Thầy còn nhớ cả tên họ của những người học trò từ hơn 50 năm trước. Có một điều khiến tôi xúc động và hãnh diện trong chuyến viếng thăm Thầy lần nầy. Số là đoàn chúng tôi có khoảng gần 20 anh chị đa số là cựu HV QGNLM, chỉ có tôi và chị Ngô Thị Độc Lập, CN 68 và anh Tạ Hoàng Trung CĐ khoá 2 sau 75. Khi các anh chị đến chào thầy có nhiều người Thầy phải nhíu mày suy nghĩ một lúc mới nhận ra. Tôi nhỏ tuổi nhất nên vào chào Thầy sau cùng vậy mà Thầy nhận ra ngay và còn ân cần hỏi tôi rằng có còn tổ chức họp mặt ngày 1 tháng Giêng hằng năm thường xuyên không? Thế mới biết Thầy vẫn quan tâm theo dõi sinh hoạt NLS chúng ta dù rằng Thầy ở rất xa.
 
Tôi thấy mình thật sự hạnh phúc khi được hoà vào không khí đầm ấm thấm đượm tình Thầy Trò. Tôi được biết mổi cuối năm các anh chị NLM ở hải ngoại đều có góp tiền gởi về cùng với các anh chị trong nước gây quỹ Cây Mùa Xuân để thăm viếng và tặng quà Thầy cô trong nước. Thật là một truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo - Uống Nước Nhớ Nguồn đáng để thế hệ NLS chúng ta noi theo.
 
Tôi nhớ một kỷ niệm vui cách đây vài năm lúc đó Cô Ký còn sức khỏe, trong lần chúng tôi về thăm Thầy Cô, Cô đã đãi chúng tôi ăn bửa cơm trưa thật thịnh soạn có món Cá Tai Tượng chiên xù rất hấp dẫn.  Tôi và chị Ngô Anh Thuấn đã thưởng thức trọn vẹn đến nổi con mèo Tam Thể nhà Thầy Cô ngồi khóc meo..meo.. vì không còn miếng xương vụn nào để nhấm nháp. 
 
Lần nầy chúng tôi về thăm sức khoẻ của Cô rất yếu vì tuổi cao bệnh tật. Mục đích chuyến viếng thăm cũng là để kính chuyển tặng đến Thầy Cô số tiền mà các anh chi trong và ngoài nước góp lại để Cô có phương tiện chữa bệnh. Riêng sức khoẻ của Thầy thì nhờ Trời vẫn còn tốt. Thầy khoe là còn đi được xe đạp xuống chợ uống café.  Thầy còn hóm hỉnh kể lại cho chúng tôi nghe những chuyện tiếu lâm mà tôi sắp viết ra đây hy vọng đem đến cho các bạn những tiếng cười thú vị.
 
Chuyện Thầy kể rằng ngày xưa….Có 2 anh học trò (không biết phải học trò NLS không?) đi học về ngang qua con đường làng nhìn thấy có 1 cô gái đang chăn trâu ở giữa ruộng. Anh học trò lớn ra vẻ thâm nho mới ra câu đối cho bạn mình.  Anh nói to: “Ngưu nữ tại điền trung – Nhất luân hướng hậu nhất luân tiền”. Anh bạn chưa kịp đáp thì cô gái ứng khẩu trả lời ngay: “Đệ huynh hành lộ thượng – Lưỡng đầu chỉ địa lưỡng đầu thiên”.
 
Một lần nữa cũng 3 anh học trò hình như đang ngồi ngất nghểu ở cột cờ thì phải. Chợt thấy có 2 cô gái mặc áo màu nâu đi tới. Một anh lớn tiếng trêu chọc: “Nhị nữ song hành tung hoành tứ khẩu”. Một trong hai cô cũng không vừa đáp lại ngay: “Tam nhân đồng toạ thượng hạ lục đầu”.
 
Thầy còn kể thêm một giai thoại về Bà Đoàn Thị Điểm như sau: Có vị Sứ Thần Trung Quốc nghe tiếng Bà văn chương lưu loát nên tìm đến thử tài. Ông ta ra vế đối: “Nam Bang nhất thốn thổ - Bất tri kỹ nhơn canh”. Nử Sĩ họ Đoàn đáp ngay: Bắc Quốc đa trượng phu – Giai do thử đồ xuất”.
 
Có bạn nào chưa hiểu hết ý của những câu đối đáp nầy thì về Đồng Tháp nghe Thầy giải nghĩa nhé. Còn nếu như ngại đi xa thì tôi chỉ cho lớp học chử Hán của Thầy Châu Kim Lang tổ chức tại Suối Tiên, Saigon đã hướng dẩn cho các bạn NLS khoá 71-73. Tuy chỉ mới học được mấy buổi nhưng thấy các bạn ấy cũng uyên thâm lắm lắm.
 
Để kết thúc bài viết nầy tôi xin thay mặt các bạn cựu học sinh Nông Lâm Súc kính chúc Thầy Cô Lê Văn Ký được nhiều sức khoẻ và vạn sự an lành.
 
Tháng 11 năm 2010 
Bùi Thị Lợi,  MS71
Cùng Tác Giả / Đề Tài