Có một lần tình cờ tôi đọc được trên trang nhật báo một bài viết ngắn của ai đó viết về Thầy Cô mình. Chỉ là một đoạn văn tỏ bày lòng kính yêu và biết ơn của một người học trò trưởng thành nhớ về Thầy Cô mình. Thật đơn giản như rất sâu lắng trong tôi. Tôi cũng từng một thời cắp sách đến trường, đã được Thầy Cô dạy cho biết bao nhiêu lời hay, lẻ phải, kiến thức khoa học, rồi đạo đức văn chương …Tuy trình độ nhận thức của tôi có giới hạn nhưng tôi cũng khắc ghi một đôi điều. Thường thì chúng ta có những cảm nghỉ khác nhau về tất cả mọi sự việc trên đời. Nhưng chắc chắn khi nhớ về Thầy Cô về công ơn của các bậc đã khai thông trí tuệ cho chúng ta. Để hôm nay chúng ta có một chổ đứng vửng vàng trong xã hội. Tất cả chúng ta đều đồng tâm nhứt trí khắc ghi câu : Nhớ mãi ơn người.
Tôi muốn ghi lại một vài cảm nghỉ của riêng tôi về Thầy Cô của chúng ta. Xin quý Thầy Cô vui lòng tha thứ nếu như em có lở mạo phạm. Xin các bạn  hãy thông cảm nếu như trí nhớ tôi kém cỏi. Chẵng qua tôi muốn nhắc lại những kỷ niệm của ba năm học nội trú ở trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
 

 Thầy Cô trong ngày Đại Hội 4 

   Các Thầy tại Việt Nam   

           

- Thầy Nghiêm Xuân Thịnh - Năm 1968 tôi lên trường thì Thầy giử chức Hiệu Trưởng. Thầy không dạy lớp chúng tôi nhưng tôi có dịp gặp Thầy thường xuyên trong các sinh hoạt tổ chức văn nghệ của trường. Hồi đó Thầy mới du học ở Mỹ về, còn rất trẻ nhưng lúc nào cũng ra dáng nghiêm trang, luôn bễ vệ trong bộ veston, lái chiếc xe màu đen thật to ngừng trước sân rồi mới xách cặp bước lên hàng lang lớp học. Lớp con gái chúng tôi rất ngưởng mộ thầy nhưng các anh con trai thì nghịch phá vô cùng, đã bày ra nhiều trò trêu ghẹo. Không biết ngày xưa Thầy có giận không chứ bây giờ Thầy thật thân thương gần gủi chúng tôi. Năm 1990 tôi may mắn được gặp Thầy ở Hà Nội, sau đó Thầy có về Saigon đi uống cà phê với chúng tôi và cùng tham dự Ngày Hội Kỹ niệm 40 năm thành lập trường. Đêm trước ngày hội Thầy đã ôm đàn và say sưa hát như nhớ lại một thời vàng son đã qua. Bây giờ Thầy định cư ở Mỹ. Thầy lại có mặt trong các buổi họp Nông Lâm Súc ở đây.Thầy vẫn luôn thể hiện nét tài hoa của mình. Xin kính chúc Thầy nhiều sức khỏe. 

            

- Thầy Châu Kim Lang – Thoạt nghe tên Thầy chúng em cứ tưởng là một cô gái xinh đẹp dịu dàng. Lần đầu Thầy bước chân lên bục giảng chúng em đã ngỡ ngàng vì nét đạo mạo nghiêm trang của Thầy. Hồi đó Thầy còn rất trẻ nhưng dáng sư phạm uy nghi đã như ánh hào quang bao bọc Thầy mà lũ nhất quỉ nhì ma chúng em không đứa nào dám mạo phạm. Thầy giử chức Giám Học và dạy sử địa. Mổi đầu giờ Thầy đều cho làm bài kiểm tra, chỉ với một câu hỏi và một khoảng thời gian ngắn vừa đủ. Một tiếng gỏ thước xuống bàn thế là xong. Nộp bài. Hồi đó ai cũng sợ, nhưng không đứa nào nghỉ ra được điều gì để nghịch phá Thầy. Cho đến khoảng thập niên 80, lần đầu tiên được ngồi chung bàn với Thầy trong buổi họp mặt Nông Lâm Súc tại Saigon chúng tôi vẩn còn hồi hộp không tin là có lúc mình được ngồi ngang hàng với Thầy. Bây giờ Thầy đã nghỉ hưu nhưng vẩn còn phụ giảng nhiều khóa đào tạo ở các trường Đại học. Thầy cũng có nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục nông nghiệp. Thầy luôn có mặt trong các buổi họp Nông Lâm Súc. Thầy gắn bó với cựu học sinh Nông Lâm Súc trong tình cảm thân thương. Tôi thường hỏi ý kiến Thầy về nhiều việc. Ước mong những đề tài nghiên cứu của Thầy sớm hoàn tất để chúng ta có được thêm những tư liệu qúy báu và chúng ta luôn nhớ tới người Thầy mẩu mực Thầy Châu Kim Lang. 
 Thầy Thịnh, thầy Hoành và thầy Hạnh                
- Cô Võ Thị Vân – Nhiều bạn không nhận ra Cô nhiều năm rời xa mái trường Nông Lâm súc thân yêu. Cô thay đổi nhiều quá. Tôi còn nhớ năm học lớp 10 Mục Súc, lúc đó Cô mới lập gia đình, cô lên lớp với cái bụng bầu tròn trỉnh, gương mặt Cô trắng hồng xin đẹp. Cô rất nghiêm nghị, giờ học của Cô luôn có những bài kiểm tra ngắn vì vậy môn Súc của Cô chúng tôi không gặp khó khăn trở ngại gì khi ôn thi. Cô nói cười nhỏ nhẹ nhưng chúng tôi không đứa nào dám làm ồn ào trong giờ học của Cô. Cô chuyển về Saigon trước khi chúng tôi ra trường. Mải đến lần họp mặt Nông Lâm Súc năm 1995 tôi mới gặp lại Cô. Thời gian đã lấy đi làn da trắng hồng của Cô chi để lại ánh mắt thân thương và nụ cười hiền từ của một Cô giáo. Ngày 01-01-2007 Cô đã bước lên bục cùng chúng tôi cùng chúng tôi hát vang bài Nông Lâm Mục hành khúc trong ngày họp mặt đầu năm thật vui và thắm tình thầy trò.Cám ơn Cô đã tiếp sức cho chúng em trong ngày vui đó. 

                        

-  Cô Dương Thị Tuấn Ngọc – Đối với lưu xá E Cô đã để lại cho chúng em những kỹ niệm khó quên. Hồi đó Cô dạy môn súc thay Cô Vân và Cô phụ trách giám thị lưu xá E. Cô luôn quan tâm đến sinh hoạt ngoài giờ học của chúng em. Cô thường xuyên kiểm tra trật tự và vệ sinh lưu xá. Có một lần em và nhỏ bạn A.T ở chung phòng đã cẩn thận dọn dẹp, sắp xếp phòng gọn gàng ngăn nắp và mỹ thuật nửa, hy vọng phen này sẽ được Cô khen thưởng. Vậy mà cuối cùng trong đợt kiểm tra Cô cũng lôi ra được sau cánh cửa một bịch rác to tướng được dấu rất kỷ. Em và nhỏ bạn thất vọng phát khóc nhưng không giận Cô được lâu vì Cô dịu dàng, vui vẻ và thương yêu học sinh hết lòng. Trước khi Cô xuất cảnh, chúng em có xuống Mỹ Tho thăm cô. Hồi đó còn nhiều khó khăn nhưng Cô đã thể hiện tình thân ái Nông Lâm Súc thật vẹn toàn. Cuối năm 2005 chúng em được gặp lại Cô khi Cô về Saigon. Cô không thay đổi nhiều, vẩn gầy, vui vẻ và vẩn nhiệt tình. Ước mong ở bên Úc, Cô là đầu tàu để duy trì sự đoàn kết Nông Lâm Súc Bảo Lộc mải mải. 

                    

-  Thầy Phạm Phi Hoành – Ai là học sinh Nông Lâm Suc Bảo Lộc mà không nghe đến tên Thầy. Thầy không hề dạy tôi chử nào vì năm đó Thày làm Tổng Giám Canh. Lúc nào cũng thấy Thầy lái chiết xe Zeep chạy ào ào trong trường. Nghe kể Thầy hào hoa lắm. Sau 1975, Thầy vượt biển thất bại về làm cho hội trí thức yêu nước một thời gian rồi làm cho Thông tấn xã Việt Nam. Thầy luôn có mặt trong các buổi họp mặt Nông Lâm Súc ngày 01-01 mổi năm. Thầy đã đóng góp rất nhiều cho sinh hoạt Nông Lâm Súc. Bây giờ Thầy đã nghỉ hưu. Tuổi già và bệnh tật đã tấn công Thầy. Hôm tết Đinh Hợi nghe tin Thầy vào bệnh viện và đến nay sức khỏe của Thầy vẩn mong manh. Cầu trời cho Thầy chúng ta vượt qua được khúc quanh nầy.
                          
- Thầy Hồ Phước Hải – Thầy dạy chúng ta môn Công dân giáo dục. Nhưng thú thật tôi không nhớ một bài học nào của Thầy mà chỉ nhớ những câu chuyện Thầy kể sau bài giảng, chắc các bạn cũng nhớ như tôi. Giọng nói của Thầy hấp dẩn, lôi cuốn người nghe. Thầy cũng tài hoa lắm. Thầy rất gắn bó với sinh hoạt của Nông Lâm Súc ở Saigon. Năm 2000 Thầy đã cùng chúng tôi, mượn chiếc xe hơi của anh T.X.Biên vượt đèo Bảo Lộc liên lạc với ban giám hiệu trường THKT và dạy nghề Bảo Lộc để tổ chức Kỹ niệm 45 năm thành lập trường. Cám ơn Thầy đã đi cùng chúng em trên những nẻo đường vất vả đó.
                          
- Thầy Phan Bá Sáu – Ông Thầy đẹp trai như tây lai của chúng ta. Thầy dạy môn   Lý-hóa. Một môn học dể làm nản lòng những học sinh lười nhưng nhờ Thầy có phương pháp giản dạy hiệu quả nên chúng tôi cũng vượt qua được những kỳ thi Tú tài I và II dể dàng. Còn nhớ lần gặp mặt ở quán ăn Fai Fo mừng đón Thầy về thăm quê hương. Bạn H.T.Kỹ đã kể một câu chuyện cười đau cả bụng. Số là bạn Kỹ lười học môn Hóa của Thầy, hôm đó Thầy gọi kiểm tra. Bạn …ú ớ. Thầy đã phê một câu mà bạn nhớ đời : Trong lớp Thủy Lâm nầy có một đứa học trò dốt nhứt là H.T.Kỹ đó. Thầy nói xong thì quên ngay còn bạn Kỹ thì nhớ mải đến sau này khi đã làm đến chức bí thư phường xả và kể lại cho Thầy trò chúng ta nghe thật vui. 
                        
- Thầy Phan quang Định – Thầy cũng họ Phan như Thầy không đẹp như Phan Anh Tống Ngọc trong truyện Tàu. Thầy dạy môn Triết học nên lúc nào Thầy cũng mơ mộng như một nhà hiền triết. Thầy có cách kiểm tra bài thật độc đáo là cho học sinh đến nhà Thầy viết bài. Đứa ngồi trong nhà, đứa ngồi ngoài sân, đứa ngồi trên bàn, đứa thì ngồi dưới đất kê ghế để viết. Viết về đề tài gì, dài ngắn ra sau, cũng được trên điểm trung bình. Sau 1975 có mấy lần họp mặt Nông Lâm Súc ở nhà Thầy, ăn uống, ca hát rồi ngủ lại đến sáng hôm sau. Thầy đối với học trò như anh em. Thầy làm nghề dịch sách, truyện, lâu lâu lại đem tác phẩm của mình tặng học trò làm quà. Chúc Thầy kiếm được nhiều tiền hơn trong lỉnh vực văn chương của mình. 

                       

- Thầy Minh Nà – Thật tình em không nhớ rỏ họ tên của Thầy. Thầy dạy môn toán, môn học mà em kém nhứt. Em không nhớ những công thức Thầy giảng mà chỉ nhớ mổi cuối câu Thầy đều nói : “ Có phải không nà “ Vì vậy chúng em hay gọi Thầy là Thầy Minh Nà. Hồi đó nhà Thầy ở gần lưu xá E. Mấy đứa học sinh ở nhà Thầy có nuôi mấy con dê, buổi chiều hay chui vào lưu xá E ăn cỏ. Một hôm tụi con gái trong lưu xá nảy ra ý định bắt cóc mấy con dê. Chúng em đã dồn được con dê vào phòng khóa cửa nhốt lại rồi. Nhưng khi Thầy dẩn đám con trai đi tìm thì con dẹ lại kêu lên “be..be..”. Thế là phải đành trả lại con dê. Cũng may là lần đó Thầy không cho zero cả bọn con gái lưu xá E. Sau nầy chúng em không có tin tức gì về Thầy. Chi nghe nói Thầy đã định cư ở nước ngoài. Ước mong một lần gặp lại để nghe Thầy nói: “Có phải không nà “.                 

                       

Chúng ta còn nhiều Thầy Cô nữa. Trong suốt 3 - 5 học ở trường có biết bao nhiêu kỹ niệm. Những câu chuyện về Thầy trò kể nhau nghe không dứt. Các bạn mình ơi hãy kể tiếp dùm tôi nhé. 
 
Một chiều cuối tháng 3 năm 2007
B.T.Lợi
Trích ĐS NLSBL 2007
Cùng Tác Giả / Đề Tài