Từ ngày rời khỏi trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc bước chân vào đời, cụ thể hơn, bước thẳng vào quân ngũ, tôi đã tình cờ gặp lại được một số bạn bè mà một thời đã từng chung sống với mình dưới mái trường xưa.  Sớm sủa nhất là vào năm 1971, tôi đã gặp lại Nguyễn Tấn Phát, còn gọi là Phát sún, học cùng lớp với tôi.Thuở ban đầu, tôi và Phát sún không ưa gì nhau. Bởi vì cùng là lính mới năm đệ Ngũ, nhưng vì Phát Sún là em nhận của Nguyễn Việt Thắng (Thắng Mập) lớp đệ Tứ, cho nên Phát Sún ỷ vào băng đệ Tứ trở nên kênh kiệu và thường xuyên đụng chạm với tôi. Nhưng rồi dần dà hai đứa trở nên thân thiết. Đi chơi ở trên trường chưa đã, mỗi kỳ nghỉ về Sài Gòn, không ngày nào hai đứa tôi không gặp mặt nhau. Nhà Phát Sún ở Chợ Lớn, một cái Vila thật đẹp gần bệnh viện Chợ Rẫy. Gia đình thuộc loại giầu có, nhưng không biết vì lý do gì, vừa học xong lớp đệ Tứ thì Phát Sún bỏ nhà, tình nguyện đăng lính binh nhì Sư Đoàn 7 Bộ Binh. 

Còn tôi, sau khi tốt nghiệp khóa Huấn Sự Thủy Lâm tại trường Nông Lâm Súc Búng (Bình Dương) cùng với Đặng Cẩm Sơn (tay này hồi trên trường học trên tôi ít nhất là 2 lớp, vậy mà không hiểu tại sao lại cùng học khóa Huấn Sự với tôi), thì tôi bị động viên vào quân đội. Tôi ra trường với cấp bậc Trung Sĩ, về phục vụ tại Kho Phụ Quân Tiếp Vụ Định Tường (Mỹ Tho).Vào khoảng cuối năm 1971, tình cờ tôi và Phát Sún gặp nhau trong một quán cà phê ở thành phố Mỹ Tho.  Gặp được nhau thật là mừng. Từ đó, nếu Phát Sún đi hành quân thì thôi, còn lúc hắn được về hậu cứ dưỡng quân ngay tại Mỹ Tho là tôi luôn luôn có mặt để cùng ăn, ngủ, đi chơi chung với Phát Sún.  

Nhưng thời gian gặp lại nhau không được lâu. Trong một cuộc hành quân, một người lính cùng tiểu đội với Phát Sún đạp trúng trái lựu đạn. Là y tá đơn vị, Phát Sún ôm đồ nghề cứu thương chạy tới, vướng phải quả lựu đạn thứ hai. Tôi có mặt vào hôm đưa linh cửu cố Hạ Sĩ Nguyễn Tấn Phát về chôn trong một khoảng sân của chùa Vĩnh Trang, một ngôi chùa cổ xưa và nổi tiếng về mặt di tích lịch sử của thành phố Mỹ Tho. Lúc ấy đâu vào cuối năm 1971, hoặc cao lắm là đầu năm 1972.  

Tới năm 1973, trong số những đơn vị thuộc Tiểu Khu Định Tường tới đơn vị tôi để nhận hàng Quân Tiếp Vụ, thì bỗng nhiên xuất hiện Nguyễn Khắc Giao, tự Giao Bèo. Hai đứa ôm lấy nhau mừng húm.Giao Bèo cũng cùng lớp tôi. Nhưng hắn thuộc băng Thủ Thừa (Long An) cùng với Vinh Dê, Hồ Tấn Lạc..v..v .Vào lính, Giao Bèo trở thành Chuẩn Úy Nguyễn Khắc Giao, Trưởng Quầy Hàng Quân Tiếp Vụ Chi Khu Bến Tranh.  

Tôi nhớ có lần tôi cầm sự vụ lệnh đi Bến Tranh để thanh tra quầy hàng Quân Tiếp Vụ của Giao Bèo. Tôi nói, tất nhiên là Giao Bèo đưa tôi đi uống bia mút chỉ. Uống suốt ngày, thanh tra gì nữa? Uống tới say khướt và đêm phải ngủ lại tại chỗ. Tới sáng ra, lính của Giao Bèo đưa hồ sơ, số liệu gì ra tôi cũng ký xác nhận tuốt. Chả cần phải kiểm kho xem số lượng hàng tồn kho có ăn khớp với số liệu ghi trên giấy tờ hay không? Kỳ đó Giao Bèo thoát hiểm. Nhưng Giao Bèo làm ăn bạo quá. Cuối cùng Số 4 Quân Tiếp Vụ cử người khác về thanh tra: Giao Bèo bay chức Trưởng Quầy Hàng Quân Tiếp Vụ Chi Khu Bến Tranh. Và từ đó tôi không còn có dip gặp lai Giao Bèo nữa. Vừa rồi, coi hình họp mặt NLS tại Thủ Thừa trên Trang Nhà, thấy Giao Bèo đầu bạc trắng, giống y chang một lão ông dân đang ...ham vui!!!  

Tôi năm 1987, trong lúc cùng với Phan Tấn Phương (Phương Bông) uống rượu thường xuyên tại nhà Hiếu Lô (Nguyễn Trung Hiếu, Mục Súc) thì tôi quen và chơi thân với một người bạn của Hiếu Lô. Tay này mặt rỗ, tánh tình cực kỳ tiếu lâm. Tụi tôi đặt tên là Amoro vì cái mặt rỗ chằng rỗ chịt của hắn.Nhưng rỗ thì rỗ, hắn cũng vẫn biết yêu và đang cặp bồ với một cô gái khá xinh, tên là Quách Thị Mỹ Hạnh, làm Hiệu Phó một trường Mầm Non ở Sài Gòn. Tụi tôi thường hay đến nhà Mỹ Hạnh (trong một con hẻm đường Điện Biên Phủ, gần bệnh viện Bình Dân) để uống rượu với ba của Mỹ Hạnh là ông Quách Trung Chánh. Ông cụ đã già nhưng vui tính, hóm hỉnh và còn khoẻ mạnh lắm.Có một lần đến nhà ông uống rượu. Ông nói: “Hôm nay bà xã tôi đổ bánh xèo để mừng thằng con trai tôi từ Tây Ninh về thăm nhà”. Lát sau thằng con ông về tới. Ông đứng lên, rạng rỡ chào mừng, miệng cười như mếu...Tụi tôi quay lại nhìn, thì ra là Quách Trung Trực, dân Nông Lâm Súc Bảo Lộc cùng khoá với tôi. Thật là vui hết biết.Từ đó, cứ mỗi lần Quách Trung Trực từ Ty Nông Nghiệp Tây Ninh về thăm nhà là tui tôi lại gặp nhau. Mặc dù Trực ít uống rượu, bia, nhưng chịu ngồi tán dóc và chịu cười. Thế cũng là đủ.Lần chót tôi gặp Quách Trung Trực là hôm đám cưới của Amoro và Quách Thi Mỹ Hạnh. Đó là một đám cưới nghèo và cảm động. Qua đám cưới này, tôi đã ngẫu hứng viết được một truyện ngắn với nhan đề: “Đằng sau một đám cưới” gửi đăng trên báo Thanh Niên, lúc đó tôi đang là một cộng tác viên thường trực.... Ít lâu sau ngày đám cưới của cô em gái Quách Trung Trực thì tôi vượt biển. Từ đó tôi không còn liên lạc gì nữa với gia đình ông Quách Trung Chánh.Mới đây, qua các người bạn Nông Lâm Súc ở Việt Nam, tôi được biết Quách Trung Trực lâm bịnh nặng và đã qua đời....Những người bạn mình lần lượt ra đi....  

Chúng ta mới ngày nào còn là những học sinh đầy hoa mộng, nay ai nấy đều đã ở vào độ tuổi xế chiều. Đủ các thứ bịnh hoạn bắt đầu xuất hiện và chắc cũng chẳng còn lâu lắm nữa là chúng ta sẽ phải sẵn sàng cho một chuyến ra đi về với cõi vĩnh hằng. Hay nói theo nhà văn Bùi Ngọc Tấn thì chúng ta đang sắp sửa rời khỏi hành tinh này mà không để lại một vết xước......../. 

Dương Phú Lộc

Raleigh, NC, Tháng Tư 2007

Trích trong ĐS NLSBL 2007

Cùng Tác Giả / Đề Tài