Mỗi lần về, hành lý của tôi lỉnh kỉnh những chai lọ. Nhưng đặc biệt kỳ vừa rồi, vì công chuyện gia đình, tôi phải đi gấp, không kịp mua một chai nào. Về tới SàiGòn, bí quá, tôi phải mò tới một nơi bảo đảm bán rượu xịn, đó là cửa hàng Duty Free ở ngay trung tâm SaiGòn. Cửa hàng này do nhà nước Việt Cộng quản lý. Mà hễ cái gì dính líu tới nhà nước là không khá rồi. Nó chẳng ra làm sao. Đến nỗi, khi mua xong rồi, ra về tôi vẫn còn ấm ức, bèn viết một bài phê bình đăng trên tờ báo Doanh Nhân SaiGòn, số ra ngày 18-03-2008, dưới tựa đề: TÀN DƯ MẬU DỊCH QUỐC DOANH như sau:

Trong bối cảnh kinh tế nuớc nhà đang trên đà phát triển, đời sống của người dân đang được nâng cao, thì việc nhìn lại những hình ảnh xưa cũ của thời kỳ bao cấp chỉ làm cho người ta phì cười, ngán ngẫm. Khắp cả nước, hầu như ai nấy đều vui mừng và nghĩ rằng những bất hợp lý và thái độ cửa quyền của một thời bao cấp nay đã hoàn toàn thuộc về quá khứ.                       

Chưa hẳn đã thế. Đó đây vẫn còn xót lại dấu tích "không vui vẻ gì cả" của một thời Mậu Dịch Quốc Doanh. Cửa hàng miễn thuế (Duty-free shop) ở ngã tư Nguyễn Huệ và Lê Lợi, thành phố HCM, là một thí dụ cụ thể.

Nhân dịp Xuân Mậu Tý vừa qua, sau khi từ Mỹ về Việt Nam thăm gia đình được ít hôm, tôi quyết định ghé cửa hàng miễn thuế, định bụng sẽ mua một cặp rượu biếu bà con thân thuộc. Cửa hàng bầy trí đẹp, hiện đại, hàng hóa bầy trên các kệ cũng không thua gì nhiều so với cửa hàng miễn thuế ở Hong Kong hay Taiwan... Nhân viên phục vụ tại đây phần lớn là trẻ tuổi, đồng phục lịch sự, nhưng họ hết sức lạnh lùng khi nói chuyện với khách hàng. Tôi thử rình xem nơi họ một nụ cười. Hoàn toàn không có. Kể cả khi giao tiếp với người da trắng, mắt xanh, họ cũng không cười. Họ chỉ khúm núm thôi.

Đầu tiên họ muốn coi Passport của tôi. Tôi trình passport ra. Họ đòi thêm tờ khai Hải Quan, tôi cũng nhanh chóng trình ra, mặc dù tôi không khỏi phân vân, tự nghĩ trong đầu: họ đòi tờ khai Hải Quan để làm gì vậy? tờ khai Hải Quan thì có mắc mớ gì đến việc tôi sắp mua 2 chai rượu? (người bạn Việt Nam đi chung nói với tôi khi cả hai đã ra khỏi tiệm: "ở đây có cái lệ là chỉ bán cho du khách trong vòng 5 ngày kể từ khi du khách đến Việt Nam"). Tôi nghĩ: nếu chủ trương chỉ bán hàng một lần cho một lượt du khách để tránh tình trạng lợi dụng, thì tại sao người ta không ứng dụng kỹ thuật computer? cần gì phải xem tờ khai Hải Quan và cần gì phải ấn định trong vòng 5 ngày. Sao không là 4 ngày? Hay là 15 ngày? lại quan liêu rồi...

Tới phần mua rượu. Tôi được cho biết mỗi khách chỉ có thể mua tối đa 1.5 lít rượu. Khổ nỗi cặp rượu tôi định mua biếu (Martell Cordon Bleu) ở cửa hàng này chỉ bán dưới dạng chai 1 lít. Không có dạng chai 0.75 lít. Do đó tôi không thể mua một cặp được. Đành mua một chai về uống chơi với bạn bè, chứ biếu xén gì nữa. Tôi nghĩ: ở các nước tôi đi qua, họ cũng bán giới hạn. Nhưng họ tính theo đơn vị chai. Hai chai rượu miễn thuế cho một quý khách. Dễ dàng, thuận tiện, khách không bị rơi vào cảnh ngộ oái oăm. (Người bạn cho biết họ càng bán ít cho du khách, họ càng có nhiều hàng để tuôn ra thị trường chợ đen. Nhưng điều này cũng chưa chắc, bởi vì ông bạn tôi không chưng ra được một bằng cớ nào cho sự cáo buộc đó).

Mua xong, trả tiền xong, thì tới "tiết mục" niêm kín (seal) cái bao đựng món hàng mình vừa mua. Tại sao lại phải seal hở trời!!! Sợ du khách lén lấy thêm hàng bỏ vào bao chăng? Nếu sợ ăn cắp thì người ta có thiếu gì cách đề phòng kín đáo hơn, tế nhị hơn, mà không gây phiền hà cho khách. Hôm tôi mua, tôi và vài người khách nữa đứng lố nhố ở cửa phòng seal để chờ đợi nhận lại món hàng mình vừa mua. Không có lấy một cái ghế để ngồi cho lịch sự. Tự nhiên mọi người cảm thấy ngượng nghịu. Tự nhiên tôi cảm thấy lòng tự trọng của mình bị thương tổn. Phải chi họ kê ra được ít cái ghế, dăm ba cuốn tạp chí để xem trong khi chờ đợi thì có phải hay hơn không? Mà ấn tượng cũng khác đi nhiều. Sau khi nghe đọc tên và nhận lại túi hàng từ tay một nhân viên trẻ tuổi không biết cười, tôi có cảm tưởng như tôi vừa được phát chẩn...

Không! Không phải vậy! Tôi đã mua món hàng đó bằng tiền đô la Mỹ. Vấn đề là tôi đã đi nhầm vào một nơi còn mang đầy dấu ấn của thời bao cấp đáng sợ./.

Dương Phú Lộc
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Cùng Tác Giả / Đề Tài