Sau khi bài “Những vần thơ” đăng trên Trang Nhà được ít lâu thì bỗng nhiên hắn nhận được email của một bạn đọc là cựu nữ sinh trường Trưng Vương. Nói cựu nữ sinh Trưng Vương cho nó văn vẻ, chứ thực tế ra, chắc vị này bây giờ cũng đã là bà nội hay bà ngoại của một đàn cháu lúc nhúc rồi. Trong email, bà nội hay bà ngoại nào đó đặt câu hỏi: “Vậy thì từ khi vượt biên qua Mỹ, tác giả có ý nghĩ gì về thơ tình trong đất nước tự do này?”
 
Đây thật là một câu hỏi không dễ trả lời chút nào.
 
Bởi vì từ cái ngày hắn vượt biên tới bây giờ khoảng cách đã là quá lâu, có thể nói là cả nữa đời người rồi còn gì?
 
Ngày hắn bước chân xuống tàu, mới hơn ba mươi, tóc còn đen nhánh, còn chải bảy ba, tắm xong cứ chia cái đầu ra làm mười phần bằng nhau, rồi canh bên ba, bên bảy, rẽ đường ngôi, thế là xong. Còn giờ đây, hắn đâu còn cọng tóc nào nữa. Đi bộ trên đường phố New York, mấy người bán lược dạo ở hè phố China Town thấy hắn, ai cũng quay phắt đi, làm đôi lúc hắn cũng phát ngượng. Có đôi khi hắn ước ao phải chi đừng bị hói, tóc có bạc mấy cũng được, ít ra thì cũng còn hưởng ké chút thi vị của nhà thơ Tô Thùy Yên:
 
Ta về cúi mái đầu sương điểm.
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
Cám ơn hoa vì ta mà nở.
Thế giới vui từ những lẻ loi…
 
Ngày hắn bước chân xuống tàu, vợ hắn còn trẻ, còn biết điều lắm, khiến lúc chia tay hắn thực sự bùi ngùi, theo kiểu Nguyễn Bính:
 
 Em ơi em ở lại nhà.
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.
 
Ai dè bảo lãnh bả sang Mỹ rồi, bả làm đảo chánh, tự lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Ngọc Oanh thứ 18, đóng đô ở Raleigh, và bắt đầu từ ngày đó chính hắn là người đốn dâu, trông mẹ lại kiêm thêm giặt đồ, lau nhà, trông cháu...  Thành ra, có lúc phẫn chí quá, hắn chỉ muốn chết phứt đi cho rảnh nợ, kiếp sau có thành con gà, con vịt gì cho thiên hạ bắt nấu cháo cũng được. Nhưng hiện tại vẫn chưa chết được, cho nên hắn chỉ phản kháng bằng cách âm thầm hát cho mình hắn nghe: Tôi đã lầm đưa em sang đây, để đêm trường nghe tiếng thở dài… Hoặc: Từ ngày có em về, nhà mình toàn tiếng chửi thề, dòng nhạc tình tắt bấy lâu, nay tuôn trào như dòng suối…
 
Cái khoảng cách thời gian dài như vậy, không những nó biến đổi thể xác mà nó còn làm thay đổi hẳn tình trạng tâm, sinh lý của con người nữa. Như ngày xưa, hồi ở Việt Nam, hắn chỉ chuyên trị về thơ tình thôi, hắn không đọc các loại thơ nào khác; nhưng nay thời cuộc đổi thay, phải sống kiếp long đong nơi xứ người, hắn đâm ra phần nào lạnh nhạt với mảng thơ tình. Thay vào đó hắn tìm đọc những bài viết về nỗi nhớ quê hương hay những trăn trở trong cuộc sống tạm dung của không ít những người làm thơ. Hắn đọc và thấy thích:
 
Anh có ở lại đây một trăm năm.
Ăn gà tây, uống cô-ca, cũng không thành Mỹ trắng.
Anh có ở lại đây một ngàn năm.
Cắt cỏ dang nắng, cũng không thành Mỹ đen.
Tiếng Anh tiếng U nay anh nói chắc đã quen.
Nhưng đến bao giờ mới phai mùi nước mắm?
 
Hoặc như hai câu tâm sự rút ruột rút gan của thi sĩ Hoàng Lộc:
 
Nghe máu chảy buồn thân lữ thứ.
Mới đau rưng rức một quê nhà.
 
Lại còn lời trối trăn nao lòng của Du Tử Lê, người được xem như một khuôn mặt thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam thời hiện đại:
 
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển.
Nước ngược giòng sẽ đẩy xác tôi đi.
Bên kia biển là quê hương tôi đó.
Rặng tre xưa muôn thưở vẫn xanh rì…
 
Cái sự hắn lạnh nhạt với thơ tình còn có một nguyên nhân khác nữa. Nguyên nhân này có phần chủ quan. Nhưng hắn nhận thấy làm như ở Mỹ này vật chất con người ta dư thừa quá rồi, cho nên ngay cái tình yêu đôi lứa cũng không được trữ tình lãng mạn, liêu trai chí dị như tình yêu hồi còn ở Việt Nam những ngày xưa cũ. Hãy lấy một thí dụ nhỏ thôi, như chuyện tặng quà chẳng hạn. Hồi đó có tiền chạy vô thương xá TAX, mua một hộp khăn mùi-xoa thêu, bốn cái bốn màu khác nhau, tặng cho người yêu đã là danh giá lắm. Người con gái tóc dài, nhà ở bên kia cầu chữ Y, nhận quà, lòng trìu mến cảm động… Còn bây giờ ở Mỹ mà mang mùi-xoa đi tặng sẽ bị coi là ngớ ngẩn. Ở đây, các vật dụng tiện nghi sinh hoạt hằng ngày hầu như ai cũng có đủ, không thiếu thứ gì, cho nên rất khó tặng quà. Nếu tặng những thứ thường thường như cái áo hay cái đồng hồ báo thức thì dễ dàng bị coi là “cheap,” mà nếu tặng những thứ mà đối tượng có thể thực sự thích như “ipad” hay “iphone 6 plus” thì đào đâu ra tiền? Của đâu mà đem tặng những thứ này hoài? Nhức đầu. Thành ra cái cử chỉ lãng mạn tặng quà không ít thì nhiều đã bị yếu tố vật chất làm giảm đi cường độ lãng mạn của tự thân nó.
 
Đã thế, những tiến bộ khoa học kỹ thuật như email, cell phone, face book… của xã hội hiện đại ngày nay đã giáng thêm những đòn chí tử vào một chút gì còn sót lại của lãng mạn tình yêu. Đã yêu nhau ai lại không có nhu cầu trao và nhận những cánh thư yêu? Kể cả những anh chàng nhát gái vào hạng thầy chạy cũng từng thức trắng đêm, nắn nót trải lòng mình ra giấy, viết xong còn lấy công-tờ-gút (compte-gouttes/dropper) nhỏ thêm vài giọt nước vào lá thư xanh, giả làm nước mắt, để rồi sáng hôm sau hồi hộp đem đến lại đem về… Nguyên Sa Trần Bích Lan còn đem tâm tư mình gửi cả vào trong màu mực:
 
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc.
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương.
Anh pha mực cho vừa màu áo tím.
 
Thời bây giờ thì không rắc rối, lãng mạn như vậy. Cứ ngồi gõ email, nhanh lắm, chỉ hai phút sau đối tượng của mình nhận được ngay thôi. Bút với mực gì cho lích kích…
 
Việc tặng hình cho nhau cũng là một điều kiện ắt có và đủ cho bất cứ bài toán học về tình yêu nào của ngày xưa. Dạo ấy, người thiếu nữ phải để dành tiền, phải chạy ra tiệm chụp hình, phải ngồi làm dáng cong cong vẹo vẹo cho ông phó nháy vừa hút thuốc lá vừa bấm một pô để đời, rồi phải chờ cả tuần sau mới có hình mình mang về. Do đó, một khi nàng quyết định tặng hình mình cho chàng trai nào đó rồi, thì coi như tám mươi phần trăm cá đã cắn câu, (anh chàng Lã Vọng kia ơi còn không mau mà giựt cần lên). Thường thường thể nào người thiếu nữ cũng ghi vài hàng chữ đề tặng phía sau tấm ảnh khiến cho người con trai mê mẫn đọc từ sáng đến chiều, từ đêm tới sáng, cho đến thuộc lòng… Có nàng còn đề thơ đằng sau tấm ảnh:
 
Thương nhau mới tặng ảnh này.
Ghét nhau ai tặng ảnh này làm chi.
Dù cho ảnh có phai màu.
Xin đừng xé bỏ mà đau lòng này.
 
Thời đại hiện nay thì không còn nhiêu khê như thế nữa. Muốn có hình thì cứ móc phôn tay ra mà chụp, muốn gửi hình cho nhau thì cứ email tới tới, hoặc gọi điện thoại qua face time, vừa nói chuyện vừa nhìn thấy nhau, có bạn trẻ còn cho nhau “coi hàng” của mình qua phôn nữa. Cho nên việc xin hình lẫn nhau là “xưa rồi Diễm”, thí dụ như bây giờ ai muốn có hình của Nguyễn Triệu Lương hay của Kim Anh thủ quỹ, chẳng việc gì phải xin xỏ, cứ việc lên Trang Nhà NLS Bảo Lộc, bấm vài cái trên bàn phím, một tỷ tấm hình hiện ra. Tha hồ coi. Chỉ sợ không đủ kiên nhẫn.
 
Thành ra tình yêu ở bên Mỹ này nó cứ nhạt nhạt, đã thế lại còn phải chạy theo hình thức cho giống với phong tục của dân Mỹ: Nào là sinh nhật phải có hoa tươi, bong bóng cộng thêm ổ bánh. Rồi ngày tình nhân (Valentine) mười bốn tháng hai, chết thì chịu, chứ ngày đó người đàn ông nhất thiết phải khiêng về cho bồ bịch hay vợ mình hoa hồng và kẹo chocolate. Tại sao cứ phải là Sô-cô-la mà không là một thứ gì khác? Hỏi thì không ai trả lời được. Rặt hình thức. Chỉ béo cho các nhà sản xuất hoa tươi và kẹo. Mỗi năm vớ bẩm một lần.
 
Trong khi rườm rà và tốn kém như vậy, thống kê vẫn cho biết là tỷ lệ ly dị ở nước Mỹ rất cao.
 
Thì nói đâu xa. Nói ngay thằng con trai trưởng của hắn. Cùng vượt biên với bố, qua đây được ăn học, có việc làm tốt, về Việt Nam cưới vợ. Cô vợ này hồi đó học chung lớp với con hắn, và là người Tàu. Mà phải chi Tàu Chợ Lớn còn đỡ, còn biết làm ăn. Đằng này là Tàu quận Ba, cư xá Nguyễn Thiện Thuật, ông bố suốt ngày nằm trên bộ xa-lông rách, nghe Sấy Cung Cỏi Phóng Thổi (đài Sài Gòn Giải Phóng tiếng Hoa). Đưa vợ qua được một thời gian, tíu tít mua nhà, mua cửa, bảo lãnh cha mẹ vợ, rồi lần lượt hai đứa em gái vợ qua đoàn tụ luôn. Tất cả đều ở chung nhà. Nói toàn tiếng Tàu, cứ xí xa xí xô với nhau. Con trai hắn không hiểu, nhưng hắn hiểu vì hồi đi cải tạo, rảnh quá, hắn có học qua chút chút tiếng Quảng Đông. Hắn hiểu nhưng lại giả nai như không hiểu, để im xem bên đó có nói xấu gì bên hắn không. Nhưng không thấy nói xấu gì, nên mọi thứ vẫn tốt đẹp. Tình hữu nghị xuôi gia Việt Trung đời đời không thay đổi. Thằng con hắn vẫn vui vẻ, chiều chuộng vợ hết mực. Buffet Tàu, bong bóng và kẹo chocolate tấp tới… Cô vợ hồi ở Việt Nam phụ mẹ bán quần áo cũ bên ngoài chợ Bàn Cờ, mỗi lần công an tới, chạy mất dép, lại phải mua đôi mới. Qua đây khác ngay: trong nhà, trên bàn ăn lúc nào cũng phải có hoa tươi. Chạy xe Benley, đeo kính râm bất kể trời nắng hay mưa, cho nó giống tài tử Hồng Kông. Được đâu một thời gian, tới chừng mâu thuẫn giữa mẹ vợ và con rể nổ bùng ra, xoay quanh việc bà mẹ vợ dạy cháu ngoại nói toàn tiếng Tàu, không cho nói tiếng Việt. Tới nhà hắn chơi, cháu nội hắn cứ khóc: Ngộ ừm oi, ngộ ừm oi… cả nhà không ai biết nó muốn gì, khiến cho hắn đang ngồi computer dưới nhà phải thông dịch vọng lên trên lầu: Nó không thích cái đồ chơi đó, lấy cho nó cái khác đi…
 
Khi mâu thuẫn giữa con hắn và bà mẹ vợ lên tới đỉnh điểm, con gái nào không binh mẹ chằm chằm, điều này không trách được. Thế là đưa đến ly dị. Thằng con trai hắn ra khỏi nhà với cái xe Toyota 4 Runner rách nát cùng với một đống quần áo vứt hỗn độn trong thùng xe. Cái hôm con trai hắn báo cáo sự việc cho hắn biết, nó mếu máo: Bố ơi, mất cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa rồi… Hắn ngậm ngùi đưa con mình ra dealer mua cho nó chiếc xe khác, bởi vì sĩ diện, bởi vì giấy rách phải giữ lấy lề, không thể để nó ly dị rồi thê thảm như vậy được, bạn bè hắn và bao nhiêu người Việt khác nhìn vào. Hôm giao xe cho con hắn, hắn bảo: Hoàng Sa, Trường Sa mất rồi không lấy lại được đâu, còn có cái đảo Thổ Chu này, con ráng mà giữ lấy. Cái lần Đinh Công Lý ghé thăm nhà, gặp con hắn, hai bác cháu cứ thủ thỉ chuyện Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và bảy mươi mấy chiến sĩ khác hy sinh trên biển Đông năm nào.
 
Hóa cho nên, mặc dù không đưa ra được bằng chứng khoa học nào, nhưng hắn vẫn chủ quan nghĩ rằng những mối tình ở Việt nam ngày trước bao giờ cũng đẹp, cũng thơ mộng hơn các mối tình của người Việt thời nay đang sống trên đất Mỹ.
 
Cái đẹp, cái thơ mộng đó hiện rõ qua thơ văn.
 
Ngày trước ta có:
 
Làm sao định nghĩa được tình yêu.
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt.
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu…
 
Ngày trước ta có:
 
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông.
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của trời.
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
 
Ngày trước ta cũng có:
 
Tôi giữ em lại trên một hè phố đông người. Em đừng ngần ngại, bởi vì tôi chỉ muốn nói tôi yêu em. Tôi nói ngay, không ngại ngùng, đắn đo, dò xét. Bởi vì em ơi tôi không phải là gã lái buôn già trả giá hàng trong một buổi chợ chiều hỗn loạn. Tôi cũng không phải là người cảnh sát đứng ở ngã tư mà chỉ cho lòng tôi vào con đường định hướng… (Ngỏ Ý- Nguyên Sa)
 
Còn thơ tình ngày nay hắn đọc được gì? Hoặc là nó cứ ngô nghê như trong phim Xặc-Lô (Charlot):
 
Mây xuống vành môi cong viễn ảnh.
Những cánh rừng trong nhịp thở không gian
 (thơ Trúc Lang)
 
hoặc là tác giả táo tợn đem cả vấn đề vệ sinh vào trong thơ tình, hy vọng khoác cho nó một cái áo triết học nào đó:
 
Mỗi cái chén một người ăn anh nhé.
Dẫu có thương cũng chỉ chung vài lần.
Chút sẻ chia, âu yếm lúc tình thân.
Đâu có thể ăn hoài chung một chén.
(thơ Ý Nga)
 
Hỏi thế thì làm sao hắn còn tiếp tục tìm đọc thơ tình ở đất Mỹ này được nữa chứ? Hắn chịu thua. Vâng hắn giơ tay đầu hàng từ lâu rồi.
 
Hy vọng bài viết này đã phần nào trả lời được câu hỏi khó của bà nội ngoại, cựu nữ sinh Trưng Vương nào đó. Được thế thì tốt. Còn không được cũng không sao. Bởi vì chủ yếu hắn viết là cho bạn bè và các anh chị dân Nông Lâm Súc của hắn đọc cho vui vui, cho nên ở phần trên mới nhắc tới anh Nguyễn Triệu Lương và chị Kim Anh thủ quỹ một cách hết sức biểu tượng, bởi hắn tin rằng đây là hai nhân vật mà trong cộng đồng Nông Lâm Súc Bảo Lộc không ai là không biết…/.
 
Dương Phú Lộc
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

Cùng Tác Giả / Đề Tài