Sau nhiều lần làm đơn xin phép, cuối cùng vợ tôi cũng ký giấy chấp thuận cho tôi đi Toronto (Canada) một mình với 2 lý do rất là chính đáng: Trước là ghé thăm anh Vương Thế Đức, sau là để “đi cho biết đó biết đây, ở nhà với vợ biết ngày nào khôn”.
Tôi chọn con đường bay từ Raleigh, nơi tôi ở, đến phi trường Buffalo, New York, rồi từ đây thuê xe, lái độ 2 tiếng nữa thì tới Toronto. Sở dĩ tôi phải chọn lộ trình phức tạp này bởi 2 lẽ: Giá vé máy bay sẽ rẻ hơn phân nửa so với bay thẳng tới phi trường Toronto.
Ngòai ra, điều quan trọng hơn, đó là tôi sẽ có dịp lái xe qua biên giới. Không hiểu sao cứ mỗi khi bước chân đến biên giới của một quốc gia nào đó, trong tôi đều dậy lên một xúc cảm lạ kỳ. Hồn lâng lâng và lòng thì cảm động. Vẫn biết rằng biên giới chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của con người, nhưng có phải đằng sau những cột mốc biên giới kia là linh hồn của cả một dân tộc. Trong quá khứ sâu thẳm, bao nhiêu xương máu đã đổ ra để có nó, và hiện tại cũng như trong tương lai, con người ta sẽ sẵn sàng hy sinh tánh mạng để giữ tròn biên cương của Tổ Quốc.
Lái xe qua giữa cầu "Rainbow", nơi 2 lá cờ Mỹ và Canada đánh dấu lằn ranh biên giới, tôi không thể nào không nghĩ tới chuyện những nhà cầm quyền Việt Nam vừa ký Hiệp định cắt một phần đất thiêng liêng của Tổ Quốc dâng cho Trung Cộng. Bài học địa lý từ thuở còn thơ: Nước Việt Nam hình cong như chữ S, nối liền một giải từ Ải Nam Quan tới mũi Cà Mau… nay không thể nào còn đem lên bục giảng được nữa. Bởi ải Nam Quan thực tế hiện nay đã nằm sâu trong lãnh thổ của anh láng giềng khổng lồ phương bắc.
Sau một đêm nghỉ ngơi tại nhà người quen, anh Vương Thế Đức đến đón tôi vào buổi sáng hôm sau. Không kể hồi trên trường Bảo Lộc, thì đây là lần thứ nhì tôi gặp anh. Anh hiền lành và đẹp trai (hay đẹp lão?), chí thú trong việc làm ăn sinh kế và hết sức tận tụy với công việc của Hội Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
Chúng tôi ăn cơm trưa tại nhà anh, sau đó lên xe để vợ chồng anh đưa đi thăm thú các nơi.
Đi trên đường phố của thành phố Toronto có cảm tưởng như không khác nước Mỹ là mấy: Hệ thống xa lộ tốt, các cửa hiệu bán thức ăn nhanh quen thuộc… có khác tí chút là nhà cửa ở đây phần lớn xây bằng gạch, không như nơi tôi ở, nhà cửa thường được xây bằng gổ và ván ép. Đó đây khá nhiều các "condo" mọc vút lên trời cao, như cố gắng để đón lấy những làn gió trong lành thổi tới từ mặt hồ Ontario rộng lớn. Nhưng những cố gắng này là vô ích, bởi vì thành phố Toronto nằm ngay bờ phía Tây của hồ Ontario, cho nên đứng ở dưới đất người ta vẫn có thể cãm nhận được sự dể chịu và mát mẽ, món quà rộng lượng của một trong Ngũ Đại Hồ mêng mông.
Tôi được đưa đến một điểm dừng chân ở thành phố du lịch Niagara-on-the-Lake. Đứng tại điểm này người ta có thể nhìn thấy bên kia hồ là đất Mỹ. Nhìn lá cờ sao sọc bay trong gió tôi hiểu rằng đó là một phần đất của tổ quốc thứ hai của tôi, nhưng sao lòng mình cứ dửng dưng… Tại tôi thi vô quốc tịch Mỹ chỉ là do thời thế đưa đẩy phải như thế? Để hưởng quyền lợi? Để dễ dàng trong việc bảo lãnh gia đình?... Chứ cuộc đời mỗi con người chỉ có một tổ quốc duy nhất mà thôi. Như Nhà Thơ Cao Tần đứng bên này biển Thái bình Dương mù mịt thẳm mà vẫn thấy được tổ quốc đích thực của ông, và ông tâm sự:
“Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác tôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn thuở vẫn xanh rì…”
Thác Niagara đối với tôi chỉ có tiếng mà không có miếng. Đã nghe qua bao nhiêu lời ca tụng, đã nhìn thấy sự hùng vĩ của nó qua những bức ảnh chụp nhà nghề. Hôm nay đây, đứng nhìn tận mắt, tôi thấy chẳng có gì là hấp dẫn. Đứng ngắm 5 phút là đã không còn muốn ngắm nữa. Nước từ trên cao cứ chảy xuống đơn điệu, chai lì, vô cảm… Đã thế bụi nước cứ bắn tung lên ướt cả quần áo, kính, máy chụp hình..v.v... Chỉ có cảnh sát ở đây là đáng ngắm và ngắm không chán mắt. Phần lớn những cảnh sát mà tôi gặp đều là những cô gái trẻ trung, thân thiện, trắng bóc. Cứ như những đóa hoa mặc đồng phục cảnh sát Canada. Khi tôi bật lên cái thắc mắc của mình là tại sao các bông hoa xinh đẹp này không đi làm những việc khác mà lại đi làm cảnh sát, thì tôi nhận được câu trả lời cũng khá bất ngờ: Bởi vì bản thân các cô ông trời sinh ra đã không có súng, mà các cô lại thích súng, cho nên chỉ có cách duy nhất là đâm đầu vô cảnh sát để được luôn luôn có súng bên người…
Sau bữa ăn tối, chúng tôi trở về nhà ngồi nói chuyện trong phòng làm việc của anh Đức. Lan man hết chuyện này đến chuyện kia… Những ai đã từng ngồi nói chuyện với anh Đức đều biết rằng anh có thể nói mấy tiếng đồng hồ liên tục mà không mệt mỏi. Tôi cũng là một tay giỏi chịu đòn, nhưng vấn đề là phải có bia bọt, ly lên ly xuống thì tôi mới ngồi bao lâu cũng được, còn đằng này anh Đức không biết nhậu, cho nên đang là khách du lịch, tôi bỗng trở thành một nạn nhân của sự khô máu. Vừa nghe chuyện tôi vừa… mệt mỏi, buồn ngủ, óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến một chút hơi rượu cay… May quá cuối cùng anh Đặng Tấn Lung xuất hiện cứu bồ qua điện thọai. Anh Lung nói: "Ê mày nhớ lấy bia cho thằng Lộc uống nhe mày! Đừng như hôm thằng Lương qua, không uống được miếng rượu nó về la chói lói…” Thế là anh Đức mang ra cho tôi 2 chai bia và một chai Courvoisier V.S.O.P còn nguyên chưa khui. Nhưng vấn đề là không có người nhậu cùng, nhậu đơn độc thì sung sướng gì? Cho nên vẫn buồn lắm. “Về sau và ngàn năm sau nữa, có buồn nhưng sẽ không bao giờ bằng hôm nay…” Tôi ước ao phải chi có Nguyễn Văn Đạo hay Nguyễn Triệu Lương, Đặng Tấn Lung ở đây thì hay quá.
Uống được vài ly đầu óc tôi bỗng tỉnh táo và tôi nhận ra rằng người đàn anh NLS nhỏ thó ngồi đối diện với tôi kia đang ngập đầu với bài vở NLS, vừa cho Trang Nhà, vừa cho Đặc San 2008, lớp chờ anh hòan tất phần viết giới thiệu, lớp chờ được bỏ dấu. Cuối cùng để cho cái lương tâm ướt đẫm rượu của mình không bị cắn rứt, tôi bèn nhận lấy 2 bài đem về nhà bỏ dấu phụ cho anh.
Bù lại cho nỗi buồn khô máu này là buổi gặp gỡ và nói chuyện cực kỳ hấp dẫn với thầy Nguyễn Văn Vũ tại nhà thầy vào buổi sang hôm sau. Phải công nhận thầy Vũ có khiếu nói chuyện, thầy kể đủ thứ chuyện về trường NLS/BL ngày xưa cũng như tình thầy trò, tình bằng hữu của dân NLS ngày nay. Thầy kể về chuyện sau 75, Thầy Nguyễn Ngọc Ẩn chở bưởi tới cho Thầy bằng xe Lambretta 2 bánh.
Chuyện thầy đang đạp xe đạp (vì nghèo sút ván) bỗng nghe gọi Thầy! Thầy! Thầy ngơ ngác vì mình đâu còn là thầy nữa.Tới khi quay lại thì có lần gặp chị Ngô Anh Thuấn biếu cho trái xòai, có lần gặp chị Hòa Bình đang đứng bán chợ trời cứ nắm lấy tay thầy mà nghẹn ngào không nói lên lời…Thầy nói: “học trò NLS chúng nó đậm tình vô cùng”. Có đôi lần trong lúc nói chuyện thầy rươm rướm khóc. Thầy nói: ”Thầy dậy mười mấy ngàn học trò ở Sài gòn có đứa nào trở lại với thầy đâu? Chỉ có Nông Lâm Súc… Quý vô cùng” Trước khi bọn tôi ra về thầy còn cho biết hiện nay thầy đang viết một bài cho Trang Nhà lý giải về cái tình NLS.
Rời nhà Thầy Vũ, tôi được anh chị Đức đưa đi thăm khu China Town của Toronto. Sau đó đến thăm 2 cụ thân sinh ra anh và ăn một món ăn độc đáo mà lâu lắm rồi tôi chưa được ăn, đó là bánh bèo và tóp mỡ. Thì ra trên thế gian này vẫn còn tồn tại một thứ thực phẩm có tên là tóp mỡ… trên 40 năm rồi tôi mới có dịp ăn. Ngon vô cùng… Nhưng cơ bản vẫn là uống một mình. Mặc dù buổi ăn này có thêm 2 người em rể của anh Đức, nhưng mỗi người chỉ uống một vài chai bia rồi ngồi cười ruồi thì cũng như không.
Sáng hôm sau chia tay với anh Đức để trở về nhà, lòng tự hỏi không biết đến bao giờ mới có dịp đi Canada để ghé thăm anh lần nữa. Mà nếu có dịp, chắc chắn kỳ tới tôi sẽ không chơi dại mà đi một mình, nhất định tôi sẽ rủ rê thêm vài tay NLS nữa để tránh cái cảnh sầu bi: “Em ơi lửa tắt bình khô rượu, đời vắng em rồi say với ai?”./.
Dương Phú Lộc
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Trích từ ĐS NLSBL 2008