Cứ theo lẽ thường của tạo hoá thì đời một người đàn ông tuần tự như sau: Lúc còn bé thì sợ ma, khi lớn lên thì sợ vợ, cuộc sống cứ thế êm ả mà trôi đi cho tới ngày nhắm mắt lìa trần….
Cái hay là ở chỗ: Một khi người đàn ông đã sợ vợ rồi thì không còn sợ ma nữa. Cái cảm giác sợ ma ngày nào biến đâu mất tiêu, chỉ còn cái nỗi sợ vợ to lớn, trực tiếp và cụ thể hơn thường trực ám ảnh, nó làm triệt tiêu đi mọi nỗi sợ hãi vớ vẩn khác.
Ấy là nói lẽ thường thì như thế, nhưng thỉnh thoảng cũng có những trường hợp ngoại lệ. Thí dụ như trường hợp tôi đây ( Lộc Lé, người viết truyện này ) vừa mới gặp nghịch cảnh trớ trêu: Vừa sợ vợ lại vừa sợ ma cùng một lúc, tưởng không còn gì thê thảm hơn.
Mà chuyện này là hoàn toàn có thật.
Nó vừa xảy ra trong chuyến tôi về Việt Nam mới đây.
Mọi lần trước tôi hay về Việt Nam một mình. Đi với vợ thì thà chết ở Mỹ này còn sướng hơn, về làm gì cho tốn tiền vé máy bay? Nhưng ngặt cái kỳ về vừa rồi mục đích là lo đám hỏi cho đứa con gái, cần phải có đủ mặt hai vợ chồng, cho nên “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí“ tôi đành phải lóc cóc đi theo đuôi vợ tôi về mà trong lòng không sung sướng gì cả., lúc nào cũng lầm thầm cầu nguyện cho bản thân mình được mọi sự bình an, tai qua nạn khỏi.
Đám hỏi diễn ra hết sức thành công, tốt đẹp. Tất cả là do một tay vợ tôi lo toan, sắp xếp. Biết tánh tôi không làm được cái gì nên thân, rớ vào chuyện nào là hư chuyện đó, cho nên vợ tôi đã không dám cho tôi làm cái gì hết. Vợ tôi chỉ yêu cầu khi nào đàng trai tới nhà thì tôi làm ơn ra ngồi cho đủ bộ vậy thôi. Cho nên kết quả là sáng mai đám hỏi, mà chiều nay tôi và anh Bùi Tho và vài người anh em khác nữa vẫn nhậu tưng bừng, tối về khách sạn còn mua chim quay nhậu tiếp. Điều quan trọng cốt yếu là phải dặn lễ tân khách sạn đánh thức đúng giờ vào sáng mai để còn kịp đi Taxi về nhà trình diện vợ, rồi thay đồ chờ đàng trai tới đặng ra ngồi cho có tụ.
Sau đám hỏi, tụi tôi đã tổ chức một chuyến đi du lịch Đà Lạt, Mũi Né vài ngày cho thư giãn. Đoàn tụi tôi ban đầu gồm 5 cặp vợ chồng toàn người trong gia đình, tự thuê xe đi và do đứa em trai tôi làm trưởng đoàn hướng dẫn, nhưng về sau, vào giờ chót người em cột chèo của tôi không thể đi được vì còn phải bay ra Hà Nội để tranh giành cái ghế Vụ Phó nào đó của Bộ Nông Nghiệp. Thành ra còn có bốn cặp rưỡi đi thôi, và cô em vợ tôi tên là Yến, đành chấp nhận cảnh “đơn thương độc mã“ để được gần gũi, quyến luyến với bà chị Việt kiều không lấy gì là hiền dịu của mình.
Lên tới Đà-Lạt, mọi thứ đều tuyệt vời. Cái thành phố nhỏ bé nằm ở cao độ 1500 mét so với mực nước biển , đầy sương mù và kẹo ngọt này hôm nay lại ngập chìm trong muôn vạn đóa hoa đầy màu sắc, bởi vì Đà-Lạt đang tưng bừng tổ chức Lễ Hội Hoa Xuân. Và cũng chính vì Hội Hoa Xuân này, du khách đổ về đông nghẹt, đã tạo nên cảnh kẹt phòng ngủ. Tất cả các khách sạn mà bọn tôi dự trù thuê đều hết chỗ. Gọi tới các khách sạn nhỏ hơn cũng “cháy phòng”. Thằng em Trưởng đoàn của tôi, ỷ y Đà-Lạt không bao giờ thiếu phòng ngủ, không cần phải đặt phòng trước, bây giờ quýnh quáng lên, bỏ cả bữa ăn tối, móc phôn ra gọi liên tục cho các bạn bè và chỗ quen biết của hắn. Gọi một hồi thì xem chừng như đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, bởi vì giọng em tôi đã bắt đầu dịu lại trong phôn:
“Thì vậy!...Nếu một phòng thì tôi gõ ở đâu mà không ra, nhưng đây tôi cần những năm phòng…..Ừ thì khó tôi mới phải gọi tới bác sĩ…Ừ, ừ…được, cũng được…khách sạn của bác sĩ tên gì? ….Ở đường Trần Phú hả ?....Thôi bác sĩ nói chuyện với tài xế của tôi, chỉ đường đi cho ổng, khoảng tiếng đồng hồ nữa tụi tôi sẽ tới nhận phòng…Tối nay bác sĩ trực lễ tân hả? Tôi có mang theo mấy gậy đây, nhất định tụi mình sẽ phang nhau một trận.”
Bác sĩ Hoàng (tên nhân vật này đã được thay đổi) ra tận cổng hướng dẫn đoàn chúng tôi vào khách sạn. Đó là một building hai tầng rất to bự, xây cất theo kiểu Pháp, tường quét vôi vàng, bao bọc chung quanh mảng sân trước khá rộng là hàng rào xây kiên cố. Tôi nhìn quanh quất không thấy bảng tên khách sạn, trong khi nằm liền trong khuôn viên khách sạn là một quán cà phê lại treo bảng có cái tên hết sức ấn tượng: “Café Forget Me Not“
Đi vào bên trong tôi càng ngạc nhiên hơn: Khách sạn cái kiểu gì mà các hành lang và cầu thang rất rộng, trong khi các phòng thì nhỏ và lưa thưa. Thật là lãng phí. Đã thế việc bảo quản ở đây chắc không được làm tốt: Trông không được sạch sẽ lắm, các ngọn đèn vàng cái cháy cái không và bụi xem chừng hiện diện khắp nơi, nhất là cái ti-vi nhỏ xíu để ở ngay quầy tiếp tân mặt kính bám đầy bụi trông phát khiếp!
Sau khi làm xong thủ tục, bác sĩ Hoàng đi chân sáo, nét mặt hân hoan đưa tụi tôi lên lầu, mạnh ai nấy xách hành lý, không thấy có nhân viên phục vụ hay bảo vệ đâu cả. Tôi đi đằng sau bác sĩ Hoàng trong lòng nửa kính trọng, nửa nghi nghi. Cứ theo tướng người và cách ăn mặc thì trông ông ta giống một người chạy xe ôm hơn là một bác sĩ. Tới cuối một cái hành lang hình thước thợ, bác sĩ Hoàng nói với mọi người, tay ông ta khua một vòng trong không khí:
“Đây khu này gồm 6 phòng, gia đình ta ở 5 phòng, còn một phòng bỏ trống, riêng biệt, thoải mái.”
Sau một ngày đi đường lại thêm màn leo lên leo xuống cái thác Đambri ở Bảo Lộc ,ai nấy đều mệt mỏi, cho nên nhanh như chớp các cặp vợ chồng tự động chiếm lấy một phòng cho mình và bắt đầu các công việc vệ sinh, tắm rửa… Đúng lúc này vợ tôi quay lại nói với tôi:
“Ông ngủ một mình đi. Tôi ngủ với con Yến. (Yến là tên cô em vợ xinh xắn của tôi) Để nó ở một mình tội nghiệp.”
“Cũng được thôi, càng tốt.” Tôi nghĩ trong đầu nhưng không dám nói ra. Cũng không dám lộ vẻ vui mừng, hớn hở sợ vợ tôi thấy được thì đâm ra phiền. Với nét mặt rầu rầu làm như không được ở chung phòng với vợ mình là một mất mát không gì bù đắp được, tôi chậm chạp kéo va ly về căn phòng cuối cùng, sát bên cạnh căn phòng chưa có ai thuê còn bỏ trống.
Tôi mở khoá, bước hẳn vào trong, chốt cửa lại, rồi khoan khoái thở ra những hơi thở sung sướng của một người tù thâm niên vừa được tạm thời trả tự do… Và cũng giống như những người mới đi tù về, việc làm đầu tiên của họ là đi tắm cái đã, tôi cũng xăng xái bước vào nhà tắm.
Vừa tắm xong, đang định mở ti-vi ra coi thì mấy người anh em tôi đập cửa rủ xuống dưới lầu kiếm bác sĩ Hoàng để gầy độ nhậu. Đi thì đi, tôi bây giờ đang tự do như chim…bác sĩ Hoàng ra chiều cảm động, hăng hái xách Hon-da chạy ra phố kiếm đồ mồi. Tôi nói: “ bác sĩ kiếm dùm đậu phộng luộc được không” bác sĩ nói: “Được!”. Em tôi bảo: “Ráng kiếm Nghêu Sò Ốc Hến…"
Bác sĩ gật đầu nói: “Ốc leng xào dừa ở đây ngon bá cháy.”
Nói xong bác sĩ lao vút xe vào trong bóng tối.
Tôi quay qua thằng em tôi, bâng khuâng hỏi: “ Ổng là bác sĩ thiệt hả?” Em tôi cười: “Đâu có! Anh em gọi vậy thôi. Tại vì hồi lâu rồi, ngay trước khách sạn có một vụ tai nạn giao thông, ổng chạy ra giúp, tự tay đưa người bị thương vô sân khách sạn, làm sơ cứu đâu đó xong xuôi rồi mới cho chuyển vô bịnh viện… Nghe nói tới nơi thì nạn nhân chết. bác sĩ ở bịnh viện bảo nếu đem tới sớm một chút thì còn khả năng chữa chạy… Từ đó anh em chọc ổng, gọi ổng là bác sĩ, nay chết tên luôn…”
Độ nhậu không được hứng khởi mấy bởi vì bác sĩ Hoàng vừa nhậu lại vừa chú tâm theo dõi trận đấu bóng đá trên cái ti-vi nhỏ xíu 19 inch bám đầy bụi đặt trên quầy. Chán thì chán nhưng tôi cũng ngồi cho đến cuối cùng, rượu hết, mọi người chia tay nhau để về phòng nghỉ vì đã quá khuya rồi.
Lên tới phòng, mặc được bộ đồ ngủ vào người, thấy nhẹ nhàng gì đâu, tôi khoan khoái hít thở những hơi thật sâu và nằm vật người xuống một trong hai cái giường đơn kê cách quãng nhau. Kể cũng lạ, ở các khách sạn khác thì là hai giường đôi, còn đây lại là hai giường đơn, như vậy nằm làm sao? Hai người nằm chung chắc chắn là chật. Chẵng lẽ hai vợ chồng mỗi người phải nằm một giường? Vừa hít thở được mấy hơi tôi bổng nhăn mũi: Hình như không khí trong phòng có mùi gì lạ lạ? Nửa giống như mùi ẩm thấp, nửa giống như mùi thường gặp ở các đám ma…Tôi còn đang phân vân tự hỏi không biết cái lỗ mũi mình có chính xác chăng thì mắt tôi chợt nhìn thấy các tấm rèm cửa sổ đang nhè nhẹ lay động, đu đưa. Theo phản xạ tôi nhìn chung quanh trần nhà xem có các vent thả hơi lạnh hay hơi nóng vô phòng giống như ở bên Mỹ hay không. Nhiều khi đây là nguồn cơn khiến cho các tấm rèm lung lay. Nhưng tôi không nhìn thấy cái lỗ thông hơi nào hết. Hay cửa sổ phía sau tấm rèm bị mở mà mình không hay? Tôi ngồi bật dậy và đi tới cửa sổ để coi lại cho chắc ăn: Không! Cửa sổ vẫn đóng và cài then chặt chẽ. Vậy tại sao màn cửa lung lay? Thật là một câu hỏi gai người, tôi bắt đầu thấy lạnh lạnh ở sau gáy, các giác quan của tôi nãy giờ bị ức chế bởi nồng độ rượu khá lớn bây giờ chợt tỉnh táo, sắc bén trở lại…
Để cố quên đi câu hỏi khó chịu về tấm màn cửa , tôi mở ti-vi lên coi. Cũng chẳng có đài nào hay. Nằm dài trên giường, tôi dùng remote control liên tục đổi đài…Ca nhạc thì toàn các em ăn mặc không giống ai, gào thét và nhảy choi choi trên sân khấu. Thời sự thì quay toàn cảnh mấy quan chức lớn, ăn ngập mặt, béo núc ních mà vẫn cứ lên micro thao thao thuyết giảng về đạo đức cách mạng. Thôi thì đành coi tạm đài nói về tình trạng bạo hành trong gia đình đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội hiện nay. Bao nhiêu chuyện bi hài: Vì ghen tuông, vợ cắt của quý của chồng vứt xuống cống, người nhà phải mò lên ướp nước đá, đem vô bịnh viện phẩu thuật ghép nối thành công…Chồng đi nhậu về, vợ dọn cơm chậm chạp, chồng hất nguyên nồi canh đang sôi vào người của vợ… Chuyện này coi bộ ngược đời à nha! Bởi vì thường thì chỉ có vợ mình hắt đồ ăn vào người mình, chứ ít khi nào lại có ai dũng cãm như người đàn ông này. Chợt nghĩ: Sao Trời không cho vợ mình lấy nhằm ông này để xem ai chỉ huy ai? Còn mình nếu lấy được cái bà bị tạt nước sôi kia chắc đời sẽ hạnh phúc lắm… Càng nghĩ càng thấy tủi cho cái số phận hẩm hiu của mình…Thôi chắc tắt ti-vi và đi ngủ cho rồi, tôi nghĩ vậy và nhoài người với lấy cái remote control để tắt. Nhưng đang nhoài người để lấy cái remote control tôi bỗng khựng lại, người tôi lạnh toát đi. Rõ ràng hồi nãy khi tôi để cái remote xuống mặt tủ đầu giường, tôi đã không nhoài người để xuống, vậy tại sao bây giờ tôi phải nhoài người để với lấy nó ? Ai? Ai đã xê dịch cái remote control của tôi ra xa như vậy? Tự thân nó biết xê dịch hay đã có một linh hồn nào đó trong căn phòng này từ nãy giờ đang muốn dùng chung cái remote control với tôi???
Ý nghĩ này làm cho tôi hoảng sợ, bao nhiêu gai ốc trên người tôi nổi lên hết, tôi thấy cần phải chạy ngay ra khỏi căn phòng này, để làm gì tôi không biết nhưng trước hết tôi cần phải thoát khỏi căn phòng này cái đã. Và trong tâm thức hoảng loạn, tôi chân không bỏ chạy ra cửa. Chạy ngang qua phòng tắm, tim tôi như muốn rơi cái bịch xuống đất: Tôi có thói quen cố hữu là luôn luôn khép cửa phòng tắm, (ở nhà hay ở khách sạn gì cũng vậy), cứ phải khép cửa phòng tắm lại cho tâm lý được yên vui về mặt sạch sẽ, vệ sinh. Hồi nãy khi tắm xong tôi cũng khép cửa lại cẩn thận, vậy mà giờ đây cửa phòng tắm mở toang hoác và đôi dép, đôi dép hai quai của khách sạn cung cấp free hồi nãy tôi mang trong phòng sao bây giờ lại đang ở dưới chân bàn cầu ngồi, cứ như thể có một người vô hình đang mượn đôi dép này của tôi và đang sử dụng bàn cầu.
Trong cơn hoảng loạn tôi chạy tới đập cửa phòng vợ tôi. Thật nhanh chóng vợ tôi xuất hiện, hai tay chống nạnh, gương mặt còn ngái ngủ:
“ Gì vậy ông?”
Tôi cố nín thở để bình tĩnh trả lời:
“Anh muốn ngủ với em. Nằm một mình buồn quá"
Vợ tôi sắp sửa to tiếng:
“Thôi đừng có xạo đi…Có con Yến ngủ ở trong, ông vô kỳ lắm. Thôi về phòng ngủ đi, đừng có kiếm chuyện.”
Thông thường vợ tôi ra lệnh thì tôi luôn luôn thi hành trước, khiếu nại sau, nhưng giờ đây nỗi sợ ma đang lớn quá, lấn áp nỗi sợ vợ, tôi cố nài nỉ:
“ Thiệt! Không biết tại sao tối nay anh lại muốn ngủ với em. Nằm một mình chắc anh không ngủ được đâu. Chắc chắn anh sẽ trằn trọc tới sáng”.
Không biết tại Ông Trời có mắt hay tại Bà nhập làm sao mà tự nhiên vợ tôi đổi ý, nàng nói:
“Thì đi vô đi… nhẹ nhẹ đặng cho con Yến nó ngủ.”
Tôi mừng húm, nhanh nhẹn leo lên giường, nằm sát bên vách tường cạnh nhà tắm, bên ngoài là vợ tôi, cách một khoảng không chừng một mét rưỡi nữa là tới cái giường chỗ cô em vợ tôi đang nằm ngáy kho kho, ngáy bạo không thua gì anh Tư Lung ở San Jose.
Nằm bên cạnh vợ, tôi có cảm giác an toàn như hồi còn quân đội nằm trong hầm chống pháo kích Việt Cộng. Nhưng tôi vẫn không tài nào ngủ được, những hình ảnh ma quái hồi nãy vẫn đeo đẳng tôi. Tôi nằm im thin thít, không dám cục cựa, bởi vì tánh vợ tôi rất ghét ai nằm bên cạnh mà cục cựa… Khuya thật khuya, tôi vẫn không ngủ được, liếc qua bên cạnh, tôi biết chắc vợ tôi cũng không ngủ được, chắc nàng đang nằm canh me xem có chuyện gì bất thường giữa tôi và cô em vợ hay không. Trong ánh sáng nhờ nhờ của buổi đêm khuya, đôi mắt đẹp của nàng vẫn mở trừng trừng nhìn vào cõi hư vô giống như một lời thơ của Quang Dũng trong bài Tây Tiến: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới, đêm mơ Hà Nội giáng Kiều thơm…”. Đúng lúc nầy tôi nghe có tiếng giựt nước dội cầu bên phòng tôi, rồi tiếp theo đó tiếng khóc ai oán nghẹn ngào của một người phụ nữ. Tiếng khóc không lớn như tiếng khóc thầm. Tôi sợ quá níu lấy vai vợ tôi:
"Oanh ơi! em có nghe gì không?"
Vợ tôi tôi nói cọc lóc: "Nghe gì?"
"Anh nghe hình như có tiếng ai đang khóc bên phòng anh."
Vợ tôi lắng tay nghe một lúc rồi phán: "Ông chỉ tầm bậy tầm bạ. Nghe gì đâu? Ông xỉn rồi thì lo ngủ đi để cho người ta người ta ngủ với."
Tôi kéo mền trùm kín đầu để không phải nghe tiếng khóc nỉ non đó nữa. Tim đập thình thịch, người vả mồ mồ hôi ướt đẩm. Tôi thiếp đi lúc nào không hay, chỉ biết vợ tôi lay tôi dậy lúc trời vừa sáng, chắc ý nàng không muốn cho cô em vợ biết là có sự hiện diện của tôi trong phòng suốt đêm qua.
Tôi trở về căn phòng ma quái, mục đích chính là để xem cái vali trong đó có tiền bạc và passport của tôi có còn không hay trong đêm đã có thằng kẻ trộm nào vào nẫng đi mất rồi. Sau khi yên tâm, tôi thay nhanh quần áo và đi xuống kiếm ly cà phê đầu ngày.
Tại quán cà phê Forget Me Not cũ kỹ, xập xệ, tôi gặp mấy người anh em tôi và bác sĩ Hoàng đang ngồi đó. Sợ rằng có kể lại cũng chẳng ai tin, lại còn thêm mang tiếng “thần hồn nát thần tính” cho nên tôi giữ kín chuyện đêm qua, nhưng tôi không thể không hỏi bác sĩ Hoàng tên của khách sạn là gì, bởi vì biết đâu tôi sẽ có ý định viết lại câu chuyện này cho một tờ báo nào đó. Nghe tôi hỏi, bác sĩ Hoàng nhiệt tình giải đáp, đại khái như sau:
Khách sạn này không có tên, mà thực ra nó cũng không phải là khách sạn. Tên chính thức của nó là “Trung Tâm Bồi Dưỡng Cán Bộ Tư Pháp” do Bộ Tư Pháp là cơ quan chủ quản. Từ trước 75 nó vốn là tòa án, sau tiếp thu nó vẫn được sử dụng làm tòa án của tỉnh Lâm Đồng. Đến năm 2004 nó được sửa lại và biến thành một nơi có cái tên "Trung Tâm Bồi Dưỡng Cán Bộ của ngành Tư Pháp", còn tòa án cũ thì dời qua bên cạnh. Đến năm 2007 mới đưa vào hoạt động kinh doanh, nghĩa là cho khách ngoài ngành Tư Pháp vào thuê phòng. Khi đưa vào hoạt động kinh doanh, Sở Tư Pháp Tỉnh Lâm Đồng đã thuê bác sĩ Hoàng về làm Quản Lý. Bác Sĩ Hoàng đã cho sửa chữa, nâng cấp các phòng vốn ngày xưa là phòng nội trú của Cán Bộ thành ra các phòng ngủ cho khách du lịch ngày hôm nay.
Thì ra là thế! Vừa nhấm nháp cà phê tôi vừa suy nghĩ: Tòa án nào mà không có những nỗi oan khiên, những oan ức tận cùng, thậm chí có những người tự tử mà linh hồn không sao siêu thoát được, cứ vất vưởng nơi đây chờ một ngày được giải oan… Không biết cái linh hồn tối hôm qua ngụ cùng phòng với tôi là một thiếu nữ, hay có khi lại là một người đàn bà có bầu ham thích xem ti-vi và nhất quyết giành lấy cái remote control để đổi đài mà tôi không hề biết????
Tôi chợt rùng mình, không biết vì sợ hay vì cái lạnh của buổi sáng cao nguyên. Đúng lúc đó thì vợ tôi đi tới, nàng quắc mắt nhìn tôi thay cho lời chào buổi sáng. Tôi vội vã chạy ra khỏi quán, trong lòng quên hết các chuyện ma, chỉ còn quan tâm đến chuyện của nàng, tôi ân cần nói theo kiểu nịnh:
“ Sao? Tối ngủ ngon không em? Hôm nay theo chương trình tụi mình sẽ đi cáp treo tới Thiền Viện Trúc Lâm”.
Và tôi nghĩ trong bụng: Ở Thiền Viện Trúc Lâm chắc chắn sẽ không có ma, chỉ có vợ mình mà thôi, đằng nào thì cũng chết…/.
Dương Phú Lộc
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..