alt        Ngày 1 tháng 1 năm 2010,

        Cựu Giáo Sư và học sinh Nông Lâm Súc Bảo Lộc về thăm trường cũ,

        7 giờ sáng,

        Khu vực trường yên tĩnh, có lẽ vì nghỉ “Tết Tây” nên cảnh vật vắng lặng thế. Một số anh chị trong ban tổ chức bày biện tập kỷ yếu,bảng tên trên chiếc bàn kê phía trong cổng trường.

         Nắng sáng nay rất đẹp, trải từng vệt vàng óng xuyên qua những hàng cây trong trường.     

         Có lẽ tôi là người học trò cũ lang thang sớm nhất trong buổi sáng nay trên những con đường trong trường, nơi ngày xưa đã trải qua ba năm theo học. Đường trong trường khu trung tâm trải nhựa sạch đẹp, những vạt cỏ được cắt tỉa gọn gàng. Tôi loanh quanh tìm lại chốn cũ.

          altVăn phòng, và ba dãy phòng học ABC nhìn bề ngoài vẫn như ngày xưa, thân thương, gần gũi. Hành lang trước lớp học vẫn những viên gạch ca-rô màu vàng mà ngày nào tiếng xà bất của những học sinh trong giờ thực hành nông trại nghịch ngợm kéo lê, vang lên những tiếng lọc cọc làm thày trò đang học trong lớp phải nhíu mày, khó chịu. Nhưng không hiểu sao cho tới bây giờ, sau bốn mươi năm - tôi vẫn nhớ, vẫn yêu cái tiếng lọc cọc ấy vô cùng.

         Những con đường nhỏ nối những dãy lớp học với nhau có trồng những bụi cây lá đỏ, học trò đặt tên Hồng Diệp Tiểu Lộ, nghe có vẻ Tàu nhưng cũng hay … nay không còn nữa!  

         Tôi đến ngã tư cột cờ - một địa điểm nổi tiếng trong trường, nhất là đối với những anh hùng hào kiệt, vào “giờ cao điểm” phải có “chức sắc” mới được ngồi trên cái bệ xi-măng hình tròn bao quanh cột cờ ấy. Cái cột cờ bây giờ được thay bằng cái cột đèn, nhưng nhìn chung nó vẫn còn là một cái cột! Đứng ở đây tôi nhìn về phía đông, ngày xưa là một con đường đi về khu thực hành nông trại ngang qua nhà của Hiệu trưởng, hai bên đường trồng cây Móng bò hoa tím. Con đường học sinh thường đi tắt ra thị trấn. Nhưng bây giờ con đường ấy đã khác xưa nhiều lắm rồi… dọc cạnh nhà Hiệu trưởng là một bờ tường cắt ngang qua con đường, đâm ra vườn cây mẫu. Bờ tường như một con dao cùn khổng lồ, xấu xí băm vập vào đất, làm giới hạn khuôn viên trường…nhà Hiệu trưởng cỏ mọc lùm xùm khó có thể hình dung ra 40 năm trước nó là một ngôi biệt thự! Khu chuồng gà có cây Đa cổ thụ giờ không còn nữa, phía ngoài đường người ta xây hai khu lưu xá mới, lưng quay về phía lưu xá A. Riêng tôi thấy về mặt kiến trúc khu nhà này có lẽ là đẹp và kiến trúc hài hòa nhất trong những khu nhà được xây dựng thêm sau này, hơi tiếc một chút là người ta sử dụng cột tròn xen lẫn.

alt         Cũng đứng ở cột cờ nhìn về Hoàng Hoa Lộ bây giờ trơ vơ, trống trải.

        Tôi lặng người xúc động, hồi tưởng ngày xưa…Những tán Muồng trồng dọc hai bên đường vươn ra tạo thành một mái vòm che bóng mát, rực vàng vào mùa thu bởi những cánh hoa kết chùm khi đến mùa tựu trường. Con đường đã níu giữ những bước chân của những cô cậu học trò từ phương xa lần đầu tiên bước lên xứ sở Blao “ôn văn luyện võ”. Con đường đã đi vào huyền thoại vì vẻ đẹp và sự lãng mạn của nó, không chỉ của thầy và trò Nông Lâm Súc Bảo Lộc mà cả những học sinh của trường Lê Lợi, Cộng Hòa lúc bấy giờ nữa. Bởi vậy sau này, mỗi khi ghé thăm trường ai cũng chạy lại Hoàng Hoa Lộ xem nó ra sao: thưa thớt nhưng vẫn còn dấu tích. Có lúc nghe đâu người ta sẽ cho trồng lại hai hàng cây Muồng mới trên con đường này. Hôm nay, tôi đứng ở đây – đang nhìn về con đường đầy thi vị ngày xưa ấy thì biết rằng điều nghe ngóng ấy chỉ là tiếng của vịt kêu!

        Vĩnh biệt Hoàng Hoa Lộ!

alt        Tôi đi qua Bằng Lăng Lộ rẽ đến Câu Lạc Bộ, nét xưa vẫn còn đâu đó, bây giờ người ta bày bán đồ ăn uống cho học sinh. Tôi gọi một ly cà phê rồi ngồi nhìn về phía các dãy học. Khu nhà bà Tề, chị Tráng ngày xưa không còn nữa, để lại khu đất trống, phía góc ngã tư Hoàng Hoa, Bằng Lăng và Đỗ Mai người ta xây thêm một ngôi nhà mới nhìn giống như nhà xưởng (?). Phía sân vận động mé hướng Bắc cũng giới hạn bởi một tường rào xi-măng. Bờ tường rào chạy vòng qua hướng Tây bọc lưu xá E, cắt ngang Hoàng Hoa lộ chạy dọc theo Phượng vĩ lộ. Khu nhà các thầy giáo bây giờ nằm phía ngoài tường rào xây đó. Khu đất của trường thu hẹp lại rất nhiều.

        Trong các con đường trong trường, có lẽ bây giờ đẹp nhất là Đỗ Mai lộ, tôi chụp được mấy kiểu ảnh buổi sáng lung linh trên con đường này.

        Nắng lên cao, - 10 giờ,alt

        Tôi ghé lên Đại Thính Đường, một số thầy cô và anh em bè bạn đã đến, tụ năm – tụm bảy quấn quýt say sưa bên những câu chuyện với tiếng cười nói rộn ràng. Trong Đại Thính Đường kê toàn bộ bàn ghế ngày xưa chúng tôi ngồi học. Tôi dò tìm những chiếc ghế lớp tôi được đánh dấu bằng màu sơn đỏ - còn đúng 1 chiếc: 10MS. Tôi đã ngồi vào chiếc ghế đó - buông thở dài tiếc nuối. Chung quanh tôi vẫn ồn ã những câu chuyện.

        Có ai đó vỗ vai làm tôi giật mình - bạn bè lớp tôi, ở gần: có Liên, Đạt, Hiệp…ở xa có Gấm, Hạnh, Loan, Tuyết, Bông, Bình, Trọng, Thạch…Nhiều bạn không về được điện thoại réo hỏi thăm om sòm: Thanh ở Cà Mau, Tâm ở Long an, Huệ ở Saigon… có Dũng cận lớp trưởng, mới qua Mỹ định cư cách đây mấy hôm chưa thấy điện thoại về. Ờ, còn Quang Charlot lớp trưởng mới, bận gì đó cũng không thấy tăm hơi…

        Trong buổi họp mặt, bài hát Nông Lâm Mục hành khúc cũng được cất lên, làm nhớ đến mỗi sáng thứ hai chào cờ ở ngã tư. Giọng thầy Châu Kim Lang sao mà thân thương gần gũi. Những khuôn mặt đàn anh đàn chị tuổi đời trên dưới sáu mươi mà ai cũng tươi tắn hồn nhiên, sao mà yêu đến vậy. Tôi gặp lại thầy Kim, Thầy Hanh và nhiều thầy cô khác…Một hình ảnh đáng trân trọng là số tiền của anh chị em góp lại để có chút quà cho lớp thế hệ “em út” hiếu học trong trường được gửi cho BGH ngay trong ngày họp mặt, nghĩa cử thật đáng quý.

alt        Họp mặt cựu học sinh Nông Lâm Súc Bảo Lộc vào ngày đầu năm của năm mới vẫn diễn ra – thường thì ở Saigon – ngày về thăm trường tổ chức quy mô thì hiếm hoi. Chẳng hiểu bao giờ có lại lần nữa. Thời gian cứ trôi qua, tuổi đời ngày thêm chồng chất, những anh chị đứng ra tổ chức hôm nay rồi cũng yếu dần…cũng phải theo quy luật cuộc sống. Ngôi trường vài chục năm sau chắc cũng chưa mất hết dấu tích của ngày xưa. Có điều lúc ấy thầy cô, anh em bè bạn sẽ nhìn về ngôi trường từ hướng nào nhỉ…ai mà biết được.

        Dù môi trường, khung cảnh có đổi thay, nhưng mỗi khi có dịp gặp nhau, thày trò, bè bạn cứ yêu thương nhau chân thật, đối xử với nhau tử tế như thuở  còn ở dưới mái trường thân yêu này là hạnh phúc, là NGƯỜI lắm rồi. Những hạt sạn trong cuộc đời hãy cứ để dưới chân mà đi, tuy đôi khi có thốn đau đôi chút, nhưng cố nén vẫn bước qua được.

        Nhà tôi ở gần trường, mỗi lần đi qua là mỗi lần nhìn vào, và chỉ nhìn vào thôi để nhớ để thương, để ôm ấp, để hoài niệm. Lần này theo bạn bè tôi vào trường họp mặt, ra về nửa vui, nửa buồn; Vui vì được gặp lại thầy cô, anh em, bè bạn – Buồn vì ngôi trường đã mất dần đi cái đẹp trong tôi.

Nguyễn Thành Trung       

Cùng Tác Giả / Đề Tài