Ôi, ngày xưa ấy, ngày xưa ấy đã qua.... 

Năm đó ăn Tết ở Saigon xong, mới mùng sáu Tết bọn tôi đã náo nức kéo nhau lên Blao. Trường vẫn chưa chính thức mở cửa, các lưu xá vẫn còn rất vắng. Thấy không có việc gì hứng thú, tôi bèn bầy trò:- Bọn mình cầu cơ đi tụi mi! Xem tương lai hậu vận năm nay ra sao?

Đó là năm học cuối cùng của tôi, và cũng là năm thi Tú tài II gay go nhất.

Lê Thị Yến lưỡng lự:

-  Đầu năm cầu cơ sợ xúi quẩy...

Ngô Anh Thuấn hớn hở giơ tay nói:

- Cho Thuấn đi với! Thuấn mà ngồi là cơ lên liền, hì... hì...

Hàn Ngọc Chi viết chữ đẹp nhất trong bọn, tình nguyện vẽ bàn cơ. Yến đưa cho Chi một tờ bìa mầu trắng to bằng tờ báo, dặn dò cẩn thận:

- Đừng viết hư nghe “con”, tờ cuối cùng đó!

Chi vất cho Yến một cái lườm rồi ngồi hí hoáy viết hai mươi bốn chữ cái, đủ năm dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và những con số từ 0 tới số 9. Sau đó cô nàng chăm chỉ vẽ một số ô vuông rồi điền vào đó những chữ "Có, Không, Nam, Nữ, Ma, Quỷ, Thánh, Thần, Thăng". Ở giữa, phía dưới, Chi vẽ một vòng tròn bằng đáy chiếc ly uống nước, rồi viết chữ "Giáng".Bàn cơ vừa vẽ xong, trong lúc chúng tôi đang sửa soạn đồ nghề thì Châu Thị Tuyết chạy ùa vào như một cơn gió lốc, bén gót là Đặng Thị Hoà Bình miệng hét như còi xe lửa:

-  Ê, ê, ăn gian nó dàn ra mặt!...

Tuyết Châu đưa bàn tay nặng kí lên dí vào miệng Hoà Bình. Bọn tôi không nhịn được cười thấy Hoà Bình ngổ ngáo mặc áo dài, quần tây, chân đi đất, mắt đeo kính không tròng, mồ hôi nhễ nhại và thở như ống bễ. Hỏi ra mới biết hai đứa "cá" nhau, Tuyết Châu thua cuộc nhưng không chịu chung độ.

Tuyết Châu quay về phía chúng tôi phân bua:

- Em thách nó mặc áo dài không mặc quần, nhưng cho quấn quấn xà-rông, ra cổng đón tụi con Hồ Kim Tuyến, con Lưu Ngọc Liên, Hà Thị Phúc, nếu dám thì em chung cho nó keo dưa món. Nhưng nó ăn gian mặc quần bò!

Biết hai đứa này cứ gần nhau là khắc khẩu.

Chi can vào:

- Thôi, bỏ đi Tám...

Hồi đó sau khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời bản nhạc Sức Mấy Mà Buồn thì danh từ "Bỏ đi Tám" rất thông dụng trong giới sinh viên chúng tôi.

Thuấn nhìn Hoà Bình giọng thách thức:

- Ê nhỏ, dám đi cầu cơ không?

- Đi liền!Yến giao hẹn:

- Muốn đi thì quần áo phải cho nghiêm chỉnh...

Hoà Bình vênh mặt:

- Quý vị cứ yên trí lớn, nhỏ này sẽ không bao giờ có màn biểu diễn "chuổng cời" đâu…

Thế rồi chúng tôi ồn áo kéo nhau ra khỏi lưu xá D, khua dòn gót guốc đi về phía vườn cà phê, vừa đi vừa bàn tán xôn xao.

Thuấn có vẻ thành thạo:

- Muốn cơ lên thì phải cầu vào những giờ thiêng.Hoà Bình chêm vào:

- Lúc mặt trời đứng bóng hoặc lúc chập choạng tối là lúc cơ lên mau nhất, không thì phải đợi đến nửa đêm.

Yến thắc mắc:

- Sao tụi mi biết rành quá "zdậy"?Tôi dẫn chứng:

-Thuý Kiều gặp Đạm Tiên lúc "tà tà bóng ngả về tây"

Chi phụ hoạ:

- Chuyện Phạm Công Cúc Hoa có tả lúc "nửa đêm giờ Tý canh ba" Cúc Hoa hiện hồn lên bắt chấy cho con, ngồi mãi đến gần sáng khi nghe gà gáy sợ lộ mới chịu “chẩu”.

Bấy giờ, một cơn gió chợt thổi mạnh. Tôi rùng mình, đưa tay giữ vạt áo dài cho khỏi quấn vào chân. Gió đuổi nhau trên những ngọn cỏ lau, gió xôn xao trên những tàng cây muồng làm đổ thật nhiều lá trên mặt đường và cuốn bay ào ào vướng cả vào chân chúng tôi. Tiếp theo là những cơn gió nhẹ hiu hiu, vờn trên những bông cỏ đuôi chồn bên vệ đường.

Chi đang đi cạnh quay sang hỏi tôi:

- Mi có nhớ lúc Đạm Tiên "đồng khí tương cầu" với Thuý Kiều không?

Tôi nhìn Yến đang đi trước chúng tôi mấy bước, dáng đi nghiêng nghiêng vì sức nặng của những thứ đựng trong chiếc giỏ nylon; biết cô nàng nhát gan, tôi nháy mắt với Chi rồi cao giọng cốt cho Yến nghe:

- Nhớ, "Ào ào đổ lộc rung cây, ở trong dường có hương bay ít nhiều..." Đấy là lúc hồn ma Đạm Tiên hiển thị...

Hoà Bình chậm bước lại, hỉnh mũi như đánh hơi rồi góp chuyện:

- Em thấy như có mùi hương gì là lạ…

Yến chùn bước, hoảng hốt nhìn quanh rồi nhăn mặt nói:

- Khiếp!

Sau đó cô nàng vội vàng bước lùi lại, đi chen vào giữa Chi và tôi. Một sự im lặng mênh mang chợt phủ lên không gian, chỉ có tiếng lách cách của những đôi guốc cao gót bị mất đế cao su khua trên mặt đường. Bỗng một hồi chuông thu không ngân nga rung lên…

Như đồng cảm với cảnh chiều, Chi hát nho nhỏ "Chiều rơi cho lòng lạc loài chơi vơi, ngày trôi ai buồn giây phút qua rồi..."Giọng Chi khàn khàn nghe buồn man mác.

Tôi nói bâng quơ:

- Chiều buồn ghê. 

Chi gật:

- Ừ, buồn...

Đến nhà “ba” Hộ, căn nhà cuối cùng của dẫy nhà dành cho giáo sư, ở sát vườn cà phê ngay cạnh bìa rừng, chúng tôi đẩy cổng đi thẳng vào căn nhà phụ bỏ trống ở phía sau, mở cửa rồi cả bọn bắt tay ngay vào việc. “Ba” Hộ dạy Cao đẳng Nông Lâm ở Saigòn, chỉ thỉnh thoảng “ba” mới lên trường dậy nhóm Thủy lâm. Lợi dụng cơ hội tốt, chúng tôi thường lui tới hội họp, dù có ở khuya cũng không sợ bị kỷ luật giới nghiêm của trường. Những khi bọn con trai săn được thú rừng hoặc trong nhóm có đứa nào nhận được “viện trợ” đặc biệt là chúng tôi trốn giám thị lưu xá đến đây bày trò nấu nướng. Chúng tôi lăng xăng mỗi đứa một việc. Tôi tìm chổi quét sạch nền nhà, Chi trải bàn cơ rồi rót nước vào chiếc ly thuỷ tinh, Hoà Bình xếp trái cây và bánh ngọt vào chiếc “khay kinh tế” bằng nhôm đã được chúng tôi "mượn tạm" ở nhà ăn; Yến loay hoay gắn cây nến trắng vào đáy chiếc bát ăn cơm có vẽ hình ông Thọ và cô tiên.

Thuấn vừa tìm kẽ gạch hở trên nền nhà để cắm nhang vừa lầm bầm:

- Tại sao mình lại không đem theo ly gạo làm bát  nhang, nhỉ? Luộm thuộm quá sợ hồn không chứng.

Bình cãi, cãi bướng là vốn của cô nàng:

-  Sao không nói trước, ai biết ngứa đâu mà gãi???

Chi cười:

- Lo gì, mình chỉ cầu những hồn nào dễ thương thôi, hồn nào khó tính thì mời đi chỗ khác chơi!

Tôi gợi ý:

- Thuấn coi bộ rành việc cầu đảo, tụi mình bầu nó làm "Trưởng ban nghi lễ" nghe tụi bay.

Thuấn gật đầu ngay:

- Sẵn sàng, sau khi ba Thuấn mất, mẹ Thuấn hay rủ mấy bà bạn về nhà cầu cơ. Bọn Thuấn giả vờ ngủ rồi chui ra khỏi màn nghe trộm, bởi vậy mới biết…Bầy biện xong xuôi, chúng tôi xúm quanh bà cơ, đứa thì ngồi xổm, đứa thì ngồi bệt xuống đất. Hoà Bình và Yến mỗi đứa đặt một ngón tay lên con cơ. Tất cả đều im lặng và chú tâm chờ đợi…

Tôi nghe được cả tiếng lá xào xạc, tiếng gió chạy đuổi nhau trong vườn cà phê và tiếng những cành khô gẫy rơi… Trong nhà, Thuấn tiếp tục khấn lâm râm khe khẽ, tôi cố lắng nghe xem cô nàng đang khấn những gì Nhưng chỉ có âm thanh xin xít ở đầu lưỡi. Từ những cây nhang, ba làn khói vươn lên thẳng tắp, một lúc nào đó chúng như nhập vào nhau làm một trước khi tản mạn vào không gian. Thỉnh thoảng những cơn gió lùa làm chao ngọn nến, ánh sáng chập chờn khi mờ khi tỏ và mùi trầm của nhang làm cho khung cảnh càng thêm vẻ kỳ bí và nghiêm trọng và càng khiến chúng tôi hồi hộp thêm…

Yến sốt ruột, nói khẽ:

- Khấn nữa đi Thuấn!

Chúng tôi không dám thở mạnh; một lúc sau cơ vẫn chưa nhúc nhích,

Chi lẩm bẩm:

- Tụi mi nặng vía quá!

Yến chợt la lên:

- Bỏ xừ, tao đang "bị" mà quên mất...

Chi gắt:

- Con khỉ, hèn chi!... để Độc Lập ngồi thế cho.

Khi còn học ở Trưng Vương, lợi dụng chức vụ “chị Trưởng” -Tôi làm trưởng lớp năm đệ Tứ, thỉnh thoảng tôi trốn lớp lẻn xuống nhà xe xem mấy chị lớp lớn cầu cơ. Tôi chỉ đứng chầu rìa, nghe các chị hỏi về chuyện học hành, thi cử và chuyện tình duyên. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác rờn rợn khi nghe tiếng con cơ chạy sột soạt trên giấy và tiếng các chị xuýt xoa khen cơ thiêng. Tôi vừa mê xem lại vừa cảm thấy ghê ghê; bàn cơ như có một lực vô hình nào đó thu hút hoàn toàn sự chú ý của tôi khiến tôi như chôn chân xuống đất. Khi nào sợ hãi điều gì là tôi lại cảm thấy như phải đi "nhà sau"; những hôm xem lâu tôi mỏi hết cả người vì sợ “tè” bậy nên cứ phải đứng chéo chặt chân vào nhau.

Tôi nhăn mặt:

- Chịu thôi! Vía tao cũng nặng lắm.

Bất chấp sự từ chối của tôi; Chi chỉ tay, ra lệnh:

- Đặt tay vào, lẹ đi!...

Tôi miễn cưỡng đặt ngón tay trỏ lên đồng tiền. Thuấn đằng hắng lấy giọng rồi hạ thấp giọng, thì thầm khấn câu kệ: Hồn nay ở chốn non bồng,Qua đây hồn cũng vui lòng ghé chơi...Trong cảnh tranh tối tranh sáng của một ngày sắp tàn, tôi hồi hộp nghe rõ cả tiếng tim mình đập mạnh trong lồng ngực, chợt đồng tiền nhúc nhích. Tôi tập trung tư tưởng dán mắt vào bàn cơ, Thuấn thở ra nhẹ nhàng, hỏi khẽ:- Xin cho biết hồn là ai? Thánh Thần, Tiên Phật, hay Ma Quỷ?Đồng tiền xoay nhẹ một vòng rồi chỉ vào chữ "Ma", "Nữ".Chúng tôi trợn mắt nhìn nhau; không đứa nào dám hé miệng. Tôi muốn rút tay ra nhưng dường như có một hấp lực nam châm rất mạnh giữ ngón tay tôi dính chặt vào đồng xu. Tôi thấy lạnh sống lưng. Tưởng như những hồn ma đang ngồi xen lẫn với chúng tôi. Thế rồi cơ bắt đầu xoay tròn như đang dậm chân tại chỗ chờ tín hiệu, tiếng sột soạt trên mặt giấy như sự hiện diện của một thực thể vô hình nào đó. 

Chi lên tiếng hỏi, như để cho có chuyện:

- Hồn cho biết Độc Lập có người yêu không?

- Ơ !... này….

Tôi chưa kịp lên tiếng phản đối thì bỗng dưng cơ tăng tốc độ, chạy loạn cào cào rồi cuối cùng từ từ dừng lại ở chữ "".

Hoà Bình lẹ miệng:

- Hồn làm ơn cho biết "chàng" là ai?

Sau mỗi câu hỏi, con cơ như được tiếp thêm điện năng nên chạy nhanh hơn, tạo nên những tiếng sột soạt trên mặt giấy, cũng có khi cơ chạy tuột ra khỏi bàn cơ rồi lại chạy lộn trở vào.

Một lúc sau cơ chạy chậm hẳn lại ngần ngừ xoay vòng quanh chữ T; tôi hồi hộp nhắm mắt khấn thầm:

- Hồn sống khôn chết thiêng xin đừng tiết lộ bí mật! Cơ giữ nguyên tốc độ chậm nhưng không dừng hẳn.

Tôi thở ra nhẹ nhõm.

Yến thành khẩn:

- Hồn cho biết "người ấy" có thương nó không? Mắt tôi lại dán vào con cơ. Sau khi làm mấy vòng lả lướt, cuối cùng cơ chạy đến chữ ‘Có.

Cả bọn lại nhao nhao lên, Thuấn cúi xuống, giả vờ thấp thấp giọng:

- Thế … sau này hai người được mấy ‘tí nhau’?

Như cần được suy nghĩ, cơ chạy nhẹ hơn trước, vòng quanh một lúc rồi dừng lại ở số ‘O’.

Chi cười rú lên:

- Bỏ xừ nhà mi rồi Độc Lập ơi! Cây không trái, gái không con...

Tôi nhoài người, véo Chi một cái nên thân:

- Nham nhở!...

Yến ngồi ngoài hét lên:

- Hai bà vãi, đừng có đánh nhau! Cơ giận bỏ đi mất bây giờ!Con cơ tiếp tục quay tít trên mặt giấy như đợi phát lệnh. Hoà Bình có vẻ thích chí, ngồi cười ngặt nghẽo.

Thuấn ra vẻ trịnh trọng hỏi tiếp:

- Hồn cho biết lý do không “sản xuất”?Con cơ lại xoay vòng. Cả bọn lại im lặng theo dõi. Tự dưng tôi có cảm giác lành lạnh ở xương sống. Yến chăm chú ghép chữ "Không biết",

Hoà Bình cằn nhằn:

- Hồn này cù lần thấy mẹ! Không biết, mời đi chỗ khác chơi!Con cơ dường như giận thật, sau khi đảo mấy vòng bèn chạy thẳng vào chữ "Thăng" rồi nằm yên không nhúc nhích nữa.

Chi nhìn tôi cười ranh mãnh:

- Nhỏ này ghê gớm thật! Khôn hồn thì khai ra ngay...Tôi chối phăng:

- Nhảm nhí, ai làm gì mà phải khai với báo...

Biết tôi hay bị nhột, Chi doạ:

- Không khai tao… thoọc nách!

Đã biết "tủ" của tôi mà Yến còn cứ giả vờ, xoa hai tay vào nhau giọng xuýt xoa:

- Cơ thiêng thật! Cứ xoay quanh chữ T mãi...

Tôi lườm Yến như doạ ngầm "Rồi mày sẽ biết tay... ông!..." và cố gắng đánh lạc hướng nghi ngờ của cả bọn:

- Ơ... T là... tiền! Tiền ăn đem sắm Tết hết rồi, đang lo đây.

Dĩ nhiên là chẳng đứa nào cho câu nói của tôi tí trọng lượng nào cả. Thuấn giả vờ thân mật ôm vai tôi: - Hèn chi, mấy lúc gần đây em thấy chị có vẻ hơi... ngơ ngác!

Yến được thể đùa dai, nhại theo danh từ bệnh lý Súc học:

- Đấy là triệu trứng thông thường của kẻ bị "cú đờ phút" đó. Con bệnh thường có vẻ ngơ ngác như con nai đi lạc; bắt mạch thì  thấy mạch chạy không đều vì bị hậu quả của những lần tim nhảy nhịp; kém ăn, biếng nói, thỉnh thoảng ngồi cười mỉm chi một mình; đầu óc thẫn thờ như để tận đâu đâu, những lúc đó ai hỏi không nói, ai gọi không thưa… Cách chữa trị rất giản dị, mỗi ngày con bệnh cần được gặp đối tượng, càng nhiều lần càng tốt, không bị công phạt như khi uống thuốc quá độ. Biến chứng thất thường nhưng không nguy hiểm. Bệnh không có cách ngừa!…

Cả bọn vỗ tay khen "bà lang" Yến có tài chẩn bệnh.

Thuấn xích lại gần tôi hơn, giả vờ dỗ dành:

- Bật mí đi, em làm mai cho...

May quá, vừa đúng lúc một nhóm Thuỷ Lâm có cả Nguyễn Công Duy và Phòng Quốc Cường vừa đi rừng kiếm lan về, ồn ào ghé vào và tình cờ cứu tôi thoát khỏi việc lấy khẩu cung "đại nạn". Người tôi mệt nhừ và cánh tay mỏi rã rời; lợi dụng lúc lũ con gái dẻo mỏ dụ dỗ bọn con trai xin hoa lan, tôi bèn lỉnh ra khỏi phòng. 

Để cho đầu óc được thư giãn, tôi thơ thẩn đi về phía Đại Thính Đường. Mặt trời đã khuất hẳn sau dẫy Đại Bình, cảnh vật nhuộm vàng dưới ánh hoàng hôn; sương chiều mang theo không khí lành lạnh của một ngày cuối đông; từng đàn chim đang bay về tổ, vẳng trong không gian những tiếng gọi đàn thắm thiết; những áng mây không nhà đang lững lờ bay về chốn nào vô định. Âm điệu của một bản nhạc buồn đang nức mở trong tôi: "Ngàn năm mây bay, tình ta ai hay?"... Từ phía lưu xá D, một dáng người dong dỏng cao cao đang lững thững đi về phía tôi.

Nhận ra cậu em kết nghĩa Bùi Châu Dương, tôi vẫy tay mừng rỡ:

- Dương lên hồi nào vậy?

Xoải nhanh những bước thật dài về phía tôi, Dương cười:

- Em với Ngô Kim Loan đi xe đò chuyến chót, mới vừa tới.

Đến nhà D, nghe Tuyết Châu nói Hai xuống nhà ba Hộ cầu cơ...

Rồi Dương hí hửng dơ cao đòn bánh tét:

- Quà Tết cho chị Hai nè, có cả củ kiệu và dưa món nữa...

Tôi chưa kịp trả lời thì như đoán ra nguyên do qua bộ mặt bí xị của tôi,

Dương nhăn nhó:

- Hơi đâu mà Hai tin vào cơ, chẳng lẽ một hồn ma dại mà cũng biết được hậu vận của cả một đời người sao?

Tôi biết không thể cãi lý với Dương được nên chỉ ừ hử cho Dương khỏi thắc mắc thêm.

Nhưng nỗi ám ảnh còn theo tôi nhiều ngày sau đó... 

(Trích Hồi Ký Ngô Thị Độc-Lập)

ĐS NLSBL 2007

Cùng Tác Giả / Đề Tài