Sáng nay chủ nhật, đối với một người đã nghỉ hưu như tôi thì bây giờ đâu còn là vấn đề nữa. Thường thì mỗi buổi sáng, tôi có thói quen nằm ngủ nướng thêm vài mươi phút, đó là khoảnh khắc thoải mái nhất trong ngày của tôi. Tôi vẫn thường ví mình như con mèo lười thích ngủ ngày. Nhưng đặc biệt sáng nay tôi phải dậy sớm, vì có một cái hẹn: Ăn sáng với chị Ngô Anh Thuấn và một số chị bạn cùng lớp chị để hội ngộ với chị Châu Thị Tuyết.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp chị Châu Thị Tuyết ở nhà chị Trần Hồng Yến. Hôm đó bác Đặng, ba của chị Hồng Yến đãi tiệc để gia đình chia tay chúng tôi để đi định cư ở nước ngòai. Nhắc đến bác Đặng chúng tôi không thể quên hình ảnh một gia chủ cực kỳ hiếu khách. Bác đã ân cần tiếp đãi chúng tôi không phải chỉ một lần, Bác đã xem bạn bè của con mình như người thân trong gia đình. Hy vọng có một dịp nào bác Đặng và chị Hồng Yến về thăm quê hương bạn bè để chúng tôi được nhắc lại mối thâm tình ngày cũ.

Còn bây giờ xin trở lại câu chuyện sáng nay. Có được buổi hội ngộ sáng nay cũng là một tình cờ thú vị. Số là chị Ngô Anh Thuấn có cô cháu gái làm gia sư môn Hội Họa cho một cô bé Việt kiều xinh xắn. Trong câu chuyện xã giao cô giáo nghe kể Ông và Bà Nội của học trò mình từng là học sinh trung học NLS Bảo Lộc. Cô giáo về nhà kể lại cho Bác Thuấn của mình nghe. Bác Thuấn hỏi ngay Ông Bà Nội nó tên gì? Cô bé học trò thưa Ông Nội tên Mai Văn Phụng và Bà Nội là Châu Thị Tuyết. Thật mừng như bắt được vàng. Đúng là ông anh kết nghĩa và cô bạn cùng lớp của mình. Đã hơn 20 năm bặt tin, nghe nói Châu Thị Tuyết ở Mỹ nhưng không ai biết địa chỉ. Năm 2008 Ngô A Thuấn có dịp qua Mỹ du lịch cũng cố công tìm hỏi. Vậy mà bất ngờ, người ta nói hữu duyên thiên lý năng tương ngộ là vậy. Ngô A Tuấn hỏi ngay số điện thọai để liên lạc, và hôm nay chị CT Tuyết về Sài Gòn. 
Tôi và chị Thuấn đến quán ăn Dìn Ký đúng hẹn. Chị Châu Thị Tuyết đã đứng đón trước cửa. Từ xa chị Thuấn đã nhận ra bạn mình, riêng tôi thật tình không nhớ chị. Vì ngày xưa chỉ gặp chị một lần, nhưng chỉ 1 lần cũng đủ để lại trong tôi một ấn tượng rất đẹp về chị. Nghe kể anh Mai Văn Phụng mất tích, một mình chị bươn chải dưới thời bao cấp, làm đủ thứ nghề vất vả như làm thầu giữ xe Honda, mở quán bán cà phê … tảo tần nuôi 4 đứa con ăn học. Hồi đó tôi cũng một mình nuôi con, mà tôi chỉ có 1 đứa con đã thấy khó khăn chồng chất. Tôi thật ngưỡng mộ người phụ nữ tháo vát như chị, chị vui vẻ họat bát, trên môi luôn nở nụ cười thân thiện, đôi mắt sáng long lanh thể hiện cá tính mạnh mẽ hiếm có ở phụ nữ. Nghe nói anh Phụng nổi tiếng đẹp trai còn chị Tuyết hát hay nhất trường hồi đó. Thật là một đôi uyên ương đáng được bạn bè ngưỡng mộ. Và sáng nay, gặp lại những người bạn thân thương một thời sống dưới mái trường nội trú như chị Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Dziễm, Ngô Thị Độc lập… chị Tuyết đã kể lại những nốt thăng trầm của anh chị. 
Anh Mai Văn Phụng học lớp 12 Canh Nông niên khóa 66 – 67. Anh là anh cả trong một nhóm kết nghĩa anh em, tùy theo tuổi tác mà phân ngôi thứ gồm có Ngô Anh Thuấn, Nguyễn Vũ, Nguyễn Thị Kim Nguyên, Lê Quang Hải, Trần Văn Phúc, Phan Đình Thọ, Vương Thị Ngọc Nhân, Hùynh Kim Thạch. Nghe kể lần đó các anh chị rủ nhau từng nhóm đi lên Đà Lạt chơi cuối tuần, tình cờ gặp nhau ở trước chợ Đà Lạt. Nơi xứ lạ đường xa, bỗng dưng chợt nhận ra tình đồng môn thắm thiết quá nên kết nghĩa kim bằng. Còn chị Châu Thị Tuyết thì ở nội trú cùng phòng với các chị Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Dziễm, Ngô Thị Dân, Ưng Thị Lan và Nguyễn Thị Thu Loan. Mỗi buổi vào nhà ăn tập thể, anh Phụng thường chọn chỗ ngồi đối diện với chị Tuyết để nhìn chị. Hồi đó mấy anh con trai vẫn thường hay gõ mâm gõ muỗng để trêu mấy chị, thậm chí còn chờ lúc mấy chị vừa đưa muỗng cơm lên miệng thì mấy anh đồng lọat kêu lên “ùm”. Chị Tuyết tuy nhút nhát e thẹn nhưng cũng hay len lén liếc nhìn. Anh bạn đẹp trai thì xao xuyến với câu hát của chị “Anh ơi suốt đêm thao thức vì anh”. Chuyện chỉ có thế, tình yêu học trò NLS mà, mộc mạc ngây thơ và dễ thương vậy đó. Có một kỷ niệm vui là ánh mắt hai anh chị bị mấy cô em kết nghĩa bắt gặp. Thế là chị Thuấn, chị Nguyên, chị Nhân rủ chị Tuyết vào phòng chơi rồi khóa cửa lại để không ai vào phá rối chuyện riêng tư. Các cô em dọ hỏi chị Tuyết có để ý gì đến ông anh kết nghĩa của mình không. Nếu có, các cô sẽ tác hợp. Dĩ nhiên chị Tuyết dè dặt không trả lời, mấy ngày sau mới nhỏ nhẹ kể lại cho anh Phụng nghe. Anh nói: “Em đừng lo, mấy đứa nó là em út, không có gì phải sợ”. Sau này chính những cô em út đó đã vun quén cho cuộc tình của hai anh chị. 
Anh Phụng ra trường đi Sĩ Quan Võ Bị. Chị Tuyết học Huấn Sự Ngư Nghiệp rồi xin lên Đà Lạt để được gần anh. Chị Định kể năm đó chị Tuyết đăng ký dự kỳ thi tuyển chọn giọng ca triển vọng ở Sài Gòn. Chị Định chở chị Tuyết đi thi. Có lẽ vì thiếu bình tĩnh nên khi hát hơi bị run nên chỉ đạt hạng 2, nếu muốn chị sẽ được đào tạo thành ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng tình cờ anh Phụng đọc báo thấy tên chị. Anh Phụng chỉ nói một câu: “Em có quyền lựa chọn 1 trong 2, làm ca sĩ hay làm vợ anh”. Và chị Tuyết đã từ bỏ nghiệp cầm ca. 
Ngày cưới của anh chị cũng có nhiều kỷ niệm vui. Chị Tuyết là con gái trong một gia đình có 4 anh em trai nên chị phải tự lo liệu hết mọi việc. Tới giờ đàng trai đến rước dâu mà cô dâu đi lấy áo cưới chưa về. Cả nhà sốt ruột chờ đợi. Chị về tới vội vàng nhờ bạn bè trang điểm đơn sơ vì tính chị vốn giản dị không cầu kỳ. Nhưng khổ nỗi đôi giầy mới mua để trong ngăn tủ ngoài phòng khách bị đàng trai ngồi che chắn không làm sao mở ra lấy được. Chẳng lẽ cô dâu phải đi dép, thôi thì đành bắt cô phù dâu hy sinh cho chị mượn đôi giầy để chỉnh tề ra mắt hai họ. Còn về phía chú rể cũng có chuyện để kể. Anh Phụng mượn mấy anh bạn thân phụ bưng mâm quả. Anh Nguyễn Thanh Nhơn bưng cái mâm xôi gà nặng quá mỏi tay lên tiếng cằn nhằn “Đ.M nặng quá tao liệng à Phụng!” Tội nghiệp anh Phụng phải xuống nước năn nỉ “Thôi mà, chịu khó dùm tao. Rồi chút nữa cho tụi bây nhậu thả cửa”; và anh Phụng đã giữ lời. Sau khi đón dâu về nhà đàng trai, các anh bạn đã được nhậu thả cửa. Đến nỗi cái phòng Tân Hôn nho nhỏ xinh xinh được mẹ anh Phụng tỉ mỉ treo màn kết hoa cho con trai mình vậy mà mấy anh say xỉn không còn biết trời đất chui vào gục luôn trong đó rồi còn cho chó ăn chè nữa. Báo hại cô dâu phải dọn dẹp, thật là hết ý kiến. Còn chuyện này không biết có nên kể cho các bạn nghe không. Thôi đã trót thì xin phép được kể luôn: Không biết ai đó đã cẩn thận khuyên chị Tuyết là ngày đầu tiên về nhà chồng. Đêm tân hôn cô dâu đợi chú rể cởi áo khoác treo trên móc trước rồi cô dâu móc áo của mình chồng lên để sau này không bị chồng ăn hiếp. Không ngờ anh Phụng cũng được bạn bè mách cho chiêu đó. Thế là hai người cứ chờ nhau … Không biết cuối cùng ai treo áo khoácl ên trước nhưng trong cuộc sống vợ chồng sau này anh Phụng hết mực thương yêu vợ. Chị Tuyết về làm dâu nhà người Bắc nên đến bữa cơm cô dâu mới phải ngồi gần nồi cơm để xới cơm cho cả nhà. Gia đình anh Phụng thì đông anh em, chị Tuyết mải xới cơm nên không bữa nào được ăn thỏai mái. Thương vợ, anh Phụng đổi chỗ ngồi gần nồi cơm dành phần xới cơm thay vợ. Thử hỏi bạn bè NLS mình có ai yêu vợ được như thế không? Một thời gian sau anh chị dọn ra ở riêng. Bấy giờ tình yêu mới thật viên mãn. Anh chị có 4 người con: 3 trai, 1 gái. 
Nhưng cuộc đời đâu chỉ có hạnh phúc. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 anh Phụng đi học tập, chị Tuyết một mình phải gánh vác cả gia đình. Không thể kể hết những khó khăn vất vả của những người vợ vừa nuôi con vừa thăm chồng vào thời ấy. Chị Tuyết đã vượt qua tất cả. Đến ngày anh Phụng được thả về, cuộc sống đời thường với bộn bề lo toan. Một lần nữa chị Tuyết hy sinh gom góp vốn liếng dành dụm để cho anh đi tìm tự do. Và anh đã ra đi. Từ đó những tin tức về anh Phụng chỉ là những dấu hỏi. Gia đình, bạn bè đều hoang mang. Có người nói anh Phụng đã đến được bến bờ bên kia. Có người nghe tin anh Phụng mất tích trên biển … Chị Tuyết chỉ âm thầm lặng lẽ nuôi con. Sau này khi chị Tuyết định cư ở Mỹ có người cho rằng do anh Phụng bảo lảnh. Không ai biết chị Tuyết sống một mình với 4 đứa con ở xứ lạ quê người. Với kinh ngiệm sửa chửa xe hơi do cha truyền lại, chị mạnh dạn mở 1 garage, thuê người và khuếch trương nghề nghiệp. Chị đã nuôi dạy 4 đứa con nên người. Bấy giờ chị mới kể cho các con nghe sự thật về anh. 
Anh Phụng trong lần vượt biển đó đã không thoát. Một người bạn tên Lâm đi cùng thuyền đã sống nhờ sự hy sinh của anh Phụng đã kể lại. Khi thuyền bị đắm giữa biển khơi, anh Phụng đã ném cái phao cuối cùng cho anh Lâm và một ngọn sóng đập mạnh vào mảnh vỡ của con thuyền đã kéo anh xuống biển. Anh Lâm đến được trại tỵ nạn. Biết ơn bạn mình nhưng không thể đích thân báo tin về quê nhà cho chị Tuyết đành nhờ một người khác. Chị Tuyết lặng người khi nghe hung tin. Chị không còn nước mắt để khóc. Mà chị cũng không dám khóc. Chị phải nén nỗi đau tột cùng để không ảnh hưởng đến tâm lý các con mình. Chị sợ chúng quá đau đớn tuyệt vọng rồi buông lỏng việc học hành. Cao đẹp thay tấm lòng người mẹ, tận tụy hy sinh cả một đời vì con. Chị nói thời gian đó cũng có nhiều người đàn ông ngỏ ý muốn cùng chị đi tiếp đọan đường đời. Nhưng tình yêu chị đã dành trọn vẹn hết cho anh Phụng và hơn thế nữa, tình thương con đã giúp chị khắc phục những năm tháng dài cô đơn. 
Bây giờ chị đã là một phụ nữ thành đạt. Chị đã có cháu nội, cháu ngọai. Với cơ sở làm ăn của gia đình là Tập Đoàn Dìn Ký phát triển mạnh mẽ ở Sài Gòn. Các con trai của chị cũng đã thu xếp về quản lý các nhà hàng. Một ở đường Nguyễn Trãi, Quận 1. Một ở Lái Thiêu, Bình Dương. Mới đây thêm một nhà hàng nổi bên bờ sông thơ mộng ở Bình Nhâm, Bình Dương. Lâu rồi chị mải lo việc kinh doanh và chăm sóc con cháu nên không có cơ hội liên lạc với bạn bè. Hôm nay hội ngộ ở đây với những người bạn đã quen biết nhau từ hơn 40 năm trước. Chị xúc động bồi hồi ôn lại những kỷ niệm xa xưa. Riêng tôi ngồi nghe các chị ríu rít tâm sự, tôi thật ngưỡng mộ tình bạn thắm thiết của các chị.  
Kể từ khi rời xa mái trường NLS thân yêu, chia tay nhau mỗi người một ngã, mỗi người một mảnh đời, một số phận. Có rất nhiều tiếng cười vui và có cả những giọt lệ rưng rưng. Câu chuyện của chị Châu Thị Tuyết đã để lại trong tôi niềm xúc cảm sâu xa. Xin cho tôi được trân trọng kể lại cho bạn bè NLS nghe. Để chúng ta, những người bạn của anh Phụng, chị Tuyết từ bấy lâu vẫn thương mến nhớ về anh được biết rỏ sự thật. Bây giờ anh ở đâu. 
Ngày chủ nhật cuối tháng 8 năm 2009
Tiểu Miêu SàiGòn
Cùng Tác Giả / Đề Tài