Sự nhiệt tình, hăng say và khả năng thuyết phục người khác của Tư Lung làm tôi và Kim Nguyên đã không thể nào từ chối hay cưỡng lại được sự tha thiết rủ rê ấy. Cũng lại chẳng biết miệng lưỡi Tư Lung dẻo thế nào khi cà kê với ông xã tôi, mà chàng nhất định khuyên tôi nên làm một chuyến viễn du xa bờ đất liền. Bảo rằng đi cho biết đó biết đây, ở nhà với chồng chỉ già đi thôi!

Với tấm lòng rộn ràng tôi hồ hỡi xếp quần áo. A! cái khổ của đàn bà chúng tôi là mỗi khi đi đâu đều nhận thấy là mình … thiếu quần áo. Thế là lạiphải vội vàng đi viếng các cửa hàng trong siêu thị bách hoá. Nhưng may cho ông xã, kỳ này tôi không tìm thấy một món nào ưng ý. Thế là lại một phen nhìn, ngắm rồi lục lọi từ tủ quần áo của mình. Áo nào cũng muốn mang, quần nào thấy cũng không vừa ý. Quần áo vất lung tung, thử vào ngắm nghiá rồi lại lắc đầu, đến là khổ!
 
Khi xách vali mang ra xe dùm, ông xã tôi hỏi nhỏ: em còn chỗ nào trống trong valy không? Tôi liếc xéo và xì một tiếng thật to, mặt lạnh như tiền. Tôi ngẫm nghĩ đã không mua đồ mới là may cho anh lắm rồi, lại còn không biết ơn!
 
Kim Nguyên đón tôi ở phi trường. Nhìn vali căng phồng, nặng chịch mà cả hai đứa loay hoay mãi mới đủ sức kéo bỏ lên xe. Nguyên cười bảo tôi: Sâm mang gì mà nhiều đồ thế? Mình đi đến đâu mua đến đó thì tiện hơn. Tôi chợt nghĩ, thế à! Sao tôi lại không nghĩ ra điều này để phải hì hục xắp xếp bao nhiêu là quần áo mà chả biết có đủ hết dịp để mặc không? Nhớ lại lần đi chơi trước, đồ mang đi chỉ mặc giỏi lắm là một nửa. Ấy! cái khổ của đàn bà là thế đấy, thôi thà dư còn hơn thiếu, chịu khó xách nặng một tí thôi. Đây là đặc tính chung của phụ nữ cơ mà! Đâu cứ gì riêng tôi.
 
Sáng Chủ Nhật Lung Hương đến nhà Kim Nguyên, trong khi đó chúng tôi còn đang mãithưởng thức tô phở gà thơm ngon tại khu phố Bolsa. Gặp nhau, chưa kịp ỏn ẻn cười duyên thì đã nghe Lung tả oán rằng sáng nay phải dậy thậtsớm, Hương chỉ đưa cho một ly nước đá lạnh uống cầm hơi để lên đường lái xe từ San Jose xuống nhà Kim Nguyên cho kịp giờ mà thôi, thiệt là tôi nghiệp. Lung bảochúng tôi chả biết ơn mà còn trách sao đến sớm trước giờ hẹn. Kim Nguyên vội vã trấn an bao tử Tư Lung bằng miếng bánh mì còn trong ngăn đá. Tư Lung bảo nhỏ tôi: “nhà ngươi cứ yên trí mà hưởng thụ, tui đã lo hết mọi thứ cho mấy bồ rồi. Rõ khổ cho Tư Lung! Thân trai sớm hôm phục dịch một bà vợ, đôi khi đã tỏ ra ngán ngẫm thế thái nhân tình, nay còn phải cưu mang thêm hai cô bạn đã đến tuổi ngấp nghé về hưu, lại thêm khó tánh khó nết như bà mẹ chồng… ai thấu cho ai. Ông xã Kim Nguyên cũng là một rể hiền, tự nguyện làm tài xế đưa chúng tôi ra bến cảng. Hơn thế nữa, anh Yên còn lại dúi vào tay chúng tôi một ít tiền còm để giải trí đỏ đen trên tầu vì biết thế nào chúng tôi cũng theo gương Tư Lung. Giải trí kéo máy trong Casino để giúp bắp tay được khoẻ khoắn thêm ý mà!
 
Chuyến đi này tôi và Kim Nguyên cứ như hai bà già nhà quê, lẽo đẽo theo sau bén gót vợ chồng Lung Hưong. Bởi lẽ vợ chồng này là dân chuyên nghiệp đi Cruise. Nghĩ phận mình, ở cái xứ văn minh nhất thế giới đã tròm trèm gần 40 mươi năm mà sao vẫn quê đặc. Lung lên lớp hướng dẫn, từ lúc xếp hàng ghi tên lấy thẻ phòng, làm mọi thủ tục cho đến khi lên đến cửa tầu. Chưa hết, Lung còn mở túi dúi vào tay chúng tôi mỗi người hai cái bùa hộ mạng khi đi biển khỏi bị say sóng. Chu đáo đến thế thì thôi!
 
Bước lên thang tầu, gió lùa vào tóc, thổi đến tim những làn gió mát dịu dàng thơm tình bạn bè!
 
Vào đến tầu, mở cửa phòng nhìn thoáng qua. Một chút yên tâm sau khi đã biết số phòng của các bạn. Chúng tôi rủ nhau đi xem xét nơi sẽ đem niềm hạnh phúc cho bao tử. Chẳng riêng gì nhóm chúng tôi, phòng ăn đã đầy ắp người đứng xếp hàng lấy thức ăn. Trộm liếc qua những khay thức ăn của những người khách cùng du hành với mình, thấy mà phát ớn! Lung lại nói nhỏ với tôi: những người này có lẽ đã để bụng đói từ đêm qua, bây giờ họ ăn bù trừ cho bữa điểm tâm cố tình bỏ quên ở nhà sáng nay. Tôi mĩm cười cho ý tưởng ấy của Lung. Tôi theo sát gót Hương và Kim Nguyên. Cuối cùng chúng tôi tìm được một bàn với cửa sổ nhìn ra biển. Vừa ăn vừa nhìn sóng nước. Tuyệt cú mèo! Lung hỏi tôi: Sao nhà ngươi có vui không? Chưa kịp trả lời thì ô kià!
 
Người đang lửng thửng bưng một khay đầy ắp đồ ăn, miệng cười tỉnh như sáo sậu là Triệu Lương đây chứ chẳng ai khác lạ. Thế là bàn chúng tôi đủ người, thiếu ghế. Dâu AnHảo đã đến bên chồng, miệng chúm chím cười duyên, tay bưng một khay đồ ăn lót lòng. Những trận cười bắt đầu nở rộ.
 
Nhìn đồng đã đến giờ tầu chuẩn bị nhổ neo rời cảng. Chúng tôi tay trong tay, nối gót nhau lên boong ngắm nhìn con tầu đang thông thả rẽ nước, như khẽ nhắc chúng tôi biết cuộc vui bắt đầu đúng như dự định. Một niềm hạnh phúc nhỏ đang réo rắt trong tôi. Chợt nhớ đến nhà, nơi cách xa đây mấy ngàn dậm có người đang ngóng tin. Tôi vội vã gọi cho ông xã biết. Chỉ dăm ba câu để cho người nhà yên tâm, báo cáo tình trạng sức khoẻ cho đúng bổ phận của kẻ làm vợ ham vui. Tôi thở khoan khoái, nhắm mắt hình dung ra những hạnh phúc vui tươi cùng bạn bè đang đón chờ.
 
Đêm đầu tiên, tôi và Kim Nguyên đều không ngủ được. Chúng tôi có quá nhiều chuyện để nói, để kể cho nhau nghe. Đã mấy lần chúng tôi đồng ý đình chỉ câu chuyện, nhưng chả hiểu sao cứ đứa này nói thêm một câu thì đứa kia lại cười hay trả lời, hơn nữa giờ giấc sai biệt cộng với số lượng cà phê tôi uống hôm nay, vì thế tôi dù có đếm mấy ngàn sao trên trời, có tìm đủ cách để giỗ giấc ngủ nhưng sao tâm trí vẫn còn tỏ tường. Nằm trong chăn, lắng nghe sóng nước đập tí tách vào mạn tầu có lẽ đã là một điệu nhạc ru tôi vào giấc ngủ muộn.
 
Tiếng điện thoại đánh thức chúng tôi cũng chính do nàng Hương. Ngày đầu tiên trên con tầu to lớn như một ngôi nhà khổng lồ, tôi chẳng cảm nhận được một chao đảo như mình đã tưởng. Tôi ngơ ngác nhắm nhìn tứ tung. Nhìn ai cũng thấy sự thoải mái tỏ rõ nơi khuôn mặt. Lung đã chọn được một bàn ăn sát của sổ, và còn chu đáo với nước uống sẵn sàng. Tôi đi lấy thức ăn theo ý thích của mình. Lấy đồ ăn xong, loay hoay mãi tôi vẫn không tìm thấy bàn ăn nơi Lung Hương đang chờ. Tôi hơi hoảng hốt, đi lên lại đi xuống, thế mới biết chiếc tầu to lớn đến thế nào; hơi thẹn với chính mình vì đã vô tình không để ý một điểm gì để làm dấu chỗ bàn ăn nơi bạn bè đang chờ. Đi vòng quanh, hết ngang rồi tới dọc, thấy chỗ nào cũng giống nhau, như đang lạc vào bát quái đồ. Hình như chỗ này, a! lại không đúng! khi tìm được đến bàn ăn thì bạn bè đã nhâm nhi cà phê, và tôi cũng đã đi bộ tập thể dục đủ cữ cho buổi sáng.
 
Biển hôm nay lặng yên. Nhìn qua cửa sổ thấy sóng nước mênh mông. Những gợn sóng bạc đầu nho nhỏ nối đuôi nhau chạy dài khắp nơi. Bầy cá dolphin nhẩy múa, đùa dỡn với sóng nước trong sớm mai làm mọi người đua nhau nhắm nhìn, khen tặng. Buổi sáng đầu tiên trên tầu, tôi cảm thấy ngây ngất với tìnhbạn bè thân thương vây quanh. Ánh mắt nào cũng chan chứa niềm vui và hạnh phúc.
 
Chúng tôi nhỏ to với những mẫu chuyện vẩn vơ, cười nói lao xao. Tôi cứ ríu rít theo chân Lung Hương. Họ vào thang máy nào, đi ra tầng nào tôi cũng chả biết vì còn mãi đắm mình trong những trận cười. May thay có dâu AnHảo nhanh trí, nhanh miệng, đã thay chúng tôi để ý đến phòng ăn này nằm ở tầng mấy, phòng tập khiêu vũ ở đầu tầu hay cuối tầu. Tôi để mặc cho AnHảo và Hương chỉ đường, lao xao những bước chân rộn ràng là đủ lắm rồi.
 
Có lẽ vì mất ngủ đêm đầu nên buổi chiều ngày thứ hai tôi đã thấy không ổn. Biết mình hơn ai, lại không muốn bạn bè lo, tôi lặng lẽ ngậm sâm… Kim Nguyên nhìn sắc mặt tôi chắc đã đóan được nên không cần hỏi. Nàng đã châm kim vào vài huyệt đạo, nào là huyệt để ngủ, huyệt để không bị ói mửa … và quả nhiên , suốt chuyến đi tôi chẳng bị say sóng tí nào. Có say chăng là say niềm hạnh phúc vui tươi đang có cùng bạn bè.
 
Tầu cặp cảng đầu tiên là một tỉnh nhỏ, Astonia, thuộc bang Oregon. Thành phố hiền hoà biểu trung cho nếp sống trung bình của người dân Mỹ. Bà mẹ thiên nhiên hôm nay mặc aó xám ngoét,dương cặp mắtlạnh lùng , lặng lẽ dưới cơn mưa phùn và gió khá lạnh, nhưng cũng đã không ngăn được bước chân náo nức của nhóm chúng tôi.
 
Những bước chân réo rắt khua vội trên đường phố của một thành phố bình dị, nếu không muốn nói là nghèo so với những thành phố hoa lệ nơi chúng tôi đang sống. Quả đúng với lời bài hát: Phố nhỏ nên phố tình thân, chưa đi dăm phút đã về chốn cũ … Thành phố buồn hiu, xác sơ, hom hem như mộtông lão. Nhưng đặc biệt nhất nơi đây có một cây cầu dài nhất nhì thế giới. Cầu dài hơn bốm dặm đường và xây chạy vòng quanh thị trấn. Khi xây chính phủ đã không nhìn ra được tương lai, người thiết kế đã quên gọi nhà điạ lý Bùi Công Tạo bấm dùm một quẻ chăng? Tại một ngã tư đường, Lung đã tặng gói đồ ăn mang theo cho một ông già vô gia cư. Ông cảm ơn với ánh mắt chân tình. Chắc từ nay ông sẽ mong có nhiều chuyến tầu cặp bến và sẽ có nhiều người tặng ông những gói đồ ăn tươm tất góitrong những tấm khăn trắng tinh và ủi thẳng nếp như hôm nay chăng! Mong ước nguyện của ông thành tựu.
 
Phố nhỏ, phố đìu hiu nhưng có lẽ đang vươn mình mĩm cười vì những câu nói bông đùa của chúng tôi. Lạ thật đấy! phố xá hiểu hết những câu nói tiếng Việt, lại đang trìu mến ngắm nhìn đám người nhỏ con nhưng tiếng cười thì rạng rỡ và quá to! Chúng tôi tản bộ trên con lộ chính, tiệm nào cũng dúi mũi vào ngắm, rồi rỉ tai nhau thôi cứ mua ít quà kỷ niệm. Kết quả chúng tôi đã khuân về, kẻ ít người nhiều những món quà vì nền kinh tế trong nước đang trên đà đổ dốc, nên ai nấy đều xuýt xoa khen rẻ. Nhưng mua là mua và có dùng hay không là một chuyện khác. Tôi đoán số phận của những món quà ấy chắc cũng hẩm hiu chẳng thua gì nơi chúng đã từng định cư, có khác chăng là chúng đã được du lịch một vòng khá xa với người chủ mới.
 
Bữa ăn tối đầu tiên cùng nhau trong nhà hàng có hầu bàn lo từng chút. Muốn ăn gì, muốn ăn bao nhiêu cứ ngoắc tay là hầu bàn mang đến ngay với nụ luôn nở trên môi. Đã chẳng những thế, sau bữa cơm tối phủ phê chúng tôi lại kéo nhau vào đại hí viện nghe ca vũ nhạc và những chuyện hài cười. Có lẻ chủ tầu biết ý, cười cũng sẽ làm hao tốn một phần số lượng calory của bữa cơm tối chăng?
 
Những chiếc tầu du lịch lịch sự nhất nhì thế giới này đã thi nhau làm vui lòng khách. Họ nghĩ ra trăm món đồ chơi, ngàn thứ hưởng thụ để cung ứng. Bởi thế số người đi du lịch bằng đường biển mỗi ngày mỗi tăng.
 
Đúng như ngừời khai mạc đêm văn nghệ đầu tiên đã nói: những ngày quý vị ở đây sẽ hoàn toàn có được bốn cái không phải làm hàng ngày: không phải nấu ăn, không phải dọn dẹp giuờng chiếu nhà cửa, không phải đến văn phòng làm việc, và không phải để ý đến giờ giấc. Ngược lại quý vị còn có thêm: chỉ tay năm ngón, muốn ăn muốn chơi gi đều có cả. Đàn bà có thể tha hồ đi mua sắm, thăm các cửa hàng long lánh đồ nữ trang và các loại nước hoa để giúp mình đẹp và thêm quyến rũ. Đàn ông có thể quên sầu, chìm sâu vào những cái máy kéo trong sòng bài. Càng kéo khoẻ thì bữa ăn càng ngon miệng… Lung có lẽ hiểu lý lẽ này nhất bọn.
 
Bấm độn tôi biết là tầu sắp sửa cập vào miền đất hiền hoà láng giềng Canada. Tôi hồ hỡi gọi điện thoại về nhà. Gọi điện thoại là bổn phận của người vợ …hiền (sic!), nhưng ham vui! Tôi ra sức tả oán cho chồng nghe về cái khổ của người đang hưởng thụ những hạnh phúc xa xỉ. Vẫn một mực nói rõ là sức khoẻ đang tuyệt vời, bởi lẽ tôi chẳng lúc nào quên “ngậm ngãi”. Kể ra tôi cũng là người có lương tâm đấy chứ nhỉ? Vui đấy, nhưng cũng mong người ở nhà yên tâm, để khỏi áy náy chăng? thế mới biết!
 
Một ngày đẹp trời, đẹp cả lòng người. Đoàn chúng tôi theo xe tour đi thăm khu vườn hoa nổi tiếng Butcharts Garden. Đến đây không thích hoa bạn cũng phải trầm trồ, khó tính mấy bạn cũng cảm thấy tâm tư mình lắng dịu, thoải mái đúng nghiã của sự nghỉ ngơi. Công khéo từ cắt tiả vun xới, đến các loại hoa đang nức nở đua sắc. Đường đi quanh co, chỗ nào cũng hoa, hoa gì mà nhiều đến thế. Du khách tấp nập, các máy hình thì đua nhau bấm nháy. Chỉ bấm máy hình như cũng đủ mỏi tay, chỗ nào cũng muốn chụp. Lạ thật! sao ai cũng thấy hoa đẹp, ai cũng muốn đứng bên hoa mà bấm máy hình. Có biết đâu rằng khi nhìn hình thì hỡi ơi, hoa thì đẹp … còn người có đẹp đâu. Thôi thì hãy tự an ủi, hoa đẹp là điều tự nhiên. Chụp để làm kỷ niệm cơ mà, rõ khéo!
 
Tôi thầm nghĩ những loài hoa đang tô thắm không gian này có lẽ chúng cũng cảm thấy hạnh phúc lắm. Chúng cũng đã rỉ tai nhau, nhắc nhau mặc vào những tấm áo mầu sắc tuyệt hảo nhất. Chúng cố khoe màu áo tuyệt vời để chiều lòng khách tứ phương đang ngắm nhìn dung nhan diễm lệ của chúng chăng? Một mãn nguyện chứ chẳng không? Đua sắc đua hương, tai nghe những lời trầm trồ của thiên hạ đến từ khắp nơi. Thôi! Cũng đủ cho một thời hương sắc! cũng bõ cho công lao điểm phấn tô hồng thế gian…
 
Có khổ! Hôm nay anh chị Lung Hương muốn xé rào đi ngắm hoa và tự tình riêng tư, hâm nóng tình nồng của hai, hay là Lung đang cố lấy lòng nàng Hương để may ra tối nay … hi… hi… Hương còn vui vì tình nồng mà sẽ tặng thêm cho Lung mấy tờ Benjamin Franklin để chàng tập thể tháo tay cho nhịp nhàng hơn!
 
Nhưng người tính thì làm sao bằng trời bảo được. Đang loay hoay với máy hình thì dâu AnHảo rỉ tai: “ai như anh chị Tư Lung kìa!” Có chối, có trốn cũng không trốn được! Gặp nhau, Lung cười khi` giả lã, nói nho nhỏ mà mặt xoay nghiêng nghiêng. Nại lý do sợ chúng tôi đi lạc vì lạ đường, hay sợ phó dzòm Triệu Lương không đủ giờ bấm máy cho các nàng làm điệu nên Lung đành phải ép bụng đi theo hổ trợ đây!
 
Đã nói rồi, làm sao cãi lại số! Duyên Nông Lâm Súc mấy ai mà cắt đứt nổi! những chiếc bánh mà Lung cố tình dấu riêng cho nàng Hương bị chúng tôi lục túi lôi ra hết. Đang đói mà vớ được của ngon chẳng ai làm bộ, chẳng ai nghĩ đến số lượng calories béo phì. Phải công nhận những chiếc bánh này ngon ơi là ngon, nhất là được lấy từ túi của kẻ cố để dành ăn riêng! một bài học để đời Lung nhé!
 
À há! Tầu ghé cảng tại thành phố Vancouver, Canada. Tôi nhớ lại đây là yếu tố khá gay cấn mà Lung đã triệt để khai thác, tả tỉ mỉ những loại trái cây mà mấy chục năm nay chúng tôi chưa một lần thưởng thức lại. Đến đây tôi sẽ tha hồ ăn những loại trái cây giống nơi quê mẹ dấu yêu, hơn nữa được ngắm nhìn thành phố Vancouver đầy thơ mộng. Tôi chưa đi Vancouver lần nào nên hồ hỡi chờ được thưởng thức những loại trái cây như nơi quê hương cách xa, dẫu chỉ một bờ biển Thái bình Dương bao la bát ngát. Có giống như bài hát nào: Tôi đứng bên này, em đứng bên kia … hay như lời nào đó trong Chinh Phụ Ngâm Khúc: Cùng trông sang mà cùng chẳng thấy, thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu, ngàn dâu xanh ngát một mầu...” Quê hương ơi! nhớ lắm thay!
 
Chúng tôi thả dọc theo hè phố, ghé mắt dòm vài cửa tiệm cho phải phép. Loay hoay ngắm nghiá, trầm trồ và chế nhạo nhau một hồi là đã đến trưa. Bụng đói rồi, nhóm chúng tôi không ai bảo ai nhưng đều đồng ý ngầm là trực chỉ phố Tầu. Xa nhà gần cả tuần nên tụi tôi ai cũng thèm bát cơm gạo tám thơm nóng hổi. Phố Tầu nào cũng có một mô thức giống hệt nhau, có khác chăng là chúng tôi đã chọn được một số trái cây ưa thích. Nào là mẵng cầu xiêm, sapochê, bòn bong, chôm chôm, măng cụt … Cơm trưa khá ngon miệng nhưng ăn vội, vì nhìn những giỏ trái cây nặng triũ hấp dẫn quá. Chúng tôi tảng lờ cô hầu bàn người Tầu, tự động bầy bòn bong và mãng cầu dai ra chiến đấu tại chỗ.
 
Trên đường về, bụng no mà phải xách nặng, mệt lắm đấy! vì thế Kim Nguyên đã mấy lần đề nghị kiếm ghế đá nào hay kéo nhau ra công viên ngồi ăn cho đã thèm. Khổ quá! kiếm chẳng đựơc chỗ như ý. Chẳng còn ý thức ngắm phố phường nữa mà chúng tôi chỉ mong tìm được một bóng mát hay ghế đá. Con đường hình như cứ dài ra thì phải! Cuối cùng trước khi trở lại tầu, chúng tôi mới kiếm được một chỗ ngồi ăn thoải mái, rất riêng tư. Vừa ăn, vừa cười. Đứa này bảo đứa kia ráng mà ăn cho thật nhiều! vì sợ không mang được lên trên tầu.
 
Lung bảo tôi: “nhà ngươi trổ tài líu lo, cười duyên nơi cửa soát vé một phen, may ra họ cho mang số trái cây còn lại này lên tầu. Tôi phần tiếc số trái cây nên ba bẩy cũng đành nhắm mắt gật đầu.
 
Ôi, tôi chưa kịp cười, chỉ nhỏ nhẹ rằng tôi có mang một số trái cây mua nơi phố Tầu. Có lẽ nhìn ánh mắt thành khẩn khai báo của tôi, người soát cửa gật đầu dễ dãi.
 
Ấy! nhưng số của Lung lại không trót lọt. Kể đi với đám đàn bà, Tư Lung cũng chịu nhiều đắng cay! Số là tôi có mua một con dao nhỏ để gọt trái cây, nhưng khi soát túi của Lung … thêm nét mặt ngầu ngầu của hắn, người soát vé chặn lại … “ông mang dao này với ý gì?” Terrorist hả! rõ khổ! Thế là dăm ba miệng đàn bà chỏ mõ vào thi nhau nói: vì ngây thơ không biết gì, dao đó chỉ dùng để cắt trái cây thôi, dao đó lục nhách à! Xin mấy ông vui lòng vất vào xọt rác ngay để ông bạn già của chúng tôi được lên tầu! Ông nhìn xem, trông hắn ngầu như vậy, chứ thiệt ra hắn là người hiền nhất đám chúng tôi đấy! thật hú viá! Không có cái dại nào hơn cái dại này!
 
Chúng tôi yên lòng xách giỏ trái cây lên tầu với một hạnh phúc đơn sơ. Nghĩ đến số trái cây sẽ lại được nhắm mắt nhắm mũi ăn tối nay, tôi cười thầm cho cái tính ham ăn của mình .Hạnh phúc sao đơn giản quá thế nhỉ?
 
Đi chơi, cười nhiều cũng mệt, cũng tổn sức lắm bạn ạ!
 
Sáng nào cũng ăn sáng. Bông đùa đôi chút đã đến bữa ăn trưa. Rồi ào ào giờ ăn tối lại đã điểm. Quần áo lụa là tha hồ chưng diện, nhiều quá làm tôi cũng phátmệt. Trong tầu có đủ các món giải trí cho mọi tầng lớp, già trẻ, lớn bé đều riêng tư. Tôi chẳng thể ngờ được rằng số du khách đã lên tới con số gần ba ngàn người, cộng thêm hàng trăm trẻ con đi theo, rồi số nhân viên phục vụ cả ngàn người, từ ông thuyền trưởng đẹp trai mà nàng Hương nhất định phen này phải chụp được tấm hình chung với nụ cười duyên, đến người dọn phòng, gom lại cũng đâu đó trên năm ngàn người. Với con số này mà không hề có một chuyện gì xẩy ra làm phiền lòng người khác. Đó là một công trình hoàn mỹ của người tổ chức con tầu. Những nhân viên phục vụ luôn luôn đon đả, miệng lúc nào cũng cười, mặt không hề lộ một nét bất bình nào. Tôi cũng nghe kể số giờ phục vụvà số lương căn bản của họ đã đi ngược hẳn nhau. Tôi cảm thấy mình sao quá may mắn. Thượng Đế đã dành cho bạn bè tôi và tôi quá nhiều ưu đãi.
 
Những ngày trên tầu tính đến ngày thứ năm, từ ăn uống đến cười đùa làm thân xác tôi mệt nhoài. Buổi sáng hôm nay thức giấc sớm, tôi lặng lẽ một mình đi dạo trên boong tầu, hứng nhửng làn gió tinh tuyê`n của biển khơi. Buổi sáng biển còn lặng thinh, mặt trời đang ngái ngủ. Khí trời trong veo, mang nhiều hơi nước làm lồng ngực tôi vui thích. Xa tít chân trờichỉ là một màn sương mờ. Biển mang mầu xanh lục đậm, nhấp nhô những làn sóng nhỏ đang đuà nghịch, đang hỏi han nhau. Ô! Tôi lại thấy đàn cá dolphin, chúng đang nhẩy múa, đang cùng nhau đùa dỡn với những ngọn sóng nhấp nhô. Bầu trời xanh nhạt, không một áng mây,không một bóng chim, không thấy đâu là bến bờ. Lòng tôi chợt rung động nhẹ, nghĩ đến cuộc sống của những người mà năm tháng kéo dài trên những con tầu. Tôi chợt thông cảm đôi phần nỗi ngóng trông hoài hương, ngồi bóc từng tờ lịch của họ.
 
Những cơn gió tha hồ vẫy vùng, không bị vấn vương cản trở nào nên chúng tự do bay lượn đuổi bắt nhau đã tạo ra những âm thanh hy hữu réo rắt. Lại chính những cơn gió ấy không muốn có người hiện diện ngăn cản chúng, nên đã thẳng tay vỗ mạnh lên mặt lên tóc tôi. Dù đã mặc áo ấm, nhưng cái lạnh của gió biển vào một buổi sáng ươm đầy sương mù đã chẳng thể níu giữ bước chân tôi lại. Tôi đã mất cơ hội thì thầm nhỏ to cùng mây cùng nước…
 
Bước xuống tầng dưới, nơi đây có hồ tắm lớn nằm giữa , một sân khấu lộ thiên với một màn ảnh quá khổ. Hai bên là hai hồ bơi nhỏ, bàn ghế đang được lau chùi, những chiếc ghế nằm đã được gọn ghẽ thu dọn lại. Dăm ba người đang dọn dẹp lau chùi để cho du khách đôi phút nữa sẽ xuất hiện được hưởng những tiện nghi tối đa. Người nào việc đó, thật thứ tự lớp lang. Tôi cảm phục, trong lòng lâng lâng một nỗi khó tả.
 
Quay cổ nhìn lại con tầu sừng sững như một toà nhà kiên cố lần cuối, nơi đã cho tôi và bạn bè biết bao giây phút thoải mái, bao nụ cười lần cuối. Vẫy tay tạm biệt, chúng tôi cả đoàn rời cảng. Trên xe Kim Nguyên ríu rít kể lại cho ông xã nghe một số chuyện hy hữu. Lung Hương còn đang bận tâm về những việc riêng tư. Tôi ngồi yên lặng, những cơn ho xé cổ bắt đầu tấn công. Tôi vẫn thế, ham vui mà quên lượng sức.
 
Xe về đến nhà Kim Nguyên. Lung Hương và tôi vội vàng cắt ngang cuộc họp mặt ngắn ngủi với cô bạn gái cùng lớp, Đặng hồng Kim Thu, để chuẩn bị đi đến một nơi mà một cuộc vui khác đang chờ đón. Kim Nguyên ở nhà vì lát nữa nàng phải đi tạ ơn Thiên Chuá thay cho cả bọn chúng tôi.
 
Tôi có nhiệm vụ phải thuyết phục Kim Nguyên đến nhà của Danh-Thảo chiều nay như một mật ước. Ai cũng biết Kim Nguyên ít chịu tham dựnhững buổi họp mặt vào ngày Chủ nhật, vì ngày đó là ngày bạn tôi dành trọn cho Chúa và gia đình. Khổ cho tôi thế đấy! biết lý do mà không nói được. Kim Nguyên thì cứ nói chúng tôi đi trước, nàng sẽ cố gắng thu xếp đến đón tôi tối nay.
 
 oOo
 
Tôi nhận nụ cười ấm áp và ánh mắt thân mến của đôi uyên ương Danh Thảo khi vừa bước chân vào cuộc vui mới. Nơi đây một số bạn bè đã và đang lai rai. Việt Thắng tay cầm chai. Em gái nhỏ Quỳnh Hoa đang lên giọng ca cho mùi. Dâu Kim Anh tươi rói, nhẹ nhàng gói ghém chút đồ ăn đi đường cho anh chị Lung Hương. Cô em này lúc nào cũng thế, luôn luôn lo lắng chu đáo từ trong ra ngoài. Lung chưa uống xong chai nước lạnh đã phải gạt lệ vẫy tay chào tạm biệt để kịp giờ ghé thăm cô cháu nội đôi phút. Con đường trở về ngôi cổ mộcòn xa tít , mà nàng Hương sớm mai đã phải có mặt để tiếp tục công việc chăm sóc cây cỏ đã bịbỏ bê cả tuần nay, chỉ vì lỡ đi theo chồng và hai cô bạn già.
 
A! “ông Nội” Đạo nói gì mà tôi chẳng hiểu thế này … cả đám cười vui. Tay cầm, miệng nhai chẳng ngưng chút nào. Người em gái nhỏ Quỳnh Hoa, ngoài tiếng hát làm rung rinh trái tim bạn bè, còn biệt tài nấu nướng, lại thêm tài dí dỏm với những câu pha trò mà khuôn mặt ánh mắt đầy nét ngây thơ hàng vô số tội, đã làm chúng tôi say trong tiếng cười vang. Ui! Thì ra con gái Nông Lâm Súc cũng đâu đến nỗi nhỉ? Có cô em gái như cô em này kể ra cũng đỡ mất mặt. Thương thay cho rể Tuấn, mang guitar đàn liên miên mà số thu hoạch chả được gì. Ai bảo có vợ giỏi quá làm chi! Hình như chỉ có dâu Hương-Đạo là kém vui. Mặt mũi cô nàng buồn so, biếng ăn, biếng cười. Hỏi ra mới biết vì gói đồ ăn cho Thầy còn để kế bên mà bóng Thầy vẫn bằn bặt…
 
Mong một sinh nhật sáu mươi trong ngạc nhiên cho cô bạn gái thân thương, tôi đã phảinhọc công năn nỉ, ỉ ôi mí lỵ “ông ngoại” Ngô hữu Thành. Thế rồi gió bay tiếng ỉ ôi của tôi đến bên dâu Thanh Thảo. Một tiệc sinh nhật “thượng thọ” sáu mươi cho cô bạn gái đầy lòng nhân ái đã được dâu Thanh Thảo nhanh nhẹn lo toan, cùng sự hưởng ứng của tất cả bạn bè.
 
Chúng tôi đã cố gắng hết sức giữ cho khỏi bật mí … ấy! thế mà phiá con trai đã một đôi lần vô tình bật mí, làm tôi phải bao phen trợn mắt, phùng mỏ, nghiến răng… Tôi đã chịu bao hiểu lầm, ánh mắt khó chịu của cô bạn khi tôi cứ rỉ rả gọi điện nhắc khéo nàng phải tới. Ức và buồn lắm! nhưng chả nói được, oan ơi là oan. Sau bữa ăn trưa, bạn bè có người đã muốn tạm biệt. Tôi buồn xo, bạn tôi đã chẳng thèm để ý đến lời yêu cầu của tôi rồi!
Khi nắng ấm Cali vào buổi xế chiều bắt đầu nhạt mầu mới thấy cô bạn đến với nụ cười trên môi. Ai cũng thở phào, nhất là tôi. Bữa cơm chiều bắt đầu. Dâu chủ nhà lại nướng nướng, thái thái. Bạn bè dọn dẹp bàn ăn cho tươm tất, và tiệc thứ hai lại bắt đầu.
 
Khi dâu Như Nguyện mang chiếc bánh sinh nhật do chính tay nàng chế biến cộng với tiếng hát của tất cả bạn bè, chúc mừng sinh nhật chín mươi năm cuộc đời , đã làm Kim Nguyên ngất ngư, chìm sâu trong niềm hạnh phúc với tình Nông Lâm Súc. Tôi thở phào nhẹ nhàng.
 
Gửi lời cám ơn ngọt ngào đến tất cả bạn bè. Tất cảđã phụ giúp tôilàm nụ cười sáu mươi của cô bạn gái cứ y như nụ cười năm nào của tuổi mười sáu trăng tròn, khi còn tung tăng trên Hoàng Hoa Lộ.
 
Nhờ uống thuốc do cô bạn mát tay, cơn ho đã phải chịu thua. Tôi nghỉ ở nhà Kim Nguyên thêm hai ngày nữa trước khi về ra mắt ông xã. Cơn ho đã gần xoá sổ. Ngày cuối cùng tôi trong ngạc nhiên thích thú, đãđược cô em gái Xuân Liễu nhẹ tay bỏ vào vali gói thuốc bổ đặc biệt, lại sửa sang sắc đẹp đã có phần tàn phai vì gió biển. Lại một ân tình, lại một ấm áp dịu dàng chất chứa trong tim tôi.
 
Cái số tôi, tử vi đã nói rồi. Cung bạn bè lúc nào cũng rạng rỡ. Sao nào cũng sáng chói là thế đấy!
 
Viết những hàng chữ này trong tôi vẫn còn thấy y nguyên cái bắt tay thật chặt, ánh mắt thân tình của Việt Thắng. Tấm hình chụp lén của lão phó dzòm Triệu Lương. Điã đồ ăn do Kim Anh thủ quỹ đưa đến tận bàn. Câu nói đồng ý trăm phần trăm của anh Trần danh Dự. Nhữn gý kiến, giọng nói của Peter Phương, viên kẹo ho của Danh Hồ dúi nhẹ vào tay. Ly trà nóng thơm mùi gừng đánh cảm của dâu chủ nhà.
 
Đâu đây tiếng nói của “ông nội” Đạo: chị hãy đặt tên cho bài viết là “Tớ đi chơi”, Uí! Tuyệt! sao câu nói dễ thương thế!
 
Dễ thương như tất cả thần dân Nông Lâm Súc vậy.
 
Trần Thị Sâm (Susan Trần Nguyễn)
June 30th , 2009

 

Cùng Tác Giả / Đề Tài