Không biết cái duyên này khởi từ đâu? Nhưng cái tình thì biết chắc chắn đến từ mô. Đó là cái tình NLS Bảo Lộc.
      Thêm điều nữa là biết mỗi lần các bà chị cẩn bút là ông chủ bút lại gọi cho tôi và dặn dò: “Bài này Lương viết đôi hàng giới thiệu”. Cứ mỗi lần như thế là tôi lại phải khăn gói quả mướp lội ngược dòng thời gian, tìm về trường xưa, về chốn cũ và tản mạn theo dấu chân của từng kỷ niệm.Thú thật, lội ngược dòng nước đã là trần ai cuốc gẫy rồi, huống chi lội ngược dòng thời gian trong lúc trí nhớ mình đang trên đường tuột dốc.
      Các Sư Tỷ của tôi toàn là dân Canh Nông, Muc Súc, còn tôi là dân Thủy Lâm chính hiệu “Con Nai Vàng”. Ngồi chung một lớp thì không, mà chung một ngành lại chẳng được duyên. Một lần nói chuyện cũng chưa có, còn việc “chị nuôi em nhận” thì cũng hẩm hiu. Tất cả chỉ toàn là đứng cửa sổ nhìn qua hay thỉnh thoảng nhịp chân nhè nhẹ khi các chị lỡ đường mà phải đi ngang qua cột cờ.  
     Trong bài viết giới thiệu về bài viết của các chị Trần Thị Sâm, chị Kim Nguyên, chị Châu Thị Nga, chị Ngô Anh Thuấn vừa qua thì chỉ là “Window Writing” nhiều khi chẳng biết mình viết giới thiệu đúng hay sai, may mà bài nào đăng trên Trang Nhà một thời gian nhưng không nghe các bà chị gọi rầy rà và sửa sai điều gì. Mọi việc êm ru bà rù, đâm ra mừng thầm. Hoá ra, những dòng viết do nghe lại mà là trúng y chang, chứ nếu nói trật là bị dũa tức thời dễ gì được yên với mấy bà chị không mấy gì dễ tính.
     Như đã thưa, quen với các bậc đàn chị thì khó lắm. Gần gũi với các đàn anh thì có vẻ dễ thở và dễ… hơn nhiều. Ngày xưa, những buổi học trên lớp được nhìn các chị qua cửa sổ lớp hay đôi khi tình cờ được ngắm các chị rảo bước trên đường muồng vàng là quý lắm rồi. Hoặc đôi khi máu phá phách lên cơn thì quá lắm chỉ hùa theo các bạn khác khua mâm, gõ chén mỗi khi các chị vào nhà bàn ăn cơm.  
     Lớp chị Cao Thị Xuân Liễu cạnh lớp tôi và dĩ nhiên tôi biết chị và nhóm “Bát Cẩu” của chị, nhưng chả có dịp nào để thưa chuyện. Nghe tên của nhóm là tụi tôi ớn da gà nên nhìn chỉ dám nhìn lắm lét chứ làm sao bạo gan bắt chuyện. 
     Cuối niên học 1968-1969, chúng tôi rời trường, tôi không còn một biết tin tức nào về chị và bạn bè nhóm  của chị, trừ chị Trần Thị Xuân Mai. Tôi được cái may học tiếp, chung ban Canh Nông với chị Mai ở Sàigòn và được ngồi cạnh cọp dê bài của chị Mai vài lần. Vẫn còn nhớ vì kế vần L là tới vần M. Như vậy, sau rốt tôi cũng có chút duyên với ban Canh Nông và như vậy “những ngày xưa thân ái” trên trường do mình học lộn lớp! 
     Trong những buổi sinh hoạt NLS-BL ở quận Cam của những năm gần đây, tôi gặp chị Liễu rất thường. Vẫn nét dáng của năm xưa, dĩ nhiên là phải cộng thêm mấy chục năm đi câu cơm ở xứ ta và xứ người. Chị là một người năng động và rất quan tâm đến sinh hoạt của Hội và cũng là đầu giây liên lạc, nối kết với bạn bè. Rất nhiều lần gặp gỡ, được trò chuyện với anh chị trong các kỳ đại hội NLS hay trong những buổi sinh họat, tôi tìm được nét mộc mạc, hiền hoà và thật chân tình của chị. Nếu một số bài trên Trang Nhà vẫn thường hay nhắc đến “rể hiền-dâu thảo”, thì anh Cương, phu quân của chị Liễu, là một trong những người có lẽ đạt tiêu chuẩn nhất nhì trong nhóm rể hiền. Thân tình của anh làm cho chúng tôi cứ nghĩ anh là thần dân NLS-BL. Riêng chị Liễu là con gái Nông Lâm Súc với tính tình khoan hoà luôn lấy sự “dĩ hoà vi quý” trong cung cách tiếp giao với mọi người, để bọn tôi nghĩ ngược lại, chị là một trong những nàng dâu vừa ngoan, vừa thảo của tập thể chúng ta.
     Mới đây trong một chuyến đi thăm Cô Võ Thị thúy Lan chung, tôi được dịp lắng nghe suy nghĩ, tâm tư của chị về những kỷ niệm trên trường của thời thơ mộng, về Thầy Cô và bạn bè thân thiết của một thời tưởng như đã qua đi  và không còn được dịp để nhắc nhớ. Trang nhà xin giới thiệu lời tâm tình ngập tràn yêu thương  của chị sau chuyến đi  (Trang Nhà, Nguyễn Triệu Lương) 
 
Trọn vẹn một chuyến đi
 
Một chuyện tưởng chừng như không biết đến khi nào thực hiện được. Nó đã đến trong suy nghĩ, trong dự tính của tôi; thế mà mỗi lần nghĩ đến, nó cứ tưởng nằm ngoài tầm tay của mình. Đôi lúc tự nghĩ, một điều thật là giản dị, nghỉ vài ngày, mua vé máy bay, thế là xong, sao mình lại chần chừ không thực hiện được? Phải chăng chung quanh mình có quá nhiều cái “tại”, cái “bị”?
 
Đầu năm nay, cô bạn thật thân Ngô Anh Thuấn từ Việt Nam qua Hoa Kỳ rong chơi dăm tháng. Đây là cô bạn có nhiều gắn bó, gần gũi nhất của những năm tháng trên trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc và cả thời gian chúng tôi được bổ nhiệm chung về trường NLS Tây Ninh. Nghe tin cô bạn được phép nhập cảnh Hoa Kỳ, tôi thầm vui trong lòng. Tôi biết đây vẫn là một ước mơ chẳng phải của riêng bạn tôi mà của chung nhiều người đang sống tại quê nhà: mơ có dịp được đến một chốn lạ và nơi đó có bao thầy, cô, bạn bè thuở hàn vi của mình, kế đến được xem tận mắt cái xứ Cờ Hoa này nó lạ ra làm sao?  Xem bà con mình sống thế nào, có vất vả như ở quê nhà? Trong đầu tôi chợt nghĩ một cơ hội đã đến, một dịp tốt để thực hiện vài chuyến đi thăm thầy, cô và những người bạn tri kỷ của một thời “tưởng chừng như đã quên.” Cũng nhân chuyến đi này, trong cố gắng nho nhỏ nhắc nhớ những người bạn một thời của tôi cùng hướng về miền nắng ấm California, nơi đó kỷ niệm về ngôi trường Nông Lâm Súc của chúng ta dần sống lại. Được như vậy thì thật là trọn vẹn, và lần này tôi nhất định phải làm được. Tôi sẽ không cho phép mình dùng dằng bởi, “tại” và “bị” nữa.
 
Nhớ lại ngày nào mới lên trường NLS-BL nhập học, thoáng đó mà đã hơn 40 năm. Ngày ấy mới chỉ là cô bé mới lớn, phải rời xa gia đình đến một nơi xa và lạ hoắc để theo đuổi việc học. Ngôi trường thật đẹp và to lớn, đã nằm ngoài sự ước đoán của tôi thời đó. Chúng tôi sống với nó, và nhiều kỷ niệm sâu đậm của ngôi trường, của thầy cô, bè bạn đã bước vào trong cuộc đời chúng tôi.
 
Một cuộc sống hoàn toàn xa hẳn và khác biệt với nơi tôi sinh ra và lớn lên. Phải rời những bữa cơm gia đình quay quần bên cha mẹ, anh em; thay vào đó chung quanh tôi là những người bạn mới, trạc tuổi tôi, ai nấy còn nguyên nét ngơ ngác đâu đó trên khuôn mặt. Chúng tôi cùng ăn, cùng ở chung phòng với nhau trong một lưu xá. Chúng tôi cùng sinh hoạt, tự bản thân sắp xếp những sinh hoạt hàng ngày cho chính mình. Có lẽ từ bản năng sinh tồn và tình bạn gắn bó đã dạy cho chúng tôi kinh nghiệm sống và một tình tương thân tương trợ.
 
Một kỷ niệm mà chúng tôi vẫn nhớ và mỗi lần nhắc đến vẫn còn của sự thú vị. Đó là sự thành hình của nhóm “Bát Cẩu”. Tám chị em chúng tôi, gồm có Cung Thị Mai, Trần Thị Xuân Mai, Trần Thị Huỳnh Mai, Cao Thị Xuân Liễu, Nguyễn Thị Mỹ, Trần Thị Bạch Tuyết, Hồ Kim Tuyến, Bùi Thị Phước Thắng đã được xếp ngồi với nhau thành nhóm Bát Cẩu. Từ đâu đã xuất hiện cái tên nghe dữ dằn này? Trăm điều cũng tại bốn cậu công tử Khúc Minh, Hồ Hoa, Tống Phước Hoà, và Nguyễn Văn Hải thôi.
 
Năm chúng tôi học đệ Nhị, lúc đó trong trường - lưu xá E, xuất hiện “Nhóm Thất Nương” của lớp đệ Tam, gồm bẩy cô nương lúc nào cũng gắn bó với nhau. Chẳng biết có phải thầm ái mộ mà vẫn bị bỏ quên, nên bốn vị công tử của lớp tôi đành quay về lớp của mình để “tu thân” thì bị chúng tôi “quở” cho một trận về cái tội đua trèo. Bị ăn hiếp quá xá nên quý công tử này chào thua và đặt tên cho chúng tôi là nhóm “Bát Cẩu”, ý nhằm khen ngầm chúng tôi không được ngoan và hiền như nhóm “Thất Nương.” Giờ đây, mỗi lần gặp lại bốn chàng công tử, chúng tôi vẫn nhắc đến sự tích này, thì chỉ nghe quý chàng trả lời trong sự giả bộ ngơ ngác của các cụ non: “Có vụ đó sao?”
 
Cả một chuỗi ngày mộng mơ và hồn nhiên với những năm đèn sách ở ngôi trường thân thương này. Bao kỷ niệm, vui buồn đến nay vẫn còn vấn vương trong tôi mỗi khi bạn bè gặp lại nhau hay điện thoại qua lại.
 
Chương trình của chuyến đi kỳ này chắc ăn như bắp bởi lẽ vé máy bay của tôi và các bạn tôi đã được mua rồi. Bây giờ chúng tôi chỉ còn chờ đến ngày giờ để “bay cao” thôi. Tôi và bạn bè giờ đây tóc ai cũng đã điểm sương, nhiều người đang là bà ngoại, bà nội. Ôi... thời gian đi nhanh quá, thoáng đấy đã gần 40 năm. Tôi càng nghĩ trong lòng càng háo hức mong đợi từng ngày.
 
Phái đoàn thăm cô Võ thị Thúy Lan đến từ những nơi khác nhau và thời gian cũng khác nhau. Nhóm của chị Kim Nguyên, vợ chồng Lương Hảo đến từ quận Cam, vợ chồng anh Bùi Công Tạo đến từ San Jose. Nhóm nầy đến sớm hơn, vợ chồng tôi một ngày. Còn nhóm nữa chị Kim Thu và Ngô anh Thuấn lại đến chậm sau chúng tôi một ngày nữa.
 
Anh Đoàn thế Đạt đón hai vợ chồng tôi tại phi trường và cho biết nhóm thứ nhất đã thăm cô Lan ngay từ chiều tối đêm hôm trước. Anh Đạt chở thẳng chúng tôi đến trung tâm Cao Niên Manor, nơi cô tôi đang sống.
 
Được biết, từ ngày qua Mỹ định cư và đoàn tụ với gia đình, cô tôi sống với mấy cô em. Mấy năm sau, khi sức khoẻ Cô yếu kém dần nên Cô quyết định dọn về một trung tâm chăm sóc cho những người lớn tuổi và chọn cuộc sống ẩn dật nơi đây.
 
Việc bắt liên lạc với Cô Lan là do tình cờ trong một buổi sinh hoạt và qua Thầy Nguyễn Tuấn, người bạn học cùng khoá 3 CĐNN, anh Đoàn thế Đạt biết được tin tức về Cô Võ Thị Thuý Lan. Được biết Cô tôi đang sống tại thành phố Lakewood, thành phố giáp cận và gần gia đình anh Đạt. Chúng tôi thật vui mừng khi tìm ra được tin tức của Cô. Từ đó, chúng tôi thỉnh thoảng liên lạc thăm hỏi với cô qua điện thoại và việc thăm Cô đã là ý định của chúng tôi từ lâu.
 
Nói về chuyến đi này mà không nhắc đến thổ công của Denver, thì quả là sự thiếu xót lớn. Với riêng tôi, và tất cả anh em đều cảm ơn vợ chồng anh Đoàn thế Đạt. Cũng vì thân tình NLSBL để cả hai đã dành cho chúng tôi sự tiếp đãi đón rước rất tận tình. Anh đã không quản ngại công khó thức dậy thật sớm để đón vợ chồng tôi và khi rời nơi ấy để tiếp tục hành trình đi Texas, cũng chính bác tài xế thân thương Đoàn thế Đạt tiễn chân chúng tôi.
 
Và sáng hôm sau - Chủ Nhật – cũng chính anh, lại một lần nữa ra phi trường đón Ngô Anh Thuấn và Kim Thu đến từ Boston. Sau đó chúng tôi cùng nhau đến thăm cô tôi lần nữa và cũng để chào cô, hẹn một dịp khác chúng tôi sẽ trở lại.
 
Hai ngày thật ngắn ngủi ở Denver nhưng thật đậm nghĩa tình cô - trò. Ở bên cạnh cô Lan mà tôi cứ tưởng như trong giấc mơ, tôi thực sự xúc động đã không ngăn được dòng nước mắt nghẹn ngào khi tôi được ôm choàng cô.
 
Cô tôi dáng người vẫn nhỏ bé như ngày nào. Thời gian đã in rõ trên khuôn mặt và dáng người của cô tôi. Hình ảnh của cô ngày nào trên Hoàng Hoa Lộ vẫn trở về trong tôi dù rằng những cô cậu học trò của cô nay tóc cũng đã điểm dấu thời gian và vẫn còn đang ngụp lặn trong cuộc sống nơi xứ người!
 
Sau giây phút cảm động ban đầu, chúng tôi tíu tít quay quần bên cô như những buổi nông trại ngày nào. Những câu chuyện, những lời thăm hỏi, những kỷ niệm xen lẫn tiếng cười vui của cô – trò chúng tôi. Tôi thấy được nét mừng vui hạnh phúc trong ánh mắt của cô. Tôi nghĩ cô tôi đã chọn được một chốn bình yên, tuy hiu quạnh nhưng chung quanh cô mọi người đều chào đón và quý mến cô như xứ sở này đã đón nhận cô tôi.
 
Thời gian thật ngắn ngủi, chỉ đủ cho chúng tôi ghé thăm cô và một ít thì giờ thăm gia đình anh chị Đạt. Chúng tôi cũng đã có một buổi đi chơi thật vui do anh chị Đạt hướng dẫn, thăm đền bà Thánh rồi tạt qua đất ông Thánh để lấy lộc. Đây chỉ một phần nhỏ trong những thắng cảnh thật đẹp của thành phố Denver.
 
Sau khi gửi lời chia tay và hẹn cô một ngày trở lại. Chúng tôi luôn cầu mong cô tôi luôn được nhiều sức khoẻ và ước gì sau đó còn nhiều học trò sẽ đến thăm cô. Chiều hôm đó, vợ chồng tôi cùng Kim Thu và Ngô Anh Thuấn được anh Đạt đưa ra phi trường cho kịp chuyến bay qua Houston, Texas.
 
Chúng tôi được Cung Thị Mai đón tại phi trường Hobby ở gần Houston. Gặp nhau ai nấy trông vui mừng hiện rõ vì biết chắc ngày hôm nay sẽ là một ngày đầy náo nhiệt. Mai và vợ chồng tôi trực chỉ tới phi trường Houston George Bush để đón Ngô Anh Thuấn và Kim Thu chỉ cách đó vài giờ lái xe.
 
“Đài phát thanh” bắt đầu phát sóng, tiếng ồn ào tranh nhau nói chen lẫn tiếng cười và la hét. Nhiều lúc tôi không biết bằng cách nào bác tài vừa lái xe còn tham gia câu chuyện mà xe vẫn chạy vùn vụt, an toàn. Chiều tối chúng tôi kéo nhau lên khu phố Việt Nam để kiếm ít gì dằn cơn đói mà từ sáng đến giờ bị bỏ quên. Trên xe ồn ào, vào nhà hàng câu chuyện lại dòn tan thêm có lẽ nhờ đồ ăn được nạp vào đúng lúc. Khuya đêm đó chúng tôi kéo về nhà Cung Thị Mai; cũng chả được ngủ nghê gì vì đi chơi mà ngủ sớm thì uổng quá. Câu chuyện bù khú kéo dài quá nửa đêm đến nỗi chủ nhà phải nhắc nhở rằng ngày mai: 5 giờ sáng phải ra khỏi nhà rồi. Thế mà cũng phải một lúc khá lâu mới trả lại sự yên lặng cho bóng tối.
 
5 giờ sáng chúng tôi được chủ nhà đánh thức dậy. Sao mà nó giống như buổi sáng nào của gần 40 năm về trước. Cả lưu xá bừng thức giấc trong tiếng cuời nói leo nhéo của bạn bè trong buổi ban mai.... sửa soạn chuẩn bị lên lớp! sửa soạn chuẩn bị lên đường! hai cái “sửa soạn” này dường như chung một âm hưởng!
 
Một ngày vui và cười giỡn tiếp đang chờ đón và chắc một điều sẽ ồn chả kém hôm qua! Chúng tôi thẳng đường đi Dallas, ghé thăm Hồng Yến, Bùi Thị Đậu và Lê Thị Bình.
Ngòi bút nào có thể diễn tả hết sự trùng phùng này, có những người bạn mà lần cuối cùng gặp nhau là ngày rời trường, tưởng chừng lâu lắm rồi. Cả nhóm chúng tôi kéo nhau đi thăm vườn hoa rồi ghé thăm khu nước mắm Bistro. Cũng tại vườn hoa này, sau 40 mươi năm lại một hiện tượng lạ xuất hiện, đó là sự hình thành của nhóm “Ngũ Long Senior”. Không biết sau hiện tượng này vật giá và đời sống ở Dallas có khó khăn thêm không? Chiều tối hôm đó chúng tôi trở về lại Houston để ghé thăm thầy cô Nguyễn Văn Khuy và chúng tôi được thầy cô đãi một bữa ăn tối tại nhà hàng trong vùng. Thầy cô hiện đã nghỉ hưu và về ở ẩn tại một lâu đài tình ái. Cho tới giờ ngồi viết những hàng chữ này tôi vẫn không nhớ nổi làm thế nào chúng tôi đến được. Đường vào thật gian nan, chung quanh là rừng, đường đi quanh co, hun hút, dẫn đến một cái hồ, nơi đó là gia trang của thầy cô tôi. Cảnh đẹp hữu tình!
 
Đêm đó chúng tôi trở về và bắt đầu thấm mệt. Cười giỡn suốt cả tuần làm sao không mệt cho được. Mệt thì mệt nhưng vẫn còn một tiết mục cuối trước khi giã từ bạn bè và Texas. Ngô anh Thuấn và Kim Thu thì bỏ cuộc về sớm vì máy bay đang chờ. Hôm đó có lẽ là một buổi đi chơi nhẹ nhàng và yên tĩnh nhất vì thiếu “đài phát thanh”. Chúng tôi ghé thăm một thạch động vùng Houston rồi đi thăm một vài di tích lịch sử trong thành phố.
 
Ngồi trên máy bay trở về Cali, trở về sinh hoạt bình thường, tôi thầm cám ơn duyên may đã giúp tôi thực hiện được một chuyến đi trọn vẹn mà bấy lâu nay tôi lần lựa và nghĩ sao mãi mình chưa làm được. Thầy, Cô tôi - những người tôi đã chịu ơn dạy dỗ, những người bạn đã cho tôi những tình thân và sự nương tựa của những ngày khởi đầu của chuyến đi vào đời, khi tôi phải rời xa mái ấm gia đình.
 
Giờ đây bóng chiều đang dần đổ, xin cầu chúc tất cả Thầy, Cô và những người bạn thân thương của tôi luôn hưởng những gì thật đẹp, thật hạnh phúc. Riêng tôi, lòng hứa với lòng chuyến đi vừa qua và những giây phút tao ngộ thật đậm tình như thế sẽ được nhiều lần lập lại.  

 

 

Quận Cam, 2009

 

Cao Thị Xuân Liễu
Cùng Tác Giả / Đề Tài