alt     Con Đại Thử chính là bút hiệu của anh Vương Đình Ánh, một thần dân Nông Lâm Súc thuộc loại “cộm cán” ngày xưa trên trường. 
     Nhập học năm Đệ Tam ban Canh Nông niên khoá 65-66, anh đã nhanh chóng nắm bắt được công thức “vừa học vừa chơi”, nghĩa là một mặt anh vẫn chịu khó vào lớp học, một mặt anh toàn tâm toàn ý tham dự vào tất cả các trò chơi mà cuộc sống nội trú dưới mái trường NLS Bảo Lộc có thể sản sinh ra.  Cũng như đa số các “cộm cán” khác, anh sống trong tình trạng “chới với” liên tục, vì thế cuốn sổ “Phong Thần” nơi quán bún bò anh chị Tráng và quán bún riêu bà Tề đều có tên anh thường xuyên, ăn uống xong thì ghi sổ, không cho ghi thì ăn chạy. 
     Các quán cà phê gần trường, đặc biệt là cái quán lộ thiên trong hẻm gần chùa, vừa bán cà phê vừa bán hủ tíu mì bánh tiêu xíu mại rất ngon lại rẻ, cũng đều nhẵn mặt anh, số giờ anh ngồi ở mấy chỗ này nếu chịu khó cộng lại, thì chắc chắn nhiều hơn số giờ làm việc của ông Thị trưởng Bảo Lộc hồi đó.  Ngay cả những lần hái trộm vườn cam, những đêm văn nghệ và những đêm xách đèn dầu lên lớp học, học thì ít, đi lòng vòng kiếm trò rắn mắt chơi thì nhiều cũng đều có anh tham gia. 
     Nói tóm lại, hầu như những chỗ vui chơi náo nhiệt đều có gương mặt anh, thậm chí màn kịch nhận “anh nuôi, chị nuôi” tưng bừng náo nhiệt ở Lưu Xá E vào thời đó anh cũng tham dự.  Vui chơi hết mình như thế, ấy vậy mà anh vẫn vượt qua được các cửa ải Tú Tài 1 và 2 ngon lành rồi về Cần Thơ học Kiểm Sự, để lại phía sau khung trời Bảo Lộc đầy sương mù hai mối tình học trò đẹp và thơ mộng, mà giờ đây ở độ tuổi sáu mươi (mái tóc đã bạc nhiều rồi), đôi khi nghĩ lại, anh vẫn còn thấy rung động, luyến lưu…
     Những hoài niệm, những tiếc nuối yêu thương về mái trường xưa đã được anh thể hiện qua việc đóng góp tích cực cho sự trưởng thành của Trang Nhà cũng như qua Đặc San NLS Bảo Lộc 2008 vừa rồi với 2 bài viết tràn đầy kỷ niệm trường xưa “Còn một chút gì để thương, để nhớ”,  “Bây giờ chỉ còn là kỷ niệm”. Giờ đây, anh lại mượn ngòi bút để ghi lại một kỷ niệm khá độc đáo của anh thời tuổi học trò mà Trang Nhà lại một lần nữa, xin trân trọng giới thiệu cùng Thầy Cô và các bạn. (Trang Nhà, Dương Phú Lộc )
 

Một kỷ niệm về Cô Vân 

Phần mở đầu

Lần nào cũng thế, vẫn cái cảm giác êm đềm và ấm áp của một vùng trời kỷ niệm nhè nhẹ tràn ngập lòng tôi mỗi khi nhìn lại danh sách của Thầy Cô và các bạn bè trong trang nhà của Hội.  Về bạn bè thì có những tên thật xa lạ vì học trước hay sau tôi nhiều năm như Phạm Văn Các, Ung Siu Mằn, Bùi Nguyên Tùng; có những tên thật thân thương gần gũi nhắc lại những tháng ngày cùng chia sẻ buồn vui trong lớp học như Trần Thị Sâm, Lâm Vân Anh, Vương Thế Đức, Bùi Đức Thắng, Lê Đình Bang v.v... Và rồi xen lẫn trong đó cũng có tên lại gợi cho tôi một khoảng trời rộng bao la, cái tên mà “tưởng rằng đã quên, cuộc tình sẽ yên, tưởng rằng đã quên, tay em vẫn còn, dục đời bão lên làm từng vết thương hồn nhiên” (một đoạn trong bài ca Tưởng rằng đã quên – Trịnh Công Sơn). Cứ như thế, lần lượt mỗi một tên là một cuốn sách hồi tưởng ray rức lòng tôi. 

altRồi đến quý Thầy Cô, làm sao tôi quên được dáng đi khuôn khổ trong bộ đồ luôn thẳng nếp của Thầy Hiệu Trưởng Nghiêm Xuân Thịnh, làm sao tôi quên được đôi mắt hiền từ sau cặp kính cận của Thầy Nguyễn Văn Khuy, Thầy Nguyễn Văn Nhuệ, rồi đến gương mặt đẹp trai của Thầy Phạm Phi Hoành cùng gương mặt hơi xương xương của Thầy Nguyễn Thanh Vân, đặc biệt là trên môi hai Thầy này lúc nào cũng dính liền điếu thuốc. Làm sao tôi quên được hình ảnh bé nhỏ xinh xắn như con búp bê của Cô Võ Thị Thúy Lan, tuy là giáo sư dậy chúng tôi về môn Thực Hành Nông Trại, nhưng nếu bất ngờ bị ai đó dơ một con sâu ra trước mặt thì Cô cũng sẽ sợ hãi kêu thét lên vì bản tính tự nhiên của một thiếu nữ.  Học trò chúng tôi rất gần gũi với Cô Lan và tất cả đều yêu mến Cô, vì Cô rất vui hiền và luôn rộng rãi trong việc cho điểm.  Ngược lại, Cô Võ thị Vân dậy môn Vạn Vật thì hầu hết bọn chúng tôi đều sợ với sự nghiêm nghị của Cô. 

Tôi thường vào trang nhà để sống lại với những kỷ niệm như thế, nhưng hôm nay điều gì lại khiến tôi viết nên những dòng này?

Trước hết là để đóng góp một chút gì mừng cho bộ mặt mới của trang nhà chúng ta, gọi là chút quà làm kỷ niệm, sau là muốn dùng ngòi bút thay cho một lời cảm tạ của tôi chân thành gởi đến Cô Vân, một vị giáo sư nổi tiếng là rec-glô (regles) mà hầu hết học trò trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc thời đó đều phải e ngại như tôi đã đề cập ở trên. 

Nhưng quả thật, nếu không gặp được tấm lòng “từ bi bất ngờ” của Cô vào đúng thời điểm kỳ thi Tú Tài II năm 1968 thì cuộc đời của tôi đã bước ngoặc sang một chặng đường khác, mà tôi nghĩ rằng “chặng đường khác” này phần tệ hại chắc chắn sẽ nhiều hơn là phần tốt đẹp. 

Và cũng để thân tặng người chị tinh thần Nguyễn Thị Huỳnh Mai cùng 2 người bạn rất thân Bùi Đức Thắng và Lê Đình Bang, đã giúp cho những khúc “phim tài liệu” để tôi có thể vượt qua cái ải Tú Tài II năm đó, những người bạn, người chị thân tình thương yêu mà tôi vẫn giữ được liên lạc cho đến ngày hôm nay sau 40 năm rời trường.

Phần vào truyện

Những ai sống trong khoảng thập niên 60-70 thì không lạ gì với cái Tết Mậu Thân năm 1968.  Sau biến cố đó chúng tôi lục tục kéo nhau lên trường nhập học trễ khoảng 2 tháng.  Hình ảnh quen thuộc của những chiếc xe đò liên tiếp dừng lại trước cổng trường, rồi người lên trước ra đón kẻ lên sau. Vui. 

Nhưng lần này thì xen lẫn trong tiếng cười đùa vui nhộn của bạn bè thân gặp lại thì cũng có những tiếng thở dài u sầu vì những mất mát và một vài đôi mắt vẫn còn phảng phất nét buồn bã khôn cùng.  Kể từ đó, những câu truyện đầy những xót xa được vang âm từ phòng này sang phòng kia, từ lưu xá này qua lưu xá nọ, cứ từng đêm, từng đêm như thế, trong cơn nhức buốt chúng tôi thương yêu chia sẻ cho nhau những gì có thể chia sẻ được của tuổi học trò bé bỏng.

Thời gian vẫn bình thản trôi qua, và trong lúc chúng tôi uể oải chuẩn bị cho kỳ thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt thì lệnh Tổng Động Viên được ban ra trên toàn cõi Miền Nam.  Thế là lớp tôi, Hoàng Trọng Tuyền quyết định chia tay cùng Thầy Cô và bè bạn, ghi danh vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Võ Khoa Thủ Đức khóa 6/68.  Liền sau đó là Đỗ Công Minh còn gọi là Minh Tam Giác vì anh này có cái đồng hồ đeo tay với cái mặt hình tam giác rất là ngộ nghĩnh, cũng rời bỏ lớp học theo việc kiếm cung.

Không khí lớp học chúng tôi vào quãng đó hình như lúc nào cũng có sương mù che phủ buồn thiu.  Với tâm trạng chán chường, chúng tôi bước dần đến kỳ thi Tú Tài II trong sự mệt mỏi và lười biếng, cho dù nguồn tin Nha Học Vụ bớt một phần chương trình học vì nhập trường trể mất mấy tháng sau biến cố Mậu Thân cũng không làm chúng tôi vui lên được. 

Trong kỳ thi năm đó, Thầy Nguyễn Hoàng Sơn, Hiệu Trưởng trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ lên làm Chánh chủ Khảo. 

Thầy Phạm Phi Hoành và Thầy Nguyễn Thanh Vân thường mời Thầy Chánh chủ Khảo Sơn đi ăn sáng  và đưa về trường trễ, hoặc mời đi ăn trưa, ăn chiều rất sớm trong lúc chúng tôi còn đang thi ở Đại Thính Đường.  Không hiểu hai Thầy có chủ ý gì khác ngoài việc ân cần tiếp đãi người bạn đồng nghiệp của mình hay không? 

Những học trò lười thường rất sợ các vị Giám Khảo vì không trổ nghề được sau bao năm tu luyện ở núi Bà Đen hay tập tành học nghề từ “phim trường Hollywood”.  Nhưng trường NLSBL chúng tôi, có một số Thầy Cô thương học trò hết mực, nhất là biết chúng tôi trong tuổi lính tráng,  nếu hỏng thì chiến trường đón chờ trước mặt; nên dạy thì thật tận tâm, nhưng khi làm Giám Khảo thì phần đông thông cảm. Đôi khi họ dễ dãi, làm lơ cho những điều đáng lẽ chúng tôi không nên làm. Có khi, với những Thầy dễ chúng tôi lạm dụng nhờ Thầy hay Cô che khuất tầm mắt của Thầy Chánh Chủ Khảo hay một vài vị Giám Khảo “recglô” như Cô Vân chằng hạn. Có lần tôi còn bạo gan nhờ Thầy Phan Quang Định đến lấy bùa từ tay chị Mai đưa cho tôi vì chị yếu bóng vía run tay không dám ném  – Con gái mà.

altKể ra điều nầy chỉ mong nêu ra một trong cái tình thương tuyệt vời của tình Thầy trò chúng tôi. Và chắc hẳn không ai có thể quên được tình thương yêu và sự bảo bọc đó. 

Tôi còn nhớ rất rõ vào giờ thi môn Vạn Vật, vì tôi đã tính sai thời gian nên không kịp học lấy một chữ nào cả, vì thế tôi đành quyết định mang luôn nguyên cuốn sách Giúp Trí Nhớ vào phòng thi.

Học trò vào thời chúng tôi thì không còn lạ gì với những cuốn sách giúp trí nhớ rất hữu ích đó cả.  Nó chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, tóm tắt những phần quan trọng của những môn học luôn cả các hình vẽ.

Tới giờ thi, thay vì phải mang tất cả sách vở tài liệu lên đặt trên bàn của Thầy Cô giám khảo theo quy định của phòng thi, thì tôi chỉ lặng lẽ đặt cuốn giúp trí nhớ Vạn Vật ở ngay dưới đùi.  Khép đùi lại – “Có thánh mới biết được” rất tự tin tôi nhủ thầm như thế. 

Sau khi nhận giấy thi và đầu đề thi, tôi còn nhớ là với 16 câu hỏi thì tất cả các mái đầu xanh của tuổi học trò đều cúi xuống chăm chú đọc, suy nghĩ rồi hý hoáy viết.  Phòng thi rất yên tĩnh, yên tĩnh đến độ có thể nghe được tiếng ngòi viết chạy trên mặt giấy , thỉnh thoảng mới nghe một tiếng thở dài phát ra đâu đó từ một thí sinh đang cắn bút!

Phần tôi, sau khi đọc câu hỏi xong thì mắt ngó chừng Cô Vân, chỉ ngó chừng Cô Vân mà thôi, vì Thầy Sơn, Chánh Chủ Khảo, vẫn ngồi trên bàn giám thị tuốt phía trên, còn những Thầy Cô khác là những người chúng tôi nghĩ họ không quá khó nên ít ngại. 

Hết sức cẩn thận, hé đùi ra một khoảng cách nhỏ vừa đủ để cuốn sách không bị đóng lại, nhưng lại đủ chỗ cho bàn tay trái âm thầm thò xuống, êm ái, thật là êm ái như mèo đi ăn đêm, không một tiếng sột soạt tôi lật từng trang, từng trang một.  Vì sao lại phải mất thì giờ quý báu để giở từng trang giấy?  Như tôi đã thú thật ở trên, vì tôi không có học một tí gì về môn này cả nên khi đọc câu hỏi xong thì tôi cũng không biết câu trả lời nằm ở bài nào, đoạn nào trong cuốn sách.  Đành phải kiên nhẫn lật từng trang vậy, mặc dù “kiên nhẫn” theo kiểu bắt buộc này không chỉ “là Mẹ thành công” như lòng tôi đang mong ước mà còn là “Mẹ của bệnh nhồi máu cơ tim” nữa cơ đấy. 

Cứ cẩn trọng giở từng trang - từng trang - như thế và như thế - trong lúc mắt vẫn kín đáo, hết sức là kín đáo theo dõi bước chân của Cô Vân, người cô có tiếng rất nghiêm, cho đến khi thấy đúng câu trả lời thì lấy ngay lại dáng vẻ “hiền lành”, “ngây thơ” thong thả chép vào trang giấy; và theo thời gian trang giấy đang được kín dần cùng với niềm vui của tôi. Cứ như thế, tôi say sưa chơi trò ú tim. Vừa để ý Cô Vân, vừa làm công việc cần làm. 

Kinh nghiệm lại dậy cho tôi biết là khi Cô ở ngay vị trí phía sau lưng, cách vài hàng ghế là đúng lúc “hoàng đạo” để mở sách, vì chính cái lưng của tôi với chiếc áo blouson khoác ngoài sẽ là cái mộc che chắn thật hết xẩy cho việc “quay phim”, còn trong lúc Cô đứng ở những góc độ khác thì phải thận trọng. 

Nhưng than ôi!, cuộc đời cũng lại dậy cho tôi biết rằng “không có cái điều gì có thể đúng mãi được”.  Vì trong một lúc đang ở giây phút “hoàng đạo”, tôi vừa cúi xuống nhập tâm vài dòng trong cuốn sách thì .… soẹt một cái …. eo ôi!…. không biết bằng cách nào mà Cô Vân lại có thể đứng ngay trước mặt tôi các bạn ạ!  Nhanh như chớp ấy! Thế có chết không cơ chứ. 

altNét mặt thật nghiêm nghị (lúc nào mà chả thế) Cô ngó ngay vào mắt tôi rồi chiếu tia nhìn buốt giá hầu như muốn xuyên thủng, nơi đang oa trữ tang vật... 

“Cô biết rồi”  

Ôi! Chỉ nghe ba tiếng của Cô “Cô biết rồi” đã khiến tai tôi như bị ù đi, tôi cảm thấy choáng váng, máu cơ hồ như đông lại, tay nhơm nhớp mồ hôi.  Tôi ngượng ngùng nhìn Cô với ánh mắt chịu tội, tay mân mê cây bút không viết thêm được một chữ nào, nhưng đùi tôi vẫn khép thật chặt và ấn sát - thật sát xuống ghế như muốn nghiền nát cuốn sách thành bụi - phi tang.  Thời gian như ngừng lại. 

Nếu lúc đó có ai quay được gương mặt tôi và đưa cho đạo diễn Hollywood thì chắc chắn tôi sẽ được chọn để đóng vai chính trong phim Những Kẻ Khốn Nạn (Les Misérable).

Rồi cúi đầu xuống chờ nghe bản án tử hình tôi thầm nghĩ  “phen này chắc chết 100% rồi”. 

“Làm đến câu thứ mấy rồi” giọng Cô thật nhẹ, nhẹ một cách bất ngờ.

“Thưa Cô,  câu thứ 15” tôi lí nhí trong miệng.

“Thôi, như vậy đủ rồi, lên nộp bài đi” Cô tôi “dịu dàng” dời gót. 

Ôi! Thật không thể nào diễn tả nổi nỗi vui mừng của tôi vào lúc bấy giờ. Tuy trí óc vẫn còn mê mê vì cú “sốc” quá nặng vừa xảy ra, tôi hít vội vào một hơi thật dài cho máu huyết lưu thông và con tim bắt đầu vui trở lại với nhịp bình thường.  Lén đảo mắt quanh một vòng, các bạn tôi vẫn đang cắm cúi viết bài. Thầy Cô giám khảo vẫn đi đi lại lại bình thường. Tôi hé đùi ra, luồn bàn tay trái xuống rút cuốn sách "Giúp Trí Nhớ" lên, thọc ngay vào trong áo blouson kẹp vào nách bên tay phải.  Tất cả các động tác tuy nhanh như một ánh chớp nhưng cũng vẫn không gây nên một tiếng động nào để có thể làm phiền đến những Thầy Cô giám khảo và bạn bè chung quanh.  Tài tình là ở chỗ đó. 

Rời ghế, thong thả tiến đến bàn giám khảo với nét mặt ra vẻ hết sức ngây thơ trong trắng của tuổi 18, cố gắng giữ bình tĩnh để Thầy Sơn không nghi ngờ gì, tôi nộp bài , ký tên vào tờ giấy rời phòng thi, bước những bước thật dài ra khỏi cửa ,  rẽ vội qua tay trái bưóc thêm vài bước nữa đến trước cửa thư viện, biết chắc chắn là thoát nạn rồi tôi mới hở nách ra để cuốn Giúp trí nhớ rơi xuống đất cái “bịch”, nằm lăn quay xuống nền gạch mát lạnh và thở phào nhẹ nhõm. 

Không thể ngờ Cô Vân lại tha cho mình, không thể nào ngờ được, truyện khó tin quá mặc dù là sự thật.   Khi tôi kể lại cho bạn bè nghe thì chỉ có chị Mai cũng như Thắng và Bang là tin, còn đa số cho là truyện do tôi bịa, làm gì mà có truyện Cô Vân “tha tầu” được.

Thay lời kết

 Thưa Cô Vân, ở một lúc nào đó, nếu vô tình Cô ghé mắt vào truyện này thì em chắc chắn rằng Cô cũng không thể nào nhớ ra nổi em là ai trong số hàng ngàn học trò của Cô.  Tuy nhiên giờ đây, trong lúc ngồi viết lại những dòng hồi tưởng này, cho dù em đã quên đi cái cảm giác sợ hãi lúc đó vì câu truyện đã trải qua 40 năm, nhưng em vẫn còn ghi nhớ được ánh mắt nghiêm nghị nhưng pha chút dịu dàng của Cô khi đứng trước mặt em, cũng như tà áo dài lất phất khi Cô quay bước sau khi buông nhẹ câu ân xá “Thôi, như vậy đủ rồi, lên nộp bài đi”. 

Em xin thưa với Cô rằng, trong suốt đời này, em không bao giờ quên được hình ảnh của những Thầy Cô thương mến trên trường, em luôn ghi nhớ công ơn dậy dỗ của tất cả, đặc biệt là sự “rộng lượng” của Cô. 

Cùng các bạn, một lần nữa tôi xin được lập lại rằng, câu truyện này là một món quà nhỏ đóng góp cho khuôn mặt mới của trang nhà cũng như đặc biệt tỏ lòng thành thật biết ơn Cô Vân, sau là cảm ơn người chị tinh thần Nguyễn Thị Huỳnh Mai và 2 người bạn thân Bùi Đức Thắng, Lê Đình Bang đã cùng nhau chia sẻ ngọt bùi trong những năm 1965-1968 ở ngôi trường nội trú thân yêu. 

Con Đại Thử

Những ngày vào Đông xứ Úc, 2009 

Cùng Tác Giả / Đề Tài