Trong những buổi họp mặt bạn bè NLSBL, câu chuyện vẫn thường được nhắc nhớ nhiều và nhắc hoài không chán, đó là những kỷ niệm gắn bó đời học sinh với ngôi trường cũ, về thầy cô, về những người bạn thân tình của mình. Và chúng ta cũng nhắc đến những chốn mà đã là học sinh của trường không thể không biết đến. Những nơi, ngoài khuôn viên nhà trường quanh thị xã như: bờ hồ Bảo Lộc, thác Đam-Rông, nhà thờ Bảo Lộc, chùa Bồ Đề, chợ Bảo Lộc, trường Lê Lợi, trường Cộng Hoà, bưu điện, đồn Quân Cảnh, tiệm Bida Mỹ Khanh, quán cơm Ngọc Lan, tiệm trà Đỗ Hữu, và những đồn điền trà bao quanh trường... Đặc biệt nhất, phải biết, phải nhớ rõ, nếu “không biết thì dễ bị xem như không phải là học sinh NLS Bảo Lộc”, đó là tiệm ảnh Mỹ Viện.
Tiệm ảnh này hầu như học viên Nông Lâm Súc Bảo Lộc nào cũng biết cho dù không nhớ tên, nhưng mỗi lần nhắc đến đó thì lại nhắc với một danh từ khá thân thương và gần gũi, đó là “tiệm ảnh Kim Nguyên”, bởi vì ở đó có chị Kim Nguyên.
Có thể nói tên của chị đã được rất nhiều anh chị em nhắc nhớ, không phải chỉ trải dài suốt thời gian của trường trung học NLS-BL mà nó còn được nhắc đến từ thời tiền thân là trường Nông Lâm Mục Blao. Các vị bậc Thầy, siêu huynh trưởng của các khoá kỹ sư 1, 2, 3 vào những năm 1955-1963 đều biết đến tiệm ảnh này, chủ nhân là thân sinh của chị Kim Nguyên.
Những năm tháng trên trường, tôi, bạn bè tôi, vẫn chỉ biết một điều, có một tiệm ảnh ở đối diện xéo quán cơm Ngọc Lan, bên cạnh tiệm Bida Mỹ Khanh, ở đó có một bà chị tên Kim Nguyên học chung trường. Mỗi lần ra phố tôi vẫn thường đi ngang tiệm ảnh nhưng chưa một lần bước vào vì cũng chưa có nhu cầu. Tuổi thì bé, yêu đương thì chưa với tới, làm dỏm dáng thì cũng chả có lý do, nên không có duyên ghé thăm tiệm. Tôi biết chị nhưng không có dịp nào nói chuyện. Năm tôi vào học đệ Tam, chị đang học đệ Nhất. Chị có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt tái soan xinh xắn, nói theo ngôn ngữ thời thượng của thời ấy, “rất mi nhon”, đẹp gái và nụ cười lúc nào cũng chúm chím và đầy thiện cảm.
Phận đàn em lại là lính mới như tôi, chắc ăn nhất là chỉ ngắm thôi. Thời đó, các anh chị lớp đệ Nhất luôn được các lớp đàn em nhìn với sự trọng nể và quý mến, nếu không thì dễ bị ăn đòn. Các chị các anh luôn là những người mà các lớp đàn em cần chú ý và biết đến. Tôi vẫn nhớ chị thường đi với các chị Ngô Anh Thuấn và chị Trần Thị Sâm, lúc đó tôi vẫn tự hỏi sao bà chị nhỏ bé của tôi lại thích đi kèm hai bên là hai bà chị cao giò! Cái đẹp của chị và con người chị có thể đã là điều thu hút được nhiều cảm tình và sự quý mến. Thời đó trên trường vẫn có phong trào “chị nuôi- em nhận”, vừa nói lên cái tình thân bảo bọc và cứu đói. Chị Kim Nguyên đã là chị nuôi của một số bạn bè cùng lớp tôi như anh Lê Quang Hải, Phan Đình Thọ, Huỳnh Kim Thạch… Được biết nhóm anh chị em nuôi này gồm có các anh chị: Anh Phụng, anh Tư, chị Ngô Anh Thuấn, còn gọi là chị Ba, chị Kim Nguyên, anh Lê Quang Hải, anh Trần văn Phúc, anh Phan đình Thọ, anh Huỳnh Kim Thạch, anh Nguyễn Ngọc Thanh và chị Vương Thị Ngọc Nhân. Duyên nào mà các anh chị này kết nghiã anh em thì tôi chịu!
Năm tôi lên đệ Nhất, chị cũng ra trường. Tôi không còn gặp chị nữa nhưng dư âm những câu chuyện về nhóm của chị vẫn được bạn bè tôi nhắc đến trong cái tình của một bà chị nuôi dễ mến và luôn lo lắng cho mấy cậu em. Sau này tôi được biết thêm chị chọn ngành sư phạm NLS. Sau khi tốt nghiệp, chị được bổ nhiệm về trường NLS-Nha Trang trong chương trình tổ chức hệ thống NLS đệ nhất cấp của thầy Đặng Quan Điện. Đến năm 1972, chị xin thuyên chuyển về Bảo Lộc để theo chồng, thêm một chuyện mà tui hoàn toàn không biết tí xíu nào hết, hồi trên trường có thấy chị yêu ai đâu! Yêu là phải có kẻ đưa người đón, hay nắm tay nhau đi xuống vườn cam, vườn cà phê, nhưng chắc phải có mà mình không biết thôi. Chị đã trở về ngôi trường mà chị đã đi với nó suốt tuổi học trò của chị. Chị phụ trách dậy vài bộ môn Canh Nông và Nông Trại. Đặc biệt chị còn phụ trách dạy Việt Văn. Ngoài việc chuyên môn Canh Nông, chị chuyên cần học thêm môn Việt- Hán tại trường Đại Học Văn Khoa Đà Lạt.
Chị tâm sự: năm 1998, lần đầu tiên về thăm quê hương, chị đã trở về Bảo Lộc, nơi đó còn gia đình chị, thăm lại một nơi mà mình đã lớn lên. Chị cũng trở về thăm ngôi trường, thăm lại những nơi mà bước chân học trò của chị ngày nào đã bao lần đi qua. Chị thả bộ đến con suối nhỏ mà ngày xưa chị cùng bạn bè có những buỗi cuối tuần xuống đó bắt cá. Chị trở về trường trong cái bồi hồi xúc cảm của một người đi xa quê nhà lâu năm mới có dịp trở về. Bao nhiêu cảnh cũ, đó đây vẫn còn dấu vết nhưng đổi thay và tàn tụy với thời gian, nhưng nó vẫn còn là của chính mình trong tâm tưởng.
Năm 2004, sau một thời gian một số anh chị NLS-BL cố tạo được cơ hội gặp lại nhau. Một buổi họp mặt lần đầu tiên tại quận Cam, bang California. Trong dịp này tôi được dịp gặp lại chị Kim Nguyên. Sau gần 40 năm, sao chị vẫn giữ nét dáng xinh xắn như ngày nào, vẫn nụ cười rạng rỡ đó. Được biết chị cùng gia đình đã rời quê hương vào những ngày đen tối nhất của đất nước., Sau những năm dài bềnh bồng ở Chicago và Oklahoma miền Đông và Bắc Hoa Kỳ, năm 1988 chị và gia đình đã về California và chốn ầy đã giữ chân chị lại. Phải chăng miền đất ấm nơi đây chị tìm được những dáng nét của quê hương, nơi chị đã phải ra đi trong sự hụt hẵng và muôn vàn nhớ thương.
Từ những buổi ban đầu, chị tìm kiếm bạn bè NLS ở khắp nơi. Và sau nầy là đầu dây cho sự nối kết. Đã có lần chị nói, cuộc đời trôi dạt nơi đất khách quê người, điều hạnh phúc và đẹp nhất vẫn là những kỷ niệm mà chị đã có được của những năm trên trường NLS-BL. Nơi đó đã cho chị những người bạn chân thật, hồn nhiên trong tuổi học trò mà chị cảm nhận như là một mái ấm gia đình thứ hai, được cùng ăn cùng sống cùng vui. Giờ đây mỗi lần gặp lại một người Thầy, một người bạn NLS, lòng chị luôn cảm thấy một cái gì vui và ấm cúng cho dù ngày xưa chị chưa từng biết họ.
Trong khoảng 4 năm gần đây, sinh hoạt của các anh chị NLS-BL càng ngày càng rộng và rộn ràng hơn qua các kỳ Đại Hội. Sự ra đời của Hội cùng ban điều hành kéo theo các sinh hoạt nhộn nhịp trong các lãnh vực báo chí, xã hội. Nơi nào cũng đều có sự đóng góp nhiệt tình của chị. Chị đến như một niềm vui mà chị tìm được, đến để nhớ về kỷ niệm và đến để gặp lại những người Thầy, người Cô, những người bạn của một thời và hôm nay hầu như rất nhiều tóc đã điểm màu sương. Đặc biệt nhất, một lãnh vực mà luôn được mọi người yêu thích và thán phục mà chị đã tham gia cống hiện từ niềm yêu thích nó, đó là mặt văn nghệ. Tiếng hát của “Bằng Kim” đã đóng góp nhiều trong các kỳ Đạị Hội cũng như các buổi họp mặt dạ vũ tình thân NLS.
Hơn bốn mươi năm sau, thời gian làm ta quên nhiều điều và lắm thay đổi nhưng rất nhiều người vẫn nhắc đến “tiệm ảnh Kim Nguyên” và chị vẫn vậy, vẫn giữ được nét duyên dáng, yêu kiều của thời son sắc, có phần mặn mà hơn, nhất tâm tình của chị thì bao giờ cũng ngọt lịm để một ông anh của tôi mỗi lần nhắc đến chị đều gọi "cưng của anh! "
Trang nhà trân trọng giới thiệu đến các bạn lời ca và tâm tình của chị Kim Nguyên, về Thầy Cô, về bạn bè sau chuyến thăm cô Võ thị thúy Lan tại Denver. (Trang Nhà)
Chốn Đó Trong Tim Tôi
Em cũng xin được phép gửi lời cầu chúc sức khoẻ thật tốt đẹp đến các vị Thầy, Cô cũng như những người bạn đã có chung bao kỷ niệm và mong rằng tình thân NLS-BL vẫn luôn được bền vững trong lòng mỗi người.