Trang nhà trân trọng giới thiệu bài “Cuộc Hội Ngộ Bên Cầu Biên Giới,” tâm tình của chị Ngô Anh Thuấn như lời chào tạm biệt gửi đến Thầy, Cô và những người bạn thân thương, đã dành cho chị những niềm vui, những tiếng cười của những ngày viễn du cùng nhắc nhớ về một thời thật xa, xa lắm rồi, đó là tuổi học trò. Trang nhà xin chúc chị một chuyến trở về bình yên, mong rằng những ngày tháng rong chơi nơi xứ người là những ngày thật đẹp trong đời chị. (Trang Nhà)

Năm 1964 tôi lên học ở trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc, nếu tôi nhớ không lầm thì thầy Nguyễn Văn Vũ cũng đến dậy tại đây cùng năm đó. Thầy dậy chúng tôi môn Việt Văn. Ngày ấy thầy còn rất trẻ, nước da ngăm ngăm, một con người thật giản dị, gần gũi với học trò. Tôi còn nhớ thầy đi dậy lúc nào cũng mang theo chiếc cặp mầu đen. Thầy ở căn nhà cuối  Hoàng Hoa Lộ, còn chúng tôi ở lưu xá D. Mỗi khi thấy Thầy sắp sửa đi qua lưu xá là lập tức chúng tôi phóng nhanh tới lớp, nếu không là chắc chắn chúng tôi sẽ đến trễ lớp vì thầy là chiếc đồng hồ của chúng tôi.

Thầy là người miền Bắc nên đôi khi trong câu chuyện thầy vẫn dùng những danh từ hay những câu của địa phương nơi thầy sinh trưởng mà tôi nghe rất quen. Vì tôi cũng là người Bắc di cư ... thế cho nên tôi thích được nói chuyện với thầy vì âm hưởng và thêm cả sự ngưỡng mộ.

Một thời gian sau Thầy lập gia đình. Thầy đưa Cô lên trường. Chúng tôi thật bất ngờ khi gặp cô, cô Vũ rất đẹp, dáng thanh nhã và hiền hòa. Cô đối xử với học trò như chị lớn đối với các em. Cô không khách sáo, không phân biệt. Trên trường hầu như các thầy đều còn độc thân nên cô Vũ luôn là đối tượng được học trò quan sát nhiều nhất. Khi Thầy Cô có em bé, hình như là một bé trai. Một lần chúng tôi năn nỉ khéo léo đến thế nào mà cô cho phép chúng tôi bồng em bé về lưu xá. Vì quá vui hay có lẽ không có kinh nghiệm, chúng tôi đã không chăm sóc em bé kỹ lưỡng, thiếu cẩn thận, em bé bị gió lạnh của B'lao, về nhà em bé bị ọc sữa và em bịnh... Chúng tôi rất ân hận, từ đó mỗi lần muốn thăm em bé, chúng tôi chỉ còn cách lại nhà thầy. Tôi vẫn còn nhớ em bé trông thật dễ thương, tròn trĩnh, hình như giống Thầy ...

Thầy ở trên trường được vài năm sau đó thầy được thuyên chuyển về Sàigòn. Từ đó chúng tôi ít gặp thầy, tin tức về thầy cũng bớt dần rồi hình ảnh của Thầy dần xa trong trí nhớ chúng tôi.

Cho đến một ngày, ngày mà con nguời và cuộc sống đổi thay theo vận nước, khi đó tôi cũng không còn là một cô giáo. Trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày, tôi mở một tiệm may nhỏ ở trước chợ Trương Minh Giảng. Như một duyên may tôi gặp lại thầy, lúc đó thầy đang dậy tại trường Kiến Thiết. Nhà thầy cũng ở trên con đường này, thầy đi qua lại mỗi ngày. Ngày tôi gặp lại thầy thật vui mừng và tủi tủi. Thầy hỏi thăm mọi người, thầy vẫn ân cần, vui vẻ cho dù cả thầy và trò vừa trải qua một cuộc bể dâu trong nước mắt...

Hạnh phúc nhất trong lúc ấy là thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Cô đi chợ và Cô vẫn như một người chị thuở nào, luôn quan tâm đến các đứa em. Cô vẫn chỉ bảo cho tôi khi đi chợ và chọn những món gì ngon và rẻ.

Cuộc sống lúc đó thật là khó khăn, có lần gặp Thầy và tôi hỏi:

"Thầy có làm thêm gì ngoài việc dậy học không?"

"Có, Thầy nuôi gà lấy trứng," Thầy trả lời.

"Như thế có tạm được không thầy," tôi hỏi.

"Thầy nuôi gà lấy trứng ... mà gà của Thầy nó lại  ... kế hoạch ..."

Nói xong, Thầy trò chúng tôi cười rất lâu, không hiểu cười vì tức cười hay cười vì nỗi buồn và ...

Thế rồi cuộc sống lại trôi qua một nhánh khác, tôi không còn làm nghề may nữa và tôi dọn đi chỗ khác. Tôi không còn dịp gặp Thầy Cô như trước, và mất hẳn tin tức về Thầy Cô từ đó. Ngày Thầy Cô đi định cư ở Canada tôi không biết nên không có dịp để đến thăm và tiễn chân Thầy Cô. Sau này trong những lần họp mặt Nông Lâm Súc, thỉnh thoảng được nghe bạn bè nhắc đến thầy ... nhưng vẫn nghĩ chắc chả có dịp nào có thể gặp được Thầy Cô. Dạo gần đây vào thăm Trang Nhà của Hội, đọc được bài viết của thầy Nguyễn Văn Vũ, trong đó thầy nhắc đến tên tôi, nhắc đến bao kỷ niệm của những ngày trên trường và trong cuộc sống của Thầy và một số học trò, lòng tôi vô cùng xúc động. Thầy vẫn còn nhớ những cử chỉ bình thường của tôi cho dù Thầy còn biết bao nhiêu lo toan của cuộc sống, trong lòng tôi dâng đầy những cảm xúc và tôi ao ước được gặp thầy, cho dù chỉ một lần, nhưng biết ước mơ vẫn luôn chỉ là mơ ước!

Cho đến một ngày, tôi đã đặt chân được đến đất Mỹ, đây cũng là khởi đầu của một giấc mơ. Tôi lập tức liên lạc với Thầy Cô và được biết sức khoẻ của Thầy hiện nay không còn tốt và tôi mong muốn được gặp Thầy. Thầy Cô rất vui vẻ nhận lời nhưng ngặt một điều Thầy Cô hiện đang cư ngụ tại Canada, còn tôi chỉ có giấy nhập cảnh vào Hoa Kỳ và đang ở miền Nam của California. Thế là tôi phải cầu cứu anh Vương Thế Đức, một thổ công lâu đời tại Toronto, ở gần nhà Thầy. Anh Đức nhận lời hứa sẽ giúp tôi gặp Thầy Cô.

Mấy tuần lễ gần đây, tôi có nhiều chuyến đi ta bà khắp các tiểu bang. Tôi trôi dạt từ miền Nam Cali lên miền Bắc, rồi qua Texas, lên thủ đô Hoa Thịnh Đốn đón mùa Xuân Anh Đào.  Chặng cuối tôi ghé New York để thăm Hà Ngọc Chi và Hoà Bình. Khi đến thăm gia đình Hà Ngọc Chi và gia đình Hoà Bình ở Buffalo, New York, được biết từ đó chỉ còn cách nhà Thầy Cô dăm tiếng đường lái xe. Một lần nữa, tôi gọi cầu cứu anh Vương Thế Đức, thuyết phục anh làm thế nào lái xe đưa Thầy Cô qua biên giới để tôi được gặp mặt Thầy vì giấy tờ nhập cảnh của tôi không thể vào đất Canada được. Khi tôi điện thoại thăm Thầy được biết ngày mai Thầy có một cái hẹn với bác sĩ, còn Cô thị bận rộn chăm cháu ngoại mà thì giờ thì không còn nữa. Làm thế nào đây! Vẫn biết là mình có lỗi không chuẩn bị thời gian và tới nước cuối mới tính. Nhưng kỳ diệu thay, Thầy Cô đã nhận lời và bảo "Ừ phải gặp chứ!" Thật là hy hữu và có thể nói cuộc hạnh ngộ này đúng là thuận lòng trời và chỉ có thể xẩy ra trong tiểu thuyết hay trong các phim ảnh của các nhà đạo diễn lừng danh. Thế mới biết anh Vương thế Đức còn thua mình xa lắc xa lơ về cái nghề năn nỉ ỉ ôi! Đâu cần dùng đến các chiêu thức "nhất bộ nhất vái" mà ảnh đưa ra, ảnh hù mình, thiệt tình!

Trong chuyến hạnh ngộ này còn có thêm chị Kim Thu đến từ Boston. Vì phải chờ Kim Thu bay qua nên mãi đến 5 giờ chiều Thầy trò chúng tôi mới gặp nhau. Thầy tôi già hơn xưa nhiều lắm, sức khoẻ không được tốt lắm nhưng Thầy vẫn vui vẻ, ân cần, và tinh thần thật minh mẫn, vẫn còn nhớ từng tên của các đứa học trò. Tôi hiểu Thầy Cô đến được với chúng tôi đêm nay là một sự cố gắng, thật cố gắng.

Hình như thời gian không ảnh hưởng gì đến Cô, Cô vẫn đẹp, một người phụ nữ Việt Nam đúng nghiã, hiền dịu, thu xếp mọi việc trong gia đình khéo léo, chu đáo, xin cảm phục. Thầy trò tôi gặp nhau trong một nhà hàng ở ngay bờ của thác Niagara. Thầy đã bật khóc khi gặp lại chúng tôi. Chúng tôi cầm tay Thầy mà nghẹn ngào, đứa học trò nào cũng dành để được nói chuyện nhiều với Thầy. Các bạn có thể đoán được mức ồn ào như thế nào, dân Nông Lâm Súc mà! Bao nhiêu chuyện cứ thế mà tuôn ra, chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay, đủ loại chuyện. Chúng tôi vừa tranh nói chuyện mà cứ mong thời gian đừng chạy hay cứ kéo dài ra thêm nữa, thêm nữa!

Trời về khuya, đến lúc chúng tôi phải chia tay. Tôi chợt có ý muốn được đi thăm cái thác Niagara, một điểm không thể thiếu khi đã đến đây. Mọi người hình như không hưởng ứng lắm vì khuya quá, nhưng Thầy vẫn chiều tôi và cùng đi nhanh trong giá lạnh về đêm, tuyết vẫn còn đóng dầy trên mặt đất, cành cây. Nhìn Cô và chị Mai, vợ anh Đức, loay hoay máy ảnh để chụp cho tôi và Thầy một tấm ảnh kỷ niệm ở thác thì mới hiểu được tình thương của Thầy, Cô và các bạn dành cho tôi to lớn như thế nào. Vì chúng tôi đứng ở bên đất Hoa Kỳ nên không thể thấy hết cái đẹp của thắng cảnh Niagara Fall về đêm. Thầy bảo khi về nhà thầy sẽ ghép hình tôi với thác nước chụp từ phiá Canada và an ủi tôi rằng hình sẽ đẹp như thật. Thầy ơi! em thật có phước được làm học trò của Thầy.

Quá gần nửa đêm, Thầy trò chúng tôi mới chia tay. Đây là lần tạm biệt nhưng thật ấm cúng cho dù trời về đêm đầy tuyết mà lòng chúng tôi thật mãn nguyện và tôi cũng hiểu là Thầy của chúng tôi cũng đang rất vui.

Để có được những kỷ niệm trên cả tuyệt vời này, tôi rất cám ơn Thầy Cô, nhất là cám ơn Cô đã săn sóc giúp đỡ Thầy của chúng em sống mạnh khoẻ, sống vui vẻ. Cám ơn chị Mai, anh Đức, chị Chi anh Út, Hoà Bình anh Lý, Kim Thu và các bạn. Trong suốt những năm tháng còn lại sau này, tôi không thể nào quên được lần hội ngộ này của Thầy Cô và chúng tôi ở bên "Cầu Biên Giới"... Trên đường trở về, tôi mới hiểu tại sao tình cảm giữa Thầy trò tôi sâu đậm như thế, hình như ngoài tình Thầy trò, còn có một tình cảm thân thiết của người trong gia đình.

Xin cảm ơn, cảm ơn tất cả, cảm ơn Trời Đất đã sắp đặt một cuộc hạnh ngộ bất ngờ và đáng nhớ.

Cầu xin ơn trên ban cho Thầy Cô của tôi thật nhiều sức khoẻ.

Ngô Anh Thuấn
California, tháng 4 năm 2009 
Cùng Tác Giả / Đề Tài