Mới hôm nào đón Xuân Kỷ Sửu mà nay đã vào những ngày cuối tháng ba, tiết xuân thật của xứ sở bốn mùa nầy vừa chợt đến bên thềm. Trời của các tiểu bang miền bắc nước Mỹ đang ấm dần; lá, hoa đang chớm các chồi và nụ non và chẳng mấy chốc, màu xanh phủ khắp và hoa lá nở đầy. Riêng thời tiết nam Cali của chúng tôi thì không có gì thay đổi lắm theo các mùa. Cali, vẫn "nắng ấm tình nồng" và mùa nào cũng giống mùa nào. Ngày, có hôm hiu hiu nắng nhưng cũng lắm hôm nóng vã mồ hôi. Đêm se tí lạnh. Tôi chợt nghĩ về một nơi, mà một số bạn tôi đang chuẩn bị tụ về để đón xuân và đón ngày lễ hội Hoa Anh Đào được tổ chức hàng năm, thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Cũng dịp này năm ngoái, phái đoàn chúng tôi đã được bà chị thân thương đón tiếp và cùng nhau đi xem lễ hội. Đi rồi để biết là rất đáng đi. Đến chốn đó, được hưởng những ngày vui xuân, thưởng cảnh, xem hoa và buổi họp mặt đầy thân tình Nông Lâm Súc Bảo Lộc tại gia đình chị Trần thị Sâm vẫn còn ghi đậm trong tôi. 

Thuở còn học trên trường, tôi không đuợc quen biết chị Sâm, chỉ biết như một số bạn bè khác biết. Có một bà chị ở nhà thầy Vũ, mà các anh chị vẫn gọi là "em Thầy Vũ". Chị thì nhớn và học trên tôi đến hai lớp. Thân phận đàn em, tôi không dám nhìn hay nghĩ tới các bà chị. Vả lại tôi và chị không theo tập tục "em nhận, chị nuôi" của các bạn tôi thời ấy; khi đói meo, có nhu cầu cần ít tiền uống cà phê hay trong cơn thèm tô bún bò chị Tráng, hoặc bánh mì trứng chiên bà Tề thường các chú em hay tìm đến bà chị nhận của mình để vòi vỉnh. Chị Sâm và tôi khi rời trường không ai biết ai.
Khi lên đại học, được học cùng trường với chị, Đại Học Nông Nghiệp, khá hơn một tí, tôi biết có một bà chị tên Trần Thị Sâm, đẹp, dáng dong dỏng cao nhưng cũng không có dịp làm quen và không hề biết chị vốn xuất thân từ Bảo Lộc. Có lẽ vì chị "cao" hơn tôi, cao vì hơn tôi một lớp và nhân dáng có lẽ bằng tôi hay hay hơn tôi (nhờ đôi guốc cao gót ấy mà!).
Đó là chuyện của 40 năm về trước, còn chuyện tròm trèm của 4 năm gần đây, cũng bắt nguồn từ anh Tư Lung của tôi, trăm chuyện cũng từ ảnh; khi biết tôi chuẩn bị lên San Jose chơi, anh Tư gọi cho tôi biết kỳ này lên sẽ được duyên gặp một sư tỷ đến từ vùng Hoa Thịnh Đốn. Một người đã đóng góp "tiếng nói" cho sự hình thành và sống còn của chợ Tân Bùi! Tôi nghe mà ham và càng muốn đi vì để được gặp các đàn anh, đàn chị nổi danh của một thời. Quý lắm chứ!
Lần gặp gỡ đầu tiên, tôi vẫn còn nhớ rõ câu nói bất hủ. Vốn khi tôi vừa đến nhà Tư Lung, chân ướt chân ráo còn đang đứng sân sau nhà phì phèo mây khói, thì nghe một giọng oanh vàng, thuộc loại vàng khối: "Tư Lung! kỳ này tao xuống, mày hứa rồi đó, mày phải dẫn tao đi cầu!"
Thoáng nghe ai cũng phải giật mình! Tôi than thầm: "Sao lại có chuyện này nữa! Anh Tư ơi! làm ơn anh coi lại vụ nầy dùm!"
Sau giọng nói, bà chị bước ra, tôi nhận ra ngay, chị Trần thị Sâm một thời tôi đã biết trên Đại Học Nông Nghiệp. Chị vẫn vậy, vẫn còn nét đẹp của ngày xưa, dĩ nhiên, cộng thêm dăm nét của tuổi đời và sự thành công trong cuộc sống nên dáng dấp của chị rạng rỡ và "mạnh" hơn xưa nhiều. (Sau vụ đó tôi mới biết, anh Tư của tôi là "chuyên viên" dẫn mọi người "đi Cầu", tức là đi thăm cây cầu nổi tiếng "Golden Gate" ở vùng Cựu Kim Sơn.)
Lần đầu tiên gặp lại chị và ngày hôm đó anh em NLS-BL chúng tôi có một buổi sinh hoạt đầy náo nhiệt cùng với âm hưởng "cô Bắc Kỳ không nho nhỏ" của chị, đã để lại trong tôi một ấn tượng đầy thiện cảm và sự quý mến đặc biệt.
Đại Hội kỳ 3, chị nhận lời qua tham dự và tôi là người đón chị tại phi trường LAX. Hình ảnh mà tôi vẫn không thể nào quên được. Đứng ở cổng chờ, nhìn chị bước ra, trông dáng mệt mỏi, bước đi thật chậm và một tay ôm bụng. Tôi tưởng chị đang bị cơn "trái gió trở trời" chi đây! Gặp nhau tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau và được cho biết, chị vừa mới qua một cuộc giải phẫu lớn, vết mổ vẫn còn đau. Ôi cái tình NLS-BL! Bà chị đã đến với anh em, đã dành cho trường, cho bạn bè tình cảm quá lớn; chị đã chẳng ngại đường xa và sức khỏe khi chưa thật bình phục hẳn.
Qua tiếp xúc trong kỳ ĐH3, có lẽ ở tôi và chị đã bắt được cùng chung tầng số, hiểu được tính tình của nhau qua nhiều câu chuyện hóm hỉnh và chúng tôi đã có những cơ hội cười vui thả phanh qua màn hoạt cảnh "áo dài nữ duyên dáng" của ĐH3.
Với thân tình thân thiết sẳn có với anh Tư Lung và chị Huỳnh Hương, cũng như thiện cảm nở dần với riêng tôi và nhất là tình keo sơn với anh em NLSBL để liên tiếp 2 năm sau đó, Đại Hội 4 và 5, tiếng nói của chị được cất vang trên sân khấu qua vai trò của người M.C. Chương trình các kỳ đại hội ấy đã được chị lèo lái và tạo nên một bầu không khí đầy thân tình và vui rộn.
Năm nay, mùa hoa anh đào sắp về trên thủ đô Hoa Thịnh Đốn, các anh chị bên hội Nông  Nghiệp có một chương trình thật quy mô cho sự thăm viếng. Vừa hội ngộ trong cái tình thân Nông Nghiệp, rồi cùng nhau đi ngắm hoa Anh Đào. Nghe đến hoa, được ngắm hoa, tôi thấy lòng rộn lên niềm háo hức nhưng vì bận một số việc nên không thể tham dự lần nầy được. Tiếc lắm! Thôi thì hồi tưởng lại mùa hoa Anh Đào năm ngoái.
Chúng tôi, một số anh chị NLS-BL của miền nắng ấm California đã có mặt và được anh Nguyễn Tịnh và chị Trần Thị Sâm đón tiếp thật nồng hậu tại gia trang của anh chị. Sau đó là một buổi đi ngắm hoa Anh Đào trong ngày đầu khai mạc của lễ hội hàng năm "Cherry Blossom Festival" mà tôi đã có dịp ghi lại trong bài "Tản mạn mùa hoa anh đào" năm rồi.
Ngoài cái tình Bảo Lộc, còn nhiều kỷ niệm vui và đẹp của chuyến viếng thăm vẫn nằm trong ký ức của tôi.
Nhân dịp nầy, chúng tôi được tận mặt gặp "đức lang quân" của bà chị. Nếu chị là người rất vui vẻ, hoạt bát, thì anh là người thật thâm trầm, ít nói. Ở anh, sự dung dị, và nét hiền hoà được biểu lộ. Rất cảm động với sự hòa đồng niềm nở, chí tình hiếu khách cũng như sự ân cần chu đáo trong việc thù tiếp, sắp xếp chuyến du xuân của chúng tôi.  Lâu nay dâu rể NLS vẫn được ca tụng; việc "dâu hiền," thì tôi còn chút "bán tín bán nghi," riêng "rể thảo" thì hầu hết và nhất là qua anh Tịnh thì ai cũng mừng cho chị và cảm tạ với niềm hãnh diện cho sự may mắn của tập thể NLSBL có được người rể thảo, rể quí như anh.   
Sau cả ngày được anh Tịnh, chị Sâm hướng dẫn đi thăm đất trời vùng Thủ Đô và ngắm một bầu trời đầy những hoa, chúng tôi đáo về nhà anh chị. Chúng tôi đang ngồi đấu chuyện, những câu chuyện của buổi dạo xuân, chuyện Bảo Lộc năm xưa, trong lúc đó chủ nhà, bà chị đang loay hoay với nồi phở gà thơm phức, món "cá hồi thì là" hấp dẫn cộng thêm món "filet mignon" thật juicy thì mọi người chợt reo lên: "đàn nai đã về!"
Thật vậy! Khoảng vườn bao la đậm nét thiên nhiên, phía cuối là dòng suối chảy ngang qua; bầy nai đang thong dong rảo quanh sau nhà.
Nghe tiếng reo, đàn nai ngưng ăn, ngẩng đầu ngơ ngác nhìn. Hình như, chỉ một thoáng ngẩn ngơ quan sát vì quang cảnh có thêm nhiều người lạ, hơn là nỗi sợ hải của loài thú đối với những người chực chờ săn thú. Chúng ngó chúng tôi một lúc lại tiếp tục gặm nhấm những cọng cỏ non của những ngày đầu xuân sau nhà.  Nhìn sự thư thái của chúng cho tôi cảm nghĩ, phải chăng chúng tìm được đất lành, tìm được sự an bình từ sự hiền hoà của chủ nhân của ngôi biệt thự này nên chúng thường ghé lại.  Biết đâu chúng cũng có thể đánh hơi và cảm nhận được cái tình Nông Lâm Súc tỏa quanh cũng như đoán biết được sự yêu thích hòa điệu với thiên nhiên của người chủ để chúng thường ghé về hầu điểm trang thêm nét đẹp êm đềm "điền dã" của đại gia trang nầy.
Nếu khoảng đất rộng sau nhà có rừng, có con suối uốn khúc đi qua và thảm cỏ xanh mướt mênh mông là chốn yên bình đón mời sự ghé lại của bầy nai, thì con lộ từ đường chính dẫn vào nhà anh chị hun hút trãi dài với hai hàng cây Anh Đào thẳng tấp và cứ mỗi dạo xuân về chúng rộp bóng với những cành xum xuê, trĩu nặng những bông hoa đương mùa rực nở. Và trên mặt con lộ dẫn đến thềm nhà phủ dầy những xác hoa màu hồng, bước những bước nhẹ êm, cho chúng tôi có cảm tưởng anh chị đã trải chiếc thảm màu hoa tiếp rước chúng tôi.  Với cảnh trí đó anh Dương Phú Lộc đã chợt thốt, "cái đẹp nầy chỉ được thấy trong phim thôi!"
Cái đẹp không chỉ bên ngoài, chúng đã len chân vào trong nhà chị. Những lần nói chuyện qua điện thoại, tôi vẫn thường được nghe chị nhắc nhiều đến hội họa và những tác phẩm chị dầy công sáng tác, nhưng chưa hình dung được; đến thăm chị và tận mắt nhìn, phải nhìn nhận chị đã dành rất nhiều thì giờ cho môn nghệ thuật này. Trong nhà chị, chỗ nào cũng treo tranh sơn dầu do chính bàn tay nghệ thuật thiên phú của chị vẽ. Không ngờ một nữ sinh NLS Bảo Lộc, một kỹ sư Canh Nông ngày nào, giờ đây nặng lòng với hội họa. Chị đã đổ hồn qua những sáng tác của chị. Mong một ngày nào đó, những đứa con nghệ thuật của chị sẽ được trình làng rộng rãi hơn thay vì chỉ giới hạn ở bạn bè. Trang nhà của Hội cũng mong được chị cho phép hân hạnh giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật của chị đến tất cả bạn bè NLS.
Lòng yêu quý nghệ thuật của chị không chỉ dành riêng cho hội họa, mỗi khi tay mỏi với cọ sơn hay để thay đổi không khí, chị cũng dành thì giờ để viết những cảm xúc của con tim mình thay cho bạn bè của chị, đó là tuyển tập truyện ngắn "Những Mối Tình Của Bạn Tôi", hình như khá nhiều bạn bè của chị đều bị "ái tình" nó vật. Chị đã viết khá nhiều chuyện tình và đã đóng góp cho Trang Nhà và Đặc San NLS. Truyện ngắn của chị thật đơn giản nhưng đầy xúc cảm. Trong cái hân hạnh được chọn làm "editor" cho tuyển tập những truyện ngắn của chị, tôi là người được đọc thứ nhì sau chị, đôi lúc ngồi gõ bài (bỏ dấu hộ chị), những ngón tay mình bị cứng, ngưng trên bàn gõ chữ hoặc mắt nhoà vì cảm xúc, có lẽ vì tại mình hồi nào đến giờ chỉ quen với những cảm xúc "Rambo!"
Trang nhà vừa nhận được một truyện ngắn của chị, và trân trọng giới thiệu đến các bạn đọc, câu truyện tình mang tên "Mây ơi! Mây hỡi!" (Trang Nhà, Nguyễn Triệu Lương)
 
 

MÂY ƠI... MÂY HỠI...

Chiếc xe lắc lư trên con đường nhỏ gập ghềnh uốn khúc như rắn lượn. Người tài xế mắt chăm chú nhìn đường, tay khéo léo chuyển bánh lái để cố tránh những ổ gà, thỉnh thoảng lại quay sang nhìn tôi và phân trần vì những cơn xóc liên hồi. Tôi khá mệt nên nhắm mắt, miệng đã muốn ói, nên không mở lời, cố đưa tâm trí về những kỷ niệm xa xưa hầu quên đi những vất vả, khó chịu của chuyến đi. Trong suy nghĩ miên man, chập chờn tôi tập trung cố hình dung ra khuôn mặt của Mẫn Chi để nhớ lại những câu chuyện Chi kể cho tôi nghe, cộng chung với sự mong ước gặp lại đã giúp tôi quên bớt phần nào những mệt mỏi đang hành hạ thân xác tôi.

Tôi nôn nao không kém người chờ. Xe vừa đậu lại, bóng người đàn bà nho nhỏ với những bước chân vội vã đã đến kịp để ôm lấy tôi. Cơn nôn oẹ thốc tháo của tôi có lẽ đã làm người tài xế hoảng sợ ... Ngước mắt nhìn lên, chạm ánh mắt đầy lo lắng của Mẫn Chi, rồi nụ cười với vòng tay ôm khít, cộng với tiếng nói nho nhỏ dịu dàng bên tai làm tôi tỉnh táo lại, bao mệt mỏi và cơn chóng mặt tạm rút lui. Tôi theo Mẫn Chi vào căn nhà nhỏ.

"Gớm! mày làm tao sợ hết hồn, tỉnh rồi chứ? Uống ly nước nóng này cho hoàn hồn đã."

Nhấm ly nước nóng có pha mùi vị đắng đắng, tôi nhăn mặt, Mẫn Chi mĩm cười:

"Ráng uống đi, thuốc bổ đặc biệt do tao tự pha chế lấy đấy.  À! lần này mày phải ở lại với tao lâu hơn một chút mới bõ nghe nhỏ?"

"Từ từ đã, cho tao thở, ở bao lâu tùy mày có cơm nuôi hay không thôi?"

Tôi nhái lại Mẫn Chi và hai đứa cùng cười. Giây phút này sao thật ấm áp tình bạn. Nhìn cô bạn gái thương hơn chị em, tâm hồn tôi thấy nhẹ nhàng  thoải mái. Chắt lưỡi, thầm nghĩ đến con đường vừa đi, đang tính lên tiếng kể lể thì Chi đã nói:

"Vất vả cho mày, nhưng bảo đảm với cơm gạo tao nuôi, mày sẽ lên được vài ký lô.  Ờ! mà sao mày gầy quá vậy? ở cái xứ đồ ăn dư thừa đổ xuống biển không hết sao mày ốm tong teo thế hở nhỏ?

"Ấy! cái khó là ở chỗ đó, cơm canh dư thừa mà ốm như tao đây mới là kỳ công đấy, khó lắm mới giữ không cho mập đó em ơi!"

Cả hai chúng tôi cùng cười. Ánh mắt linh lợi, ánh mắt nghịch ngợm, láu lỉnh ở Mẫn Chi hình như đang trở lại.

Tôi ngồi nhẩn nha ngắm nhìn căn nhà nhỏ nhưng đầy nét nên thơ của cô bạn.  Thầm phục sự khéo tay và con mắt thẩm mỹ của bạn đã trang hoàng căn nhà rất ấm cúng. Rất trang nhã với những giò lan treo rải rác trong phòng khách, đến những bức họa chấm phá, những vật trang trí thô sơ, mộc mạc của dân miền núi. Tôi thấy thật gần gũi, yêu căn nhà nhỏ chất chứa đầy nét thanh thản bình dị của cô bạn tôi quá!

Quả đúng thế, mấy củ khoai sọ nóng và ly trà thơm bốc khói làm tôi thấy ngon không chê vào đâu được. Chi nhìn tôi ăn, gật đầu hài lòng:

"Cả ngày đi đường bụi bám đầy người, mày ăn xong, đi tắm rồi chương trình sẽ bắt đầu", Chi cười nói thêm:

"Ở đây không có vòi tắm nước nóng nuớc lạnh đâu đấy nha cô nhỏ, ráng mà thích nghi, lạnh cách mấy cũng phải tắm tẩy trần đấy"

Nhìn ấm nước nóng được đặt bên cạnh chiếc chậu đồng sạch bong. Mùi thơm của các lá cây, lại có cả mấy trái tầm kết, tôi mĩm cười hạnh phúc ngập lòng như sống lại thuở tóc chấm ngang vai.

Đúng thế! gội đầu với những lá cây rừng thơm thoang thoảng làm tôi thấy dễ chịu nhiều. Cơn tẩy trần bụi bậm đi đường đã xong, tôi khoan khoái khoác chiếc áo ấm rồi bước vào nhà trên; nơi đây tôi biết có cô bạn thân đang ngồi chờ. Nhưng trái với suy nghĩ, vào phòng tôi chỉ thấy một bé gái khoảng trên dưới mười tuổi, cháu thấy tôi vội cúi đầu chào và nói mẹ Mẫn Chi có việc phải đi ra ngoài một lúc. Tôi hơi thất vọng, nhưng ánh mắt bé gái cứ cuộn lấy tôi, cháu nhìn tôi không chớp mắt, cặp mắt to, nâu, hai má đỏ hồng làm tôi có cảm tình ngay. Tôi đến bên vừa cười vừa nói không sao bác sẽ chờ. Bé gái vẫn tiếp tục nhìn tôi như một sự kiện rất lạ, tôi nhẹ nhàng:

"Bác không sao, bác chờ mẹ ở đây được, cháu tên gì?
"Thưa bác, cháu tên Mẫn Khải"

Tôi giật mình, nhìn sững đứa bé. Tôi không tin vào đôi tai mình, hỏi lại và cháu nhắc lại tên mình một cách rõ ràng. Tôi im lặng, bé gái dương cặp mắt nâu nhìn tôi, bắt gặp ánh mắt ngây thơ chất chứa đầy sự tò mò, tôi mỉm cười xoa đầu bé và hỏi đồ đạc của tôi hiện ở đâu, bé nắm tay tôi chỉ sang cánh của khép hờ sau lưng.

"Valy của bác ở trên giường, mẹ Mẫn Chi dặn bác nhớ phải đi ngủ", tôi phì cười vì câu dặn của Mẫn Chi, cùng bé đẩy cửa bước vào phòng ngủ.

Căn phòng khá sáng sủa có hai cửa sổ, màn cửa mầu tím nhạt thêu ren, tường sơn màu xanh rêu. Chiếm phần lớn diện tích phòng là một chiếc giường khá lớn, có dăm ba chiếc gối thêu hoa, nằm gọn gẽ cuối giường là một chiếc chăn bông khá dầy. Một chiếc giường nhỏ hơn kê sát vào cuối phòng, cũng để hai ba chiếc gối chồng lên nhau. Một tủ nhỏ cao dựa sát vào vách đối diện. Bàn viết kê sát cửa sổ nơi có đặt một giò lan vàng, phiá ngoài là lối đi có cửa thông sang phòng khách nơi tôi mới bước vào. Nhìn valy của mình đặt trên giường lớn, tôi đoán chắc Mẫn Chi đã tự tay sắp xếp chỗ ngủ cho tôi nên không ái ngại, tôi cười nhìn bé gái:

"Bác nghe lời mẹ Mẫn Chi, đi ngủ đây"

Nằm trong chăn ấm, tuy chiếc chiếu có làm tôi lấn cấn, nhưng không hiểu sao tôi đã ngủ tự lúc nào. Khi nghe tiếng động ở phòng bên, có tiếng nói lao xao, tiếng kéo ghế, tiếng bát đũa, làm tôi tỉnh ngủ.

Bửa cơm nhẹ, thanh đạm, nhưng sao những miếng đậu phụ tôi ăn hôm nay ngon thế. Nhìn nụ cười của Mẫn Chi thư thái và dung hoà, tự nhiên trong lòng tôi dâng lên một niềm thương mến và cảm phục cô bạn nhí nhảnh, lanh lợi của tôi ngày nào...

Mới đó đã hơn bốn mươi năm, quãng thời gian có thể đã dài bằng nửa đời người; nhưng tình cảm của chúng tôi hình như đi ngược lại hơn bốn mươi năm trước và tự dừng lại ở điểm đó ...

Mẫn Chi và tôi quen nhau từ lúc gia đình tôi dọn về Sài Gòn, đến cư ngụ tại khu phố này. Nhà Chi ở cuối hẻm, ngày nào Chi cũng phải đi qua nhà tôi mới ra đường lớn để đón xe bus đến trường. Chi cũng không ngờ gặp lại tôi tại lớp học. Trong lớp, Chi ngồi bàn đầu và ngược lại tôi ngồi bàn cuối, chúng tôi nhanh chóng trở thành đôi bạn thân có lẽ vì cùng tuổi, cùng trường, lại là hàng xóm. Chi nhanh nhẹn, nhí nhảnh, tỏ rõ là dân tỉnh thành, còn tôi lờ khờ như dân nhà quê mới ra tỉnh, vì thế Chi tha hồ lên lớp lên mặt, có lẽ nhìn thấy ở tôi cái nhát gan cái khù khờ nên Chi đã nhiệt tình mau mắn hướng dẫn. Sau này khi tôi đã lột xác, nhanh nhẹn không thua Chi, Chi đã vênh mặt, bỉu môi nói tôi đã được "khai hoá"; tôi cười đồng ý. Chi nói gì tôi thấy cũng hay và đúng, hai chúng tôi tâm đầu ý hợp, đi đâu cũng có nhau, chuyện gì cũng nói, cũng kể cho nhau nghe. Tình cảm thắm thiết vào tuổi thơ ấy cộng với sự hợp ý nhau đã làm chúng tôi trở nên một cặp bài trùng là điều dĩ nhiên. Chuyện tình cảm của Chi trong những ngày tháng ở tuổi ô mai tôi đều có tham dự, tôi đã là cánh tay mặt, đã là cố vấn tối cao của Chi tuy tôi chưa hề biết thế nào là tình cảm trai gái ...

Mẫn Chi nhỏ nhắn, với cặp mắt nâu, to, hàng mi dài, ánh mắt rất linh lợi, cặp môi cong đài các, điểm thêm chiếc răng khểnh làm nụ cười thêm duyên. Khuôn mặt vuông chữ điền, nước da mầu nâu non đã làm Chi có một nét đẹp sắc bén.  Chi rất lãng mạn, thích đọc tiểu thuyết tình, hay mơ mộng, hay tưởng tượng đến những chuyện tình đẹp như tranh, lại tập tễnh làm những bài thơ tình rất ướt át lãng mạn. Chi mơ sẽ gặp người yêu như một hoàng tử.  Chi đã nói: "nếu tao yêu, thì suốt đời chỉ yêu một lần". Những năm cuối trung học Chi đã dành rất nhiều thì giờ tô thẵm những mơ ước cho tình cảm. Chi đã tỏ rõ nét một thiếu nữ yểu điệu duyên dáng. Chi chê tôi khô khan, tôi cười mũi chê Chi cải lương chính hiệu ... Chi thích lên lớp và giảng giải cho tôi về sự tuyệt diệu của tình yêu nam nữ.  Tôi phục lăn sự thông thái về tình yêu mà thực sự Chi cũng chỉ biết qua tiểu thuyết. Chi bảo tôi cứng cỏi quá, khô khan như đồng đen, tôi cố cãi nhưng bao giờ Chi cũng thắng và tôi luôn luôn thấy Chi có lý. Tôi phục sự hiểu biết của Chi trong tình yêu, tôi luôn là kẻ đứng sau Chi trong mọi khía cạnh, tôi bằng lòng với cái số đứng sau Chi như thế mà không một chút thắc mắc.

Đầu năm đệ nhị, Chi đã mặt đỏ hồng, ánh mắt long lanh nhỏ nhẹ, e lệ kể cho tôi nghe cảm tưởng đầu tiên khi Chi gặp anh Khải. Chi bảo tôi đó là tiếng sét ái tình ... tôi cứ trơ trơ như đá vì không biết tiếng sét ái tình nặng đến đâu, chỉ thấy Chi nắm chặt tay tôi, run rẩy mỗi khi gặp anh Khải, anh của người bạn cùng lớp. Chi bảo ánh mắt anh Khải đã chứa chan một tình cảm, một tình yêu tuyệt diệu mà Chi nghĩ anh đã dành riêng cho Chi. Chi miên man xây mộng đẹp, bắt tôi ngồi nghe những tưởng tượng, những ước mơ cho tương lai của Chi với anh Khải. Thời gian Chi ngồi mơ mộng đến tình yêu tuyệt vời kia thì tôi chỉ biết cặm cụi vào những bài toán giải không ra, những lý thuyết lòng thòng của một định lý .... Ngày tôi hí hửng nhìn tên mình trên bảng là ngày Chi bặm môi quay mặt thấy một sự thất bại đầu tiên trong đời. Có lẽ vì thế mà Chi đã cố gắng hơn, nên khi xong tú tài đôi, thì tôi đã là sinh viên năm thứ nhất, lần này Chi chấp nhận thua tôi đôi chút, nhưng tình yêu ngút ngàn Chi dành cho anh Khải đã bao phủ, đã lấp đầy những thua kém về phần học hành của Chi.

Khi mắt Chi nhoà nước, mặt xanh mướt, rã rượi kéo tay tôi thì thào báo hiệu hình như Chi sắp làm mẹ. Tôi sửng sờ câm nín, vì được biết anh Khải đang sửa soạn cưới vợ ... thì ra cô bạn tôi yêu thầm, yêu đơn phương, yêu mù quáng và chẳng ngại ngùng là kẻ trong bóng tối, miễn được anh Khải yêu là đủ ... Anh Khải lại đào hoa, khéo nói, biết bao cô gái đã sẵn sàng ngả vào lòng anh, cứ gì một Mẫn Chi khờ khạo trong tình yêu.  Đúng như lời một bài hát nào đó: em yêu anh với tất cả trái tim dạt dào, anh yêu em bằng con tim lọc lừa ... Nước mắt và những trận đòn cùng sự đau khổ bị bỏ rơi đã làm Mẫn Chi xơ xác tiều tụy, tôi chỉ biết khóc chung, những giọt nước mắt của chúng tôi không giải quyết được vấn đề. Ngày tôi và mẹ Chi đưa Chi theo bà vú nuôi lên Đà Lạt, tim tôi cũng nức nở như Chi. Mặc cho những trận đòn, Chi nhất định đòi sinh con, Chi bảo tôi sẽ là bà mẹ thứ hai của con Chi. Tôi cũng có trách nhiệm và tôi đã im lặng, gián tiếp đồng ý.

Từ đó tôi cố gắng dành dụm những khoản tiền tiêu vặt nho nhỏ. Hè thì tôi đi dậy kèm, dành dụm để gửi cho Chi, vì Chi đã nói tôi sẽ là bà mẹ thứ hai cơ mà!  Những giọt nước mắt ân tình của chúng tôi cùng chẩy chung. Ngày Chi sinh con tôi không có mặt, nhưng khi gặp nhau, nhìn khuôn mặt Chi câm nín, xanh mét mệt mỏi, tôi không làm gì được ngoài những nỗi thù hận với anh Khải tăng thêm. Đứa bé ấy chắc cũng buồn cho số phận mình, vì khi nằm trong bụng mẹ đã nghe những thổn thức, những giọt nước mắt của mẹ nó đã ngấm tới tận trái tim non nớt của nó chăng? Nên vừa chào đời chỉ kịp khóc than cho thân phận mẹ nó đôi chút, dương cặp mắt nhìn đời cho biết rồi lặng lẽ giã biệt ....

Khi Chi quyết định về lại SàiGòn, Chi bỏ học đi làm, chúng tôi vẫn thân như thuở nào. Đôi khi nhìn vào mắt Chi, cặp mắt lanh lợi với hàng mi cong ấy đôi khi lộ nét ai oán, lạnh lẽo làm tôi sợ hãi.  Nhiều khi nghe Chi kể về đứa con bạc mệnh với lời lẽ hết sức thống thiết, nhưng luôn luôn nồng nàn khen con giống anh Khải! Hình như Chi vẫn còn ước  mơ một niềm xum họp? Tôi đi bên cạnh nỗi đớn đau của bạn, câm nín vì biết mình không giúp gì được ngoại trừ lắng nghe những mong ước của bạn mình cho một tương lai mù sương ...

Rồi theo vận nước oan nghiệt tôi theo gia đình ra đi, Chi ở lại vì nghe đâu đó anh Khải cũng còn kẹt trên miền cao nguyên ... vô vọng nhưng vẫn chờ ... Tình yêu Chi dành cho anh Khải vẫn y nguyên, bỏ mặc ngoài tai những gì gia đình, bạn bè khuyên nhủ, Chi vẫn chờ và chờ trong niềm hạnh phúc thống khổ của riêng mình ...

Mẫn Chi phụ tôi sắp xếp một số quần áo treo vào tủ, không tỏ vẻ ngạc nhiên hay trầm trồ trước bất kỳ một vật gì tôi lấy ra từ vali. Chi nhận những món quà của tôi tặng với ánh mắt và nụ cười dịu dàng, thanh thản, không từ chối cũng không nài nỉ gì nơi tôi. Chi vẫn thế, hình dáng theo thời gian có thay đổi nhưng tính tình vẫn y nguyên như một Mẫn Chi của ngày nào.

Nhìn dáng Chi gọn ghẽ, mái tóc được vén cao buộc nhẹ ra phiá sau, tóc bạc nhiều, những vết nhăn của năm tháng đã hằn rõ chung quanh cặp mắt lanh lợi với hàng mi cong ngày nào. Nụ cười của Chi hiền hoà, cặp môi không còn cong lên ngạo mạn ... con người thay đổi đến thế sao? Tim tôi co quặn xót xa, thương cô bạn quá.

Hình như Chi đoán được phần nào ý nghĩ của tôi vì thấy tôi ngồi trầm ngâm không nói gì.  Cả hai ngồi yên bên nhau khá lâu, bất chợt một tiếng thở dài nhẹ, tôi ngước mắt nhìn sang, dòng nước mắt lặng lẽ đang lăn dài trên má Chi, tôi vội nắm bàn tay khô cằn của bạn.

"Mày thấy Mẫn Khai thế nào? Tao nhận nuôi ngay khi nó còn trong bụng mẹ. Nó thông minh và ngoan lắm, ít khóc nhè và điểm chính là nó mang lại cho tao hơi ấm gia đình, tình yêu máu mủ mà tao đã mất. Tình thương nó đã lấp đầy trái tim trống vắng của tao."

"Tốt thôi, nhìn con bé tao có cảm tình ngay, nó có cặp mắt linh lợi giống mày lắm"

Chi giật tay khỏi bàn tay tôi, giọng nói bất chợt to lên, có đôi chút sửng sốt:

"Mày vừa nói gì? Mẫn Khai có nét giống tao? Mày nói thật chứ?

Tôi ngạc nhiên, nhìn thẳng vào mặt Chi

"Nếu thế thì đúng là số mệnh rồi.  Đã nói mà! ông trời rất thương tao, anh Khải đã nghĩ đến tao trong từng giây phút. Mày vô tình đã chứng minh được tình yêu của Khải dành cho tao, cảm ơn mày."

Đến lượt tôi sửng sờ, bạn tôi đang nói gì thế? Để cơn xúc động lắng xuống đôi chút. Chi quay sang tôi nói nhỏ nhưng rất rõ ràng:

"Trước khi anh sang Úc chữa bệnh, anh đã khóc bên tao, bảo tao hãy nuôi bé Mẫn Khải, nó tuy không do tao mang nặng đẻ đau, nhưng tình yêu của tao đã nhập vào với máu mủ của anh mà tạo nên nó, tên nó cũng chính do anh đặt ..." tôi lặng yên, cố kiềm tiếng thở dài đang ứ trong cổ.

"Mày từ từ rồi sẽ hiểu, người đàn bà kia chỉ có thân xác cưu mang Mẫn Khải. Anh Khải đã nói rõ và giải thích cho tao hiểu như vậy. Mẫn Khải là con của tụi tao, anh đã để lại cho tao tình yêu tuyệt vời của anh. Bé Mẫn Khải là chứng minh cụ thể nhất tình yêu của anh dành cho tao ..."

Tai tôi ù đi, tim tôi thắt lại đập loạn trong lồng ngực. Cô bạn thông minh nhất của tôi đã bị những lời mật ngọt làm tê liệt sự suy nghĩ, sao Chi có thể ngu ngơ tin tưởng một cách đơn giản như thế? Chi vẫn còn say trong giấc mộng tình do người đàn ông mang dòng máu ong bướm khéo vẽ khéo tổ.  Nếu Chi biết rằng anh Khải hiện nay không ở Úc chữa bệnh mà anh đang sống thoải mái ở vùng đất có nắng ấm quanh năm, bên cạnh người đàn bà mà anh đã khoe ầm lên là người tình anh hằng mãi trông chờ? Nếu Chi biết được anh Khải từ khi sang Mỹ đã có đến mấy người đàn bà và người nào anh cũng đánh bóng, cũng tô màu là người tình anh hằng mong ước? Thấy tôi im lặng, Chi nhỏ nhẹ, giọng nói còn đong đầy nhiệt tình, đam mê:

"Mày phải  biết ,số phần của tụi tao tuy bề ngoài là chia cách, nhưng trong tâm tưởng của cả hai, tình yêu đích thực. này đã làm chúng tao luôn mãi bên nhau."

"Cải lương hồ quảng vừa thôi! Mày sao cứ mãi mơ mộng những chuyện hão huyền, ngô nghê đến như thế?"

Giận quá tôi nói to như gắt lên, chỉ muốn nói thẳng ra những gì tôi biết rõ về anh Khải cho Chi nghe, nhưng cổ họng tôi có gì chặn ngang, tôi nín khe sau câu nói của mình. Chi cười, nụ cười bình yên và tha thứ:

"Mày thì làm sao hiểu được sự tuyệt diệu trong tình yêu, vì mày cả đời đã không biết sự huyền diệu của tình yêu là gì, mày vẫn chỉ là cây đồng đen cứng cỏi mãi thôi, nhỏ ơi"

Tôi uất ức biết mà không nỡ nói. Tôi thương bạn, tôi cáu lắm, nhưng thôi, nói làm gì những lời lẽ chỉ mang đến sự phiền muộn, nỗi đớn đau thêm cho bạn mình, có ích gì. Thấy tôi ngồi im, Chi tưởng tôi giận vì câu nói đùa của mình:

"Tao ... không có ý đó, đùa mày tí thôi, dĩ nhiên mày biết tình yêu, mày đang có tình yêu mà."

"Bỏ đi nhỏ ơi, mày hãy kể rõ đầu đuôi cho tao nghe, bớt phần thi vị hoá, bớt phần tưởng tượng tình yêu của mày lại một chút cho tao nhờ"

"Không thể chối cãi được số mệnh của tao và anh Khải, xa mặt nhưng không xa lòng.  Ông trời đã thấu nỗi lòng tao, nên trước khi anh đi, anh đã khóc và giải bày ngọn ngành với tao, nhờ tao chăm sóc, nuôi nấng người đàn bà đã vì tụi tao mà bằng lòng mang nặng đẻ đau. Mày biết đấy! mà anh không nhờ tao cũng làm. Sau khi cô ấy sanh hạ Mẫn Khải, tao lại còn gom góp hầu như tất cả những gì tao có thể, cấp vốn liếng cho cô ta như lời anh Khải dặn vì thế tâm hồn tao rất bình yên, chẳng chút ngại ngần. Nhìn Mẫn Khải mỗi ngày mỗi lớn, ánh mắt của Mẫn Khải nhìn tao chẳng khác gì ánh mắt của anh.  Đấy! chính mày cũng đã vô tình bảo tao thế cơ mà, Mẫn Khải đã có nét của tao ..."

Nhìn sang bạn, khuôn mặt của Chi chùng xuống, lạnh tanh và xa lạ, tôi bậm môi thầm nghĩ lần này về lại Mỹ nếu gặp anh Khải tôi sẽ ... Giọng của Chi vẫn đều đều:

"Tao cũng biết anh Khải đã lừa dối tao nhiều lần, tao đã bịt tai che mắt khi gia đình, khi bạn bè nhỏ to cho biết về đời sống tình cảm của anh. Nhưng cũng không nên trách anh hoàn toàn, vì lỗi cũng là do hoàn cảnh, do những người đàn bà kia đã quyến rũ anh, vào trong những hoàn cảnh không lối thoát thì mình nên thông cảm cho anh hơn. Anh đã thẳng thắn nhận những lỗi lầm ấy, anh chẳng dấu diếm tao, bởi lẽ anh bảo chỉ có tình yêu nhân hậu của tao mới là sức sống, mới là điểm tựa để anh đủ cam đảm ngẩng đầu với đời. Tao cũng buồn, cũng đau, cũng tủi phận và cũng đã trách anh đó chứ, nhưng ánh mắt chân tình, thành khẩn của anh đã bộc lộ, đã minh bạch rõ ràng nhất tình yêu anh dành cho tao. Tao sống nhờ ánh mắt dịu dàng, ấm áp, chan chứa tình yêu của anh, chỉ riêng mình tao mới cảm nhận được, mới hiểu được trọn vẹn ánh mắt yêu đương nồng nàn, đầy ấp ân tình của anh. Tao sống bằng những lời yêu thương tha thiết anh dành cho tao, đời sống tao đã bị choáng ngộp trong tình yêu anh từ ngay giây phút ban đầu.  Đã nói yêu là phải thứ tha, yêu là phải cho, yêu là phải tin; còn tất cả những sự việc khác chỉ là phù vân, vì thế hỏi mày những lời nói vô tình vu khống, chà đạp kia của mọi người làm sao tao có thể chấp nhận. Những lời nói ấy đã nhẫn tâm đẩy tao xa rời tất cả. Những lời nói kia tao không muốn nghe vì chúng là những nhát dao làm nát tim tao. Tao cần sức sống, tao chỉ muốn nuôi dưỡng một hạnh phúc rất tư cho riêng mình. Những lời nói kia ngược lại chính là động cơ làm tao thấy gần anh hơn, yêu anh, hiểu anh và thông cảm với những khổ tâm của anh hơn ..."

Không gian thật tĩnh mịch, thời gian lắng đọng, tiếng nói của Mẫn Chi nhỏ dần...

Tôi nhìn người bạn nước mắt chảy vòng quanh, khuôn mặt chìm trong nỗi đớn đau, khắc khoải.  Chi đang tự lừa dối mình? Chi đã biết những lời từ mình thốt ra là để tự an ủi mình? Hay Chi đang cố vẽ, đang cố tô mầu cho thật đậm mối tình vô vọng, mối tình đơn phương, mối tình câm nín nhạt nhoà nước mắt của mình? Chi thật sự tin vào tình yêu kia? hay Chi vì sự kiêu hãnh, cố chấp mà tự đầy đoạ, tự chối bỏ, tự hành hạ mình? Chi còn đang cố níu và tự khoác cho mình mầu áo thiên thanh của một tình yêu lý tưởng? cả một mối tơ vò. Tôi thấy mệt, lòng buồn sũng, đứng dậy kéo tay Chi:

"Thôi! hãy cho tình yêu của mày đi ngủ đi, tao cũng cần cho cặp mắt nghỉ ngơi rồi".

Nói xong tôi bước lại phía giường, kệ cho Chi ngồi lại một mình bên chiếc bàn con lung linh ngọn nến nhỏ lạc loài hoang vắng.....

Thật ra tôi sợ, phải! tôi sợ mình không đủ bình tĩnh để tiếp tục nghe nhũng lời nói dối lòng của Chi nữa. Tôi đã nghe những câu nói này của Chi mấy chục năm nay, đã nghe ngàn ngàn lần, và lần nào nghe xong tôi cũng không nỡ làm tan đi cái bóng bẩy của những lời nói tự lừa dối mình của Chi, để rồi sau đó tôi lại âm thầm tự trách mình. Tự nhủ lần này phải thu hết cam đảm mà nói với Chi một lần ... Nhưng hôm nay đây, nhìn bạn mình xơ xác, tấm thân nhỏ bé đã mệt nhoài, tôi một lần nữa cố gắng giữ lại những gì muốn nói, còn gì buồn hơn, còn gì xót xa hơn!

Hạnh phúc ơi! hạnh phúc là gì? nếu hạnh phúc có thể mua được xin hãy cho tôi biết, cho dù giá có mắc, cho dù có khó cách mấy tôi hứa cũng sẽ cố gắng mua một ít làm quà cho cô bạn thân thương của tôi!.

Tôi tự hứa nhất định lần này về Mỹ sẽ tính sổ một lần với người đàn ông đã làm hoang vắng cả một kiếp sống của người bạn tôi thương yêu. Lời hứa này tôi đã tự hứa bao lần? lời hứa này rồi sẽ nhạt nhoà theo năm tháng? Có không?  Bởi lẽ tôi làm gì có quyền chỉ trích, phê phán tình yêu của người đàn ông mà bạn tôi cả một đời đã dấu ái nâng niu, chau chuốt!

Có lẽ vô tình tôi đã thở dài, nhìn bóng Chi nhè nhẹ nằm xuống bên cạnh, khẽ đưa tay nắm tay tôi, Chi thì thào:

"Đừng buồn, đừng lo cho tao đồng đen ơi, khóc với mày một chút cho tỉnh thế thôi. Mày mới về mà tao đã làm mày buồn mày lo, thôi bỏ qua đi, tao đã lên một chương trình rất hấp dẫn cho mày, yên trí hai đứa mình sẽ có những trận cười no bụng khỏi cần ăn.      

Tôi xoay người, đặt tay lên vai Chi:

"Tao muốn mày làm thủ tục qua Mỹ chơi với tao ít ngày"

"Tao đã đoán trước cả dự tính này của mày rồi, ừ ! tao sẽ sang Mỹ, nhưng này, mày có biết tao sắp cho xuất bản tập thơ gối đầu của tao không?"

Tôi ngồi nhỏm dậy.

"Đã nói mà, khi tao đồng ý bắt đầu cho đăng những bài thơ mà tao đã làm ngay từ những ngày còn bé, tao đã được rất nhiều người ái mộ, trong đám ái mộ đó có người nhất định trả bản quyền để xin đăng hết những bài thơ ấy ..."

Giọng Chi chợt đanh lại:

"Khi bằng lòng cho đăng những bài thơ tao nghĩ chỉ dành riêng cho anh Khải, tao đã oằn oại trong niềm thống khổ đắng cay, tao đã tan rã trong những cơn đau, những cô đơn của đời mình ... Hơn ba trăm bài thơ là tất cả tâm tư, nỗi niềm của tao, nay cho giải bày trên giấy trắng mực đen, đắng cay đến thế là hết!  Một khi thơ đã trình làng thì thơ ấy không còn dành riêng cho anh Khải nữa, mày hãy yên trí nha nhỏ."... ráng nhắm mắt ngủ cho ngon giấc nồng để ngày mai có sức mà chạy đua với chương trình đặc biệt tao danh riêng cho mày.

Tôi cũng chẳng ngờ mình ngủ yên như thế, giật mình thức giấc vì đâu đây có tiếng chim hót. Chim đang nhỏ to chuyện trò hay chim đang nức nở tỏ tình với nhau ...Lắng nghe tiếng hót lúc nhỏ lúc to, lúc rất véo von nỉ non, lúc rất vui tươi nhí nhảnh, yêu chi lạ những tiếng chim hót này. Mở mắt ngắm nhìn những tia nắng nho nhỏ, lung linh đang cố len lỏi vào phòng.  Những tia nắng ấm nhẩy múa reo vui chào đón tôi, hình như chúng như đang muốn tặng riêng tôi một ngày thanh bình, một ngày bình an. Tôi mĩm cười trong hạnh phúc giản dị, đơn sơ. Không gian lắng đọng, không gian như ngừng trôi, không gian này chỉ của riêng tôi.

Bước ra ngoài cửa, ánh nắng vàng vung vẩy khắp nơi. Trời hôm nay thật trong, bầu trời xanh nhạt êm ả, những làn gió nhẹ đang ve vãn trên những khóm lá xanh trong vườn tạo nên một điệu nhạc thanh thản, êm dịu ... Đâu đó những áng mây trắng nho nhỏ, lững lờ, nhè nhẹ bay bay ... mây ơi, mây hỡi ... mây bay về đâu ... mây có thể cho ta gửi gấm đôi chút nỗi niềm riêng chăng?

Susan Nguyễn Trần
January, 2009

Trích trong tuyển tập: "Những mối tình của bạn tôi"

Cùng Tác Giả / Đề Tài