
Vừa giật mình thức dậy, Tân biết ngay là mình đã trễ giờ làm. Theo thói quen Tân đưa mắt nhìn đồng hồ trên tường phòng ngủ, vẫn là 3 giờ. Lúc nào nó cũng chỉ 3 giờ từ mấy tháng nay rồi. Lý do giản dị là nó bị hết pin, mà Tân lười chưa thay, lúc siêng thì đi chợ lại quên mua pin. Cho nên thời gian cứ trôi mà đồng hồ của Tân cứ đứng lại tại chổ. Nhưng Tân cũng không cần nó lắm, bởi vì hai vợ chồng Tân có thói quen dậy sớm, rất chủ động trong vấn đề thời gian, ngoài ra vẫn còn một cái đồng hồ ở phòng khách hiện vẫn đang chạy, mặc dù thỉnh thoảng bạn bè tới nhà chơi vẫn phàn nàn về cái đồng hồ này khi thì chạy nhanh 10 phút, khi thì chạy chậm tới 15 phút.
Sở dĩ sáng hôm nay Tân dậy trễ là vì tối hôm qua Giao Thừa Tết ta. Hai vợ chồng đều thức khuya đón Tết ở chùa Vạn Hạnh. Chẳng phải Phật tử thuần thành gì đâu, ngày thường cho ăn kẹo Tân cũng không mò mặt lên chùa, nhưng cứ hể 30 Tết là Tân lôi vợ tới ngôi chùa duy nhất của thành phố Raleigh này vừa để xin lộc đầu năm, vừa để tìm lại cái không khí Tết Việt Nam rất hiếm hoi nơi xứ lạ quê người.
Tại đây Tân để cho vợ mình lo hết các khâu cúng vái, xin lộc...v..v Tân chỉ ngồi trên ghế đá ngoài sân chùa, hút thuốc liên tục và đắm mình vào những kỷ niệm xa xưa của những ngày Tết ở quê nhà. Trong bộ óc thông minh nhưng mệt mỏi của Tân, những hình ảnh của quá khứ vùn vụt hiện về: Có cái Tết khi Tân còn bé lẻo đẻo theo mẹ đi chùa, tay cầm cành lộc biếc, tay kia níu chặt vào tà áo dài của mẹ, mắt nhắm tịt vì sợ tiếng pháo. Có cái Tết nơi tiền đồn trên cao nguyên, nhớ nhà kinh khủng nhưng không có thì giờ để buồn, phần vì bị pháo kích liên tục, phần vì những tiếng rên la của lính bị thương chưa tản thương kip. Có cái Tết hò hẹn trong hồi hộp và thích thú với Dung, người bây giờ là vợ Tân, bởi vì hồi ấy Dung còn nhỏ lắm, nhỏ hơn Tân tới mười tuổi và chưa đủ lớn để được cấp thẻ căn cước. Phải dẻo mồm lắm Tân mới xin được phép đưa nàng đi dạo phố. Ra đến sân rồi mà mẹ của Dung vẩn còn cố nhắc Tân phải dẩn con gái mình về trước 10 giờ đêm, cứ như thể bà cụ nghĩ rằng trước 10 giờ đêm thì con người ta không thể có bầu được... Đêm ba mươi, 2 đứa dắt tay nhau đi lang thang trên đường phố Sàigòn thân yêu, chẳng ai nói với ai một lời nào, vì còn bận lắng nghe tiếng trời đất chuyển mình hay vì sợ tiếng lòng mình sẽ nghẹn lại trong đêm trừ tịch...Rồi những cái Tết thê thảm trong trại cải tạo, miếng thịt vịt bằng hai ngón tay trại phát làm bừng lên sức sống tù nhân và khiến họ tạm quên đi ngày trở về mù mịt thẳm, chỉ còn lại quay quắt nổi nhớ người thân, cha mẹ, vợ chồng con cái... ôi biết bao giờ mới được xum vầy???
Sau lễ giao thừa, vì máu nghệ sĩ, hai vợ chồng còn ở lại xem chương trình văn nghệ tự biên tự diễn do gia đình Phật tử tổ chức, các giọng hát cũng không hay gì nhưng cái chính là buổi diễn đã đem lại hồn Xuân đến với những người tha hương... Cho nên khi hết văn nghệ, về đến nhà thì đã quá khuya, và việc Tân ngủ quên là như vậy.
Tung người ra khỏi giường, Tân chạy vội vào phòng tắm, nhưng Tân không tắm. Phần vì trễ giờ, phần vì cái thói quen mổi ngày tắm một lần từ thời trai trẻ đã mất đi theo tuổi gìa của Tân, bây giờ cứ phải hai ba ngày Tân mới tắm một lần, mặc cho vợ cự nự miết. Tân chỉ đánh răng rửa mặt qua loa rồi cầm chìa khóa xe lao ra khỏi nhà. Dung đã đi làm từ sáng sớm, để lại mẩu giấy trên bàn dặn dò về cách thức hâm bữa ăn sáng trong tủ lạnh. Những mẩu giấy mà chẵng bao giờ Tân buồn để mắt tới bởi vì tánh Tân không thích ăn đồ ăn dư, hoặc là nhịn hoặc là ăn thức ăn mới nấu, mà Dung thì tiếc của, không bao giờ chịu đổ thức ăn dư, cái tủ lạnh cứ đầy ắp những món ăn thừa ngày này qua ngày khác.
Ngoài đường phố khung cảnh vẫn một ngày như mọi ngày... nhà cửa đóng kín mít, xe cộ chạy vùn vụt trên đường, xe cứu thương hoặc xe cảnh sát hú còi ầm ỉ, thỉnh thoảng lại thấy vài anh Mễ đang cúi gầm mặt lui cui thổi lá dọc bên đường... Mùng một Tết đây sao? Hay mùng một Tết chỉ có trong những tấm lòng khắc khoải, nhớ nhung của những người xa xứ như Tân? Đâu rồi cái nắng Tết hanh vàng làm nao lòng nhân thế? Đâu rồi những lời chúc tụng râm ran trong tiếng pháo đì đùng xa xa? Đâu rồi bữa cỗ trưa mùng một với "thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh"? Vĩnh viễn mất đi rồi, không còn nữa đâu... Ở đây bây giờ chỉ có khuôn mặt khó chịu của thằng Mỹ trắng manager sẽ càng khó chịu hơn khi biết Tân đi trễ, chỉ có những bộ mặt hả hê của những tay đồng nghiệp làm chung với Tân. Tụi nó sẽ sung sướng lắm, bởi vì cái nghề chạy deliver pizza càng ít người đi làm càng tốt. Cứ nghỉ bịnh ở nhà nhiều đi, cứ đi trể nhiều đi, mấy tay còn lại càng chạy được nhiều chuyến... Tân cay đắng nghĩ thầm: Có lẽ đây là một trong những nghề thiếu tình thân ái nhất của nước Mỹ. Ngay chính Tân cũng vậy, cái hôm nghe manager báo tin thằng Hernandez trên đường đi giao bánh bị xe tải đụng chết, suýt chút nữa thì Tân reo lên rồi, nhưng may quá Tân kềm lại được và nhanh chóng chuyển qua bộ mặt sầu thảm cho phù hợp với bầu không khí lúc đó...
Cũng đã có đôi lần Tân chán nản muốn nghỉ việc. Nhưng hoàn cảnh của Tân không cho phép. Từ Việt Nam qua theo diện H.O. Tân mang theo trong mình vết thương của cuộc chiến tranh. Cái gót chân trái sau lần trúng miểng đạn pháo trở nên huyền bí: Khi thì không đau gì cả, có thể chạy qua nhà Trí- Hóa đánh bóng bàn được, khi thì phải đi khập khễnh mà vẩn đau buốt lên tới óc. Qua đây bao nhiêu bác sĩ Mỹ bu lại chẩn đóan, kêu cả các bác sĩ lừng danh của bệnh viện Duke tới, mà cũng không chữa khỏi, cuối cùng chính phủ phải cho Tân ở nhà ăn disability. Mà tiền disability sao đủ sống? cho nên Tân phải đi làm thêm ở tiệm pizza Hut, tại đây họ trả cho Tân phân nữa tiền mặt, phân nữa check, như vậy Tân vừa có thêm thu nhập, vừa không sợ bị cúp tiền disability. Cho nên dù công việc có cay đắng đến đâu Tân vẩn phải bám lấy nó để còn trả nợ áo cơm, nuôi con ăn học. Các bạn bè thân thiết của Tân cũng xúm lại an ủi, nhưng lời an ủi lại quá lời chửi. Tụi nó nói: "Mày là nhất rồi! Những người qua từ 75 học mù mắt mới lấy được Ph.D, mày qua sau trâu chậm uống nước đục mà mày vẩn Ph.D có thua ai đâu?". Ph.D ở đây là ý tụi nó muốn nói Pizza Hut Delivery đấy! Thế có đau không?
Vào đến sở làm, liếc mắt lên bảng phân công "chạy tài", Tân thấy ngay hậu quả của việc đi trể của mình: còn 4 "tài" nữa mới tới phiên Tân. Mà hôm nay lại là thứ hai, ngày ế ẩm nhất của món pizza trên toàn nước Mỹ. Số thương vụ của ngày thứ hai luôn luôn chỉ bằng phân nữa các ngày khác. Cứ cái tình hình này thì phải cả giờ đồng hồ nữa Tân mới có hy vọng "lên tài" và kiếm được những đồng tiền tip đầu tiên trong ngày. Trong khi chờ đợi Tân vẩn phải làm những công việc lặt vặt trong nhà bếp: lau chùi các kệ để bánh, xếp hộp giấy đựng bánh thành từng chồng...Hai tay Tân thoăn thoắt làm những thao tác quen thuộc và máy móc này, trong lúc đầu óc Tân một lần nữa lại trở về với hình ảnh của những ngày xuân quá khứ: Tân nhớ ngày mùng một tết năm nào cùng ngồi xích lô với Dung, ôm theo chậu quất nặng trỉu quả về tận Thủ Đức để biếu mẹ vợ. Bà cụ không thích Đào, không thích Mai, chỉ mê quất, mà chậu quất hôm ấy đáng đồng tiền bát gạo, bà cụ cứ xuýt xoa mãi, mấy năm sau vẩn còn nhắc. Rồi mùng một tết khác, khi ấy Tân đang chạy xe lam tuyến đường TP.HCM- Phú Lâm, ngày tết là ngày hốt bạc, hét giá bao nhiêu hành khách vẫn cứ ùn ùn leo lên. Nhưng mới chạy được mấy cuốc, máu văn nghệ trong người Tân chợt bốc lên, Tân quay đầu xe về, kêu Dung bắt con gà đem luộc, vợ chồng con cái ngồi ăn.Giữa bữa ăn, Tân rót cho Dung một ly rượu nhỏ và nhớ về nhà thơ Nguyễn Duy:
Dung đang xót xa trong lòng vì tiếc số tiền nhẽ ra sẻ có được nếu Tân đi làm, nhưng chiều chồng Dung vẩn hân hoan, mắt ngời lên đón nhận ly rượu:
Rồi Tân cũng nhớ về ngày mùng một tết khốn khổ nhất của đời Tân. Khi ấy gia đình Tân đang túng quẩn lắm, ngày ta ngày tết mà trong nhà cái bánh chưng cũng không có. Bố mẹ Tân xem chừng như cũng biết nên đánh tiếng mời cả gia đình Tân qua ăn tết chung cho vui, nhưng cũng vì máu "sĩ" nên Tân không đi. Có nồi cá kho còn dư hôm qua lấy ra cho hai đứa con ăn, còn Tân lùa đại chén cơm với nước dưa chua rồi bỏ lên võng nằm. Thương chồng, Dung âm thầm đội nón đi ra tủ thuốc lá đầu hẻm mua thiếu cho Tân 4 điếu Hoa Mai. Đang ghiền thuốc từ sáng tới giờ, Tân choàng dậy, hai vợ chồng nhìn nhau "môi cười mà lệ rưng rưng..."
Đang mơ màng, nổi trôi với những kỷ niệm chợt có tiếng ồm ồm của thằng manager:
Tân, đã tới phiên của mày rồi!
Nhìn cái order Tân thất vọng ngay. Đây là cái apartment khu Mỹ đen, nổi tiếng vì cho tip keo kiệt, thường thì một đồng, may lắm mới được hai, cũng có khi không có đồng nào. Nhưng cũng phải đi thôi, hên xui tới phiên ai người đó chịu.
Cầm hộp bánh, Tân hổn hển leo lên tầng lầu thứ ba, cái gót chân trái lại bắt đầu kiếm chuyện, nó hơi nhoi nhói, khiến Tân phải vừa đi vừa gượng cho đở đau. Tới nơi, bấm chuông mãi vẩn không có ma nào ra mở cửa. Chờ lâu quá, Tân bực định bỏ về nhưng lại tiếc tiền xăng nên Tân thử đạp vào cửa thêm mấy lần nữa thay vì bấm chuông. Quả nhiên có tiếng nói "hold on" và cánh cửa xịch mở ra. Một con Mỹ đen mập, bự, chắc vừa tắm xong, trên người nó chỉ quấn cái khăn tắm, một tay nó cầm đầu khăn tắm, tay kia đưa ra nhận hộp bánh, miệng hỏi "how much?" Tân chưa kịp trả lời thì bổng đâu từ trong nhà một con mèo phóng ra. Con Mỹ đen miệng la oai óai "oh my cat! Oh my cat!" và nó buông cái tay đang cầm đầu khăn để chụp vội lấy con mèo, cái khăn tắm tuột khỏi người nó và Tân thấy nguyên một núi thịt đồ sộ, đen thui hiển hiện ngay ra trước mắt mình...Chưa kịp hoàn hồn thì rầm một cái, cánh cửa đã đóng xập ngay trước mũi Tân. Thế là lại phải chờ, lần này chắc lâu đây vì phải chờ nó mặc quần áo. Đứng nhớ lại hình ảnh mình vừa thấy, Tân nổi gai ốc, đúng như câu vè mà có lần Tân đọc được trên net:
Mãi lâu sau con Mỹ đen mới xuất hiện để trả đúng số tiền ghi trên hộp bánh. Không một đồng tiền tip. Vừa bước lần xuống ba tầng cầu thang, Tân vừa tức nghẹn thở. Đồng thời một nổi cay đắng lan nhanh trong lòng Tân. Thì ra thân phận của kẻ thua trận là như thế này đây: Mới ngày nào cầm kiếm ở Vũ đình Trường, lúc quỳ xuống còn là Sinh viên Sĩ quan, lúc đứng lên đã là một tân sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cặp lon mới gắn lấp lánh trên vai áo...Thì ra thân phận của kẻ phải rời bỏ quê hương, sống phiêu bạt nơi xứ người xa lạ là như thế này đây...cũng may hai đứa con Tân đã hòa mình vào được với giòng chảy của nước Mỹ và tụi nó đều học giỏi. Thằng Vũ vừa được học bổng của một trường Y Khoa, em nó cũng được nhận vào trường Dược. Chưa bao giờ cái câu nói đùa "hy sinh đời bố, củng cố đời con" lại vận đúng vào trường hợp của Tân như vậy....
Nghĩ đến con, Tân thấy lòng mình cũng có phần nguôi ngoai, gió chiều thổi lá xao xác, đồng thời cũng thổi vào lòng Tân ít nhiều làm tâm hồn Tân dịu đi, và Tân lại nghĩ đến hôm nay là mùng một tết....Tối nay đây, khi về đến nhà, chắc thể nào Dung cũng đã bóc cái bánh chưng mua ở chợ An Châu, rồi khui hộp mứt để chờ Tân về cúng ông bà...Thằng Vũ, con Ty đều bận học ở xa không về được, nhà chỉ có hai vợ chồng, chắc Tân sẽ ghé chợ Mỹ xách chai rượu chát về hai vợ chồng cùng uống... Dung có thể chỉ uống một ít ,vừa đủ để ững hồng đôi má, nhưng tối nay chắc Tân sẽ uống nhiều. Tân muốn uống để cảm nhận hết cái hồn tết của đất mẹ Việt Nam vào trái tim luôn khắc khoải nhớ quê hương của mình, Tân muốn uống để cảm ơn cái xứ sở xa lạ mà vĩ đại này dù sao cũng đã dang tay đón nhận gia đình Tân trong cuộc hành trình tìm đến tự do, và cũng có thể Tân muốn uống nhiều để khi cơn say vừa đến, Tân sẽ nhìn sâu vào mắt vợ mình và tìm thấy sự đồng cãm hoàn toàn với thi sĩ Cao Thọai Châu khi ông viết: "Ta đâu có giận hờn chi cuộc sống, dù thật tình buồn lắm phải không em?...."
Vâng! Buồn lắm chứ. Một ngày mùng một Tết thật buồn./.
Dương Phú Lộc This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.