
Năm 2006 nghe lời dụ khị của Lung Hương tôi đến San Jose, cùng với một số bạn rong ruổi xuôi Nam Cali dự Đại Hội 3. Đi và về, cà kê cả tuần. Chúng tôi được dịp bù khú, cà khịa cho những chuyện trên trời, dưới đất với những trận cười đến lả người trong suốt chuyến đi. Vui đấy, nhưng Lung Hương, Đinh Văn Lê cảm thấy thiêu thiếu nên nhiều lần nhắc đến và lấy làm tiếc anh Ân không tham dự được chuyến đi chơi chung nầy.
Anh được mô tả như là một tay cà khịa vào bậc thượng thừa. Thiếu anh, những buổi đình đám chỉ vui phân nửa. Ham vui, mê bạn nên tôi rất muốn được gặp, được quen, nhưng phải chờ đến năm sau, 2007, tôi mới được gặp anh khi đến dự Đại Hội 4 tổ chức tại San Jose, CA. Quả tiếng đồn không sai, anh Ân có lối nói chuyện móc lò của người bán lưỡi câu chuyên nghiệp, nhưng nhờ sự khéo léo trời ban nên người bị chọc ghẹo chẳng những không buồn giận mà còn nghe vui và mến anh. Được anh em quí vì tính nghĩa hiệp và chơi với anh em rất chí tình, nhất là tài pha trò của anh. Thân hơn, anh và tôi hiệp nhau tha hồ khai thác đề tài Lung Hương để mua vui cho bạn bè trong những buổi họp mặt đình đám. Khổ nỗi! dù bị chọc ghẹo tới bến, nhưng cặp Lung Hương đâm ghiền. Mỗi lần động dao, khua thớt, tiệc lớn, tiệc nhỏ nào cũng cố lôi kéo, kèo nài cho bằng được sự có mặt của anh Ân và gọi qua tôi để được chúng tôi chọc ghẹo. Đặc biệt trong đêm Đại Hội 4, hứng tình khi được cô MC Bắc Kỳ không nho nhỏ, Trần Thị Sâm phỏng vấn, anh tới luôn, dù không có chuẩn bị trước nhưng quan khách tham dự đêm ấy được một dịp cười nghiêng ngả qua lối pha trò duyên dáng của anh. Tiếp xúc và thân với anh, tôi mới biết ẩn trong anh là một người nghệ sĩ đa tài, ngoài tài chọc nghẹo, viết văn anh còn có tài vẻ tranh. Anh đã đóng góp khá nhiều bài viết cho Đặc San 2007, 2008 cũng như thường xuyên viết bài cho Trang Nhà. Bên cạnh những bài viết móc lò, trào lộng anh còn viết những bài lên tiếng khá sâu sắc liên quan đến các sự kiện của Hội. Bài nào của anh cũng đã được nhiều người đọc. Cuối hè năm 2008, trong những ngày chuẩn bị Đại Hội 5, anh khám phá mình mắc chứng bịnh hiểm nghèo. Trong khi chống chọi với sự đau đớn của cơn bệnh và gần như tuyệt vọng, sức khoẻ kiệt dần nhưng với thái độ thật thanh thản anh đùa cợt ngay cả với cả sự khó khăn đang phải đối mặt. Phải chăng, anh cố làm giảm đi nỗi thê lương của lần gặp gỡ, thăm viếng mà cả anh, những người thân và bạn bè của anh, ai cũng đều biết chẳng còn bao ngày. Sau hơn bốn mươi năm chia cách, nhờ sự tháo vát, kiên nhẫn tìm kiếm, Tư Lung đã gom bi và tổ chức một tiệc ăn mừng cho sự trùng phùng của nhóm tứ hùng "Minh, Ân, Dự, Kế" tại nhà của mình ở San Jose vào đầu tháng 9, 2008. Những ngày gần đây, khi được nói chuyện với anh, nghe giọng nói càng ngày càng yếu nhưng những mẫu chuyện trao đổi với tôi cũng được anh trào lộng, pha trò. Anh nhắc nhớ rất nhiều người, bạn bè, Thầy, Cô, những người anh may mắn bắt gặp trong đời với sự thương mến... Viết những dòng nầy, vừa gác máy sau vài phút nói chuyện với anh, đọng lại ở tôi dư âm của những lời tâm tình được gởi lại bằng những lời đứt quãng từng chập… Cả anh, tôi không ai biết được, còn có lần nói chuyện kế tiếp hay không? (Trang Nhà-VTĐ)Một Góc Con Người
Một làn khí chạy dài từ thắt lưng xương sống lên đỉnh đầu, khi Nha sĩ chuyên chữa răng cho các ca ung thư cho biết: tất cả răng...răng sâu, mẻ và hư đều không thể để lại, phải lấy ra hết.
Thôi rồi! Trả giá từ 2 cái lên 4 cái để nhổ, nay người ta chơi xả láng, tố một cái, "all in" là lấy ra hết. Mẹ nó! Một lúc mà nhổ hết hơn 15 cái răng ( trừ 3 cái implants và một hàm có 6, 7 cái răng giả ) thì chết mẹ người ta rồi còn gì. Và sau đó cái mặt này sẽ ra sao đây?
Mà nhổ hết răng để làm gì? Dạ thưa để xạ trị vùng cổ, hàm. Nếu không lấy răng ra hết, xạ trị mất hết nước bọt bảo vệ, răng sẽ hư, xạ trị làm xương hàm tổn thương, chạy lên não và cuối cùng vẫn là cái chết.
Ở đời có những điều đáng suy ngẫm, có những cái ai cũng sợ, có những nơi ai cũng muốn không đến như nhà thương, nhà tù, tòa án, cảnh sát cuộc, nghĩa địa... chẳng ma nào thích chúng cả, nhưng chúng vẫn ngạo nghễ tồn tại. Cái ghế trồng răng cũng vậy, ai cũng ớn, nhưng lúc cần cũng phải cắn răng mà leo lên rồi há miệng. Đúng là cái ghế chó đẻ, ghế Tổng Thống hay ghế Thủ Tướng v.v. mọi người đều ham, chỉ có cái ghế trồng răng ai cũng sợ từ trẻ con cho tới người già, mọi giới trong xã hội ai cũng ớn nó...
Nha sĩ khám răng xong, còn chưa kịp ngậm miệng lại thì lại nghe phán tiếp: "Mai chụp hình, 3 ngày sau đến lấy ra". Trời ơi, răng người ta còn cứng chắc, mới ngày nào còn ăn bò beef steak tại nhà Tư Lung, không những ăn một miếng mà một miếng rưỡi vì anh Tạo chỉ ăn có nửa miếng. Răng xé nghiền beef steak như cối xay chứ đâu mềm như lợi bà già; nay họ nói lấy ra... Bộ dễ lấy như tiền trong túi vậy sao?
Lấy ra là lấy làm sao? Ba ngày sau lại đến....
Mẹ nó! Cái gì không chờ nó đến nhanh như chớp, chứ không phải như các cha ở tù cải tạo chờ ngày ra trại hay các mẹ giá chờ ngày tái giá, thấy ngày dài lê thê phát ớn. Đến phòng mổ, à thì ra nó chụp thuốc mê, nó mổ đem răng ra. Đây là giải phẫu hẳn hoi có ký tên, chết không thưa đàng hoàng, chứ không phải Nha Sĩ Thành nhà mình ở Nam Cali lấy kềm bóp họng người ta nhổ ra từng cái.
Thực đúng chỉ mất 45 phút, từ một người đàn ông khoẻ mạnh còn ăn nhậu chửi thề rần rần, mình trở thành ông già trên 80 mặt mày buồn thiu, suôi sị...Cuộc đời lại một lần nữa đổi ngôi, ra đường với vợ, người ta tưởng là hai cha con mới chết chứ!
Mày thấy chưa: bệnh Ung Thư, bệnh Heart Attack chưa làm mày chết...Nhưng cái mặt mày, dáng đi, cái u sầu và lâu rồi mày không còn được nhậu và đùa rỡn với bạn bè, mày buồn rồi mày cũng chết.
Nhưng đời đâu có dễ; sau khi nướu răng lành mạnh, cắn thử một miếng chả lụa bằng cái hàm không răng, cắn xong buồn chảy nước mắt, miếng chả lụa mỏng te còn y nguyên, nó trân mình chịu đựng mấy cái nướu răng nghiền không đứt; tới miếng chả lụa mỏng te còn khinh rẻ được mình thì thôi rồi cuộc đời! Trong và sau thời gian xạ trị, da cổ bị phỏng cháy đen, tóc rụng, lưỡi, nướu, vòm họng bị phỏng, nước bọt bị mất. Họng lúc nào cũng khô khốc, khạc ra đàm nhớt đằy máu, mùi vị bị mất và đảo lộn, các bắp thịt dây thanh quản bị tổn thương, đau đớn, ăn uống không được nói không ra hơi. Chúa thử thách mình, tại sao không cho mình chết. Vợ và con cái suốt ngày cầu nguyện an ủi, mình tự nhủ: chúa chưa cho chết thì còn phải sống để gánh thánh giá.
Ngày trước lúc không vừa lòng con vợ, mà Minh Dư Kế nó hay nói là "con ở đời", mình tuyên bố với bả, tôi sống để vác thánh giá, chính là bà đó. Bây giờ tôi buồn vì câu nói đó, lúc nào cũng muốn đi chơi, đi nhậu, tự do mọi thứ, mà thằng đàn ông nào có vợ cũng muốn, bà ngăn bớt thì mình cho là thánh giá làm nặng cuộc đời mình. Tội nghiệp bà cũng muốn bỏ bớt xiềng xích cho tôi để bay nhảy tự do. Nay tôi thấy bà vác thánh giá mà thánh giá đó lại là tôi. Bà buồn vì số phận có chồng mà chồng đang mang án tử hình, ngày đêm đau đớn; lúc nào cũng thấy bà hát, không phải nhạc tình đâu, mà là nhạc đạo trong Thánh Kinh để cầu cho thánh giá này nhẹ bớt đi....
Lúc đau bệnh mới thấy tình đời, trước đây mạnh khoẻ Vương Thế Đức từ Canada điện thoại tới nói chuyện, cả nhà đã ngủ được mấy giấc, mà điện thoại cũng chưa xong, đủ mọi chuyện vui buồn trên đời; nó bắt mình nghe nó nói, mình thích nói hơn nghe; nay nó cũng gọi đến, hỏi thử coi đã chết chưa, nghe giọng trả lời không ra hơi, nó ra điều sung sướng "...à ra anh chưa chết. Thôi tốt rồi! em nhớ anh, giờ đây anh muốn nói gì thì nói, bao lâu cũng được em nghe"; nó biết mình nói không được, thì kêu mình nói, lại chọc tức mình, bạn tốt đấy chứ?
Lâu lắm rồi Tư Lung không hỏi thăm, đang buồn nghe gọi đến cũng hỏi sống hay chết, nếu muốn đi chơi nó đến chở đi, không muốn đi thì cũng phải ráng; rồi Lung đem xe chở "thầy Sáu" Đinh Văn Lê sang rước. Gặp nhau Lê nói Tư Lung điện thoại chở em qua gặp anh, anh đang hấp hối; vợ em nghe được, bả bảo chờ bả thay đồ qua gặp anh lần cuối. Giờ đây ai trong chúng ta, cũng có ít ra một vài đứa cháu, vậy mà người ta trong lúc thập tử nhất sanh, tụi nó vẫn vui vẻ, coi như ngày nào cũng là ngày hội, gặp nhau là rỡn cợt như hồi còn nhỏ tại Trường Bảo Lộc. Tôi nói: "Tao chưa dám chết, sợ tụi bay đang lúc thất nghiệp, mà phải xuất tiền phúng điếu thì gia đình chúng mày thêm phần khó khăn."
Tư Lung là dân biết làm ăn, kinh tế đang xuống vậy mà cũng mua thêm một căn nhà cũ ở Downtown. Xe tới, nó kêu vội coi nhà đang sửa, té ra không phải đưa người bệnh đi chơi, mà nhờ đóng góp vài ý kiến; lúc nào nó cũng tận dụng cơ hội dù người ta sắp chết cũng vậy, hay là nó nghĩ là người sắp chết, phản ảnh hồi quang sẽ sáng suốt hơn người còn đang ngụp lặn trong cuộc sống.
Mình khen Tư Lung làm ăn tính toán giỏi, mới làm Phó Chủ Tịch hội Nông Lâm Súc và tổ chức Đại Hội được 2 lần mà đã có của dư của để mà "down" nhà thì quả là tay kiệt suất, thành tích này phải được nêu làm gương cho hội viên học tập xuyên suốt.
Tư Lung nói: "Tao no rồi, chắc phải nhường chức cho người khác lên thay. Thôi Ân mày ra ứng cử đi, tao hô hào anh em ủng hộ."
Tôi dứt khoát từ chối vì muốn ăn, dù ăn cơm hay ăn tiền, cũng phải có răng, mà nay răng nhổ hết rồi, lấy răng đâu ra mà ăn, mà còn đòi ra tranh cử. Tôi nói với nó, từ nay mà mày mời tao đi ăn tao sẽ chưởi. Nó cười nó nói: " Mời mày tao sẽ mời vì mày đóng góp mà không ăn được, phần đó tao ăn.. Sướng chưa!"
Có bệnh rồi mới biết, không ngày nào mà sự đau đớn, hành hạ không đến, có những buổi chiều buồn, nhìn qua cửa sổ xem hoàng hôn xuống; lúc đó viên thuốc giảm đau làm người tỉnh táo dễ chịu, tôi cảm nhận một điều là ở trên đời, dù làm gì, ở đâu mà con người có thân thể lành mạnh là hạnh phúc lắm rồi; lúc này tôi không còn nghĩ tới tiền bạc, danh vọng gì nữa, vì còn được bao lâu, đâu ai biết tôi chỉ duy nhất ước vọng một điều: hôm nay sau khi uống thuốc mình được giảm đau dần trở thành một người bình thường được ngồi nhìn hoàng hôn cuộc đời mình là đủ lắm rồi.
Tôi cũng biết rằng, vợ con tôi còn đau đớn bội phần khi chứng kiến tôi hàng ngày; họ nghĩ rằng tại sao điều này lại xẩy ra cho người thân yêu của họ, tội tình gì? Tôi cũng như mọi người, ai cũng tin có số mệnh nhưng đều không biết ngày mai sẽ ra sao? Và sau khi chết đi sẽ đi về đâu? Hôm nay còn sống, còn lành mạnh thì cứ vui lên mà hưởng, dễ dàng như khi ta ưỡn ngực hít mạnh đưa không khí vào phổi.
Sau khi lấy hết răng ra, lại thêm cái vụ này mới khổ: nhìn bà xã ăn cái gì cũng thèm, thèm đến nỗi ước gì lúc này tay cầm bát cơm nóng gắp một gắp rau muống luộc, chấm nước mắm bỏ vào miệng nhai một phát là đã lắm rồi, trời ơi! được nhai cái gì cũng được, ngoại trừ bù lon, con tán, được hưởng cái hương vị nóng ấm của hột cơm, cái mềm của rau, cái mặn cay của nước mắm ớt là dãi nước miếng ra rồi, nhưng nước miếng đâu mà chảy!
Một thay đổi lớn cũng từ bệnh hết răng không nhai mà ra là tôi thích xem nấu nướng trên truyền hình, xem không chán và hay tự tay nướng cho cả nhà ăn, ngoại trừ tôi, thích nướng thịt và bày biện thức ăn cho người khác ăn, để mình ngồi xem thưởng thức.
Sáu Dự từ Santa Ana lên thăm, tôi vui đến nỗi quên không uống thuốc giảm đau mà vẫn thấy mình khoẻ mạnh bình thường; bày thức ăn Sáu Dự ăn nhậu cùng người anh ruột của tôi. Khi về tới nhà tôi hỏi nó có ăn ngon không, nó nói tao vui vì mày mạnh khoẻ, nhưng thịt mày nướng còn quá sống ..
Sau khi Sáu Dự về Nam Cali tôi lại eo xèo trở lại, nằm lê lết mất mấy ngày. Ôi cái tình cảm làm tinh thần, thể xác người ta trở nên mạnh mẽ thật không ngờ!
Giờ đây, nếu được trở thành một người bình thường là sướng lắm rồi, không muốn một điều gì khác. Nhưng biết đâu khi trở thành một người bình thường, tôi lại muốn nhiều thứ khác nữa? Nhưng điều này sẽ không xẩy ra, chắc chắn là thế. Các bạn ơi! hãy hưởng cuộc đời đi, từng giây từng phút và ngay từ bây giờ. Thời gian còn lại quá ngắn!
Tôi thật bình thản ngồi viết những giòng chữ chân tình này và đã hiểu rõ tận tường câu: "Sống hữu hạn, Tử vô kỳ!".
Nhạc phẩm "Hát cho một người nằm xuống", giọng ca Bằng Kim