Với đôi mắt tinh đời có thể nhìn xiên mà thấy thẳng, anh Dương Phú Lộc nhận xét anh Bang qua bài viết "Đầu Xuân Đi Xem Người Hay Xem Hoa", vừa ngắn, vừa gọn nhưng thật đầy đủ như sau: "Anh Lê Đình Bang, tục gọi là Bang Già, chắc chắn coi còn trẻ hơn hồi ở trên trường gấp nhiều lần. Anh ít nói, khuôn mặt toát lên nét nhẫn nại, hiền lành. Nhìn mặt anh khó có thể tưởng tượng được trên cõi đời này, có một ai nỡ lòng nào tấn công anh, tất nhiên trừ hai người: một có thể là bà xã anh, hai là một người khác, cũng dân NLSBL, nhưng không tiện nói tên."
Tôi đi học kiểm sự và tấm ảnh ngày xưa
Đó là một đoạn nhạc trong ca khúc "tấm ảnh ngày xưa", có lẽ nó đươc sáng tác từ lâu lắm. Khi còn nhỏ tôi đã nghe các bậc đàn anh hát nghêu ngao. Nay chợt nghe lại bài hát do Trường Vũ trình bày, tôi nhớ lại những ngày đi học ở Cần Thơ cùng với một mối tình nho nhỏ.
Sau khi tốt nghiệp tú tài hai kỹ thuật ngành Nông Lâm Súc, một văn bằng có giá trị tương đương với văn bằng phổ thông, chúng tôi đứng trước ngưỡng cửa đại học với nhiều chọn lựa. Hoặc thi vào các đại học như y khoa, dược khoa để trở thành bác sĩ, dược sĩ; thi vào Phú Thọ để học trở thành kỹ sư; lười thi cử có thể ghi danh vào luật khoa, văn khoa hay khoa học; hoặc tiếp tục đeo đuổi ngành NLS xin thi vào Đại học NLS ở Sai Gòn hoặc Cần Thơ.
Nhưng có một thua thiệt chúng tôi phải gánh chịu là chương trình dạy ở trung học quá nặng về kỹ thuật, nên chúng tôi rất yếu về toán, lý, hóa. Do đó không thế cạnh tranh với những học sinh phổ thông khi thi vào đại học, ngoài ra còn có một số học sinh phổ thông ghi danh vào đại học khoa học học các lớp MPC hay SPCN (toán,lý hóa và sinh học) làm vốn liếng chuẩn bị cho các kỳ thi tuyển vào đại học.
Tâp tểnh người đi, tớ cũng đi, cũng lều cũng chõng cũng đi thi. Và khi thi vào đại học NLS không cần coi kết quả, tôi cũng đã biết mình đậu cành mềm, vì khi cầm đề toán, tôi không có một ý niệm phải giải như thế nào? Không còn chọn lựa nào khác ngoài đi học kiểm sự hoặc sư phạm NLS.
Năm đó Nha học vụ NLS mở hai lớp kiểm sự ở Cần Thơ: túc mễ và cây ăn trái, tôi cùng VDA đã chọn ngành kiểm sự cây ăn trái. Chuyến xe đò lục tỉnh rong ruổi trên quốc lộ 4 hướng về miền Tây, tôi vốn sinh trưởng ở cao nguyên, nên khi ngồi trên chuyến xe về Tây đô, nhìn phong cảnh của đồng bằng, sông nước mênh mông, đồng lúa xanh rờn, xa xa đàn cò trắng bay lượn thấy rất lạ mắt, đặc biệt xe băng qua rất nhiều cây cầu, tôi bảo VDA thử đếm xem có bao nhiêu cây cầu. Một, hai, ba... chuyến xe êm êm đã biến chúng tôi thành nghị gật, gật qua gật lại đồng ý, quên mất cả có bao nhiêu cây cầu. Xe chạy chậm lại, nối đuôi nhau xếp thành hàng dài, vậy là chúng tôi đã đến Bắc Mỹ Thuận. Trước đây mỗi khi về Sài Gòn, tôi thường ghé thắm cậu của tôi ở Thủ Thiêm nên việc qua sông bằng phà cũng không có gì lạ lắm, nhưng ở Mỹ Thuận phà rất lớn chở được nhiều chiếc xe qua sông. Trên phà ngoài những hành khách hối hả, còn người buôn bán, ăn xin tạo ra một quang cảnh náo nhiệt. Một em bé mời tôi mua kẹo đậu phọng, thấy rẻ, tôi mua vài phong để khi đến nhà trọ biếu các đứa cháu của bà chủ nhà.
Sau khi qua cái phà thứ hai: Bắc Cần Thơ, chúng tôi đi xe lôi để vào thành phố. Chiếc xe lôi đưa chúng tôi qua cầu Đúc rẻ phải ở đường Phan Thanh Giản ngưng trước con hẽm mang tên Vú Sữa. Tôi cùng thằng bạn hỏi thăm nhà bà chủ trọ, vốn là một người bà con đại bác với tôi. Sau khi chào hỏi, tôi mang mấy phong kẹo đậu phọng ra biếu mấy đứa cháu của bà chủ nhà, trời đất thiên địa ơi, mấy phong kẹo tôi mua chỉ có lớp mặt, các tầng phía dưới chỉ có đậu rải chung quanh mà thôi, nếu nhìn vào không ai nghỉ là kẹo dỏm. Cũng từ bài học đó, cho nên những lần qua lại về sau tôi không mua một thứ gì trên bắc nửa.
Nhà trọ chúng tôi ở cách trường trung học NLS Cần Thơ vào khoảng ba cây số, nên mỗi ngày chúng tôi phải dùng xe lam để đi tới trường. Để đảm bảo có tiền đi xe lam, chúng tôi phải gửi tiền trọ cũng như tiền đi xe lam trước cho bà chủ, mổi ngày chỉ lấy tiền đủ đi xe lam mà thôi.
Khác với trường NLS Bảo Lộc, học sinh gồm nội trú và ngoại trú, ở đây đa số là học sinh địa phương, hoặc những thành phố lân cận tất cả đều ở ngoại trú, trường nhỏ hơn Bảo Lộc rất nhiều. Tuy học tại một trường trung học, nhưng chúng tôi đều được cấp thẻ sinh viên, để lòe thiên hạ, ngoài bìa sách vở hay thư từ chúng tôi luôn luôn viết tắt hai chữ kiểm sự bằng KS trông giống như đang học kỹ sư.
Chương trình học gồm hai phần: sáu tháng đầu học phần lý thuyết với thầy Nguyễn Hoàng Sơn, hiệu trưởng trường NLS Cần Thơ, tốt nghiệp kỹ sư Cây ăn trái ở Hoa Kỳ, thầy Nguyễn Phi Long mà chúng tôi gán cho cái tên Long mulungu. (Do lúc dạy thầy hay dùng tên của địa phương này trong bài học); sáu tháng còn lại, chúng tôi được gửi đi thực tập ở Nha Khảo Cứu Nông Nghiệp, và các ty Nông Nghiệp Vĩnh Long, Bình Dương.
Mỗi ngày đi học phải di chuyển bằng xe lam vừa bất tiện, vừa tốn kém, nên tôi và VDA tìm nhà ở lộ 19 ở trọ để đi học cho gần. Vì chương trình học chuyên về cây ăn trái nên cũng không có gì nặng nề lắm. Vào mỗi buổi tối sau khi học xong bài vở, chúng tôi thường thả dê lang thang ở các nhà trọ lân cận, tìm những nàng thiếu nữ trạc tuổi chúng tôi hay lớn hơn chút đỉnh để tán tỉnh. Đối tượng của chúng tôi là những nàng thư ký hay dân chính phục vụ trong các đơn vị quân đội thường thuê nhà trọ để tiện việc đi làm và thường các nàng ấy dễ tiếp cận và có cuộc sống phóng khoáng hơn các nàng nữ sinh kín cổng cao tường. Tôi cùng với vài thằng bạn cùng học kiểm sự (cây ăn trái và túc mễ) thường ghé nhà Thu, một thư ký dân chính ở Liên Đoàn tiếp vận Cần Thơ. Thông thường mổi khi đi tán tỉnh như thế, tôi thường thụ động và ít nói vì mang mặc cảm, mình xấu trai, lại không có tài ăn nói, khi bị chọc quê thì mặt như gà đá, do đó hầu như tôi là chứng nhân của nhiều mối tình.
Thơi gian thấm thoát trôi đi, chúng tôi đã hoàn thành phần lý thuyết, chuẩn bị rời Cần Thơ để đi thực tập, vào hôm cuối trước khi từ giả trường ,chúng tôi ghé lại từ giả Thu, người bạn gái mà tất cả chúng tôi đều cất công tán tỉnh, khi từ giã ra về, Thu nói riêng với tôi "anh Bang ở lại em nói cái này", tôi nán lại, nàng lấy ra một bức hình của nàng ở mặt sau có giòng chữ: "tặng anh Bang tấm ảnh để làm kỷ niệm và nhớ người em gái Tây Đô". Tôi thức sự không tin vào mắt mình, bèn hỏi lại: "Thu tặng anh à". Nàng khe khẻ gật đầu. Tôi bàng hoàng vì sung sướng, ôi trời cao đất dày ơi, tôi thầm nhủ:" đúng là mèo mù vớ cá rán và bất chiến tự nhiên thành. Một cái gì nghèn nghèn chạy qua lồng ngực, tôi cầm lấy tay nàng và nói: "anh sẽ trở lại".
Sáu tháng thưc tập rồi cũng qua, tôi mong mỏi trở lại trường để gặp Thu. Chúng tôi đã có những ngày vui vẻ bên nhau, đi ăn uống xem phim...
Rời Cần Thơ tôi mang theo bóng hình của một người con gái, lần đầu tiên tôi được một người con gái để ý và yêu. Tốt nghiệp kiểm sự, tôi không còn hội đủ điều kiện để xin hoãn dịch nữa, tôi chờ ngày lên đường nhập ngũ. Rồi theo lệnh động viên, tôi theo khóa huấn luyện sinh viên sĩ quan trừ bị Thủ Đức khóa 4/70. Ra trường tôi được điều về Ban Mê Thuột, tôi và Thu vẫn gửi cho nhau những lá thư tình thắm thiết, năm sau tôi được điều về Sai Gòn. Trong một ngày cuối tuần, tôi dùng chiếc Honda để về Cần Thơ thăm nàng, không thể nói hết những xúc cảm và vui mừng khi tôi và Thu gặp lại nhau. Tôi ở lại nhà nàng một đêm, gia đình nàng đã đối xử với tôi thật nồng hậu, bà nội của nàng đã nói với tôi: "con Thu nó thương con, nếu con thật lòng thương em, nói ba má xuống đây nói chuyện, qua không đòi hỏi gì hết, miễn la hai con thương nhau". Tôi cũng dạ thưa cho phải phép, nhưng cũng không hứa hẹn gì rõ ràng.
Hôm sau tôi trở về Sai Gòn, vì quá thương tôi và không muốn xa tôi, nàng đã xin bà và mẹ để lên SG cùng tôi, mặc dù bà và mẹ nàng phản đối dữ dội, nhưng nàng cũng đã theo tôi về SG. Chúng tôi lại có thêm những ngày thật sự hạnh phúc khi ở bên nhau. Tôi đưa nàng đi dạo chơi SG, đi hóng gió ở Vũng Tàu. Những ngày bên nhau qua đi thật nhanh, tôi đưa nàng ra bến xe lục tỉnh để trờ về nhà, ngôi trên xe đò nàng khóc thật nhiều như linh cảm một sự chia tay vĩnh viễn.
Tôi không tiến xa hơn ngoài tình cảm của một người bạn gái, nên đã không thưa với gia đình như lời nhắn nhủ của bà nội nàng, có lẽ vì đời lính phiêu bạt, sự nghiệp chưa thành và nhất là nghĩ mình còn trẻ chưa muốn ràng buộc thê nhi. Thế rồi những lá thư cũng thưa dần, rồi bặt hẳn. Tôi không tìm hiều lý do, chỉ tự an ủi "có lẽ nàng đã gặp được một chàng sĩ quan nào đó làm chung đơn vị, nên không còn liên lạc với tôi", tôi nghĩ mọi cuộc đời đều có số, ngay cả đến giày dép còn có số và âu đó cũng là duyên số. Biết đâu được nàng đã kết duyên cùng với chàng sĩ quan và giờ này cũng sống đâu đó trên đất Mỹ.
Giọng ca Trường Vũ vẫn rả rích:
"Ngày xưa em đến chơi tặng tôi một tấm hình, ghi nhớ ngày chúng mình vừa quen nhau, năm tháng dài ngày sau xin nhớ mãi". Tôi tiếc rằng: sau những năm tháng chiến tranh, vật đổi sao dời, tôi đã không còn giữ được tấm hình của Thu. Nhưng giá lúc này tôi có bức ảnh trên tay để nhìn lại, tôi sẽ nhìn thấy ánh mắt như nửa hờn giận, nửa oán trách của nàng.
Lê Đình Bang York, September 8, 2008 Ghi chú: Những hình ảnh trên do anh Lê đình Bang gửi đến. 1, Hình đứng, chụp chung với các giai nhân, bạn học cũ cùng lớp NLS-BL. 2, Hình chụp ngồi với cô em gái học sau vài lớp (NLS-BL) 3,Tấm ảnh ngày xưa, chân dung cô em "bến nước cũ" 4, Chân dung của anh Bang bây giờ (tạm gọi là hiện nay) Và xin trân trọng thông báo: không có hình nào là hình của Bang Phu Nhân trong cái vụ "tấm ảnh ngày xưa". Anh Bang ơi! anh làm ơn coi lại cái vụ này dùm!