QUÁ GIANG
Phần Một
Từ khu nhà tôi ở, muốn ra tới đường lớn thì phải đi theo một con đường nhỏ, mỗi bên chỉ có một lằn đường, dài và cong queo. Hai bên là rừng cây, nhà cửa thưa thớt, chỉ có nai là hay băng qua đường loạn xạ.
Vậy thì chính trên con đường này một năm về trước tôi đã gặp hai người đi bộ. Đó là cặp vợ chồng già người Mỹ da trắng. Về tuổi tác thì nhìn mặt Mỹ tôi không thể đoán được, cũng như tôi không bao giờ có thể đoán được tuổi của chó mèo, gia súc, gia cầm...v...v. Tôi chỉ biết chắc được là cả hai đều đã già lắm rồi. Khi nghe tiếng xe tôi tới gần, cả hai đứng lại và dơ tay ra hiệu xin quá giang. Thông thường tôi chẵng khi nào cho người lạ quá giang, vì lý do an ninh, sợ cướp bóc... Nhưng trong trường hợp này, hai ông bà già coi bộ sắp sụm bà chè tới nơi rồi, cướp bóc gì nữa, cho nên tôi vui vẻ ngừng xe lại.
Sau khi yên vị trên xe, bà vợ mập mạp ngồi yên lặng thở phì phò, để mặc cho ông chồng gầy ốm của mình đảm trách phần ngọai giao. Ông này thì có vẻ nói nhiều mà lại nói nhanh nữa. Gặp tôi tiếng Anh ngọng trếu ngọng tráo, vễnh tai ra nghe thì cũng chỉ câu được câu không, đóan mò là chủ yếu. Đại khái tôi đóan ra thế này: Ông chồng về hưu đã lâu rồi, bà vợ ông thì mấy chục năm trước có đi làm nhưng sau bị bịnh gì đó về phổi cho nên nghỉ ở nhà. Cả hai đều không có tiền để dành, nguồn sống chủ yếu nhờ vào tiền trợ cấp hàng tháng của chính phủ. Có căn nhà nhỏ đã trả dứt nhưng không có khả năng làm chủ một cái xe và đóng tiền bảo hiểm cho nó. Hai ông bà đang trên đường đi ăn sáng và cũng là ăn trưa ở tiệm Hardee ngay ngã tư đầu tiên. (Thật là dễ chịu cho tôi bởi vì dù sao tôi cũng phải đi ngang qua cái ngã tư đó.)
Thế là từ đó, không gặp thì thôi, hể gặp là tôi tự động tấp xe vô lề cho họ quá giang. Về phần ông bà Mỹ này cũng vậy, hể ngoái cổ lại thấy xe tôi là họ mừng ra mặt, vội vã đứng lui vào trong lề, bàn tay ông chồng đưa ra từ xa để sẳn sàng mở cửa xe.
Qua mấy bận quá giang, tôi để ý thấy họ chỉ đi tới 2 chỗ: Một là tiệm bán thức ăn nhanh Hardee, hai là chợ thực phẩm Food Lion. Mà phần nhiều là Hardee. Có lần vui miệng tôi hỏi tại sao không thấy ăn ở chổ khác, ăn một chổ hoài không ngán sao thì được biết tiệm Hardee quen thuộc này là nơi gặp mặt của những người bạn già cùng chung nhà thờ với ông bà. Rồi tuy không hỏi nhưng tôi cũng được ông già mau miệng này cho biết thêm là họ có 2 người con trai đã lập gia đình ở xa, tụi nó giận vì ông không chịu đưa bà vô nhà dưỡng lão sống cho nên rất lâu rồi không về thăm, cũng không liên lạc qua điện thọai. Ông nói thêm, lần này tự nhiên giọng ông chậm hẳn lai: "Tại sao bà ấy phải vào nhà dưỡng lão? Tôi nghĩ rằng tôi vẫn còn khả năng chăm sóc tốt cho vợ tôi ở nhà. Ở nhà có hơi kém tiện nghi hơn trong ấy một chút, nhưng ít ra, mỗi buổi sáng thức dậy, nếu Chúa vẫn còn cho bà ấy thức dậy, chúng tôi còn nhìn thấy nhau, còn hơn là bà ấy cứ phải nhìn những khuôn mặt buồn bã và tuyệt vọng trong viện dưỡng lão..." Câu này tôi tin rằng ông ta nói rất thật, bởi vì qua kính chiếu hậu tôi thấy bàn tay đầy đặn nhưng xanh lè bịnh họan của bà đã từ hồi nào đang nằm yên trong bàn tay của ông chồng gầy gò nhưng sôi nổi.
Tất nhiên là tôi có thiện cảm với ông Mỹ này và chắc sẽ còn thiện cảm với ông ấy lâu lắm nếu một hôm tôi đừng bị đau răng.
Cái hôm ấy răng tôi bị đau quá đành phải mò ra nha sĩ, nằm há miệng ra cho đồng nghiệp của Ngô Hữu Thành ăn tiền. Trên đường về, chạy xe qua tiệm Hardee quen thuộc gần nhà, thấy đăng bảng bán sale: sausage and egg biscuit- 2 for 2 dollar. Lòng tham của tôi bỗng trổi dậy. Biết chắc là răng mình đang không ăn được, nhưng không mua thì uổng quá, 2 cái có 2 đồng hà, nhất định phải mua. Thế là tôi tấp xe vô. Vừa bước vào cửa, tôi thấy ngay ông Mỹ già đang ngồi cùng với mấy người nữa tại một cái bàn trống, không thấy bà vợ ông ta. Tôi vồn vã tiến lại và vừa cười vừa xổ tiếng Anh "Hi! Good Morning" Nhưng ông ta không chào lại. Ông ta đang nhìn tôi mà cứ làm như không trông thấy tôi. Ông ngồi yên như tượng đá. Còn những người Mỹ khác ngồi cạnh ông thì nhìn tôi như nhìn một sinh vật kỳ lạ từ đâu đến quấy rầy họ.Tôi ngượng quá. Mặt tôi nóng bừng lên, cứ như thể bao nhiêu tiết đả lộn lên đầu tôi hết rồi. Tôi rụt tay lại (định bắt tay ông ta mà) và bước nhanh ra cửa. Không sausage gì nữa hết. Lòng tham của tôi đã nguội lạnh rồi.
Chỉ còn trong tôi một nỗi tức giận điên người. Bọn Mỹ đểu thật! qua sông rồi thì đấm ngay buồi vào sóng. Trong các sở làm cũng vậy: Mới buổi sáng còn "you do good job, you do good job", buổi chiều kêu ngay mình lên tống cho tờ quyết định sa thải. Có người nói tại cái nền văn hóa Mỹ nó như vậy. Nhưng tôi không tin. Bởi vì nếu một nền văn hóa được xây dựng trên các tính cách đó thì làm sao nước Mỹ sản xuất ra được các nhà văn lừng lẫy, đoạt biết bao nhiêu là giải Nobel về văn học. Những Ernest Hemingway, John Steinbeck của nền văn học cổ điển...hay như Acthur Hailey của thời đại ngày nay với các tác phẩm để đời "Phi Trường", "Khách Sạn"...tóat lên cái đẹp nhân bản, đọc đi đọc lại mấy lần vẫn còn ghiền.
Gì thì gì, bây giờ ta đã biết nhau rồi. Chơi cái kiểu đó thì không khá được. Lúc ngồi trên xe thì huyên thuyên, hết chuyện này tới chuyện khác, lúc không ngồi trên xe thì coi mình như là một kẻ xa lạ không hề quen biết. Một lời chào đáp lại cũng không. Được rồi! Hãy đợi đấy. Đừng hòng bao giờ còn ngồi trên xe ta lần nữa.
Và tôi làm thật. Mấy lần sau này, nghe tiếng xe quen thuộc của tôi, ông ta vẫn hí hững như mọi lần, đứng lui vào trong lề và chờ đợi mở cửa xe. Nhưng tôi chạy luôn. Cho mày biết tay tao.Đừng tưởng thấy Á Châu rồi coi thường. Chỉ có điều lạ, dạo sau này chỉ thấy ông ta đi một mình. Cho nên tôi cũng dễ xử. Chứ nếu có bà vợ chắc tôi cũng áy náy lắm, vì bà ta đâu có làm mích lòng gì tôi đâu...Nhưng thôi cứ ráng đi bộ hay đón xe người khác đi chứ phong tục Việt Nam không thể chấp nhận cái kiểu cư xữ ăn cháo đá bát với nhau như vậy được. Tôi an tâm và lòng không áy náy chút nào mỗi khi cho xe chạy vút qua cái dáng người xiêu vẹo của ông ta đang cuốc bộ bên đường.
0O0
Phần Hai
Sáng hôm nay thức dậy, lòng tôi sảng khoái lạ thường, y chang như câu thơ của ai đó đã viết:
"Sáng hôm nay hồn anh như tủ áo,
ý trong veo là lượt xếp từng đôi..."
Hôm nay là thứ bảy, weekend. Chiều hôm qua thứ sáu, đi làm về nhận được DVD Đại Hội 5 do Ngô Hữu Thành gửi, bèn chui ngay vào trong phòng mở ra coi, vừa coi vừa ghi vào sổ tay những chi tiết đặc biệt hay những nhận xét tức thời của mình để lỡ biết đâu mai mốt có khi mình nổi hứng lên viết một bài về "Đại Hội 5 - Nhìn từ xa" thì sao? Chà! Bài nói chuyện của Nguyễn Việt Thắng ngắn gọn nhưng xúc tích, chị Sâm và Hồ Công Danh làm MC coi bộ cũng bài bản, để coi Nguyễn Triệu Lương ăn nói thế nào... cũng được lắm, được là được cái chân tình. Chị Châu Thị Nga đứng hát mà khuôn mặt hình sự quá. Không như Kim Anh và Như Nguyện khi hát rất ý thức được rằng các máy quay phim đang chỉa về mình cho nên thỉnh thỏang lại cười duyên. Em gái Quỳnh Hoa quậy bạo như mọi lần. Uống rượu không say nào hay, xin mời anh nâng ly cùng tôi, nào ta cùng uống... Lại còn giơ cái chai bia không lên cao để minh họa nữa. Rồi Nguyễn Văn Đạo hát song ca? tin được không hả trời? Và quan trọng nhất, cần phải coi đi coi lại, cố mà đọc cho được xem nét mặt của Thầy Thịnh có nói lên điều gì không sau biến cố Tết Mậu Thân Việt Cộng đánh úp vừa rồi... Đang hấp dẩn thì bạn kêu phôn tới rủ nhậu. Thì đi! Thế là tôi tắm rửa, ăn mặc chỉnh tề đúng như luật rượu chè đã ghi rỏ: Đi làm hay đi họp ăn mặc thế nào cũng xong, nhưng khi đi nhậu thì nhất thiết phải ăn mặc cho nghiêm chỉnh... Tới nhà nó gặp đúng những món mình thích: Gan bò xào cần Tàu, chân bò hầm gừng... uống với rượu mạnh sướng gì đâu. Đã thế khi về còn được cái hẹn sáng mai đi ăn sáng ở Waffle House. Cho nên cái sướng nó lây lan qua buổi sáng thứ bảy là như thế...
Và tôi hân hoan mặc quần áo, cầm chìa khóa thơ thới bước ra khỏi nhà. Tới phòng khách, gặp vợ tôi đang ngồi dưới thảm lui cui xếp đống quần áo chắc mới lấy từ máy sấy ra, 2 đứa cháu nội đang nằm khóc lặc lè bên cạnh. Vừa thấy tôi ăn mặc chỉnh tề, mặt vợ tôi sưng lên:
- Ông đi đâu nữa vậy?
- Thì anh đi ăn sáng với bạn chút
Ngay tức khắc vợ tôi bỗng đổi màu như Tắc kè, da nàng đang bình thường biến ngay thành màu đen xậm, nàng nhìn tôi gườm gườm và nói cộc lốc:
- Về mua tôi bịch giá.
- Ừ, dễ thôi.
Trời cuối tháng 9 mà vẫn còn nóng quá. Nóng không thua gì ở Việt Nam. Vặn máy lạnh lên hết cỡ, vừa lái xe tôi vừa khoan khoái nghĩ về món khoai tây thái sợi rồi chiên ở Waffle House... Lái vừa qua khúc cua tôi thấy ngay ông Mỹ già đang lui cui đi bộ từ xa, cái áo sơ-mi đỏ ông mặc ướt đẫm một khỏang lưng. Nghe tiếng xe tới gần ông quay đầu lại và dơ tay lên.Trong lòng đang vui, tự nhiên tôi thấy tội nghiệp ổng, thôi thì hận thù cũng nên xóa bỏ, trừng phạt ổng nhiêu đó đủ rồi, và tôi ngừng xe lại.
Lần này lên xe không thấy ông ta nói huyên thuyên nữa. Ngồi cạnh tôi nhưng ông quay mặt ra cửa sổ hoàn toàn im lặng. Người ông đầy bụi và mồ hôi. Chắc ông ta cũng ngượng vì hành động trước đây của mình, tôi nghĩ thế. Cuối cùng hóa ra chính tôi lại là người lên tiếng trước để phá tan bầu không khí mất vui hiện nay:
- Bà vợ ông đâu rồi?
Nhưng ông không trả lời, vẫn giữ yên tư thế bất động nhìn ra cửa sổ.Tôi bắt đầu nổi cáu trong bụng: Lại còn không thèm trả lời mình nữa. Hay tại tiếng Anh của mình "siêu" quá nên ông ta không hiểu? Sau một lát chờ đợi tôi dằn lòng hỏi lại lần nữa, kỳ này cố gắng uốn lưỡi nói cho đúng. (Nói tiếng Mỹ vất vả thật) :
- Where is your wife?
Ông ta quay đầu lại, và măc dù mặt ông đẩm mồ hôi, nhưng tôi vẫn phân biệt được hai giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má nhăn nheo của ông. Ông nói hoặc ông đang nấc lên:
- Vợ tao mất rồi còn đâu!
- Chúa ơi! Bà ấy mất hồi nào vậy?
-Bà ấy mất trước cái ngày mày thấy tao ở trong tiệm Hardee một ngày. Hôm đó tao đang ngồi chờ mấy người bạn kết thúc buổi quyên tiền làm đám cho vợ tao và cũng là chờ họ chở tao lại nhà quàn làm thủ tục hậu sự cho bà ấy.
Ông khóc nức nở như một đứa con nít:
- Tao nhớ bả. Tao cần bả. Lúc trước cuộc sống có khó khăn bao nhiêu tao vẫn chịu đựng được là vì bên cạnh tao còn có bả. Bây giờ chỉ còn một mình tao chống chọi với cuộc đời. Tao có muốn sống nữa đâu. Mổi đêm trước khi đi ngủ, tao vẫn cầu nguyện Chúa cho tao đừng trở dậy ngày mai nữa...Tao xin Chúa hãy cất tao đi...
Tai tôi ù đi, mắt tôi nhòa lệ. Trong giây lát tôi nhận ra rằng ngồi bên cạnh tôi là một nhân cách lớn, hay ít ra cũng là một biểu tượng thầm lặng nhưng vĩ đại của tình chồng vợ.
Tôi cảm thấy ân hận về sự suy nghĩ cũng như cách đối xử của mình với ông ta trong thời gian qua.Tôi là gì mà bày đặt lớn lối? Chẵng qua chỉ có cho người ta đi quá giang xe mấy lần thôi, mà đã đòi hỏi người ta phải mang ơn mình. Vợ người ta vừa chết, cõi lòng người ta đang tê dại, mình lại hợm hĩnh đi bắt lổi người ta không chào lại mình...Rồi hể hả khi trả thù được một ông già đáng tuổi bố mình...Tôi giận tôi nhỏ nhoi, tôi khinh ghét tôi trong nhạt nhòa nước mắt...
Điểm đến của ông ta vẫn là tiệm Hardee. Ông ta nói tại nơi đó ông sẽ được nghe bạn bè nói những lời trìu mến về vợ ông.
Thả ông ta xuống rồi mà lòng tôi vẫn đầy phiền lụy. Ngồi bất động trong xe ở parking lot tôi lan man suy nghĩ về cái cách mình đối xử với vợ mình: Người ta thì thương yêu vợ như thế đó, còn mình thì sao? Ích kỷ. Chỉ nghĩ đến mình thôi. Đi đâu cũng đi một mình cho thoải mái, dễ chịu. Đành rằng bản tính vợ mình hung dữ quá, lại không thích giao thiệp bạn bè, lúc nào cũng cáu gắt và chỉ công nhận một giá trị duy nhất trên cõi đời này, đó là tiền, còn thì phủ nhận tuốt tuột các thứ giá trị khác. Nhưng hãy thử nghĩ lại xem, hồi xưa bà ấy đâu có như thế đâu. Cho nên mình mới cưới về làm vợ. Sau này bả đổi tánh thì chắc mình cũng dự phần nào vào trong đó, ít nhiều gì mình cũng gánh phần trách nhiệm trong đó. Mình để bả cực quá chăng? Bả cũng đi làm, đứng máy dây chuyền, hai tay họat động liên tục 8 tiếng, về nhà còn bao nhiêu công chuyện cơm nước, giặt giũ...Có được tí thời gian rảnh rổi nào lại dành hết cho con, rồi cháu...Đâu phải như mình đâu, tiếng là làm tám tiếng, nhưng thật ra công việc công chức, làm hai tiếng rưỡi là đã xong việc. Thì giờ còn lại chỉ lên mạng đọc báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh coi thiên hạ chém nhau lọan xạ, với những cái "tít" hết biết: "Tranh nhau đất thừa kế, cả nhà đưa nhau ra tòa" hay "Cô giáo đánh học sinh, phụ huynh xông vô trường nện cô giáo"...Đi làm về, mình chẵng phụ đở gì cho bả hết...Coi báo, đọc sách, nhậu nhẹt, gọi phôn nói chuyện Nông Lâm Súc, rảnh nữa thì chơi ô chử Sudoku....Hết ngày....
Không được! Mình làm như vậy là trật, phải sửa lại.
Trong tíc tắc, óc tôi bổng lóe lên ý nghĩ: Tại sao mình không về rủ vợ mình đi ăn sáng? Đã bao lâu rồi kể từ ngày 2 đứa ra tiệm ngồi ăn sáng chung với nhau? 5 năm rưỡi hay 6 năm? Sự hối hận phải thể hiện bằng hành động, không thể hối hận chung chung được...Phải về rủ bả đi ăn ngay lập tức và rất có thể, trong lúc chở bả đi, mình sẻ cầm lấy tay bả, vì biết đâu ngày mai sẽ không còn kịp nữa, sẽ quá trễ rồi cho một ngày mai định mệnh, lúc ấy muốn cầm tay cũng không được nữa như cái gương vợ chồng ông bà Mỹ này vừa soi rọi cho tâm hồn tăm tối của tôi. Tôi mở phôn gọi cho bạn hủy bỏ việc đi Waffle House và quay đầu xe về thẳng nhà.
Vừa bước vô nhà, vợ tôi đang lau cái bếp, bả hỏi liền, giọng vẫn cộc lốc:
- Giá đâu?
- Chết cha, tôi quên mua rồi. Tôi ấp úng:
- Nhưng anh định rủ em đi ăn phở với anh.
Vợ tôi gầm lên:
- Tôi không đi! Tôi không hoang phí như ông được. Tôi còn bao nhiêu chuyện để lo, không phải như ông...
- Thì thôi, để bây giờ anh chạy đi mua giá cho em đây, đâu có gì đâu phải la hét lên.
Tôi bước lùi ra cửa, không muốn nghe vợ tôi nói thêm một lời nào nữa. Nhưng ra tới xe vẫn còn nghe giọng nàng lầu bầu rất lớn và rất rõ:
- Chồng gì tối ngày cứ vác mặt lên trời như con trâu nghêng mà đầu óc chó ăn, nhờ mua chút giá cũng không nên trò nên trống.../.
Tháng 10/2008
Dương Phú Lộc
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.