Tiếng điện thoại bên kia gọi tôi: 

- Ngoại ơi ! Sao ngoại không lên chơi với con?

Đó là tiếng nói nhỏ nhẹ, trìu mến của đứa cháu ngoại vừa lên 4 tuổi của tôi.

- Mai nó nhắc bà ngoại, trông bà ngoại lên chơi với nó.

Đó là tiếng của thằng con rể của tôi nói tiếp theo, rồi nói tiếp:

- Bà ngoại nói là bà ngoại lên chơi mà không thấy bà ngoại lên, Mai nó buồn thiu, không chịu đi ngủ trưa, dầu có ai năn nỉ mấy nó cũng không chịu ngủ, cứ trông ngoại hoài.

Tôi nghe mà cảm thấy đứt ruột.

Từ ngày tôi đi Mỹ trong vòng 1 tháng, về ngày 16/7/07.  Khi về thấy cháu hơi gầy đi chút đỉnh là tôi buồn đứt ruột và đoa là lý do tôi không thể ở nán lại cho tới ngày Đại Hội Nông Nghiệp được tổ chức tháng 8/07 được.

Tình thương của trẻ nhỏ ngây thơ lắm, mến ai thì mến dữ lắm, ngày xưa tôi nuôi ba đứa con của tôi, lúc chúng còn nhỏ cũng thương mến, gần gủi chúng, nhưng vì còn phải lo sinh kế nuôi con, không thể dành nhiều thời gian để chơi với chúng như hiện tại tôi dành gần như hết thời gian của mình để chơi và chăm sóc cháu ngoại của tôi. Có nghĩa là hai cái chăm sóc có hai hoàn cảnh khác nhau xa.

Thì giờ ngày xưa lúc con tôi còn nhỏ, tôi còn phải tự bương chải mới có tiền nuôi con, không đủ thì giờ rảnh rỗi mà chơi với con như bây giờ, tôi bỏ thì giờ cả ngày tìm đủ trò chơi để chơi với cháu ngoại cả mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Ở cái tuổi gần thất thập cỗ lai hi được lảnh tiền già rồi, tôi đâu có đi làm nữa, nên tôi tha hồ bày đủ trò chơi, chơi với cháu.

Từ ngoài sân: chạy xe đạp, chạy xe hơi con nít, thảy banh, thảy bóng rổ, chơi cầu tuột, chơi xích đu...

Vào trong nhà: Vẽ hình, sơn hình, rắc kim tuyến, gắn puzzle, nấu ăn giả, làm bánh giả, giả bộ đi chợ, mua sắm.v.v.., làm cô giáo, đọc sách hình, làm bác sỉ, chơi game...v..v.....

Tôi còn siêng năng tìm đủ mọi thứ đồ chơi ở cái tuổi lên 4 mua về dạy cho cháu chơi.

Tính cháu nhỏ còn ngây thơ, trong sạch, dễ thương như một bài thơ mà Thượng Đế cho tôi đọc hằng ngày qua lời nói của cháu và sự ngoan ngoãn của cháu.

Tôi chơi với cháu ngoại mà nhớ lại: tại sao lúc con mình còn nhỏ như thế mình không đọc được cái ngây thơ của con người lúc còn bé như bây giờ mình đã hưởng nhỉ?  Hay là với cảnh sống quá khổ vì kế sinh nhai gần như đầu tắt mặt tối, đau khổ đè nặng lên vai của một người đàn bà VN thời loạn làm sao tôi còn có thì giờ đâu mà đi tìm đồ chơi cho con, chỉ cố tìm cháo và sữa cho con còn vất vã thì lấy đâu đủ tiền cho các món đồ chơi và bỏ thì giờ chơi với con như bây giờ tôi đã để hết thì giờ cho cháu ngoại.

Tôi nhớ lại đứa con gái đầu của tôi vào thời loạn sau 75 chỉ có một con chó gỗ có thể kéo chỉ cho đứng lên quặc xuống, mà cháu đã chơi mãi còn giành với em.  Khi đến lớn đã trên 20 tuổi rồi mà còn nhắc đi nhắc lại hoài con chó ấy như là một kỷ vật khó quên.

Còn bây giờ, cháu ngoại tôi đồ chơi cùng nhà, không đủ chổ để, mặc dù nhà rộng lớn mà chật nhà quá, ba nó phải bỏ vào mấy cái thùng plastic 100 lít rồi chồng lên nhạu

Ngày hôm nay, 30/1/08 là buổi học đầu tiên của cháu vào mẫu giáo, vừa về đến nhà là cháu nói qua điện thoại kể cho bà ngoại nghe cháu thấy thế nào, có thích không.

- Ngoại ơi! Con thích lắm ngoại

- Cô giáo dạy con thích lắm!

- Con chưa hỏi tên cô giáo.

- Ngày mai con sẽ hỏi tên cô giáo.

- Có nhiều con gái hơn con trai.

Cháu nói rất nhanh và nói rõ tiếng Việt.  Đối với bạn ngoại quốc cháu nói tiếng Anh, cũng rành rọt đúng giọng Úc lắm...Và đôi khi còn sữa cho bà ngoại nữa, nếu bà ngoại phát âm trật tiếng Anh là cháu sữa ngay. Có khi còn nói: để con dịch ra tiếng Việt cho bà nội nghẹ nữa.

Ôi thôi niềm vui tuổi già của tôi thực sự đơn giản như thế.

Hằng ngày tôi nhìn thấy có người già đi làm, có thêm đồng nào hay đồng nấy, sao mình không bắt chước người ta, mà sao cứ ở nhà lo cho cháu ngoại, để rồi không dư giả như người ta.

Tôi nghĩ đi nghĩ lại mãi, nhưng rõ ràng tiếng nói của cháu ngoại tôi: "Ngoại ơi ! sao ngoại không lên chơi với con?".  Tiếng nói tuy ngây thơ, đơn giản như vậy mà sao có thần lực mạnh hơn đồng tiền, nên tôi đáp lại tiếng nói ấy.

Rồi ngày qua ngày, tôi sống mộc mạc trong tình thương của cháu, có lẽ cho vui lúc tuổi già.

Tình bà và cháu thì: thật mộc mạc, thật đơn giản, thật mộng thường và thật an lạc...

Dương Thị Tuấn Ngọc

Sydney, 30-1-08

 

                                                                        

Cùng Tác Giả / Đề Tài