"Dao phát cầm tay, Chào!" và tiếng đồng ca "Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày..."

Chắc hẳn nhiều người trong tập thể Nông Lâm Súc Bảo-Lộc còn nhớ khẩu lệnh và tiếng hát đi kèm với nhau trên đã xuất hiện trong dịp nào?
Bước vào năm thứ hai với trường, tức niên khóa 68-69, tôi hân-hạnh được cùng với Cô Kim (và một số thầy khác mà tôi không nhớ!) hướng dẫn Đoàn Học Sinh Phật Tử Vạn-Hạnh thuộc Trường NLS Bảo Lộc cắm trại hai ngày ở Tân Phát, với ý hướng tạo cơ hội sinh hoạt tập thể trong học sinh và hoà mình vời đời sống thiên nhiên.Trại sinh chúng tôi khoảng hai trăm, và chúng tôi chọn địa điểm dựng trại kế bờ thác ở đầu trại định cư Tân Phát.

Xuất phát tại trường lúc 7 giờ sáng ngày thứ bảy, với đầy đủ dụng cụ cắm trại, đồ dùng nấu ăn, và lương thưc, chúng tôi đi bộ đến địa điểm cắm trại. Với đoạn đường hơn 10 cây số, đã chiếm hết của chúng tôi hơn 2 giờ đồng hồ. Nghỉ mệt khoảng 15 phút, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc dựng lều trại. Dân Nông Lâm Súc chúng tôi, hình như người nào cũng có đôi tay khéo léo, và tinh thần làm việc xông xáo, tháo vát, nên chỉ hơn một tiếng sau lều trại đã đâu vào đấy. Cách bố trí trại rất mỹ thuật trông đẹp mắt! Trong khi chúng tôi tạm dừng tay để chuẩn bị buổi ăn trưa, thầy Trần Đăng Thảo (Quản Đốc Ký Túc Xá) đã chở giúp bánh mì ra cho chúng tôi. Số bánh mì này được nhận thẳng từ lò, và đã được thanh toán trước bằng một số lượng bột mì. Thầy Thảo lấy bánh từ lò và chở thẳng vào Tân Phát. Chúng tôi nhận được những ổ bánh nóng hổi thơm dòn! Đi bộ hơn 10 cây số, và hơn một giờ tích cực dựng lều, làm vệ sinh khu vực cắm trại, mọi người cảm thấy cồn cào trong bụng, nên bữa ăn trưa tuy đạm bạc, nhưng hết sức ngon miệng! Tôi ngỏ lời cám ơn thầy Thảo đã giúp đỡ chúng tôi. Trước khi lên xe trở về trường, thầy đã vui vẻ khích lệ mọi người. Thầy bắt tay tôi và nói "Tuy là công việc của đoàn Vạn Hạnh, nhưng việc làm của các thầy cô và các em học viên như thế này là giúp nhà trường, tạo nếp sống vui tươi, lành mạnh cho các em học sinh". Thầy Thảo luôn nghĩ tốt về người khác, nhất là đối với các anh chị học viên và nhân viên nhà trường, do vậy, nhiều người gọi thầy là Bố Thảo để tỏ lòng kính mến! Sau bữa ăn trưa, chúng tôi nghỉ ngơi khoảng một tiếng đồng hồ, rồi bắt tay chuẩn bị cho sinh hoạt buổi chiều và tối.

Trọng tâm sinh hoạt cuả chúng tôi là lửa trại và văn nghệ. Một cuôc họp bỏ túi được triệu tập để phân công.Tất cả trại viên đươc xung vào các nhóm khác nhau để thực hiện công việc, bao gồm: nhóm gom củi cho lửa trại, nhóm dựng khán đài dã chiến, nhóm văn nghệ sĩ cây nhà lá vườn, và cuối cùng là nhóm trật tự, canh gác toàn bộ khu cắm trại. Gom củi và dựng khán đài nhiều người đã có kinh nghiệm nên đã nhanh chóng thông qua sau khi đồng ý với nhau về vị trí của khán đài. Nhóm trật tự được bàn qua về vị trí đặt chòi canh và toán tuần tra cho đêm nay, vấn đề cũng được thông qua nhanh chóng.

Riêng chương trình văn-nghệ cho lửa trại tối nay được chú ý và bàn luận nhiều hơn cả. Ta đàn, ta hát cho ta nghe, nhưng biết đâu tối nay có thể có một ít đồng bào địa phương đến xem. "Đem chuông đi đánh xứ người!" Nông Lâm Súc Bảo Lộc có tiếng văn nghệ một cây mà, phải làm sao coi cho đươc, kẻo mất tiếng! Gần hai năm qua tôi đã có dịp chứng kiến tài năng phong phú và đa dạng của anh chị em NLS Bảo Lộc, nhưng những anh chị em dự trại chỉ là một bộ phận nhỏ, chứ đâu phải toàn trường. Hơn nữa, mỗi lần văn nghệ ở trường, anh chị học viên có hơn cả tháng để tập dượt! Tôi không nhớ ai là người điều phối buổi văn nghệ hôm ấy, nhưng quả thật đã đem đến cho tôi sự ngạc nhiên thích thú! Các nghệ sĩ "cây nhà lá vườn" họp bàn với nhau khoảng một giờ đồng hồ, và đã sắp xếp được một chương trình đầy đủ các tiết mục như: đơn ca, song ca, hợp ca, vũ, và kịch!

 Đã 39 năm qua, nhiều hình ảnh đã phai mờ. Tuy nhiên những tiết mục lạ mắt hay vui nhộn như màn múa đũa của các "nam vũ công" với nhịp điệu Pasodoble, qua nhạc phẩm Dừng Bước Giang Hồ, đẹp mắt, màn hài kich "Chiếu phim", với tài diễn xuất tuyệt vời của hai tài-tử "Oscar Bờ-nao" làm bà con cười muốn bể bụng, khó mà quên đươc! Những màn vũ và hài kịch được xen kẽ bởi những bài hát tình cảm, chuyển tải bởi những giọng ca điêu luyện ngọt ngào, cất lên giữa đêm khuya bên bờ thác cùng với ánh lửa bập-bùng, hẳn đã làm cho nhiều người nghe trong nửa tỉnh nửa mê!

Tôi còn nhớ, cũng trong dịp cắm trại này, tôi đã tham gia một cuộc thi đấu "văn nghệ" ngộ nghĩnh với 3 trại viên khác là Hương Lan, Khúc Minh và một anh nữa mà tôi quên tên. Mỗi người chúng tôi hát một đoạn ngắn của một bản nhạc, nếu người khác không biết tên bài hát là mình thắng, và đến phiên người kế sẽ phải hát, nếu không mình phải hát bài khác! Cứ như thế xoay vần. Mọi người cố nhớ những bài hát hóc hiểm để người khác khó biết tên. Lúc đầu tôi có phần thắng thế, vì tôi lớn tuổi hơn và có thời gian tiếp xúc với nhiều bài hát mà nhiều bạn trẻ không biết. Nhưng về sau, vốn liếng cạn dần, tôi đã bị hai người trẻ Hương Lan-Khúc Minh "liên thủ" tấn công, và tôi phải chịu thua, mặc dầu tôi đã đưa ra hát Tây, hát Tàu, hát Nhật bổn! Tuy thua, nhưng ít nhất tôi cũng làm kẻ chiến thắng "rúng động" với nhưng ca khúc hóc hiểm mà tôi đã tích lũy được! Hơn nữa "Hai đánh một, không chột cũng què", mình thất trận là lẽ đương nhiên! (Nói đùa cho vui chứ không phải thật đâu nghe các bạn)

Đã nhiều lần ngủ giữa bầu trời không màn che, có khi trên rừng sâu cạnh bờ suối, có khi bên chiếc cầu gãy trên quốc lộ, có khi trên ruộng đồng hoang vắng. Cũng vài lần vui nhộn với cả ngàn bạn học bên cạnh bãi biển thơ mông của miền trung, vui chơi trong cảnh an bình của đất nước. Nhưng mỗi lần đem đến cho tôi những tâm trạng, và cảm giác khác nhau.

Hôm sau, măt trời chưa mọc, mọi người đã thức dậy. Kiểm tra sơ bộ cho biết toàn bộ trại sinh không ai đau ốm gì, chỉ có vài người vui cười nhiều quá đã bị khan tiếng! Buổi ăn sáng hình như với bánh mì và mì gói thì phải. Tôi được ai đó biếu cho ly cà-phê sữa. Buổi sáng, được ngồi bên bờ suối, với ly cà-phê và điếu thuốc thơm, ngắm những tia nắng sớm trải dài trên những đồi trà cảm thấy êm ả trong lòng. Xa xa bên dưới chân đồi, những thung lũng hẹp được phủ kín bởi làn sương mù, trông giống như một cái thau lớn đầy bọt xà-phòng.Với đầu óc tưởng-tượng ta có thẻ hình dung như trước mắt minh một kiều-nữ đang giũ lụa trong môt chậu thau không lồ! Đất nước mình ở đâu cũng đẹp, lại thêm rừng vàng biển bạc, nhưng dân mình thì vẫn bị kéo dài cuộc sống trong đau thương!

Một việc không đặt ra trong chương trình cắm trại đã đưa đến khá bất ngờ: Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II trên đường đi ngang sẽ ghé thăm toán học sinh cắm trại. Được thông báo bất ngờ của chính quyền địa phương, chúng tôi có phần bỡ ngỡ. Tôi không nhớ rõ khoảng giờ nào ông ấy sẽ đến, nhưng có đủ thời giờ cho mình chuẩn bị đón tiếp. Một cuộc họp khẩn được triệu tập để lên kế hoạch đón tiếp. Bãi đất trước mặt các lều, tương đối bằng phẳng, đươc chọn làm vị trí đón tiếp. Các lều đều được chỉnh sửa cho đẹp mắt. Làm vệ sinh toàn trại. Cuối cùng là nghi lễ đón vị khách đã có hảo ý thăm đoàn. Một anh bạn lớp 12 TL đã có sáng kiến thành lập một tiểu đội dàn chào na ná như trong quân đội. Nghe lạ lạ và vui vui, chúng tôi tán thành ý kiến đó. Thay vì trong quân đội, người ta có tiểu đội hay trung đội dàn chào với súng Garant, tiểu đội dàn chào của  NLS Bảo Lộc được trang bị bằng dao phát, người ta "bắt súng chào" thì mình "bắt dao phát chào". Động tác thì dựa theo chào súng của nhà binh, đơn giản thế thôi!  Mười hai anh điển trai được tuyển vào tiểu đội danh-dự, mười hai dao phát được đem xuống suối mài sáng ngời, và sau 20 phút  tập dợt, đã đạt sự nhịp nhàng gần như chuyên nghiệp!

Hai mươi phút nữa khách sẽ đến, chúng tôi được thông báo, đội dàn chào đã sẵn sàng  ở vị trí của mình, số trại sinh còn lại đã vào hàng ngũ, tạo với đôi danh dự thành hình chữ L. Đoàn xe của vị Tướng và phái đoàn tháp tùng đã đến. Vị Tướng xuống xe cùng phái đoàn tiến bước về phía trại. Một khẩu lệnh dõng dạc từ người chỉ huy tiểu đội danh dự: "Tiểu đội chú ý - Nghiêm! - Dao phát cầm tay - Chào!"  Mười hai dao phát sáng dới, nhịp nhàng, được giữ bằng hai tay, phía trước vai phải, song song với thân người, chỉ thẳng lên trời, và khi tiếng "Chào" vừa dứt thì tiếng hát bắt đầu theo nhịp vổ tay: "Một ngàn năm đô-hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giăc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày! Gia tài của mẹ để lại cho con..."

Vị khách rất vui lòng. Ông gởi lời chào thân ái đến mọi trại viên. Đồng thời Ông cũng bày tỏ quan điểm khác biệt với một phần lời của bài hát. Ông cho rằng chúng ta đang trải qua một cuộc chiến ý thức hệ, chứ không phải nội chiến như nhận định của tác giả bài hát. Ông nói tiếp miền Nam Việt-nam hiện tại là thành trì của khối Tự Do, đang anh dũng chiến đấu để ngăn chận sự bành trướng của làn sóng Đỏ! Ông cũng hỏi thăm đến đời sống và việc học-hành của học viên NLS Bảo Lộc. Chúng tôi ngỏ lời cám ơn sự viếng thăm của ông, và chúc ông được bình yên trên đường công tác.

Người khách từ giã, cùng đoàn tùy tùng lên xe hướng về thị trấn Bảo Lộc. Thời gian chia tay với núi đồi Tân Phát cũng cận kề, khoảng một tiếng đồng hồ sau lệnh thu dọn lều trại được ban ra, các trại sinh đã nhanh chóng thu dọn lều trại và làm vệ sinh toàn bộ khu vực cắm trại một lần nữa. Lệnh tập trung và kiểm điểm nhân số được thông báo đến các toán trưởng. Hàng ngũ chỉnh tề, tiếng hát cất cao, những mầm non của đất nước, theo quốc lộ 20 trở lại ngôi trường thân yêu, tiếp tục trau dồi kiến-thức và đạo đức để phục vụ cho quê hương sau này.

Lục Phan
Gurnee, May 2008
Cùng Tác Giả / Đề Tài