Năm nay, sau Đại Hội 11, tôi đã ở lại Nam California nhiều ngày hơn những lần trước. Được vợ chồng Thắng-Nguyện mở rộng cửa tiếp đón nên tôi đã lưu lại nhà hai bạn trong thời gian đi chơi Los Angeles.
 
Phải ở đây vài ngày mới biết được tài nghệ nấu nướng của Như Nguyện. Tuy tôi cũng là một tay “Trâm can cook” nhưng gặp cô chủ “Như-Nguyện Quán” rồi thì chỉ đành chấp nhận “Trâm can eat”  mà thôi.
 
Đúng vậy, Nguyện nấu ăn rất ngon và chuẩn bị các thứ nhanh gọn, giống như là mỗi món ăn đều có sẵn trong đầu. Những ngày tôi ở lại chơi, Nguyện đã soạn mấy món ăn cho từng ngày để đãi khách. Thắng thì dậy sớm pha 3 ly cà phê tùy khẩu vị mỗi người. Tôi thích pha thêm sữa đậu nành vào ly cà phê, vì “organic original soy milk” Nguyện nấu rất thơm ngon! Chỉ cần ra vườn với ly cà phê sữa mỗi sáng mát mẻ, lòng ta đã cảm thấy bình an và vui vẻ.  
 

Trong vườn, ngoài những loại hoa và trái cây miền nhiệt đới đẹp mắt còn đủ các loại rau Việt Nam. Một buổi sáng, khi tôi đang đi ngang khoảnh đất trồng rau; Thắng chỉ vào một bụi cây lá to và hỏi:

- Đố Kim Trâm biết đây là lá gì? 

- Lá Mơ chứ gì. Tôi trả lời ngay. 

Thắng cười khoái chí “cũng biết nữa ha!” 

Tôi đùa “Bộ Thắng thích ăn cờ-tây sao trồng thứ này?”

Vậy mà Thắng cũng thành thật khai, “Bà xã nấu món giả-cầy ngon lắm!”

Lạ nhất là có vô số dù dựng rải rác trong vườn, nhỏ có, lớn có, cũ, mới đủ màu sắc cả. Thì ra anh bạn Việt Thắng không phải tay sưu tầm dù mà buổi trưa ra vườn, mở dù che nắng cho những cây hoa yêu quý. Sáng tạo ra phết! Vậy là thắc mắc của tôi đã rõ.

Nhà Quỳnh Hoa-Tuấn cách nhà Thắng-Nguyện khoảng 10 phút lái xe. Biết tôi đang ở lại nhà Thắng-Nguyện nên Quỳnh Hoa rủ rê chúng tôi đến nhà chơi mỗi chiều. Thế là những ngày “Hậu Đại Hội Bỏ Túi” bắt đầu

o0o

Ngày thứ nhất

Như Nguyện chuẩn bị món bánh xèo và hến xúc bánh tráng đem qua nhà Hoa-Tuấn. Hai món ăn hấp dẫn nên thực khách quên luôn món chả giò của Quỳnh Hoa.

Dịp này tôi gặp một người, theo bạn ấy giới thiệu “tui là Long Khờ-Me, học Công Thôn sau chị một năm.” Tôi không biết Long, cả cái biệt danh khờ-me lạ hoắc! Nói chuyện một hồi mới biết Long là em trai của Võ Thị Năm, học ban Mục Súc cùng khóa 71 với tôi. Vậy là trước lạ sau quen. Long đang sống ở Pháp, qua CA trễ nên không kịp dự Đại Hội. Nhưng không sao, có ngày hậu đại hội bỏ túi và gặp vài người bạn là đủ vui rồi.

Ngày thứ nhì

Điện thoại reo, Quỳnh Hoa khoe chiều nay nấu bún bò. Bún bò thì mỗi người một tô là đủ no, nên tôi nói Nguyện không cần đem thêm món gì nữa. Vậy mà thực đơn đã thay đổi bằng bê thui và cháo lòng - đặc biệt lòng phải chấm với mắm nêm, theo yêu cầu của người đến từ Paris-kinh-đô-ánh-sáng thổ lộ, “bên đó làm gì có, lâu không được ăn nên thèm.” Vừa ăn uống vừa hát hò tới tối. Lúc chúng tôi ra về, Quỳnh Hoa còn đưa cho tôi cuốn tựa đề các bản nhạc để tôi chọn, ngày mai Tuấn thu CD. Haydza! Đã lâu việc hát hò không “văn ôn võ luyện” nói chi tới thu CD, tôi chỉ hát cho vui thôi. 

Ngày thứ ba

Lại là sáu gương mặt cũ! Tuy chỉ có 6 người nhưng không thiếu đề tài trò chuyện. Tôi nhận ra Tuấn dù ít nói nhưng khi nói thì hóm hỉnh, có duyên. Một góc nhỏ trong phòng khách là nơi Tuấn làm việc, gồm một desktop với dàn thu âm hay tuyệt. Chưa có phòng thu nào mà vừa thu tiếng hát, tiếng cười và tiếng nói chuyện huyên náo như studio Tuấn-Hoa. Vui hết biết. 

Ngày thứ tư

Ngày cuối tôi lưu lại Los Angeles, Thắng-Nguyện đưa tôi đi xem vườn hoa Nhật Bản. Khi về định đi qua vườn cây ăn trái Việt Nam gần đó; nhưng trời quá nóng, mặt tôi đã bị cháy nắng đỏ bừng nên tôi không dám tiếp tục thử thách độ nóng. Hơn nữa chúng tôi đã có hẹn cà phê sáng với Hoa, Tuấn và Long tại quán Tip Top Sandwiches. 

Ngồi trong quán mát mẻ, tôi được thưởng thức lại các món ăn bình dị mà thuở nhỏ rất mê (tới giờ vẫn mê) là bánh bò, bánh su-sê, khoai mì hấp dừa do Tuấn đãi bà chị bữa cuối. Không ngờ Long cũng thích món khoai mì hấp mà theo Long, “ăn để nhớ những ngày học NLS B’lao.” Long còn rành cách nấu khoai mì với nước cốt dừa béo thơm ăn là ghiền. Đâu phải chỉ mình tôi sành ăn những món dân dã quê hương!

Chiều trở về nhà Thắng-Nguyện, có gia đình con trai hai bạn đến chơi cùng ăn bún bò giò heo. Món này nấu cầu kỳ, ngoài sợi bún gạo to còn phải đủ các nguyên liệu sả, gừng và gia vị mắm ruốc với màu ớt bột nữa mới đúng kiểu bún bò Huế. Thoảng trong làn khói thơm vương quanh bếp, không khách sáo nhấp thử một chút nước trong tô, dân Huế như “Trâm can cook” chỉ có thể nói bún bò Như-Nguyện Quán với hai chữ “rất Huế!” 

Ngày thứ năm

Buổi sáng chờ bạn đến đón trở lên Orange County, Nguyện tráng 3 đĩa bánh cuốn nóng hổi cho bữa điểm tâm. Ba người chúng tôi vừa ăn bánh cuốn vừa uống cà phê trước lúc chia tay; bỗng dưng tôi cảm thấy thời gian qua nhanh quá.

Trước khi đến nhà chị Kim Nguyên, cô bạn chở tôi đi thăm Kim Oanh. Năm nay Kim Oanh không dự Đại Hội nên gọi điện cho tôi hỏi han mãi. Thấy tôi bị phỏng nắng đến đỏ mặt, Kim Oanh vội lấy Aloe Vera kêu tôi thoa, rồi vắt nước cam cho uống, rồi ra vườn hái một túi chanh bắt tôi phải đem theo, lại còn dặn dò đủ thứ v.v... Kệ đi, mấy khi Kim Oanh được ra oai với mình chứ? Cho bạn sướng vì được làm “xếp”, mình được “cưng” cũng sướng, có thiệt thòi gì đâu. 

Ngày hậu đại hội bỏ túi cuối cùng với chị Kim Nguyên, Thành Ngô và Hòa Vũ rất vui. Ngồi nơi bàn ăn cạnh cửa ra sân sau nhà chị Nguyên có nhiều cây trái lý tưởng, nhưng tôi sợ nhất chạng vạng tối là giờ hoạt động của lũ muỗi. Trời nóng hâm hấp, tôi thay áo thun tay ngắn cho mát, nhưng vẫn quần tây dài và giày vớ kín mít, trong khi chị Kim Nguyên đơn giản áo đầm. Thấy mình hơi kỳ cục, tôi đành giải thích “lát nữa trong bốn người ngồi đây, lũ muỗi sẽ bu vô tấn công Trâm cho coi, vì chúng rất khoái mùi máu O”. Chị Nguyên la lên “chị cũng máu O nè.” Thành, Hòa cũng đồng thanh “đây máu O luôn”. Thế là chúng tôi cụng ly chúc mừng “Hội những người hào phóng”. Bởi vì “More giving, Less taking” (cho đi nhiều nhưng nhận lại ít). Nhưng trong cuộc sống, tôi nghĩ, cho đi nhiều đồng nghĩa với nhận lại được nhiều hơn!

Bốn người chúng tôi, gồm ba người 70 và một người 70+ trở về tuổi trẻ với những câu chuyện xưa, vui quá không cần ăn nhiều cũng no. Mấy ly chè Thành đem đến ăn không hết. Thành nhìn tôi, “Trâm để ngày mai ăn”. Tôi cười “ Ăn sáng với chè à?” Thích chè lắm nhưng sáng mai phải ra phi trường trở về Virginia rồi, lần khác tôi sẽ không để mấy ly chè đó bị ế đâu.

Chia tay, niềm vui theo tôi vào giấc ngủ. Tôi ngủ một mạch đến 5:30 sáng, đủ thời gian chuẩn bị hành lý vì chị Nguyên dăn 7:30 sáng khởi hành.

o0o

Cố hết sức mới cho được chiếc khăn tắm và bộ áo ngủ vào va-li carry on đã chật cứng vì có thêm nhiều quà từ Cali. Vải áo dài nâu đồng phục để mặc trong kỳ Đại Hội chị Xuân Liễu tặng, không may kịp cũng bị đem về. Rồi khăn quàng và mũ len Như Nguyện tặng, hết chỗ cũng bắt nhận. Còn thêm hộp mứt prune Quỳnh Hoa tự làm, v.v... Chưa hết, chị Kim Nguyên đưa chiếc túi vải có 2 hộp plaque của Ban Điều Hành Hội tặng anh Vương Thế Đức-Canada và tôi nữa.

Ngày trở lại Virginia, soạn va-li, tôi nhìn những thứ bày ra trước mặt mà nhớ những ngày rong chơi vô lo. Từng món, từng món là từng gương mặt thân mến hiện ra. Món nợ ân tình này tôi làm sao trả hết!

Hồ Thị Kim Trâm
Virginia, những ngày nhớ bạn
 
 
 
Cùng Tác Giả / Đề Tài