Quyết định bay qua Nam Cali tham dự kỳ Đại Hội 11, 2022 và sự có mặt bất ngờ của tôi đem đến sự ngạc nhiên cho các anh chị và bạn hữu thân thiết ở đây. Lý do vì chương trình đi chơi với gia đình trong tháng 8/2022 từ Bắc xuống Nam California của tôi đành phải hủy bỏ vì giấy tờ của tôi bị mất. Dĩ nhiên Ban Tổ Chức Đại Hội cũng biết tôi đã rút tên tham dự Đại Hội năm nay.
 
Lúc xuống phi trường John Wayne trời đã tối, tôi được chị Kim Thu và anh Cương - phu quân chị Xuân Liễu đến đón về nhà. Anh chị Liễu-Cương vẫn ân cần như lần đầu tôi gặp. Chị Kim Thu làm cho tôi tô phở bò ăn lấy sức mà… ngủ. Hai ngày Tiền Đại Hội và Đại Hội, chị Kim Thu luôn chăm sóc tôi, từ việc sắp xếp quần áo cho đến vật dụng đem theo. Ước gì tôi được làm con nít, giả bộ hay quên để các anh chị chăm sóc thì sung sướng quá! 
 
Quả thật, tình thầy trò, tình bạn bền bỉ của học sinh NLS Bảo Lộc đã hơn nửa thế kỷ, và sẽ tiếp tục bền vững không gì có thể thay đổi. 
 
o0o
 
Tiền Đại Hội, 27 tháng 8, 2022
 
Ngày Tiền Đại Hội năm nay như những kỳ Đại Hội trước đều do chị Phạm Kim Nguyên nhận trách nhiệm tổ chức tại tư gia của chị. Dẫu biết là đông vui nhưng gia chủ chắc chắn rất bận và mệt, từ việc sắp xếp đến việc dọn dẹp. Theo tôi, Tiền Đại Hội là ngày vui nhất vì không khí tự nhiên và thân thiết. Học sinh NLS Bảo Lộc từ các khóa đàn em cho đến những khóa đàn anh; từ người lạ cho đến người quen, cứ chào nhau, hỏi thăm nhau vài câu là quen ngay, thân ngay.
 
Bao nhiêu chuyện xưa, tích cũ đều được đem ra nhắc lại trong ngày này. Nhiều chuyện nhất bắt nguồn từ những học sinh ở trong lưu xá. (Đáng tiếc cho những người sống ngoại trú!) Nhiều giai thoại được kể lại một cách hài hước qua những “giọng kể bất chấp thời gian” như Danh, Thắng, Phương Peter, anh Tư Lung, v..v… Tôi là một học sinh nhớ ít, (hoặc không để ý) về chuyện trường lớp năm xưa nên luôn rất hào hứng lắng nghe để biết nhiều chuyện “thâm cung bí sử” hấp dẫn đến giờ mới dám bật mí.
 
Đặc biệt năm nay tôi gặp lại Nguyễn Tôn Duyên, bạn cùng lớp đã xa hơn nửa thế kỷ, vẫn gọi tôi “best friend”. Đức-Seattle, học sau tôi mấy khóa nhưng đã thân từ ĐH 10, 2018. Còn Tôn Kim Yến, em gái anh Tôn Thọ Tế từ Việt Nam sang chơi, chị Xuân Mai, và anh Khúc Minh nữa. Hơn 50 năm rồi mà nét đẹp hiền dịu của chị Xuân Mai vẫn vậy. Tôi cũng nhớ đôi tay khéo léo của Yến đã từng luôn lai áo, lên lai quần cho tôi mỗi khi áo quần tôi bị “sút chỉ đường tà.” Chỉ cần nhớ những chiếc áo sút chỉ năm nào được Yến sửa lại là những ký ức đẹp trên trường hiện về. Những dịp Lễ nhận được lời chúc từ tin nhắn của Đức và các bạn đủ cho tôi vui vẻ suốt ngày. Hoặc nhìn những tấm thiệp Giáng Sinh lại nhớ đến tấm thiệp anh Khúc Minh tặng cô em nhỏ HTKT ngày xưa. Những kỷ niệm đó có thể rất bình thường, hay đã quên theo thời gian đối với Yến, Đức, anh Khúc Minh; nhưng với tôi đều là dấu ấn sâu đậm.
 
Ký ức không dừng lại ở đó, nó hiện ra khung cảnh ngôi trường tráng lệ cất giữ ba năm học nội trú của cô học trò nhỏ giờ đây đã “thất thập”. Từ Đại Thính Đường, cột cờ, phòng học, thư viện.v..v.. cho đến lưu xá, nơi tuổi trẻ nổi loạn của nhiều học sinh sống xa nhà như những con ngựa đua không có nài. Cũng từ nơi đây, những tên riêng “không giống ai” được gắn cho như Hòa rốn, Thành con, Dũng đía, Thắng mập, Danh hô-liu, Thạch còi v.v.. theo họ đến tận bây giờ; dù Thành Ngô không còn là một nhóc con, hay anh Thạch Huỳnh không còn còi nữa. Mà lạ, sao toàn con trai có bí danh, con gái thì sao? Tôi đoán chắc mình cũng đã từng bị chọc phá sau lưng không ít? Chỉ biết một điều là mỗi khi đi ngang qua cột cờ luôn có người ngồi chật kín thì tôi cứ giả lơ, một hai ba đều bước là xong. Lỡ bị réo tên trêu chọc, ai dám đứng lại trừng mắt không? Dĩ nhiên là vụ này “hỏng có tui!”
 
Chuyện này nối tiếp chuyện kia, gọi là “chuyện dài nhân dân tự vệ” cũng không sai vì nó nhiều đề tài quá, mà người chuyển đề tài là ai tôi không nhớ. Trong không khí về đêm mát mẻ, nhạc cứ chơi, hát cứ hát, nói cứ nói, ăn uống vẫn tự nhiên… đến khuya. Việt - “The one man band” mấy lần định chơi bài “ò e rô-be đánh đu…” để kết thúc cuộc vui mà không được.
 
Nhưng cuộc vui buộc phải tan vì hôm sau là ngày Đại Hội chính thức. Ban Tổ Chức về nhà chưa chắc đã ngủ ngon giấc vì còn nhiều việc phải làm ngày mai.
 
o0o
 
Đêm Đại Hội, 28 tháng 8, 2022
 
Theo xe chị Liễu đến nhà hàng sớm vì chị Liễu là Trưởng Ban Tiếp Tân; nhìn 12 bàn đủ 120 khách, tôi thấy vui lây cho Ban Tổ Chức. Đọc danh sách tham dự Đại Hội trên Trang Nhà trước một tuần chỉ có 96 người ghi danh. Hôm nay lên đến 120 người gồm cựu học sinh NLS Bảo Lộc cùng gia đình và thân hữu, thật sự là niềm vui lớn cho Ban Tổ Chức và Ban Điều Hành Hội. Nhớ lời Thầy Phan Bá Sáu nói “Tưởng chừng Covid đã cản trở không thể tổ chức Đại Hội 11 được sẽ khiến anh chị em nản chí; không ngờ sau Covid học sinh NLS Bảo Lộc không những không gục ngã mà còn đứng lên mạnh mẽ, chung tay góp sức cho Đại Hội.”
 
Nghi thức mở đầu đêm Đại Hội luôn diễn ra suôn sẻ và gọn gàng. Những tấm ảnh được anh Bang Lê chuyển tôi xem rất đáng quý. Tuấn, phu quân Quỳnh Hoa vừa phụ giúp phần văn nghệ vừa im lặng quay video suốt buổi Đại Hội mà vẫn tự nhiên như “làm việc nhà.” Chúng ta sẽ được xem video này trên Trang Nhà sau khi Tuấn chỉnh sửa xong.
 
Năm nay là năm cuối của nhiệm kỳ của Ban Điều Hành Hội đương nhiệm. Sau lời cám ơn của chị Phạm Kim Nguyên, Hội Trưởng, là phần chuyển giao cờ luân lưu cho Ban Điều Hành mới. Mười một kỳ Đại Hội đã được tổ chức thành công nhờ sự đoàn kết và khả năng làm việc không mệt mỏi của các anh chị ra trường từ niên khóa 1971 trở về trước. Có nghĩa, tuổi của họ tính đến năm 2022 trẻ nhất đã 70. Tinh thần làm việc bất vụ lợi và đầy trách nhiệm đáng trân trọng. Hy vọng Ban Điều Hành mới với sức trẻ sẽ tiếp tục công việc của những anh chị tiền nhiệm một cách hữu hiệu.
 
Trường NLS Bảo Lộc luôn giữ truyền thống “Tôn Sư Trọng Đạo” khi mời quý Thầy, Cô đã nhiều năm dạy học trong trường lên sân khấu nhận những bó hoa do đại diện học sinh trao tặng. Đồng thời cũng không quên những bó hoa tri ân các anh chị vốn theo học tại trường, sau khi tốt nghiệp Sư Phạm NLS và được quay lại trường trong tư cách của người giảng dạy. 
 
Phần văn nghệ Đại Hội do Quỳnh Hoa phụ trách, sắp xếp chương trình hợp lý. Tuy nhiên vì Quỳnh Hoa chưa mời được người giới thiệu chương trình nên vài anh chị có mặt hôm đó đã xung phong kịp thời cứu bồ cho Quỳnh Hoa. Phải cám ơn chị Hương Lan, anh Thành Ngô, anh Thắng Nguyễn đã làm tròn vai “MC bất đắc dĩ.”
 
Dù thời gian chuẩn bị có hạn, mười một chị em gia đình NLS Bảo Lộc đã trình diễn hoàn hảo khi bước ra sân khấu với 4 màu áo truyền thống NLS - cam, xanh, vàng, đỏ, và màu nâu rải hoa muồng vàng; lồng trong ca khúc “Yêu và Mơ” của nhạc sĩ Văn Phụng. Nhạc hay, người mẫu đẹp, áo dài  tha thướt rất ăn ảnh. Lúc tiếng đàn chấm dứt, tràng pháo tay nổi lên; đạo diễn Như Nguyện, phu nhân anh Nguyễn Việt Thắng bước xuống sân khấu mới thở phào nhẹ nhõm. Chị Xuân Liễu cũng hãnh diện khi ý tưởng thiết kế đồng phục 5 màu áo được giới thiệu trong 5 kỳ Đại Hội thành công.
 
Một tiết mục khác cũng hay không kém do 3 em Thanh Hà, Cathy Trần và Rosie Nhuần biểu diễn. Đó là màn múa “Trống Cơm” với trang phục truyền thống miền Bắc đáng yêu. 
 
Những màn đơn ca, song ca, tam ca, hợp ca chưa một lần tập dượt trước đêm Đại Hội. Nhưng với tinh thần văn nghệ sẵn có, các anh chị, các bạn đã mạnh dạn bước lên sân khấu hát bằng cả trái tim, như đã từng hát trên sân khấu Đại Thính Đường một thời tuổi trẻ.
 
Sau chương trình văn nghệ luôn là phần Dạ Vũ. Sàn nhảy bắt đầu sôi động khi điệu nhạc Pasodoble mở đầu trỗi lên. Tiếp nối là tour các giai điệu Rumba, Cha Cha Cha, Bebop, Tango, Valse…rất dễ thương, vì, vui là chính.
 
Buổi tiệc nào dù vui đến đâu rồi cũng kết thúc! Giờ chia tay đã đến. Khách mời đã về hết, chỉ còn thầy cô Nguyễn Văn Khuy và anh chị em NLS Bảo Lộc bịn rịn chia tay. Những lời tạm biệt hẹn gặp lại, những câu chúc ngủ ngon, v.v.. khi đêm đã khuya sẽ được nhớ mãi.
 
o0o
 
Khi tôi ra xe theo Thắng-Nguyện về Los, gặp anh Tư Lung - xe anh chị Lung-Hương đậu cạnh xe Như Nguyện. Anh Lung nghiêm nghị nhìn tôi hỏi “Trâm, em coi lại có còn quên gì không?” Khựng 3 giây, tôi sực nhớ túi áo dài chưa cầm ra. Xoay 180 độ, tôi bước như chạy vào phòng tiệc. Ôi, phòng tiệc mới đây đông vui sao giờ vắng lặng vậy! Trong phòng thay y phục, chỉ còn túi áo dài của tôi treo trơ vơ trên tường. Trở ra xe, tôi bước từ từ suy nghĩ, không vội vì không quên thứ gì nữa. Xe anh Lung chưa chạy. Mừng và cảm động trước sự quan tâm của anh, tôi chỉ nói được lời cám ơn mà quên chúc anh chị sáng mai thượng lộ bình an trở lên San Jose.
 
"Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau, bên tiếng ca tiếng đàn vút trời cao... Dù thời gian có phôi pha ta không bao giờ quên". Dư âm bài "Ngày tạm biệt" của nhạc sĩ Lam Phương kết thúc đêm Đại Hội Xl dường như vẫn vương vấn quanh đây. Tạm biệt Orange County. Những ngày Hậu Đại Hội tại Los Angeles đang chờ tôi…
 
Hồ Thị Kim Trâm
CN 68 - 71
 
Cùng Tác Giả / Đề Tài