Vào những năm của thập kỷ năm mươi, lịch là một thứ khá hiếm hoi và người ta sử dụng âm lịch nhiều hơn dương lịch.
Tôi còn nhớ thủa còn nhỏ khi nhà chưa có lịch, tôi muốn biết ngày sanh của ai trong nhà chỉ hỏi bà nội. Bà nhớ tất cả ngày sinh tháng đẻ của các anh em tụi tôi trong nhà, và ngày đó là ngày âm lịch. Tuy bà không biết chữ, nhưng bà có một trí nhớ phi thường.
Một lần tôi hỏi bà tôi sinh vào ngày mấy? Bà trả lời tôi sinh vào ngày 7 tháng ba năm Kỷ Sửu 1949, và sinh vào giờ dần tức là vào khoảng 4 giờ sáng. Tuổi con trâu, sinh vào 4 giờ sáng, đúng vào giờ được người ta dẫn ra đồng kéo cày. Do vậy số tôi thuộc con trâu mà cầm tinh cái cày! Vào năm học trung học, tôi tra cứu chuyển đổi từ âm lịch sang dương lịch và thấy ngày sinh của mình là 04/04/1949. Do thời tôi ở Đà Lạt thuộc hoàng triều cương thổ, khai sanh đều bằng tiếng Pháp và luật lệ bắt buộc phải khai ngay khi sanh. Nhưng thường thủa xưa các bà kiêng cữ rất kỹ, nên sau khi hết ở cữ mới khai. Có lẽ vì thế mà ngày sanh của tôi trễ đi một tháng.
Tôi không rõ trước khi nhà có lịch thì xem lịch như thế nào, nhưng tôi nhớ ông nội tôi chứa rất nhiều những sách lịch Tàu. Tôi chỉ mang chúng ra để xem hình, thủa đó chỉ những người theo Nho Học mới xem được lịch, vì toàn là chữ Hán.
Dần dần lịch trở nên phổ thông, tôi nhớ vào những ngày sắp tết mẹ tôi đi chợ về thường mua một cuốn lịch Tam Tông Miếu để coi ngày, trong đó có đủ ngày tây, ta, giờ tốt, xấu và việc gì nên làm, việc nào không. Mỗi tờ lịch thường rất mỏng, in chữ đen, tôi thấy bà tôi khi thiếu giấy vấn thuốc hay xé một tờ để vấn. Có lịch để xem ngày ta, biết ngày nào là rằm hay mồng một để đi chùa hay để nấu ăn chay cho đúng. Thập trai hay lục trai, ăn chay 10 ngày gọi là thập trai, còn sáu là lục trai. Mỗi ngày xé một tờ, có lẽ do việc này nên có thành ngữ ”bóc lịch” có nghĩa là ở tù. Rồi tiến bộ hơn, vào những năm 60, 70 lịch được in phổ biến rông rãi có đủ loại, từ hình tài tử, ca sĩ, phong cảnh... và lịch để quảng cáo như hiện nay.
Việt Nam ta có thành ngữ ”ăn cơm mới, nói chuyện cũ”, nhưng cũng có câu ”ôn cố tri tân.” Thời gian thấm thoát thoi đưa, thoáng đáy tôi cũng bóc được hơn bảy mươi cuốn lịch! Lại còn đang chứng kiến một đại dịch thế kỷ, một con virus Vũ Hán đang làm mưa làm gió trên thế giới. Mong rằng thế giới mau thoát khỏi tai ương và nhất là không phải “chết dịch!”
Lê Đình Bang