alt
Ngày đầu trong ngôi trường mới

Đồng Nghiệp

Sau hai tuần khai giảng năm học, tôi mới đứng trên bục giảng ngày đầu tiên. Khi ấy các giáo viên trong trường đã quen biết nhau, và đã được sắp xếp giờ dạy đâu vô đó rồi. Đồng nghiệp của tôi vừa đủ đông cho một ngôi trường Huyện nhỏ, và tôi cũng đủ thời gian để quen hết họ, qua những buổi họp giáo viên, và những bữa ăn tập thể.
 
Những năm sau 1975, người từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp, hoặc được thuyên chuyển công tác rất nhiều. Trường Trần Bình Trọng cũng nhận một số nam giáo viên (không có nữ) về giảng dạy các môn học khác nhau. Trong đó, phân nửa đã có vợ con đang ở ngoài Bắc, số còn lại là ba người độc thân.
 
Giáo viên miền Nam, có hai người từ Đại Học Sư Phạm Huế, một dạy Toán và một dạy Hóa. Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, một thầy dạy Sử. Trung Cấp Sư Phạm, một thầy dạy Công Dân. Tất cả, lúc đầu ở chung một phòng dành cho giáo viên trong trường. Một thời gian sau, bốn giáo viên miền Nam chuyển ra ở trọ nhà các học sinh. Cho nên nhà ở giáo viên xem như “Lưu xá giáo viên miền Bắc.” Những thầy khác có gia đình ở mấy xã lân cận trường đi dạy bằng xe “Honda” rất tiện, Riêng anh Phát dạy Anh Văn thì lái Vespa, anh Nại dạy Sử đi Lambretta.
 
Phòng ở giáo viên xây trong khuôn viên trường, nên các giáo viên miền Bắc xem như sân nhà, hưởng ứng phong trào “tăng gia sản xuất - nuôi một con trồng một cây” rất chăm chỉ. Họ làm chuồng cho mấy con vật, và trồng rau trên mảnh đất rộng gần nhà ăn tập thể. Thỉnh thoảng sau buổi cơm chiều, tản bộ loanh quanh trong sân trường vắng, tôi thường nghe tiếng huyên náo quen thuộc:
 
  • Chó hiên chạy đâu thế nhỉ?
  • Mèo chí lại đi hoang.
  • Gà tâm xơi hết vườn rau của tôi rồi!
  • ...
   
Hỏi ra mới biết anh Hiên, dạy Toán, nuôi chó; anh Chí, dạy Văn, nuôi mèo; anh Tâm, dạy Toán, nuôi gà, ... Nên họ gọi mấy con vật bằng tên của người nuôi, chẳng kiêng nể gì. Cũng từ những thầy nội trú đó mà có câu “Ăn tranh thủ, Ngủ khẩn trương, Dạy bình thường, Chơi chủ yếu!” Có lẽ câu vè này không lạ gì với người miền Bắc, nhưng với người miền Nam thì nghe như diễu cợt, không quen tai. 
 
Thú tiêu khiển của các giáo viên miền Nam là thể thao. Họ thường tổ chức thi đấu pingpong (bóng bàn) trong trường khi có dịp. Thầy Hiệu Trưởng là người miền Nam tập kết ra Bắc, thích thể thao văn nghệ nên luôn ủng hộ các hoạt động lành mạnh của nhóm giáo viên miền Nam. Thầy cho mua một bàn pingpong và cây đàn guitar thùng gỗ để trong phòng họp. Căn phòng đủ rộng để khi có thi đấu, bày được một bàn pingpong, và dãy ghế chung quanh cho khán giả ngồi. Đa số các thầy đều biết chơi pingpong, nhưng đánh đơn và đôi giỏi nhất nhì trong số đó chỉ có các anh: Phát, Hoa (Anh Văn); và Dũng (Hóa), Dũng (Toán). Cặp Dũng Hóa - Dũng Toán kết hợp cũng ngang tài ngang sức với cặp Phát - Hoa. Nhưng khi đánh đơn thì chỉ có Phát Anh và Dũng Hóa vào chung kết.
 
Tôi cũng thích thể thao, nhưng các cô khác thì không, nên tôi được giao cho làm Trọng Tài. Sau mỗi trận đấu, giải thưởng là một chầu cà phê, hoặc sang hơn là buổi tiệc hải sản, (thường ở nhà anh Hoa). Dĩ nhiên trọng tài cũng được mời. Không có trong tài làm gì có tiệc, phải không?
 
Tuy sống trong điều kiện thiếu tiện nghi, nhưng tôi cũng được an ủi nhờ có hai anh bạn rất nhiệt tình giúp đỡ. Ngày ngày hai anh bạn, một lambretta, một xe đạp sườn ngang, vui vẻ chở nước trong mấy can nhựa 4 lít đến đổ đầy thùng phuy trong nhà dùm tôi, nói là để tôi đỡ kéo nước giếng vất vả. Và cứ đều đặn như vậy suốt hai năm, đôi bạn thi đua chở nước trở nên thân nhau mới lạ??  Kết quả của cuộc đua xe đường dài không cân sức đó, xe đạp sườn ngang thắng, vì tôi đã chọn chủ nhân của nó.
 
o0o
 
Các bạn nữ của tôi cũng vô cùng dễ thương. Ngoài chị Danh, chị Trọng có nhà riêng; những người khác đều ở trọ nhà học trò như tôi, là chị Minh dạy Địa Lý, Thủy dạy Việt Văn, Diệu dạy Sinh vật. Qua năm học thứ nhì, lực lượng “con bà sơ” tăng thêm Huê, Trung cấp sư phạm, hướng dẫn “Công Tác Đoàn”, và Phước, Đại Học Sư Phạm Huế dạy Toán. Chúng tôi mỗi chiều thứ bảy họp ở nhà chị Minh trọ, (do chị Minh tổ chức) trò chuyện, đàn hát, và ăn uống - cách vui chơi duy nhất để chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà! Ai có món ăn thức uống gì tự mang tới. Món ruột của tôi là Cốm. Mì sợi (tiêu chuẩn phân phối kèm với gạo) ngào đường nhai giòn như cốm. Tuy là “tám điệp khúc” mỗi tuần nhưng món cốm chưa bao giờ bị ế! Có lẽ chúng tôi thiếu chất dinh dưỡng nên thèm ngọt chăng?  
 
Hai bạn mới vào nhóm được đàn chị đối xử tử tế, không bắt nạt em út với màn “chào sân” như vẫn tưởng. Vì thế hai em rất mến đàn chị, luôn một dạ hai thưa.
 
Phước mới ra trường, siêng ở nhà soạn bài hơn đi chơi, có khi bỏ buổi họp cuối tuần với nhóm. 
 
Huê dáng người cao to, tốt bụng, giọng nói sang sảng cứ kể chuyện tiếu lâm là cả nhóm cười ồn ào vang một góc sân. Mỗi đầu niên khóa, tất cả giáo viên các trường thuộc tỉnh Khánh Hòa phải có mặt ở Nha Trang học chính trị ba ngày. Trong ba ngày đó, Huê mời vài bạn nữ “vô gia cư” về nhà cha mẹ Huê ở tạm, lo bữa ăn, chỗ ngủ rất chu đáo. Mẹ tôi dặn khi ra Nha Trang thì đến nhà dì Lệ, bạn mẹ ở. Nhưng tôi thích bụi đời với bạn nên chọn nhà Huê. Má Huê hiền, luôn để dành nải chuối sứ cho tôi đem về trường. Nói theo tử vi, số tôi được “Quý nhân phò trợ” cũng không sai.
 
Tôn Nữ Thu Thủy dạy Văn, Đại Học Sư Phạm Huế, là con gái Đất Thần Kinh chính gốc. Thủy có giọng nói nhẹ nhàng, hơi điệu; lại dạy môn Văn nên nói chuyện văn vẻ, thơ thẩn lắm. Sở thích của Thủy là ngồi quán cà phê, để soạn bài hay làm thơ thì không ai biết. Quán cà phê này là địa chỉ họp của nhóm Anh Văn (Phát, Hoa, Trâm) do anh Phát chọn. Có khi nhóm AV vào quán, Thủy đã ngồi đó; đến khi nhóm chúng tôi giải tán, Thủy vẫn chưa ra về.
 
Chị Minh dạy Địa Lý, Bắc Kỳ di cư vào Nha Trang. Chị lớn nhất trong nhóm, nghiêm nghị, đạo mạo ra vẻ cô giáo. Tuy vậy, chị còn độc thân vui tính nên thích chơi với người trẻ tuổi hơn.
 
Trong số nữ giáo viên, Diệu là người bạn thân nhất của tôi. Diệu dạy môn Sinh Vật, dân thành phố Nha Trang. Có lẽ tôi thân với Diệu do Diệu là người đầu tiên làm quen và thích chơi với tôi. Diệu ở trọ nhà một học sinh, cạnh nhà tôi ở. Nói là cạnh nhưng hai nhà cách nhau một bãi đất cát khá rộng, hàng rào là những bụi mía. Chúng tôi thường băng qua bụi mía đến nhà nhau chơi. Có khi Diệu dẫn tôi ra xem lò nấu đường, lò làm nước mắm của chủ nhà, có khi đi xa hơn tới vườn ổi hái trái chín cây. Diệu hơi khó tính. Học trò lớp tôi hướng dẫn nói rằng “cô Diệu dạy hay nhưng dữ quá!” Diệu dạy hay thật, vì lớp 12 sợ nhất môn Toán Di Truyền, nhưng cô Diệu giảng bài thì rất dễ hiểu. Bằng chứng là ba học trò lớp 12A ban toán của tôi hướng dẫn, thi Đại Học Y Khoa Huế đều đậu. Diệu chơi với tôi rất thiệt tình, có phần ân cần nên tôi quý bạn ấy lắm. 
 
Những đêm trăng sáng, Diệu rủ tôi ra ngoài dạo chơi. Hai đứa ngồi lại trên bãi cỏ ven đường hóng mát, ngắm trăng. Khi ấy cảnh vật chung quanh tĩnh lặng khiến tâm hồn tôi nhẹ nhàng lạ kỳ. Ở một huyện nhỏ không đèn, xa thành phố náo nhiệt, ánh trăng trở nên rất quyến rũ. Những hàng Dương rủ lá, in bóng đen trên lối đi trắng xóa, trông như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Nơi chốn bình yên đó, nơi tôi đang sống cùng những người dân chất phác và có những học trò hiền lành hồn nhiên; tôi không bận tâm đến cuộc sống khó khăn hiện tại nữa, bao nhiêu lo lắng đều tan biến, chỉ còn lại tôi mạnh mẽ với những ước mơ tươi đẹp của tuổi trẻ.
 
Sau khi tôi từ giã trường Trần Bình Trọng, lần lượt các thầy, cô khác cũng được thuyên chuyển về dạy tại quê quán, lập gia đình, và có cuộc sống khá giả hơn trước. Chúng tôi lâu ngày không gặp nhau nhưng Diệu, Thủy, Minh, anh Hoa, anh Thức,...  vẫn luôn nhớ đến tôi, ghé nhà thăm viếng mỗi khi có dịp vào Sài Gòn. Nhờ đó, tôi được biết tin tức của một số bạn cũ, nghe kể chuyện mà lòng buồn vui lẫn lộn.
 
Những đồng nghiệp đầu tiên của tôi, từ ba miền đất nước, gặp nhau trong một ngôi trường đơn sơ nhưng ấm áp nghĩa tình. Chúng tôi vẫn còn gìn giữ tình bạn đẹp đẽ cho nhau dù sau bao nhiêu năm “vật đổi sao dời”.
 
Hồ Thị Kim Trâm
(Trích trong Hồi Ký)  
 

 

alt

Trong phòng Hiệu Trưởng khang trang. Thầy Thức, (người thứ nhì bên phải) Hiệu Trưởng mới, thay thầy Cẩn (người thứ ba bên phải) về hưu.

 

alt

Một lần ghé thăm trường năm 2000, gặp lại đồng nghiệp từ các nơi về. Những hàng Dương ngày xưa thầy trò cùng trồng trong sân trường đã lớn, gốc mít cũng già hơn, nhưng sân trường vẫn đầy cát trắng. 

 
 
Cùng Tác Giả / Đề Tài