![]() |
Ngày đầu trong ngôi trường mới |
Phần 1:
Ngôi trường mới
Chuyến xe đò từ Sài Gòn chở tôi ra đến bến xe Nha Trang lúc 6 giờ chiều, thời gian đi mất gần mười giờ đồng hồ trên đoạn đường dài 450km. Hành trang là chiếc va-li nhỏ và túi bỏ giấy tờ với quyết định phân công về Phú Khánh của Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. (trước 75 Nha Trang và Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, sau nhập chung với tỉnh Phú Yên thành Phú Khánh). Đêm đầu tiên tôi ở lại nhà dì Lệ, bác sỹ bịnh viện Yersin Nha Trang, bạn mẹ tôi thời trung học Đồng Khánh-Huế.
Sáng sớm hôm sau tôi tạm biệt dì Lệ, đến Ty Giáo Dục Phú Khánh trình diện. Ông Trưởng Ty giữ tờ quyết định của trường ĐHSP-SG và ký tên đóng dấu một tờ “quyết định bổ nhiệm” khác giao cho tôi. Đọc qua tên trường, Trung Học Phổ Thông Cấp 3 (Trung Hoc Đệ Nhị Cấp) Trần Bình Trọng - Cam Ranh, tôi hỏi ông Trưởng Ty đường đến trường rồi chào và đi ngay.
Đón chiếc Daihatsu ngoài quốc lộ, tôi dặn bác tài xế đến trường Trần Bình Trọng ở Bãi Giếng thì nhắc dùm. Bác tài hỏi “Cô mới tới đây lần đầu hả, cô dzô đó dạy hay học?” Tôi cười, “dạ dạy học.” Xe ngừng lại bên lề quốc lộ. Bác tài chỉ lên tấm bảng lớn vẽ tên trường gắn trên một cái cổng rộng không có cánh cửa, “Đó, trường này đó, cô giáo dzô đi.” Tôi cám ơn bác tài và xuống xe.
Đó là một ngày Thu tháng 9 năm 1977, tâm trạng gần giống nhà văn Thanh Tịnh trong truyện ngắn “Quê Mẹ,” không có lá trên đường ngập đầy, cũng không có mẹ dắt tay đi học, tôi bước vào sân trường trên lối đi đầy cát trắng. Khoảng sân rộng mênh mông lưa thưa vài gốc cây già. Chung quanh toàn là cát mịn, không có lấy một bụi cỏ. Phía trong xa, học sinh đang tập thể dục. Sửa lại chiếc va-li trên tay, tôi hít sâu tiến thẳng đến dãy phòng ngang chính giữa, nhìn lướt qua những tấm bảng treo trên tường tìm Phòng Hiệu Trưởng.
Thầy Cẩn, Hiệu Trưởng, tiếp tôi thân thiện. Sau khi đọc qua tờ quyết định bổ nhiệm, thầy hỏi “Cô Trâm tính dạy ở trường lâu dài không?” Hơi bất ngờ, tôi ngớ người ra, không dạy ở đây chứ về nhà ăn bám mẹ sao? “Dạ, ý của thầy tôi chưa hiểu.” Tôi hỏi lại vì muốn biết rõ lý do. Thầy cười, “Vì chỗ này không có điện, nước thì dùng nước giếng. Trước cô Trâm có mấy cô ở Sài Gòn ra đây, chịu cực không nổi nên bỏ việc”. Tôi chưa biết mùi vị cực đến thế nào mà các cô không chịu nổi. Nhưng cách nói chuyện của thầy Hiệu Trưởng chân thật đáng tin cậy nên tôi hứa sẽ cố gắng dạy học, nếu muốn về Sài Gòn cũng báo trước với thầy chứ không bỏ ngang.
Sau giờ thể dục, tất cả vào lớp, trả lại một màu trắng xóa trên bãi sân dưới bầu trời hanh nắng. Thầy Hiệu Trưởng đưa tôi đi một vòng quanh trường, giới thiệu từng phòng. Nói là vòng quanh chứ ngôi trường chỉ có hai dãy nhà trệt đơn sơ xây hình chữ L ngược. Dãy giữa gồm nhà ở của giáo viên, phòng để dụng cụ dạy học, thư viện, phòng Hiệu Trưởng, phòng họp, góc xa là nhà ăn tập thể núp dưới mấy cây đu đủ, kề bên cái giếng nước. Dãy ngang gồm nhiều phòng học liền nhau, giờ học chia ra hai buổi sáng chiều. Ngoài sân trước có xây một tấm bảng thông báo lớn sơn xanh lá cây. Bên cạnh là gốc mít to, có cái kẻng treo trên một cành cây để đánh báo hiệu giờ. Tôi bâng khuâng, đây là ngôi trường mới của mình?
Nhà trọ
Rời trường, thầy Hiệu Trưởng dẫn tôi băng ngang qua xa lộ đến nhà của phụ huynh em Nguyễn Dương, một học sinh lớp 10, là nhà tôi sẽ ở trọ trong thời gian dạy nơi đây. Căn nhà đối diện trường, tuy gần nhưng phải đi qua bên kia xa lộ không có đèn giao thông rất nguy hiểm. Vậy mà về sau, quãng đường vắng đầy rủi ro đó đã in không biết bao nhiêu là dấu chân tôi qua lại.
Nhờ thầy Hiệu Trưởng đã xin phép chủ nhà trước nên tôi sớm có được một chỗ ở tương đối. Căn nhà rộng rãi thoáng mát, phía sau có trồng mấy bụi mía, chuồng nuôi heo, gà. Tôi ngó qua một vòng, không thấy phòng tắm đâu, chỉ có cái giếng, nước cao gần đến miệng giếng, có thể với tay xuống múc nước. Nhưng, tôi muốn đi tắm thì sao? Thì đợi trời tối, ra giếng! À, tóm lại là nhà vệ sinh công cộng, phòng tắm lộ thiên, không điện, không nước máy. Tôi đã hiểu lý do mấy cô trước đây, chưa dạy học ngày nào đã chuồn mất tăm! Nhưng tôi thuộc tuýp người thích ứng nhanh, không câu nệ nhiều, quan trọng nhất là không muốn về nhà ăn bám mẹ sau bao năm học hành.
Hai bác chủ nhà thương tôi như con, và quý trọng nghề giáo nên cuộc sống của tôi khá vui, đỡ nhớ nhà. Bác trai có rẫy mía, rẫy bắp, rẫy khoai mì; mùa nào trồng thứ nấy. Đến mùa thu, lương thực chở về chất đầy kho sau khi bán. Hai bác thường để dành cho tôi khi chén cơm bắp, lúc chén khoai ngào đường, hoặc vài khúc mía. Những thức bình dị đó đối với tôi lúc ấy như món quà của thượng đế ban tặng trong giai đoạn khó khăn, ngày hai buổi chỉ biết cơm tập thể.
Năm sau, hai bác ưu ái cho tôi độc quyền trong căn nhà thờ ba gian, bao quanh là rẫy khoai mì. Qua khỏi rẫy khoai có một hàng rào gỗ thấp, ranh giới với trường Trần Bình Trọng. Căn nhà này bác trai hoặc trò Dương thỉnh thoảng vào chăm sóc rẫy khoai, quét dọn, và nghỉ ngơi trên chiếc võng treo giữa nhà. Tôi có một không gian riêng tư, có bàn làm việc kê bên cửa sổ nhìn ra mảnh vườn cát trắng trồng xương rồng và sứ. Trước nhà có giàn hoa giấy thơ mộng và cái giếng nước trong veo. Ở nơi nắng hanh hao đầy gió, có được một mảnh vườn nhỏ như vậy, với tôi cũng đủ là niềm vui.
Cũng vì hạnh phúc nhỏ nhoi đó mà tôi đã bao lần suýt trễ giờ vào lớp.
Ông Bùn, gác dan kiêm đánh kẻng báo hiệu giờ vào lớp, ra chơi, và giờ tan học. Đặc biệt giờ vào lớp đánh hai hồi, sau hồi kẻng thứ hai mà chưa có mặt trong lớp xem như trễ giờ. Đôi khi kẻng vang lên lần đầu tôi mới sực nhớ có giờ dạy, vội lật đật thay y phục. Rồi, tay ôm sách, tay túm hai vạt áo dài, tôi chạy băng qua rẫy khoai mì, leo rào vô trường. Dù con đường phải đi ngang qua nhà vệ sinh, tôi cũng đành nhắm mắt đưa chân! Những lần như vậy, ông Bùn tốt bụng thấy tôi từ đằng xa là ông chưa bắt đầu hồi hai, đợi tôi đến trước cửa lớp ông mới đánh kẻng. Ôi, ông Bùn phải gọi tên là ông Bụt!
Phụ Tá Giáo Viên Hướng Dẫn (1)
Là chức vụ đầu tiên thầy Hiệu Trưởng giao cho tôi ngoài công việc dạy chuyên môn. Thầy giới thiệu trong một buổi họp giáo viên, “Cô Trâm từ hôm nay là phụ tá Giáo Viên Hướng Dẫn lớp 10D1 (ban A sinh hóa) giúp cô Danh, có việc gì cần cô Danh hướng dẫn thêm cho cô Trâm.”
Chị Danh dạy môn vạn vật, người Nha Trang, giọng nói nhỏ nhẹ. Chị nhờ tôi hướng dẫn báo chí, văn nghệ cho lớp. Chuyên môn có chị lo. Thứ sáu mỗi tuần, sau giờ họp lớp là chị lên xe về nhà, sáng thứ hai vô trường lại.
Tôi thì có được hai ngày cuối tuần rảnh rỗi, nên xem ra cô phụ tá thường bận rộn với đám học trò hơn. Học trò thay nhau mời cô đến nhà chơi hoặc đi vô vườn ổi, mãng cầu, xoài, v.v... Đôi khi tôi cũng dùng cơm cùng gia đình các em, trò chuyện với phụ huynh. Cứ vậy, mỗi tháng tôi đều có “báo cáo công tác” trong buổi họp giáo viên. Công việc này thật sự không quá khó, trái lại còn đem lại lợi ích về mặt thể chất cho tôi. Thì đúng như vậy, mỗi dịp nghỉ Hè hoặc Tết về nhà, mẹ tôi hay nói tôi dạy học nơi khỉ ho cò gáy mà mập ra đó. Còn khi trở lại trường, học trò nhìn tôi thương cảm “sao cô ốm dzậy cô?” “Ừ, tại thời tiết Sài Gòn nóng quá!” Tôi cứ trả lời mà chẳng biết đúng không.
Lớp 10 D1, niên học 1977-1978
Giáo Viên Hướng Dẫn (2)
Qua năm học tiếp theo, cũng trong buổi họp giáo viên đầu năm, thầy Hiệu Trưởng lại thay đổi quyết định, “Cô Trâm năm nay làm giáo viên hướng dẫn lớp 12A (ban B Toán Lý)”. Lời thầy vừa dứt, không những làm tôi ngạc nhiên mà khiến các giáo viên khác xôn xao, nhất là các thầy dạy Toán và Vật Lý.
-
Cô Trâm mới dạy một năm, có đủ kinh nghiệm hướng dẫn không?
-
Lớp 12 học sinh lớn, cô Trâm trẻ quá mấy em có nghe lời không?
-
Lớp ban A nên để các thầy dạy Toán làm giáo viên hướng dẫn mới đúng.
-
Lớp 12 cuối năm thi tốt nghiệp, cần giáo viên hướng dẫn giỏi và có kinh nghiệm.
-
...
Thầy Hiệu Trưởng lắng nghe ý kiến rồi điềm tĩnh phân tích từng câu
-
Cô Trâm tuy mới về trường nhưng được học trò thương, không chỉ riêng lớp 10 của cô.
-
Lớp 12A có nhiều học sinh cá biệt nhưng sẽ không phá cô Trâm vì cô hiền.
-
Cô Trâm không dạy Toán, nhưng nếu học trò nghe lời cô thì sẽ tự chăm học.
-
Tôi sẽ để cô Trâm làm giáo viên hướng dẫn một học kỳ, nếu kết quả học kỳ I tốt, cô Trâm sẽ tiếp tục, không thì tôi sẽ chọn thầy khác thay.
Dĩ nhiên tất cả giáo viên đều đồng ý. Và tôi cũng đã không làm thầy Hiệu Trưởng thất vọng. Thậm chí lớp 12A đã khiến toàn trường bất ngờ với khả năng chơi bóng chuyền, làm bích báo, và văn nghệ thi đua toàn tỉnh. Ngoài ra, những ngày đi lao động làm “thủy lợi," lớp tôi hướng dẫn cũng hăng hái xúc đất bùn và ca hát ra trò.
Anh Phát, tổ trưởng môn Anh Văn thường nói “lớp 12A có một vài học sinh cá biệt, nhưng đa số học giỏi đều các môn nên thầy cô nào cũng thích, giảng bài đỡ mệt hơn mấy lớp học sinh yếu. Lớp cô hướng dẫn năm nay cũng chịu học Anh Văn rồi, chắc nhờ cô dạy mấy bài hát tiếng Anh hay hay”. Anh Phát giỏi chuyên môn nên toàn thời gian dạy lớp 12. Tôi tuy hướng dẫn lớp 12 nhưng chỉ được sắp cho dạy lớp 10 và vài giờ lớp 11 thôi. Ngoài ra tổ Anh Văn còn có anh Hoa, dạy lớp 11 và vài giờ lớp 10. Ba người chúng tôi thường dạy thay cho nhau nếu có người nào bận việc. Cho nên, thỉnh thoảng tôi cũng được dạy lớp 12. Có hôm được dạy thay anh Phát đúng lớp tôi hướng dẫn thì khỏi nói, các em đưa ra nhiều câu hỏi ngoài lề làm khó cô rồi cả lớp cùng cười vang. Đúng là “Nhất quỷ nhì ma thứ ba lớp 12A của cô Trâm," như lời của thầy Trang, phụ trách kỷ luật thường nói.
Hồ Thị Kim Trâm
(Trích trong Hồi Ký)
Ghi Chú:
Phần II sẽ được đăng vào trong những ngày tới.
Danh từ dùng sau 1975: (1) Phó Chủ Nhiệm, (2) Chủ Nhiệm
Cùng với các học sinh viếng Chùa Vĩnh Nghiêm và Thảo Cầm Viên trong dịp các em từ Cam Ranh vào Sài Gòn thi tuyển đại học năm 1979.