Nếu món nợ lớn nhất của đời người là món nợ tình cảm, thì quả nó đã chất chồng để anh em NLS Bảo Lộc chúng ta, sau ba bốn mươi năm vẫn kiếm tìm nhau và cố trang trải món nợ tình thân đó; và cuộc đời đã ưu đãi để chúng ta còn có cơ may gặp lại, nhiều kỷ niệm được nhắc nhớ, về những ngày tháng cũ, về những người bạn cùng huyền thoại gắn liền với họ. Nếu những người học trò ở tuổi non dại rời mái ấm tề tựu đến ngôi trường mới để học, thì Thầy Cô cũng rời gia đình tới chốn lạ đó để dạy. Thân tình bè bạn nở dần, nghĩa tình thầy trò đậm sâu, tình đồng nghiệp giữa Thầy Cô gắn chặt. Tất cả đã hoà quyện sống hạnh phúc dưới mái ấm của nhà trường. Nếu hồi ký "Ngược Dòng Thời Gian", Thầy Phan Bá Sáu đã đưa chúng ta về lại bến xưa của câu chuyện thầy trò, thì những dòng viết dưới đây cũng trong tâm tình ghi lại về tình đồng nghiệp của Thầy, với gắn bó qua những huyền thoại để đời... (Trang Nhà)
Tam Không Sư Phụ
Năm 1967, bốn giáo sư trung học đệ nhị cấp được bổ nhiệm về trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc gồm các anh: Nguyễn Viết Huyền, Phan Quang Định (từ Đại Học Sư Phạm Saigon), Phạm Phước Bách và tôi (từ Đại Học Sư Phạm Huế). Trong bốn anh em mới, tôi là người lớn tuổi nhất và anh Định là người nhỏ tuổi nhất.
Anh Huyền san sẻ bộ môn Sử- Địa với anh Châu Kim Lang, một thầy giáo rất mẫu mực, được chuyển về dạy trước chúng tôi vài năm. Anh Lê Quang Minh phụ trách môn Lý Hóa, cũng về trường trước chúng tôi một vài năm. Anh dậy rất thành công, bài giảng của anh hết sức rõ ràng và cô đọng. Khi mới đến, tôi có xem một ít bài giảng của anh (qua hoc sinh) để có ý niệm về mức độ truyền đạt kiến thức Lý-Hóa cho học sinh thuộc hệ thống chuyên nghiệp Nông Lâm Súc (NLS).Tôi quả thật khâm phục cách giảng dạy gọn nhẹ, nhưng rất hiệu quả của người đàn anh này. Được người thông minh, dễ tính và kinh nghiệm làm hướng đạo viên, tôi bước vào nghề hết sức nhẹ nhàng. Anh Bách phụ trách môn Tóan cũng không đến nỗi đơn độc, vì dầu sao cũng có anh Minh và tôi tiếp tay, chỉ riêng anh Phan Quang Định một mình một chợ. Anh giảng dạy môn Triết cho ba lớp 12. Triết là một môn học rất mới đối với học sinh cấp trung hoc, quả là một gánh nặng cho người thầy giáo trẻ.
Qua năm sau anh Huyền thuyên chuyển về Trung Học NLS Bình-Dương, trường mất đi một người thầy trẻ nhiệt tình, và nhóm "Lương Sơn Bạc" mất đi một hảo hán! Tháng tám năm đó, chúng tôi nhận lệnh gọi nhập ngũ khóa 8/68 Sĩ Quan Trừ Bị. Anh Thịnh, anh Xuân, anh Thiệp, anh Cường, anh Minh, anh Lang, anh Định và tôi được đưa ra thụ huấn tại Trung Tâm Huấn luyện Lam Sơn. Chúng tôi được huấn luyện 9 tuần căn bản quân sự, và sau đó được biệt phái trở lại trường. Tạm xa phấn trắng bảng đen trong thời gian ngắn để khoác lên mình chiếc áo nhà binh, cũng có cái buồn vui của nó.Tự cho mình thuộc nhà binh, chúng tôi phần nào đã gạt bỏ đi những gò bó của cái vỏ nhà giáo, ăn nói có phần bừa bãi hơn.Trong thời gian này, những bản nhạc của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát hết sức truyền cảm của anh Thịnh đã thât sự chinh phục được cảm tìnnh của tất cả anh em trong Liên Đại Đội chúng tôi. Riêng tôi cảm thấy như hiểu anh Thịnh nhiều hơn, và có cảm tình với anh nhiều hơn lúc ở trường. Trong thời gian chúng tôi đi thụ huấn quân sự, nhà trường được điều hành bởi thầy Trần Đăng Thảo và hai cô kỹ sư Dương Thị Tuấn Ngọc và Hồ Thị Thanh Vân. Cô Vân giữ nhiệm vụ Gíam học, trông coi về học vụ, cô Ngọc giữ nhiệm vụ Tổng Gíam Canh, chịu trách nhiệm tổng quát về nông trại thực hành của các lớp, chương trình thí nghiệm của trường, và tòan bộ cơ sở vật chất. Thầy Thảo, với vai trò xử lý thường vụ Hiệu Trưởng, chịu trách nhiệm về hành chánh và tài chánh.Với sự làm việc hăng say và khoa học, hai cô kỹ sư cùng với thầy Thảo đã điều hành nhà trường hết sức tốt đẹp. Chúng tôi trở lại trường, mọi người nhanh chóng bắt tay vào công việc của mình. Không nói ra, nhưng mọi người đều thán phục tài năng và tinh thần phục vụ của hai cô kỹ sư trẻ!
Anh Phạm Phước Bách được chuyển về Trung Học NLS-Huế, cũng đi thụ huấn quân sự như chúng tôi, nhưng có lẽ có sự trục trặc giấy tờ giữa Bô Gíao Dục và Bộ Quôc Phòng nên anh phải tiếp tục vào Trường Bộ Binh Thủ Đức để hòan tất khóa sĩ quan trừ bị. Như vậy, trong ba người bạn cùng về trường một lúc với tôi, bây giờ chỉ còn lại Phan Quang Định! Một gìa một trẻ bầu bạn với nhau, ngày càng thân. Anh Định thông minh, thuộc gia đình khá gỉa, được học hành đầy đủ, nên dễ dàng yêu đời. Trái lại, tôi lớn lên trong một gia đình đông con, và trải qua nhiều thăng trầm, thành thử nhìn đời với con mắt e dè hơn. Có lẽ những khác biệt đó đã bổ khuyết cho nhau, làm cho chúng tôi thấy mến nhau.
Khi còn ở NLS Bảo Lộc, anh Định có một biệt danh vui vui, phổ biến rất hạn chế là "Tam Không Sư Phụ". Cái biệt danh đó do đâu mà có thì tôi biết, nhưng ai gợi ý ra nó thì tôi không chắc. Một "triết gia" trẻ tuổi, lại độc thân, cuộc sống của anh ấy không được ngăn nắp lắm. Thậm chí có lúc vội vàng đến lớp với y phuc không mấy chỉnh tề, chẳng hạn có lúc quần không "nịt", lúc khác thì đi giầy không vớ! Cũng có tiếng xì xào, nhưng anh ấy không xem thành vấn đề, mà còn cảm thấy vui vui. Có một hôm anh đến nhà tôi chơi, thấy cặp gọng kính không tròng để trên tủ, rồi lấy đeo chơi cho vui. Không biết vô tình hay cố ý, anh đã đến lớp với cặp kính không tròng ! Sau này nghe nói lại, có người nghi ngờ kính có tròng hay không, và đã kiểm tra khi anh Định để kính trên bàn thầy gíao. Cái biệt danh "Tam Không Sư Phụ" từ đó ra đời, để chỉ ông thầy Triết với kính không tròng, quần không nịt, và giầy không vớ! Cho đến ngày nay, tôi vẫn không biết chắc ai là người đã gán cho anh Định biệt danh đó.Theo tôi suy đóan có lẽ do chính anh ấy, hay những đệ tử thân cận, đã đặt cho anh để vui cười với nhau!
Nhớ lại hồi đi thụ huấn quân sự ở Lam Sơn, tuy được các sĩ quan huấn luyện viên đối xử có phần đặc biệt vì nghĩ rằng các ông gíao này chỉ thụ huấn quân sự một thời gian ngắn rồi trở lại trường thôi. Dù gì chăng nữa, tôi nghĩ mình đang ở vị thế một người lính, phải tôn trọng kỷ luật của tập thể quân đội, nhưng từ ngày vào cho đến ngày ra trại trở về trường, tôi chẳng thấy một tí "chất lính" gì ở anh Định cả! Lúc nào cũng lè phè, áo quần giầy nón muốn ra sao thì ra, lúc nào cũng tỉnh bơ như người Hà Nội!
Anh Định thuộc đại đội 272 cùng với các anh Cường, Minh, và Châu Kim Lang; tôi và các anh Xuân, Thiệp,và Nghiêm Xuân Thịnh thuộc đại đội 273, lán trại của hai đại đội chỉ cách nhau chưa đầy 50 mét, và một giao thông hào khá sâu chạy dọc theo hai căn trại. Một buổi chiều đi huấn luyện về, trời mưa lâm râm, tôi đang ngồi nghỉ trong trại của mình, thấy anh Định chạy nhanh vào với khẩu súng Garant kẹp trong cái poncho. Định hối hả nói: "Anh Sáu, chùi gíup tôi cây súng nhanh lên, đại đội tôi đang bị khám súng!" Cả tuần không chùi súng, nay bị khám đột xuất, thấy không ổn, Định (may mắn được xếp hàng sau cùng) vội ôm súng nhào xuống giao thông hào, lén chuồn qua trại của đại đội tôi để nhờ tôi chùi súng! Với thời giờ quá hạn hẹp, tôi đã hành động như một cái máy: nhanh chóng rút cây thông nòng, gắn miếng giẻ, thắm chút dầu và thông từ miệng súng xuống vài ba lần, kéo cơ bẩm để chùi qua loa bên trong. Tất cả mất độ một phút, và giao súng lại cho anh Định. Định lại lao xuống giao thông hào, khom mình chuồn về êm thắm. Tôi nghĩ thế nào anh Định cũng bị hít đất hay chạy 100 vòng quanh sân trại, nhưng mọi chuyện cũng êm xuôi. Có lẽ các sĩ quan cán bộ đại đội cũng khám lấy lệ! Đâu ai muốn khó dễ chi mấy ông giáo.
Đến năm 1971, nhóm Lương Sơn Bạc đã không còn hiện diện ở bản địa Đại Bình Sơn. Hồ Phước Hải, với giọng nói sang sảng, phụ trách môn Công Dân và Quản lý nông trại, đã về Long xuyên với chức vụ mới: Tổng Thư Ký Viện Đại Học Hòa Hảo. Lê Văn Sơn tức Sơn lao động, chuyển về Saigon với chức vụ quyền uy: Thanh tra Giám Sát Viện, kế bước Nguyễn Viết Huyền là Phan Quang Định đã chuyển về Trung Học NLS Bình Dương. Tôi vẫn trụ lại Bảo Lộc, anh Định tuy dậy ở NLS Bình Dương nhưng vẫn tá túc nhà bố mẹ ở Trương Minh Ký, Sài Gòn. Mỗi lần về Sài Gòn tôi đều có gặp anh Định. Chúng tôi đi cà phê, cà pháo với nhau.Thỉnh thoảng anh Định có đưa tôi đi nhâu thịt cầy. Tôi không thích món "Cờ Tây" này mấy, nhưng ăn thịt chó nói chuyên mới vui. Anh Định thường nói đùa với tôi: "Ăn thịt cầy, bình đẳng với chó", tôi thật tình cũng không hiểu hết ý nghĩa của câu nói. Nhưng nghĩ rằng, đã cùng nhau chén tạc chén thù ở tiệm thịt chó thì nói chuyện với nhau không cần chi phải rào đón, nghĩ sao nói vậy cho thoải mái.
Thời gian qua mau, mới ngày nào, hai anh Phan Quang Định và Nguyễn Viết Huyền đến dự đám cưới của vợ chồng tôi ở nhà hàng Quốc Tế trên đường Lê Lợi Sài Gòn, nay vợ chồng tôi đã có 3 con, anh Định vẫn tiếp tục vui với nếp sống độc thân. Cuộc sống của người công chức càng ngày càng khó khăn hơn, vì sự leo thang của vật gía. Tôi phải làm việc nhiều hơn để giữ được mức sống của gia đình. Ngoài việc dậy thêm giờ trong trường, tôi còn ra bên ngoài dạy thêm ở trường Cộng Hòa. Bao nhiêu người phải xoay xở, riêng anh Định vẫn tà tà sáng Bình Dương chiều Sài Gòn, mỗi tuần khoảng 3 ngày, rảnh thời giờ thì đọc sách và vui chơi với bạn bè.
Năm 1972, một người anh trong gia đình tôi xây một trường tư thục ở gần ngã tư Bảy Hiền, lấy tên là trường Đông Hồ. Tôi và người anh kế, cũng làm nghề giáo ở Sài Gòn, phụ vào việc điều hành nhà trường mới.Tôi làm nhiều vào các tháng hè, còn người anh kế tôi thì hỗ trợ quanh năm. Chúng tôi mời nhiều bạn bè về phụ gíúp một tay, trong số này có anh Phan Quang Định, và người bạn cùng dạy Triết với anh ở Bình Dương là anh Trần Nhật Tân. Nhờ cơ hội này tôi với anh Định gặp nhau nhiều hơn. Thỉnh thoảng lại rủ nhau đi lai rai bê thui, chả chìa ...v...v...
Sau biến cố 75, cuộc đời của tôi và Định đã quay 180 độ. Gia đình tôi, một số được cho vào tù, người được mời lên vùng kinh tế mới. Tài sản của mọi người trong gia đình tôi đều mất sạch. Tôi theo lệnh gọi của chính phủ mới, lên Bảo Lộc trình diện. Hai vợ chồng, 3 đứa con và 7 đứa cháu (người anh thứ tư của tôi, vợ chết đã lâu, trình diện đi cải tạo, các cháu không ai nuôi, nên tôi phải cưu mang). Cuộc sống của gia đình tôi như thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ. Riêng anh Định thì còn tệ hại hơn. Anh Định có bằng đại học môn Triết, người ta không chấp nhận môn học đó, và anh Định được xem như không có học hành gì! Thân phụ của anh Định bị đánh tư sản và bị mời đi kinh tế mới. Những gì anh có ngày hôm qua, hôm nay đã mất sạch! Xã hội thay đổi quá đột ngột. Con người phải sống bằng lọc lừa, mánh mung, chôm chỉa! Anh Định không quen, và cũng không thể sống với cách sống như thế.
Vào khỏang cuối năm 1980, tôi liều đưa gia đình về Sài Gòn sống trong tình trạng bất hơp pháp. Trong thời gian này, tôi có dịp gặp lại anh Định. Bây giờ anh đã có vợ và một con trai. Cũng giống như hai vợ chồng tôi, hai vợ chồng anh Định cũng làm đủ thứ nghề, nhưng vẫn không đủ sống. Sau này có khi nhắc lại chuyện cũ, anh Định nói: "Vợ chồng tôi nấu bún riêu, chính tôi nuốt còn không trôi, thử hỏi bán cho ai!" Vợ chồng anh Định học cách cất rượu, rồi đi bỏ mối ở các quán cóc, cũng không được gì, một thời gian ngắn rồi cũng bỏ nghề.
Lúc còn sống chui rúc ở Sài Gòn, tôi được anh Định kể cho nghe một câu chuyện dở khóc dở cười: lâu lắm vợ chồng anh mới nhận được một thùng quà nhỏ từ phía nhà vợ bên Mỹ gởi về. Thùng quà tuy khiêm tốn, nhưng trong hòan cảnh này quí lắm, ít nhất cũng mua được cho đứa con nhỏ chút ít sữa! Cầm giấy báo ra bưu điện nhận quà, trên chiếc xe đạp cọc cạch, chồng ngồi trước đạp, vợ bồng đứa con nhỏ ngồi sau, thùng quà để ở giỏ hàng phía trước. Vợ chồng tình tang nửa vui nửa tủi đạp xe về nhà. Bổng vù ...,một xe găn máy lạn nhanh quá, anh hốt-hoãng giữ chặc tay lái và khi bình-tĩnh lại thì nhận biết rằng thùng quà nhỏ không cánh đã bay mất! Thế là tiêu ma cả chì lẫn chài, quà cũng không còn, mà còn mất luôn cả tiền thuế và tiền dầu mỡ bôi trơn! Không lẽ vợ chồng ôm nhau mà khóc, tốt hơn hết là phán một câu triết lý xanh dờn:" bất hạnh của người này là hạnh phúc của người khác!" Con mình mất sữa biết đâu con người khác được sữa.
Một chuyện vui khác về anh Định mà vợ tôi thỉnh thoảng hay nhắc lại. Nguyên ngày hôm ấy (năm1969), anh em chúng tôi được lãnh tiền dạy phụ trội. Anh Định được khoảng năm mươi ngàn đồng (gần bằng 3 tháng lương). Anh em chừng 6-7 người rủ nhau đến nhà tôi đánh xì phé. Vợ chồng tôi để anh em vui chơi với nhau, còn chúng tôi đi ngủ sớm. Anh Định chỉ lấy mấy ngàn để chơi bài, còn bao nhiêu gởi vợ chồng tôi cất dùm và định bụng làm quà cho người thân ở ngoài quê. Tôi nói với Định: "đã gởi cho tôi, thì không được đòi lấy thêm". Nhưng rồi cứ khỏang một giờ lại đập cửa đòi tiền. Tôi cố giả ngủ say không mở cửa, nhưng Định đập cửa gắt quá, cuối cùng tôi phải mở cửa đưa cho Định thêm chút ít. Khỏang hơn một giờ sau lại đập cửa nữa. Đến lần thứ tư, tôi mở cửa và ném gói bạc cho Định rồi ngủ thẳng giấc. Sáng thức dậy, thấy Định còn ở đó, nhưng gói bạc không còn. Tôi cảm thấy có lỗi với bạn vì đã thiếu kiên nhẫn để làm điều bạn đã nhờ! Chuyện đã rồi biết làm sao hơn!
Trước khi có cơ hội ra nước ngoài, nhiều đêm tôi phải đến nhà anh Định ngủ nhờ. Với một xị rượu đế, ít hạt lạc rang, ngồi với nhau trước balcon không đèn, nhìn lên bầu trời với ánh sao nhấp nháy, tôi tự hỏi có phải mình sinh ra đời dưới một vì sao xấu chăng?
Năm 2000, vợ chồng tôi có dịp về Việt Nam. Những bạn đồng nghiệp như anh Đỗ Văn Quang, anh Nguyễn Hữu Minh, anh Quý, và một số đông anh em học sinh cũ đã đón chúng tôi tại phi trường Tân Sơn Nhất. Cuộc hội ngộ thật vui và cảm động, ngày hôm sau chúng tôi xuống Cần Thơ thăm gia đình anh Quang, và sau đó ghé Trà Vinh một ngày thăm gia đình anh Minh. Trở lại Sài Gòn, người đầu tiên tôi muốn tìm là anh Định. Nhờ các anh em học sinh cũ, tôi may mắn được gặp anh Định và cả anh Hải nữa. Gặp nhau hai chúng tôi đều rất mừng, đời sống của anh hiện nay khá hơn nhiều so với những năm đầu sau năm 1975. Công viêc của anh bây giờ là viết và dịch sách, anh rất thành công trong dịch thuật, vừa là kế sinh nhai, vừa thỏa mãn phần nào đam mê riêng tư. Anh cũng nói với tôi như một lời tâm sự: từ lâu anh cũng mong có cơ hội để viết lách, bây giờ cuộc sống tuy đạm bạc, nhưng có thời gian thong dong để thưc hiện, có cơ may làm công việc mình ưa thích vừa dịch sách, vừa viết hồi ký. Công việc anh đang làm hiện nay được đánh giá cao, lượng sách của các tác giả Việt Nam không đủ cung cấp cho nhu cầu của độc giả, do đó một số lượng lớn sách nước ngoài cần được đưa vào và chuyển ngữ. Có đủ trình độ ngoại ngữ và đầy đủ khả năng để hiểu một tác phẩm giá trị của nước ngoài không phải là dễ, do đó không có nhiều người làm công việc anh đang làm. Mỗi lần về thăm Việt Nam, anh lại biếu tôi vài quyển sách, tôi cảm thấy vui và mừng cho người bạn trẻ của mình.
Ngày nay "Tam Không Sư Phụ" trở lại với đời sống độc thân vui tính. Sư phụ Tam Không và Hảo Hán Hồ Phước Hải hết sức gắn bó với đại gia đình Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Ở đâu có tụ hội, ở đó có hai ngài, các anh chị cựu học sinh đã dành cho hai anh sự kính yêu và mối giao hảo hết sức nồng ấm.
Ở chốn xa xôi, viết nên những dòng này để nhớ đến nhiều người, nhất là đến người bạn trẻ của tôi: "Tam Không Sư Phụ".
Lục Phan
Gurnee, March 2008