Cách đây mấy năm, trong dịp dự lễ tang Mẹ của chị Trần Thị Xuân Mai CN 69, tôi được  gặp anh Trần Thiện Hoài MS 68 là anh của chị Xuân Mai hiện đang tu bên xứ Miến Điện cũng về chịu tang mẹ. Trước đó tôi từng được nghe các anh chị nhắc về anh, nhưng tôi lục tìm trong Kỷ Yếu NLS Bảo Lộc không thấy tên anh. Thật là một thiếu sót lớn lao nữa của Ban Biên Tập hồi đó. Nghe nói anh học giỏi, thi nhảy nên ra trường sớm hơn 1 năm. Sau đó anh về trường Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ, vì ở đây không có khoa Chăn Nuôi nên anh qua Mỹ du học ngành mà mình yêu thích. Sau năm 75 anh ở lại Mỹ làm nghề dạy học. Không lập gia đình, không biết duyên cớ nào đưa anh đến tận Myanmar?
 
Lần đầu tôi gặp anh trong bộ áo Tỳ Khưu màu nâu đỏ, màu áo truyền thống của thầy tu, với phong cách khoan thai, dáng vẻ điềm đạm và thân thiện cởi mở với bạn bè NLS đến chia buồn. Anh nhớ chị Kim Loan CN 69, chị Thu Đức MS 70, dĩ nhiên là không biết tôi, vì năm 68 tôi vào trường thì anh đã ra trường. Tôi đã lén chụp một tấm ảnh của anh, lưu trong iPhone với tất cả lòng ngưỡng mộ một đàn anh NLS đã chọn con đường đạo hạnh. Nghe chị Xuân Mai gọi anh là Sư Cậu, tôi theo các chị gọi là Sư Thầy.
 
Năm rồi anh Nguyễn Trung Huy ở Úc về Sài Gòn đi cùng anh Nguyễn Ngọc Thanh qua Myanmar, tôi rất muốn xin theo nhưng ngại vì nhóm các anh đi không có phụ nữ. Năm nay nghe chị Xuân Mai, chị Kim Thu ở Mỹ về rủ nhau đi Myanmar, tôi xin theo liền. Đến khi chị Xuân Mai mua vé máy bay cho cả nhóm tôi mới biết có thêm chị Kim Loan và anh chị Sơn Thuỷ ở Canada là bạn của Sư Thầy cùng đi.
 
Trước Tết Sư Thầy về Sài Gòn thăm nhà, mùng 7 Tết trở qua Myanmar sẽ đưa chúng tôi theo. Việt Nam đi Myanmar không cần xin Visa, chuyến đi dự trù trong 10 ngày. Sư Thầy đã chu đáo lên kế hoạch thuê khách sạn bên đó, đặt xe sẵn để đón đưa chúng tôi. Chị Xuân Mai còn rủ chúng tôi sang nhà đãi món bún nước lèo ngon tuyệt, và để nghe Sư Thầy dặn dò nhắc nhở vài chi tiết vì dù sao cũng là “xuất cảnh du lịch nước ngoài”.
 
Lần thứ hai gặp lại tôi thấy Sư Thầy gầy hơn trước so với hình ảnh tôi vẫn lưu, nghe nói Sư vừa trải qua tai nạn (trượt té khá nặng), cũng may là đã bình phục. Tôi bạo dạn mạn phép xin Sư cho biết cơ duyên nào đưa Sư qua tận xứ người. Sư kể: Lúc còn ở Việt Nam Sư đã có tâm nguyện hướng về Phật Giáo Nguyên Thủy. Khi định cư ở Mỹ, một lần tình cờ Sư gặp lại vị Sư phụ của mình ngày xưa hiện đang tu ở Myanmar hóa duyên qua Mỹ. Sư theo thầy mình qua Myanmar lần đầu cho biết một đất nước nổi tiếng có nhiều đền chùa và di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Trong thời gian ngắn, Sư bỗng có ý định ở lại học Thiền. Nhưng vị sư phụ từ chối bảo: không được, Sư phải trở về Mỹ thu xếp mọi việc cho gọn gàng rồi mới có thể qua ở lại. Nghe lời thầy, Sư về Mỹ xin nghỉ việc, mẹ già ở VN nghe tin cũng hoan hỉ chúc phúc cho quyết định của Sư, và như thế Sư phụ đã làm lễ xuống tóc, xuất gia cho người đệ tử từng là học trò Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Đến bây giờ Sư Hoài đã là Viện Trưởng của trường Thiền có tên là “SHWE U MIN DHAMMA DAYADA MEDITATION CENTER” ở thị trấn Kalaw cách Yangon khoảng 600 km về phía Bắc, một vùng cao nguyên có khí hậu mát mẻ giống như ở Sa Pa (lạnh hơn Đà Lạt).
 
Ngày 22-3-2018, chúng tôi đáp chuyến máy bay của Vietnam Airlines xuống phi trường Yangon sau 2 giờ bay. Thủ tục nhập cảnh đơn giản, Sư Hoài có người quen ra đón rồi đưa chúng tôi đi ăn trưa ở nhà hàng Golden Duck với món vịt quay và khoai tây lát mỏng cuộn tôm chiên dòn ngon tuyệt. Sau đó đi dạo một vòng chợ Bogyok Aung San và Shopping Center. Điểm đầu tiên tôi nhận thấy đường phố sạch đẹp, không có rác. Điều tuyệt vời hơn nữa là nội thành không có xe gắn máy lưu thông nên không có khói bụi, tiếng ồn. Người dân di chuyển bằng xe hơi và xe buýt rất trật tự, hơn hẳn Sài Gòn. Một thời gian từng là thủ đô Yangon của Myanmar, hiện nay thủ đô đã dời về Naypyitaw.
 
Myanmar từng là thuộc địa của Anh nên kiến trúc thành phố cũng ảnh hưởng kiểu Anh, và đâu đâu cũng có những tháp, chùa mạ vàng sáng chói. Ở Myanmar có 2 loại tháp chùa, một là Paya không vào được vì chỉ là một khối tháp đặc, bên trong không có gì và hai là Pahto là chùa vào được bên trong có tượng Phật. Khí hậu ở Myanmar cũng gần giống như ở VN, tháng giêng nắng nóng hơn 30độC nhưng thành phố có rất nhiều cây xanh, hơn nữa có 2 hồ lớn là Kandawgyi và Inya và không có khói bụi xe máy nên không khí có vẻ trong lành. Người Myanmar đa số còn mặc longyi (là quấn vải như xà rông nhưng thắt nút ở lưng đặc biệt khác), đàn ông thấy có ăn trầu thay vì hút thuốc.
 
Ra ngoại ô đường nhỏ hẹp hơn đã thấy có xe gắn máy và xe đạp lưu thông. Chúng tôi đến bến xe bus tốc hành “Lumbini Express” để đi Kalaw, hành trình 9 -10 tiếng nhưng xe đời mới máy lạnh chỗ ngồi thoải mái. Trời tối dần, tôi nhìn 2 bên đường cảnh quan đồi dốc núi rừng giống như Bảo Lộc, Đà Lạt vậy.
 
Ngày 23-2: 5 giờ sáng xe đến nơi, mặc dù đã chuẩn bị áo ấm nhưng bất ngờ ai cũng run lập cập. Sư Thầy cho xe đón chúng tôi về Thiền viện nghỉ ngơi. Thiền viện rất rộng, xây cất trên sườn đồi nhìn xuống thung lũng buổi sáng bình minh sương mù lãng đãng ẩn hiện nhà dân dưới những rặng thông. Trong Thiền viện có nhà nghỉ cho nam và nữ riêng, đầy đủ tiện nghi. Nhà bếp, nhà ăn gọn gàng sạch sẽ, lối đi thông qua các nơi được lót ván có mái che. Nghe kể Sư đã tốn nhiều công sức, xây dựng từng phần một mới được như ngày hôm nay. Công trình cũng chưa hoàn tất, còn nhiều dự án dang dở. Cầu mong mọi sự tốt lành đến đủ đầy để Sư Thầy sớm hoàn thành tâm nguyện, xây dựng trường Thiền để hướng dẫn nhiều người trên bước đường tu tập.
 
Ăn sáng xong chúng tôi tự do ngắm cảnh, tôi làm quen với con chó Max của Sư Thầy nuôi, chú chó Berger to lớn nhưng rất hiền lành và rất khôn. Ăn trưa xong bắt đầu chuyến tham quan. Xe chạy ngang nhiều chùa tháp rất đẹp nhưng Sư nói ở đây như vậy là thường. Sư cho xe đến ngôi chùa tên Kwolong, trong có lưu giữ xác một vị sư để khô tự nhiên chứ không ướp xác mà vẫn nguyên vẹn, nghe đồn rất linh thiêng. Sau đó đến viếng chùa Pindaya có thạch động trên núi cao lưu giữ hơn 7 ngàn pho tượng Phật lớn nhỏ. Truyền thuyết kể rằng khi xưa ở đây có con nhện tinh giết hại dân lành. Hoàng tử con vua bắn chết con nhện, được cha truyền ngôi nên lập đền thờ.
    
Ngày 24-3: chúng tôi dậy sớm đi ngắm cảnh ở hồ Inle. Hồ rộng 11 miles, dài 27 miles thuộc thị trấn Inlay. Ghe xuồng chở khách ngược xuôi tấp nập, ở đây người ta dùng xuồng nhỏ rộng 1,5 mét dài 6 mét chạy bằng máy đuôi tôm làm nước bắn tung tóe rất đẹp. Đến giữa hồ có nhiều chú hải âu bay lượn trên không chờ du khách ném thức ăn cho chúng đớp lấy thật ngoạn mục. Trong làn sương sớm các thuyền câu của người địa phương ẩn hiện xa xa như bức tranh thủy mạc giữa trời nước bao la.
     
Gần cuối hồ là con sông nhỏ dẫn vào ngôi làng có chùa Shwe Inn Tain cỗ kính với hàng trăm cây cột xây bằng gạch trên đường dẫn vào chùa. Chùa được vua Siri Dhamnia Sawka cho xây dựng từ thế kỷ 14-17 là một công trình đồ sộ, hiện nay một số tháp bị đổ nát, một số được tu sửa uy nghi lộng lẫy.
    
Lượt về ghe dừng lại một làng nghề ven hồ, cho xem cách xe sợi tơ của cọng hoa sen dệt vải, sau đó ghé qua viếng ngôi chùa thờ 5 tượng Phật dát vàng. Truyền thuyết kể rằng ngày xưa có một vị sư trụ trì được Phật báo mộng trước nên tránh được cho chùa một trận hoả hoạn, từ đó mỗi năm chùa tổ chức lễ hội rước thuyền rồng trên sông, một lần thuyền rồng bị lật 5 pho tượng Phật bị chìm, người ta vớt được 4 pho tượng. Tưởng rằng mất tích một pho tượng nhưng khi đoàn người về lại đến chùa thì thấy pho tượng bị chìm đã an vị ở chùa như cũ. Trước sự linh thiêng nhiệm mầu ấy người dân xây chùa thờ 5 pho tượng Phật. Và để tỏ lòng cung kính người ta dát vàng lên tượng, lâu ngày thành 5 khối vàng tròn xoe. Đặc biệt đàn ông mới được đến gần tượng để dán những miếng vàng lá mỏng vào tượng. Đàn bà chỉ được quỳ lại ở ngoài..
 
Trên hồ Inle còn một ngôi chùa linh thiêng nữa, truyền thuyết kể khi xưa vị sư trụ trì nằm mộng thấy Phật báo phải phá bức vách của tòa tháp trong chùa mới tìm thấy tượng Phật, nhưng tượng Phật không có đầu. Nhà sư lại được báo mộng phải đến một thành phố khác mới tìm thấy đầu của tượng và rước về đặt vào vừa y, nhà vua và dân chúng đã cúng cho tượng này rất nhiều châu báu, trên cổ pho tượng giờ vẫn còn dấu vết kết nối.
   
Ngày 25-2: chúng tôi rời Trường Thiền xuôi về Mandalay, đi trên con đường cao tốc, đến trưa thì đến cổ thành khi xưa là hoàng cung giờ bỏ hoang nhưng bức tường bao bọc 4 phía thành vẫn còn nguyên vẹn và hào nước chung quanh vẫn trong xanh, không thấy bóng dáng người câu cá. Ăn trưa xong đi viếng chùa Maha Muni, ở đây có tượng Phật được dát vàng. Ghé qua tháp có kinh Tam Tạng được khắc trên đá. Ở đây có 772 trang kinh được khắc trên 772 bia đá và mổi bia đá được đặt trong tháp nhỏ vây quanh ngôi đền to mạ vàng chứng tỏ giá trị tinh thần Phật giáo được bảo vệ triệt để ở đây. Chúng tôi còn được thăm viếng một ngôi chùa trên núi được dát toàn bằng những mảnh kính màu sáng lấp lánh dưới ánh nắng chiều. Tôi cũng bắt chước người dân địa phương uống một chút nước trong những cái chum đất trong chùa để hy vọng được ban phép lành. Sau đó về khách sạn Ayarwaddy nghỉ ngơi.
 
Ngày 26-2: Sáng sớm viếng chợ Cẩm Thạch, một khu chợ độc đáo chuyên bán đá cẩm thạch từ những tảng đá cẩm thạch to, nhỏ, thô sơ đến các món nữ trang làm bằng cẩm thạch tinh xảo như vòng, chuỗi, mặt dây chuyền. Tất cả được bày bán trên những xập gỗ thô sơ, người mua kẻ bán tấp nập như chợ phiên vậy.
 
Sau đó Sư Thầy đưa chúng tôi đến xem một kỳ quan của Mandalay: cây cầu gỗ Taung Tha Man dài 2miles (3,2 km). Khi xưa cầu này là phương tiện đi lại qua hồ nước, bây giờ nước cạn khô cầu chỉ còn là di tích nhưng cách cấu trúc của cầu rất độc đáo. Cạnh đó là chùa Taung Tha Man. Chiều về đến khách sạn Win ở Monywan.
 
Ngày 27-2: Đi viếng chùa Budhi Ta Toung có tượng Phật cao 380 feet, trong lồng tượng là 27 tầng, riêng đầu bức tượng cao 40 feet, tính cả bệ toàn tượng cao 424 feet. Từ xa đã thấy tượng Phật sừng sững giữa bầu trời, ở đó còn có tượng Phật nằm gác tay dài cả trăm mét. Chúng tôi đi ngang khu rừng cây bồ đề có hàng ngàn cây, cũng có hàng ngàn bức tượng Phật đặt dưới gốc cây được trồng thẳng tắp. Chiều hôm đó nghỉ ở khách sạn Kadaya ở Bagan.
 
Ngày 28-2: Viếng chùa Shwe Zegon, truyền thuyết kể rằng khi xưa vua nước Hồi xâm lấn bị vua Miến Điện bắt giữ cầm tù. Đến khi thả ra vua Hồi ở lại Miến Điện tu, nhưng cho xây chùa đúc tượng Phật thật lớn giam tượng Phật trong 4 bức vách chật hẹp để nhắc nhở dân chúng biết rằng tù tội bị giam cầm khổ sở thế nào. Ngày nay chùa Shwe Zagon có 3 tượng Phật to bị nhốt trong khung tường chật ních trông thật ngộ nghỉnh. Gần đó cũng có một ngôi chùa cỗ bị sụp đổ sau trận động đất đang được trùng tu. Tiếp đó Sư Thầy đưa chúng tôi ra bến sông thuê thuyền chạy ra giữa giòng để chờ ngắm hoàng hôn trên sông Ayeyarwady, một trải nghiệm tuyệt vời thú vị, mọi mệt nhọc vất vả đường xa dường như tan theo những cơn gió mát, mặt trời đỏ rực từ từ nhỏ dần rồi biến mất dưới làn nước. Một ngày trôi qua mau để một ngày mới đến. Tối ăn ở nhà hàng Nanda được xem màn trình diễn múa rối dây, một loại hình nghệ thuật độc đáo của Myanmar rồi về khách sạn Kaday Aung, ở gần Golden Rock.
 
Ngày 1-3: theo chương trình hôm nay đi ngắm tảng đá treo dát vàng linh thiêng nổi tiếng của Myanmar. Từ 6 giờ sáng Sư Thầy đã hối thúc mọi người, vì từ khách sạn đến chân núi chỉ mất mười lăm phút, nhưng phải mua vé xe chuyên chở ở đó mới lên núi được. Không ngờ nhằm ngày rằm tháng giêng, khách thập phương đổ về quá đông, cảnh chen lấn dành nhau để lên xe khiến Sư Thầy đổi kế hoạch về Yangon, đi chùa Shwe Dagon trước. Trên đường đi ngang quần thể tháp vàng ở Bagan. Giá như có thời gian chúng tôi sẽ được đi kinh khí cầu mới có thể khám phá hết vẻ đẹp hùng vĩ của hàng ngàn ngọn tháp mà đi xe chúng tôi chỉ thấy chúng thấp thoáng qua những hàng cây bên đường. Nghe nói khu vực này chỉ rộng chừng 40 km vuông nhưng từ thế kỷ 11 đến 13 các ông vua hưng thịnh nhất Miến Điện đã cho xây hơn 10 ngàn ngôi chùa lớn nhỏ ở đây. Tôi cảm nhận được không khí linh thiêng bao trùm cả khu vực như có lần tôi được đến Vatican ở Rome và thấy lòng mình thật thanh thản.
 
Sư Thầy giới thiệu cho chúng tôi ngôi chùa Shuksandaw Paya có 4 tượng Phật đặt 4 hướng, chùa có những cánh cửa làm bằng những khối gỗ quí, to và dầy rất đẹp. Ghé qua chùa Shwe Zigon, ở đây tôi có kỷ niệm khó quên là được cho mượn cái longyi khoác thêm vào y phục cho trang nghiêm. Rời chùa chúng tôi bắt gặp một đám rước lễ hội Xuất Gia Giao Duyên dành cho trẻ em Myanmar đi tu. Có xe ngựa, xe bò, có cả Voi được trang hoàng màu sắc lộng lẫy, có nhạc có loa phóng thanh và đoàn người kéo dài cả cây số thật vui. Sau đó chúng tôi dừng chân ở quán ven đường uống nước thốt nốt, ăn bánh bò và thưởng thức các đặc sản địa phương như kẹo mè, hạt hướng dương.
 
Rồi về đến khách sạn Airport Hotel ở Yangon để nghỉ ngơi, đợi chiều mát mới đi viếng chùa Shwe Dagon, ngôi chùa lớn nhất và linh thiêng nhất ở đây, hiện đang lưu giữ 3 báu vật Phật giáo là Xá lợi Phật Thích Ca, cây gậy của Phật Nhiên Đăng và cây quạt của phật Cừu Lưu Tôn cùng vô số vàng ngọc châu báu của các đời vua vả dân chúng khắp nơi dâng cúng. Trong chùa có gốc Bồ Đề Đạo Tràng mang từ Ấn Độ sang, ngọn tháp vàng ở giữa sân chùa cao 326 feet. Khách viếng chùa có thể ngồi nghỉ ở các bậc thềm vì khuôn viên chùa quá rộng. Các tín đồ Phật giáo thì mang lễ vật bày quanh tháp để làm lễ cầu nguyện, rất đông người nhưng rất trật tự và trang nghiêm. Khách du lịch nước ngoài vào đây phải mua vé vào cửa, người bản xứ thì miễn phí. Được đến đây để chiêm ngưỡng thánh tích Phật giáo thật là một điều may mắn. Nhưng còn một nơi tôi ao ước được tới nữa, đó là hòn đá vàng Golden Rock.
 
Ngày 2-3: Chúng tôi khởi hành từ 1 giờ sáng để trở lại Kaikyiyo, phải mất gần 3 giờ trên đường mới đến được bến xe ở chân núi. Dù còn quá sớm nhưng bến xe vẫn đông người tấp nập, hình như người ta lên xuống núi suốt đêm. Thật không thể diễn tả hết cảnh chen lấn để dành chỗ lên xe. Xe không có cửa, hành khách xếp hàng leo lên một giàn cao, khi xe cặp vào thì giở mui cho khách leo vào ngồi trên những hàng ghế làm bằng cây, mỗi hàng 6 người, có khoảng 6 băng ghế. Nhưng có những thanh niên không chịu xếp hàng, bám theo thành xe leo lên trước khi xe cặp bến vì vậy mới tạo cảnh hỗn loạn. Chúng tôi cố gắng chen lấn mới leo lên được xe. Lúc xe chạy còn kinh hoàng hơn. Đường lên núi dốc cao, cua quẹo rất gắt, xe lại chạy nhanh, thú thật tôi muốn nín thở luôn. Có những đoạn đường hẹp, xe ngừng lại chờ để lên xuống 1 chiều cho an toàn. Cũng lạ nghe nói ở đây chưa hề xảy ra tai nạn giao thông.
 
Chúng tôi lên đến trên núi thì trời chưa sáng, Sư Thầy cho nghỉ chân uống cà phê ăn giò chéo quẩy là đặc sản của địa phương. Nhìn đoàn người lên xuống lũ lượt hình như ở đây không có khái niệm thời gian. Chúng tôi bắt đầu đi chân không len lỏi giữa đông người, đèn điện sáng choang, mặt trăng còn ẩn hiện xa xa, mặt trời chưa ló dạng.
    
Đến nơi mới thấy hết lòng thành kính và sự sùng bái của người Myanmar đối với ngọn núi thiêng này và riêng với hòn đá dát vàng Golden Rock nổi tiếng kỳ quan thế giới. Hòn đá to nằm cheo leo ngoài vách núi, mọi người vây quanh bày lễ vật là hoa và trái cây cùng nhang và nến. Đàn ông được phép đến gần hòn đá để dán lên những miếng vàng lá mỏng dính với vẻ thành kính. Phụ nữ quỳ lại ở ngoài. Du khách thì tha hồ chụp ảnh.
 
Tôi hết sức mãn nguyện. Đến được đây quả là một kỳ duyên. Xin cảm ơn Sư Hoài, người hướng dẫn du lịch không chuyên quá tuyệt vời đã cho chúng tôi một chuyến viễn du gần như gần hết các nơi nổi tiếng ở Myanmar. Thường theo tôi biết các tour du lịch từ VN chỉ tổ chức 4-5 ngày và chỉ đi 2 nơi là Yangon và Kyaiktiyo. Tôi viết bài này với đầy đủ chi tiết 10 ngày ở Kalaw, Mandalay, Monywa, Bagan và Yangon,... để dành tặng tất cả những người thân và bạn bè tôi, những người đã từng đến Myanmar hoặc chưa đến.
 
Một lần nữa cám ơn chị Xuân Mai đã nhiệt tình tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến đi, cám ơn chị Kim Loan và chị Kim Thu đã sốt sắng trong việc lo ăn uống, cám ơn anh chị Sơn Thuỷ đã giúp tôi có những khung ảnh đẹp và đáng nhớ. Nhưng hơn cả vẫn là cám ơn Sư Thầy Trần Thiện Hoài, người anh Nông Lâm Súc Bảo Lộc, giờ đã là một vị chân tu nhưng vẫn không quên tình cảm anh em bạn bè. Cầu xin đất Phật linh thiêng phù hộ cho tất cả chúng ta.
 
Viết xong ngày 8 tháng 3 năm 2018
Bùi Thị Lợi
 
Cùng Tác Giả / Đề Tài