Sài Gòn có nét văn hóa riêng rất dễ thương còn in đậm trong trí nhớ của tôi. Một trong những nét riêng đó là chợ đêm Bến Thành. Và, thú vui thuở nhỏ của tôi là được cùng mẹ đến đây mua sắm vào những ngày cận tết.
- Lâu ngày không gặp, lúc này làm ăn ra sao?
- Đi về quê làm ăn, bết bát lắm ông ơi.
- Làm ăn gì ngoài đó? Ông bà già khỏe không?
Đại khái những câu thăm hỏi thân tình như trên nghe rất bình thường giữa 2 người bạn, kể cả khi nói về đề tài quan trọng.
Tôi sống ở Sài Gòn từ năm 6 tuổi nên cũng ảnh hưởng không ít văn hóa nơi đây, thậm chí chất “con gái Huế” không biết tôi còn bao nhiêu phần trăm. Tôi đã không thuộc loại tiểu thư con nhà quan kể từ ngày cha tôi mất. Ông mất đi đem theo cuộc sống sung túc trước đây của cả gia đình. Tôi không quan tâm điều đó, hoặc có lẽ lúc ấy tôi còn quá nhỏ chưa có khái niệm sướng-khổ. Bởi vì anh em chúng tôi vẫn cứ vui chơi và lớn lên ở đất Sài Gòn, vẫn học hành đỗ đạt, chỉ với một tay người mẹ.
Khi anh chị tôi đã lớn, có sở thích riêng nên không hay đi chung với mẹ. Hai em của tôi, mẹ cho là còn nhỏ nên thường ở nhà. Chỉ còn tôi, không lớn mà cũng chẳng nhỏ, là sự lựa chọn của mẹ để làm bạn đồng hành với bà mọi lúc mọi nơi. Đi xem kịch hay cải lương tôi đều tháp tùng mẹ nên việc được đi chợ tết với mẹ là lẽ đương nhiên. Tính tôi cũng thích “ngao du sơn thủy”, thành ra mẹ cho đi theo để xách giỏ là tôi sung sướng lắm rồi. Đây cũng là dịp mẹ chi tiền rộng rãi nhất trong năm, và cơ hội của tôi một năm chỉ có một đâu thể bỏ qua.
Đón năm mới, mẹ thường mua lịch treo tường, trà, mứt, hột dưa. Tôi thì ưa thích la cà bên những tấm poncho trải dưới đất chất đầy giày dép, túi xách, v..v... Nếu có em gái tôi đi theo thì nó cũng để mẹ mua cho vài món gì đó. Tôi thì khác, tôi thích tự lựa chọn theo ý riêng, và chỉ cần mẹ đồng ý là đủ. Mẹ trả giá “súp-pe” lắm! Có thứ chỉ còn nửa giá nhưng chúng tôi mua được mới tài, mà toàn hàng mới tinh đủ 3 tiêu chuẩn: rẻ, đẹp, bền hẳn hoi. (Sau này, việc trả giá khi đi chợ đối với tôi không có gì lạ). Mẹ lại hay thích lựa vải để may áo đầm, đồ bộ cho con gái. Chị tôi không bao giờ thích mặc “đồng phục kiểu bà Sơ” nên chỉ còn tôi và em gái mặc giống nhau. Hình như phải lên trung học đệ nhị cấp mẹ tôi mới thôi cho chúng tôi mặc đồng phục!
Thời gian đi chợ tết đêm thường kéo dài đến khuya. Thật ra mẹ con chúng tôi không mua gì nhiều, năm nào cũng thành cái lệ chỉ ra đây để thoải mái ngắm hàng hóa và tận hưởng không khí nhộn nhịp của Sài Gòn mà thôi.
Các quán cháo, phở, bún, v..v... bốc khói thơm lừng nhưng không hấp dẫn tôi chút nào. Mẹ con chúng tôi không cần phí thì giờ đi qua đó. Mấy cái sạp bánh mứt cũng vậy, ngó chừng mẹ mua xong những thứ mẹ cần là tôi kéo mẹ ra ngồi lựa hàng “sale off”. Bất kể thời gian, tôi tìm hết chỗ này qua chỗ khác cho đến khi ra được món vừa ý mới thôi. Mẹ là người “duyệt” cuối cùng để trả tiền, chẳng bao giờ chê mà thường khen tôi có khiếu chọn hàng. Có một năm tôi mua được 2 đôi giày da bò thứ thiệt, vì lỡ thích rồi không đành bỏ lại. Mẹ biết ý nên cười: “mua nhiều giày dép thì không được mua thêm thứ khác”, và tiếp: “lựa cho em 1 đôi giống vậy”. Đó! Mẹ lại thích em gái và tôi đồng phục luôn cả giày dù hai đứa tôi không phải chị em sinh đôi. Mẹ bình thường rất nguyên tắc, đi chợ tết vậy đã là “du di” lắm rồi. Năm đó tôi không có cuốn agenda bìa simili có cái vòng nho nhỏ để gắn viết bên trong như mọi khi. Tôi phải dùng lại bìa cuốn agenda cũ, cắt giấy dư trong vở ra cùng cỡ rồi đóng vào cái bìa. Tạm ổn, chỉ tiếc là không đẹp mắt và cái số 1 ngàn 9 trăm... năm ngoái in trên bìa không xóa được. Đôi khi mẹ phá lệ cũng mua cho mình một cái túi xách tay hoặc một chiếc kẹp tóc, và còn hỏi ý kiến của tôi nữa. Những lúc ấy tôi hãnh diện vì được mẹ tin tưởng, mà trong bụng cũng rất muốn thấy mẹ tươi tắn thay vì vẻ nghiêm khắc hằng ngày.
Còn những dãy hàng bày bán vô số dây chuyền, bông tai, vòng đeo tay, v..v... thường làm con gái say mê, tôi chỉ dừng rất lâu để ngắm chứ không mua. Vài ba năm tôi thay đổi một hộp đựng viết mới. Tôi chung thủy lắm, đồ dùng nào tôi đã thích rồi thì không bao giờ vất bỏ dù chúng đã cũ, nếu hộp viết chưa hư, tôi dùng lại để bỏ kim chỉ thêu thùa. Từ nhỏ chúng tôi đã quen cách sống nguyên tắc của mẹ: chỉ chọn thứ cần thiết chứ không chọn theo cảm tính. Do đó tôi chẳng có ham muốn thứ gì không phải là của mình.
Đi chợ tết đêm trở thành thói quen của tôi cho đến khi lớn khôn. Hai năm đầu đại học tôi thường một mình đạp xe ra chợ Bến Thành, cũng chỉ đi dạo loanh quanh và mua cái gì lạ lạ. Thỉnh thoảng tôi tìm ra vài sợi dây nịt xinh xinh để đeo ngoài áo T-shirt làm điệu. Tình cờ một năm, tôi gặp cô bạn học cùng lớp đang đứng bán trong gian hàng sách-lịch. Nhỏ bạn thấy tôi mừng quá mời vào chơi trong lúc đang ế khách. Hai đứa nói chuyện mới vài câu thì khách lục tục kéo tới quầy hàng. Tôi giúp bạn lấy cuốn báo này, gói tờ lịch nọ cho khách, rồi thu tiền. Mặt bạn tôi sáng hẳn lên, miệng nói huyên thuyên, vậy mà không quên ngó xem tôi “buôn bán” ra sao với khách. Khi công việc nhẹ bớt, tôi chào bạn đi về, nó cương quyết không cho. Tới giờ tôi vẫn nhớ câu nói của nó: “mi có dzang bán hàng, mi đứng đây một lát nữa là ta bán sạch”. “Thiệt hong?” Tôi cười cười, nửa tin nửa ngờ, nhưng cũng nán lại với bạn tí xíu. (Cái tật ưa nể nang này phiền ghê!) Cuối cùng tôi cũng được tha. Trước khi ra khỏi “tiệm”, con nhỏ bắt tôi phải nhận vài món kỷ niệm của nó. Bất đắc dĩ (lại cái tật nể nang) tôi lấy 1 cuốn báo Xuân cho nó vui. Nó cuộn thêm 2 tấm liễn giấy gió viết chữ thư pháp: Cung Chúc Tân Xuân, và An Khang Thịnh Vượng.
- Ta gửi biếu bác gái. Nó ấn vào tay tôi rồi nói tiếp:
- Cám ơn nha. Năm sau nhớ ra đây bán với ta, mi có dzang bán hàng lắm!
- Xời, tưởng gì, cám ơn để dụ nai.
Hai đứa chia tay. Vậy là hết thời gian của một buổi dạo chợ tết đêm. Bán hàng cũng hay hay đó chứ! Tôi có duyên bán hàng thiệt không? Ai mà biết được. Tuy vậy tôi cũng thấy lòng lâng lâng sung sướng. Con đường Pasteur quen thuộc hằng ngày đi qua dường như thu ngắn lại. Tôi thì thầm với gió: Tết năm nay mẹ mình có quà...
Hồ Thị Kim Trâm