alt
Bên bếp lửa

 

Tết năm 1986, khi con gái chúng tôi được 5 tuổi, con trai lên 2 tuổi, chồng tôi đưa vợ con về thăm quê Nội lần đầu tiên sau ngày cưới.

Nhà ôn mệ nội có cái bếp rất rộng để nấu nướng bằng củi. Trên bếp lò là cái giàn gỗ dài chất đầy củi, không phải củi bằng thân cây chẻ nhỏ mà là những cành cây to nhỏ đủ cỡ bẻ ngắn và lá khô. Hai đứa con nhỏ của tôi rất vui với cái bếp mới lạ chưa từng thấy. Chúng say sưa lôi từng nhánh cây nhỏ ra cho vào bếp đang cháy đỏ, và cười thích thú khi nhìn lửa cháy rực lên. Mệ nội đang ngồi co ro bên bàn ăn, tiếc của rên rỉ: đừng nhen nữa Bé, Tí, hao củi của mệ. Đúng vậy, cứ mỗi mùa Tết người Huế chỉ dùng củi khô dự trữ vì mưa liên miên đến 2-3 tháng củi rất ẩm, có khi không đủ dùng qua hết mùa mưa. Nhưng hai đứa cháu nội của bà vẫn tiếp tục trò chơi trong gian bếp ấm áp, vì có còn trò chơi nào khác đâu! Bên ngoài mưa vẫn rả rích, tí tách trên mái tôn góp thêm phần buồn bả, không giống không khí ngày Tết ở Sài Gòn chút nào. Mệ nội lại chép miệng: mưa thúi đất như ri, bây đi chơi bời mô nữa”.

Ba Mạ chồng tôi có 9 người con nhưng chúng đều ra ở riêng khi lập gia đình. Năm đó chỉ còn 4 chú: Năm, Bảy, Tám, Chín là độc thân. Chồng tôi là trưởng nam nên con trai của chúng tôi rất được ôn mệ nội yêu quý vì là “Cháu Đích Tôn”. Ông bà nhường cho gia đình bốn người chúng tôi chiếc giường của ông bà trong căn phòng lớn. Đúng như lời mệ nội, mưa âm ỉ triền miên đến thúi đất khiến căn phòng trở nên ẩm thấp có mùi mốc rất khó chịu. Giường chỉ trải một chiếc chiếu nên tôi cảm thấy vô cùng lạnh, phải luôn nằm nghiêng và co người lại mới đủ giữ chút hơi ấm. Thêm con Bé, thằng Tí nhà tôi khi ngủ cứ lăn trở khắp nơi nên tôi không tài nào yên giấc. Lạnh thấu xương!!!

Không đi chơi đâu được, tôi đành ở nhà tìm việc làm cho đỡ chán. Đó là làm “chà bông” cho trẻ con ăn. Ở Huế lúc đó thịt heo nạc rẻ hơn cả mỡ. Thật khó hiểu! Nhưng nhờ chuyện kỳ lạ này tôi mới có sáng kiến làm chà bông, vừa có thức ăn trong những ngày mưa dầm dề, vừa để dành đem vào Sài Gòn. Tôi lại tận dụng hết lớp than hồng từ củi do hai con tôi đốt chơi để sấy thịt khỏi bị cháy. Hai cô em chồng tôi lâu nay cứ tưởng bà chị dâu trưởng chẳng biết nấu nướng gì, phải tròn mắt ngạc nhiên, thán phục khi được nếm món “chà bông cao cấp” của dân thành phố. Tôi rủ rê: “ngồi đây chờ sấy thịt khô là ấm nhất”. Hai cô em rất sốt sắng hỏi cách làm chà bông, nhưng sau đó chẳng ai còn hứng thú, vì: “mất công, mất thì giờ quá”!

Sáng 30 Tết, chú Tám bắt 2 con gà nuôi trong chuồng ra làm thịt, chú Bảy đem từ đâu về một con “cầy tơ” đã ngay đơ trắng bóc. Qua bàn tay chế biến của mạ chồng tôi, mấy món “cờ tây” bày ra bàn đều thơm phức. Cả nhà từ nhỏ đến lớn ăn uống vui vẻ, riêng tôi và hai con không dám đụng vào những dĩa thịt ngát hương sả, giềng đó. Tôi chỉ thích món bánh bột lọc nhân tôm do mạ chồng tôi làm. Bà giao tôi việc ra sau vườn cắt lá chuối, lau sạch sẽ, phụ hai cô em chồng gói bánh sau khi bà múc bột và nhân vào lớp lá chuối. Bốn người làm việc liên tục hơn hai giờ đồng hồ, cho ra lò hai rổ bánh to tướng trông thật hấp dẫn. Vậy mà loáng một cái, 2 rổ bánh đầy vun đã hết sạch. Người xưa có câu: “của không ngon đông con cũng hết” huống chi là món ngon.

Chiều tối, chúng tôi rủ nhau đi chợ hoa. Nói chợ hoa cho oai chứ thật ra chỉ còn khoảng chục hàng lác đác dọc bờ sông Hương. Chợ cuối năm có khác! Những người bán hoa mặc áo mưa đứng ngồi co ro bên những chậu hoa còn lại. Tôi dừng chân ở một gian có nhiều chậu hoa đẹp, chủ nhân mau mắn cười mời. Tôi chọn mua hai cặp Vạn Thọ, hai cặp Cúc Đại Đóa mà không nhớ giá tiền, nhưng hình như nó rẻ đến nỗi tôi không dám trả giá. Một phần tôi thấy thương cảm người bán hàng, giờ này vẫn chịu đựng giá rét không biết khi nào mới về nhà đón Giao Thừa. Rồi số phận của những chậu hoa nhỏ sủng nước mưa kia sẽ ra sao? Tôi không quên nét mặt rạng rỡ của anh thanh niên với giọng Huế cám ơn lễ phép khiến tôi dễ chịu. Ít ra Huế của tôi vẫn còn gìn giữ chất lịch sự, nét nho nhã nề nếp, cho dù cuộc sống những năm 80 còn rất khó khăn.

Sáng mồng 1 Tết, sau thủ tục chúc thọ ông bà, một bầy cháu nội ngoại leo lên chiếc xe lam, phương tiện kiếm cơm của ôn nội, để ôn chở về làng nội thăm họ hàng. Người lớn tháp tùng bằng “Honda”. Bầy trẻ thật hào hứng. Hai đứa con chúng tôi thì khỏi nói, hớn hở như sắp được đi du lịch vòng quanh thế giới. Thành phố Huế rất nhỏ, thế nên dù gọi là làng quê nhưng chỉ cách nhà ôn mệ khoảng 12-13 cây số. Gần thật đó, nhưng xe chạy không nhanh được vì ổ voi, ổ gà rải khắp nơi.

Năm đó chúng tôi đón Tết với gia đình nội rất vui, vì nghe tin có anh chị và các cháu ra Huế nên mấy cô, chú em chồng tôi đều đem con về tề tựu ở nhà ông bà đông đủ. Dù vui nhưng mệ nội vẫn cứ phàn nàn tôi tiêu tiền phung phí, vì: “mần chi mua nhiều bông rứahôm chúng tôi chở 8 chậu hoa tươi về nhà, rồi: “răng không mua cá ngừ kho nước chấm rau muống”. Rau muống thì mọc đầy hồ sau nhà ôn mệ, nấu canh, xào, luộc ăn quanh năm. Tết cũng nhớ rau muống! Vậy đó, tính mạ chồng tôi hà tiện giống như những bà mẹ quê miền Trung luôn dạy con “năng nhặt chặt bị”. Gia đình đông con, bà ở nhà lo việc nội trợ nên cách suy nghĩ không giống những người trẻ đi làm như chúng tôi. Thật ra tôi không chi tiêu xa xỉ, chỉ mong ước đón một mùa Xuân trọn vẹn ý nghĩa với đại gia đình mới mà tôi chưa một ngày làm dâu. Tôi cũng biết thời buổi này không phải chuyện dễ dàng nếu mỗi năm cùng chồng con ra Huế đón Tết với ông bà, và được gặp đầy đủ những người thân bên nội.                                                               

alt

 

Đó là cái Tết duy nhất tôi được hưởng không khí đầm ấm đặc biệt ở nhà chồng. Riêng hai đứa con của chúng tôi sau lần đầu ra Huế đến nay, ký ức non nớt của chúng vẫn không phai hình ảnh đón Tết nhà nội là được đốt pháo dưới mưa phùn, được ngồi nhen củi bên bếp lửa hồng ấm áp trong cái lạnh thấu xương, và bên ngoài mưa thúi đất...

Kim Trâm
(Trích trong tập Hồi Ký)
Cùng Tác Giả / Đề Tài