
Quả thật, mùa Đông ở đây lạnh lắm. Nếu ngồi ở quê nhà, nhìn những hình ảnh ghi lại cảnh giá rét kinh khủng ở đây, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngợi “người ta sống và làm việc thế nào đây, với thời tiết khắc nghiệt như thế này!”. Đúng thế, những ngày đầu khi đặt chân tới đây quả thật không dễ một chút nào cả. Chúng tôi đặt chân đến đất Mỹ ngày 30 tháng 11 năm 1983. Như vậy, chỉ còn hơn 2 tháng nữa thôi là tròn 30 năm. Có lẽ từ bé cho đến bây giờ chưa có một địa danh nào tôi đã sống lâu bằng nơi này. Tôi đến đây ở tuổi 47, trừ đi một năm ở trại tỵ nạn, tức là đã sống ở Việt Nam 46 năm. Với 46 năm đó, tôi đã ở nhiều nơi, suốt cả gần nửa miền đất nước:. Từ Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Đà Lạt, Bảo Lộc, Sài Gòn,… và nơi sống nhiều nhất cũng chỉ khoảng 15 năm.
Ngày mới đặt chân đến, thiếu thốn đủ mọi thứ. Từ cái nhỏ nhặt nhất là không có được cái áo ấm thích hợp cho mùa Đông ở đây, rồi cái xe quá cũ kỹ và phải đậu ngoài đường để mỗi buổi sáng mất cả nửa giờ để cạo tuyết! Chung quanh toàn người xa lạ và không cùng ngôn ngữ, tập quán, làm cho hoàn cảnh sống càng khó khăn thêm. Có lẽ những ngày đầu chân ướt, chân ráo này mà được ở vùng nắng ấm và đông đúc đồng hương như ở Cali thì chắc sẽ dễ chịu hơn nhiều. Đúng là cái số mình phải chiến đấu để sinh tồn, đành chấp nhận vậy thôi.
Mình đến đây với hai bàn tay trắng, và trước khi ra đi cũng đã không còn gì, ngay cả một chỗ ở hợp pháp cũng không có, việc làm cũng không. Con cái phải đi học chui vì không có hộ khẩu. Hiện tại quá u tối, tương lai ai mà biết được, nhưng căn cứ vào cái hiện tại lúc đó, khó mà nghĩ rằng tương lai sẽ sáng sủa. Đúng là khi con người không còn gì để mất sẽ rất liều lĩnh, và rất dễ thích nghi với hoàn cảnh khó khăn. Và chính nhờ thể mà cái lạnh chết người của mùa đông ở đây, hoàn toàn không còn là một trở ngại.
Cả gia đình tôi bắt tay ngay vào việc xây dựng một cuộc sống mới. Nguyên, con trai đầu 15 tuối, đã xin được phép của nhà trường để làm việc dưới phố sau giờ học mỗi ngày. Hai năm sau, Vũ con trai thứ, tiếp nối anh mình cũng xin làm việc cuối tuần, và các tháng hè., và Rồi Châu, con gái thứ ba cũng theo hai anh vừa học vừa làm.
Cà nhà lao động, tuy vất vả nhưng rất vui. Từ những ngày đầu gian khổ, đã tạo được một không khí sống lạc quan. Ngày chủ nhật, cả nhà 6 người chen chúc trên một xe nhỏ, cùng với thức ăn, thăm thú các thắng cảnh quanh vùng. Một hình thức picnic rất ít tốn kém, nhưng đủ để “refresh” lại cho mọi người sau một tuần lao động cực nhọc. Mùa Hè, cả gia đình làm việc hai tháng hoặc hai tháng rưỡi, và luôn để dành từ hai đến bốn tuần đi chơi xa, những vùng khác trên khắp nước Mỹ, bằng cách thuê một xe Mini Van, bố con thay nhau lái, cùng thức ăn và dụng cụ nấu nướng. Thường chuyến đi không có một lịch trình về ngày giờ nhất định, mà chỉ có nơi đến cuối cùng nhất định. Gặp đâu thích thì ở lại một hai ngày, không thích thì vài ba giờ lại nhổ trại lên đường. Ngày đi, tối tấp vào hotel ngủ. Cả gia đình 6 người chỉ thuê một phòng 2 giường: bố mẹ một giường, hai chị em gái một giường, hai anh em trai nằm sàn với hai tấm bọc giường. Mọi người đều được giấc ngủ ngon và mộng đẹp! Đúng là vacation của một gia đình nghèo, nhưng chịu chơi.
Ba mươi năm sau, bây giờ đôi lúc thuê khách sạn với giá cả ngàn đô một ngày, nhưng có lẽ không cảm thấy êm ả và ấm cúng bằng cái phòng 70 đô cho 6 người thuở xa xưa!
Có người hỏi tôi “sao không về Cali sống cho ấm áp, có đông đúc đồng hương và bạn bè?”. Quả thật, hiện tại tôi cũng chẳng khá giả gì, nhưng có thể chuyển đi ở bất cứ một tiểu bang nào của nước Mỹ. Lý do đơn giản là cả hai vợ chồng tôi đã nghỉ hưu từ lâu và tiền hưu cũng như tiền dành dụm trong bấy nhiêu năm làm việc, tạm đủ cho chúng tôi thuê một condo. Vì vậy, việc chuyển về Cali sống hoàn toàn trong khả năng, nhưng chúng tôi không về hay chưa về là vì nhiều lý do.
Thứ nhất, một người sống một nơi nào đó trên quả đất này đều là phước phần của mình. Cái phước phần đưa đẩy tôi đến nơi này, tôi vui lòng nhận lấy nó. Thứ đến, vùng đất này tuy giá rét, nhưng bao năm đã đem lại cho tôi nhiều ấm áp. Cái ấm bên trong mới quí. Cái lạnh bên ngoài có thể dùng vật chất để chế ngự, chứ cái ấm bên trong thật không dễ tìm thấy. Nói tóm lại, vùng đất này không hề bạc đãi gia đình tôi, và hơn nữa những khó khăn lúc ban đầu, như một cây non mới trồng còn không sao, nay cây đã cành rễ vững vàng, có gì mà phải lo. Cuối cùng, như người xưa dạy “Trẻ cậy Cha, Già cậy Con”. Trong tuổi già, và nhất là ở xứ lạ quê người, con cái ở đâu, cha mẹ ở đó. Cái lạnh do thiếu vắng con cháu chắc đáng sợ hơn cái lạnh của khí trời. Không biết có phải thế không?
Những cây phong đổi màu lá khi mùa Thu đến. Những đàn ngỗng trời kéo nhau xuôi Nam khi cái lạnh khắc nghiệt ụp đến. Và khi Xuân đến trên cành cây, hoa nở trước khi có lá., và cả một thành phố rộn ràng, tấp nập bừng dậy như một chiếc lò xo bị nén vừa được bung ra. Tất cả những cái đó là những hình ảnh quen thuộc, không khác nào cây đa đầu làng ngoại, hình ảnh con đò ngang bến Thương Bác, và chiếc cầu Trường Tiền vắt qua sông Hương nơi quê quán của tôi. Quê hương thứ nhất, với xứ Huế quê cha đất tổ, làm sao không xót xa nhớ thương, nhưng vận hạn của đất nước khiến đàn con phải ly tán, biết làm sao được! Và quê hương thứ hai, với miền Bắc Mỹ giá rét, quả đã cho tôi một đời sồng đầy ý nghĩa trở lại, là sự an ủi cho cuộc đời một kẻ tha hương trong cảnh loạn ly của đất nước. Vâng, tôi phải lập lại câu nói của ai đó: “Xin nhận nơi này làm quê hương”.
PhanLục
Gurnee, Sept.23. 2013