![]() |
Bệnh viện Trần Hưng Đạo đang chộn rộn, tấp nập như mọi buổi sáng bình thường, bỗng có một ông cụ mắt sáng tinh anh, râu tóc bạc phơ, phong thái ung dung lạ kỳ bước vào. Phía sau lại còn có một đứa bé tóc để chỏm đào, lưng đeo nghiên bút, tay cắp tráp lễ mễ theo hầu.
Ông cụ sẽ sàng hỏi một trong các cô y tá:
- Chẳng hay có một thầy giáo vừa vào đây, hiện nằm ở phòng nào?
Cô y tá reo lên:
- A! Có phải ông thầy bị học trò truy đánh tới rớt xuống lầu đúng không ạ? Xin mời cụ rẽ tay trái.
Tại phòng điều trị, ông thầy giáo khốn khổ kia đang nằm trên giường, nửa thân thể và một cánh tay băng bột trắng xóa. Chung quanh có rất nhiều người tới hỏi han thăm viếng, trong số đó phần lớn là những thầy, cô giáo đang giảng dạy tại các trường phổ thông nội và ngoại thành.
Kiên nhẫn chờ cho tới khi người khách cuối cùng ra về, hai ông cháu nọ mới chậm rãi bước vào. Sau những câu thăm hỏi chân tình, người bịnh cố nén nỗi xúc động:
- Nhưng thưa cụ là ai mà đã có lòng cất công vào đây thăm cháu?
- Ồ đừng ngại, ta cũng chỉ là một đồng nghiệp với anh thôi. Chỉ có điều ta đã dạy học cách đây tới mấy trăm năm. Thời ấy nghề giáo còn được trọng vọng lắm thay. Có đâu như bây giờ, kẻ hậu sinh xem câu tiên học lễ, hậu học văn là phong kiến, lại xem câu tôn sư trọng đạo là lạc hậu, lỗi thời. Ngẫm ra từ đó mới phát sinh nông nỗi, đạo đức ngày một suy đồi, kẻ học trò dám táo tợn cầm dao đánh cả thầy cô giáo.
Người bịnh nghe vậy cố gượng nghiêng mình:
- Thưa cụ, nhà giáo chúng cháu hôm nay về vật chất có khó khăn cách mấy cũng cố ráng mà vượt qua được, nhưng nỗi đau về tinh thần thế này thì quả không sao chịu xiết. Cũng may nghe nói Sở Giáo Dục đã chính thức lên tiếng can thiệp trước dư luận rộng rãi…
Ông cụ lắc đầu, hàm râu bạc rung rung:
- Việc mà ta lưu tâm không phải là kẻ côn đồ kia sẽ bị trừng phạt thế nào. Cái cốt lõi chính là đường lối giáo dục phải cải sửa sao cho có kiến hiệu. Bài giảng cứ nhẹ nhàng, đơn giản nhưng ăn sâu vào tim óc của trẻ cắp sách tới trường. Đừng vội dạy chúng những điều cao xa quá.
Trỏ vào đứa tiểu đồng đang khoanh tay đứng một đầu giường, ông cụ tiếp:
- Nhân chi sơ tánh bổn thiện. Từ bé kẻ sĩ phải được học lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, cùng những phép tắc cư xử với người xung quanh cho đầy đủ, rồi hãy mong dạy cho họ trở thành anh hùng…
Nói rồi ông cụ chào từ biệt ra về, không quên trao lại cho người bịnh cái bì thư. Mở ra không có tờ năm ngàn nào trong đó, mà chỉ là mảnh giấy ố vàng, ghi vỏn vẹn một chữ “NHẪN”, viết theo lối chữ Hán.
Còn hai ông cháu kia chầm chậm bước ra cổng bệnh viện. Vừa đi ông cụ vừa khóc, đứa tiểu đồng giơ tráp theo hứng từng giọt nước mắt đang rơi lã chã…
Rất tiếc là không một ai trong số đông những người qua lại trên đường Trần Hưng Đạo hôm ấy nhận ra được ông cụ đó chính là bậc thầy Lê Quý Đôn của hàng trăm năm về trước…./.
Dương Phú Lộc
Ghi Chú: Bài đã được đăng báo Thanh Niên số 176, tháng 6 năm 1989