![]() |
Cô Hồng, người ôm đàn, là chủ quán Cung Đàn Xưa, người đứng bên là bạn của tác giả |
Hình như những người Việt ở Mỹ, một khi đã ổn định về kinh tế, tình hình tài chánh đã có dư chút chút rồi, thì người ta hay có khuynh hướng đi du lịch bên Âu Châu. Mặc dù trăm người như một, khi trở về ai nấy đều dài mồm ra chê bai, nào là nước Ý dơ bẩn, nước Pháp đường xá đầy cứt chó, mèo, Tây Ban Nha thì khó kiếm cầu tiêu công cộng v...v. Và tất cả đều hân hoan kết thúc câu chuyện bằng cái kết luận chắc như đinh đóng cột, đó là: “Thật không nơi đâu bằng nước Mỹ hết.”
Thế nhưng thiên hạ vẫn tiếp tục kéo nhau đi. Người sẵn tiền thì không nói làm gì. Người chưa có tiền thì ráng sức để dành, bóp hầu bóp cổ, nhịn ăn nhịn mặc, phải cố mà đi một chuyến cho mở mày mở mặt với người ta.
Thấy thiên hạ như vậy, hắn cũng nức lòng muốn đi Châu Âu lắm, nhưng hắn biết rõ cái ngữ của hắn là vô phương, có cố cũng không được, cho nên hắn thôi không dám mơ mộng hão huyền nữa. Hoàn cảnh của hắn chỉ cho phép hắn gà què ăn quẩn cối xay, nghĩa là, nếu có muốn đi đâu, thì tốt nhất chỉ nên tìm mấy chỗ rẻ, đẹp, bền mà đi cho nó chắc ăn.
Cho nên kỳ nghỉ Giáng Sinh vài ngày vừa rồi, hắn lại thấy mình đang vất vưởng ở Đà Lạt.
Thành phố Đà Lạt thì không lạ gì đối với hắn. Hắn đi nhiều lần rồi nhưng không hiểu sao hắn vẫn cứ thích đi Đà Lạt. Có lẽ tại hắn yêu cái thành phố ngoằn nghèo, lên dốc xuống đồi này, hay tại hắn thích cái mùi kẹo ngọt thoang thoảng khắp các hang cùng ngỏ hẻm của Đà Lạt về đêm, hay có khi hắn thích chỉ vì lẽ đơn giản là Đà lạt là thành phố của những người đang yêu.
Mặc dù theo năm tháng, Đà Lạt đã có rất nhiều đổi thay. Có những thay đổi dễ chịu và những thay đổi không dễ chịu chút nào, nó cứ như những cái gai nhọn chọc vào lòng yêu Đà Lạt của hắn. Thí dụ như Hotel Hồng Lộc, đề bảng như vậy được rồi, lại còn cố phiên dịch ra tiếng Việt ở bên dưới: “Cơ sở lưu trú Hồng Lộc”. Thử hỏi chữ nghĩa như vậy thì làm sao chịu nổi.
Hay như hôm tình cờ gặp quán cà phê nằm trong khuôn viên của một biệt thự rất đẹp, thấp thoáng sau những bụi hoa nhài hai màu, trắng và tím than, người bạn đi cùng hắn thấy mê quá bèn kéo hắn vào. Vừa ngồi xuống ghế rồi hắn mới phát hiện ra trên cửa chính của biệt thự có treo cái bảng đề: “Trung Tâm Hổ Trợ Sáng Tác thuộc Bộ Thể Thao-Văn Hóa-Du Lịch”
Sao lại hổ trợ sáng tác? Nhà thơ Hữu Loan có cần sự hổ trợ nào đâu mà vẫn sáng tác ra được “Màu Tím Hoa Sim”, muôn thuở rung động trái tim người. Còn Tố Hữu, ông trùm của văn học nghệ thuật việt cộng, nhận bao nhiêu là hổ trợ, rốt cuộc sáng tác ra: Thương biết mấy nghe con tập nói. Tiếng đầu lòng con gọi Xít-Ta-Lin. Sao con nít mới đẻ ra đã biết nói tiếng Liên Xô rồi vậy hả trời!
Không riêng gì lãnh vực thơ, các nghành khác cũng thế. Âm nhạc chẳng hạn. Đặng Thế Phong với “Giọt mưa Thu” làm say đắm lòng người hết thế hệ này tới thế hệ khác, có cần sự hổ trợ sáng tác nào đâu, còn các ông nhận hổ trợ cho nhiều vào rồi làm ra bản “Tiếng chày trên sóc bom bo”, bây giờ bố ca sĩ nào còn dám ca, các cô mà ca bản này thì khán giả phủi đít đứng dậy về ngay thôi.
Về văn hóa đường phố hắn cũng nhận ra sự thay đổi. Ngày xưa dọc dọc khu Hòa Bình và chợ Đà lạt, các bạn hàng ai cũng có sạp hay ki-ốt, rất là ngăn nắp trật tự, còn bây giờ hàng bán bày la liệt hai bên đường, trên những tấm trải ni lông để dể bề chạy khi công an tới.
Lại còn có màn đưa những em bé, ăn mặc ấm áp, trông rất dể thương ra níu kéo, mời mọc khách mua hàng. Người bạn đi cùng với hắn chỉ vì thích cái giọng trong trẻo của một em bé gái đã vui vẻ mở hầu bao ra mua một cái mũ len trùm đầu, trùm một lần rồi thôi, không còn thấy nàng trùm lần thứ hai nào nữa.
Riêng hắn thì không dễ bị dính đạn như vậy. Có lần có một cô bé mặc đồng phục học sinh tiểu học, trên tay cầm những bó hoa tươi, đon đả mời chào hắn: “Ông mua bó hoa tươi đi ông”. Hắn vẫn tiếp tục đi: “Không, không mua đâu cháu ạ”. Cô bé vẫn chưa chịu thôi: “Ông mua bó hoa về tặng cho bà đi ông”. “Không, không mua đâu, bà chết lâu rồi”. Phải nói tới cỡ đó thì cô bé mới đứng lại buông tha cho hắn.
Cho nên trong lúc đang u hoài về những đổi thay trái khoáy như vậy, hắn nhận được email của anh Vương Đình Ánh gửi từ Úc Châu. Anh Ánh cho biết trong khuôn viên của khách sạn Duy Tân nằm trên đường Ba tháng Hai có một quán cà phê tên là Cung Đàn Xưa, vẫn còn giữ được đậm nét phòng trà ngày xưa, rất thích hợp với những người hoài cổ.
Thế là hắn đi ngay, mặc dù tối hôm đó đúng vào tối Nô-en. Đèn đuốc giăng giăng khắp nơi, Nhạc Giáng Sinh bao trùm lên cảnh vật. Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng. Đàn hát, xướng ca… Đi ngang qua tiệm bánh mì Liên Hoa, hình nộm ông già Nô-en cao bằng người thật, mặc đồ đỏ chót đang phùng mang trợn má thổi kèn Tây. Đi qua những góc phố, các cặp nhân tình đang ngồi xổm, co ro trong giá lạnh, xì xụp uống sữa đậu nành nóng, tỏa mùi thơm ngát. Đi qua những quán nhậu, khách nhậu chắc đã uống mừng Nô-en từ sáng sớm, bây giờ chừ đã say. Có hai người lảo đảo bước ra từ trong quán, tiếng lè nhè lọt vào tai hắn: “Em hút đi,em cứ hút đi” “Em không hút đâu” “Anh mời em mà, sở dĩ anh mời em điếu thuốc này là vì em là em rể của anh đó” “Nhưng em không biết hút” “Em sợ hả? Hút thuốc chỉ chết sớm chút xíu thôi chứ không có gì là hại cả, tin anh đi”.
Bước vào quán nhạc Cung Đàn Xưa, qua một lớp màn dầy nữa, hắn đã bỏ lại sau lưng tất cả những chộn rộn ngoài đường phố đó. Một không gian hoàn toàn khác hẳn hiện ra trước mắt hắn. Trang nhã và đứng đắn. Sân khấu nhỏ thôi, với những nhạc cụ được sắp xếp khéo léo để còn chỗ đứng cho ca sĩ. Dưới là những bộ xa lông cho khách thưởng ngoạn, trên mặt kính mỗi bàn là cây đèn cầy mong manh ánh sáng và lọ hoa hồng tươi thắm. Phía sau cùng, gần chỗ quầy rượu, là những chiếc bàn nhỏ nhưng cao, ghế cũng cao, loại ghế ngồi bar rượu. Có bàn chỉ có một ghế, có bàn thì hai ghế, chắc là để đón tiếp cùng lúc một đôi uyên ương nào đó đang cần tìm môi nhau, cho nhau giã nát, giã nát tim đau. Hay một anh chàng thất tình nào đó đang giả vờ đau khổ, đang giả vờ đày đọa tâm hồn mình bằng men rượu và lời ca tiếng nhạc.
Thật ra đâu cần gì phải giả vờ, bởi vì đứng trước âm nhạc, mọi người đều bình đẳng như nhau.
Bọn hắn đi những bốn người cho nên ngồi ở xa lông, cũng không xa sân khấu mấy. Số khách hôm đó ước khoảng ba chục người. Nếu nhạc thính phòng là loại nhạc kén khách (như lời cô chủ quán tên Hồng thừa nhận), và nếu chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là tới giờ khắc Chúa sinh ra đời, thì hắn phải công nhận những vị khách này( dám bỏ hết những hẹn hò, bận rộn của đêm Nô-en) là những người nghiêm chỉnh mến mộ giòng nhạc tiền chiến, hay cứ tạm gọi là giòng nhạc xưa cho nó gọn.
Và cô Hồng chủ quán, giảng viên Viện Đại Học Đà Lạt, khoa ngoại ngữ, cũng là một ca sĩ chính trong ban nhạc, đã không phụ lòng những khách yêu nhạc khó tánh của mình. Ở đây không có Bolero đâu. Twist lại càng không. Ở đây chỉ có Tình Hoài Hương, Niệm Khúc Cuối, Giọt Mưa Thu…
Có một lúc hắn lặng người đi khi được nghe lại bản Hương Xưa: Người ơi, còn nhớ mãi trưa nao chiều nào vờn bướm bên ao... Hắn quên luôn ly cà phê sữa trước mặt. Còn đó bóng tre êm ru, còn đó con diều vật vờ, còn đó những đêm sao mờ hồn ta nghe gió vi vu... Hắn quên cả người bạn tóc xỏa dài còn đó đang ngồi ngay bên cạnh hắn.
Rồi có một lúc, một cô tên là Thúy lên hát bài Vết Lăn Trầm, hay thật là hay, cái giọng ma ma, người đi phiêu du từ đó chưa thấy về, thiên đường rộng đôi cánh tay chờ mong… cả khán phòng im lặng, người đàn ông ngồi dạo đàn trên sân khấu thoáng chốc trông như một bức tượng. Hay đến nỗi hắn thấy thèm đốt lên ngay một điếu thuốc, và trong tích tắc, đầu hắn lóe lên ý tưởng không dính líu gì tới âm nhạc hết.
Đêm nhạc cứ thế trôi qua.
Và khi bọn hắn ra về, âm nhạc phần nào đã ảnh hưởng đến từng người trong bọn hắn. Chẳng ai muốn đi ngủ. Người bạn hắn thì cảm động quá hay sao, nhất quyết đòi đi kiếm ly chè ba màu về ăn, còn hắn và người em trai hắn về khách sạn, lôi rượu ra uống. Trong lúc uống, chủ đề chính của câu chuyện vẫn là quán nhạc Cung Đàn Xưa, Một địa điểm hiếm hoi còn sót lại cho những người vẫn nặng lòng với giòng nhạc của những ngày xa cũ.
Ngoài kia, trời đêm Đà Lạt đang lãng đãng trôi đi…/.
Dương Phú Lộc
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.