Trước ngày giỗ Ông cụ, tôi đã dự định viết một bài nói về Ông, coi như một nén hương lòng để tưởng nhớ đến người cha kính yêu của mình, một ngày kỷ niệm chất chứa thương yêu khi tôi nghĩ đến Ông, nhưng chần chờ, và tự viện cớ cho không biết bao lý do chánh đáng, để đến hôm nay, ngày giỗ ông đã qua cả tháng trời, tôi mới loay hoay đặt bút cố gắng để tâm được thanh thản, viết vài hàng về Ông.

Trong gia đình tôi, không gọi Ông bằng Cha, hay Bố hoặc Cậu, mà chúng tôi gọi hai đấng sinh thành là Thầy Me. Có nhiều người bạn miền Nam đã hỏi tôi sao không gọi là Bố hay Cha như những người Bắc, vì chữ Thầy thường được dùng để chỉ thầy giáo, tôi cũng chả biết sao mà giải thích. Nay thì Thầy tôi đã khuất, và với thời gian, tôi không gọi bằng Thầy, trừ khi nói chuyện với cô em, nhắc đến thời ấu thơ, còn chúng tôi đều gọi là Ông Cụ. 

Tôi bắt đầu cảm nhận và hiểu được Thầy tôi đôi phần là những ngày tôi chập choạng bước vào tuổi trung niên. Với tuổi đời tăng, với kinh nghiệm cuộc sống gia đình hằng ngày, đối chất với con cái, đối chất với cuộc sống có muôn vàn khía cạnh, tôi mới từ từ thông hiểu được đôi chút tình cảm cũng như tính tình của Thầy tôi.  Càng hiểu được Ông, tôi càng xâu sắc thương nhớ Ông, càng ao ước một điều mà không thể xẩy ra được, đó là ước chi Ông còn sống để tôi được đôi lần nói một vài lời làm đẹp lòng Ông, đôi lần làm được gì để thấy được trên khuôn mặt ông một nụ cười nhẹ, một cái gật đầu và cặp mắt lim dim của Ông, chứng tỏ Ông hài lòng!

Ngày Ông mất, tôi hoàn toàn không hay biết, vẫn dửng dưng, không một sự kiện, không mộng mị báo mộng hay vì tôi quá vô tình? Tin Ông mất đến với tôi qua điện thoại của người anh cả, anh tôi báo tin sau khi Thầy tôi qua đời đã được một tháng. Tôi nhớ, tôi có buồn, có khóc và có đọc kinh cầu nguyện cho Ông. Anh cả tôi còn nhắc nhở tôi đây là đại tang, em không nên tổ chức những tiệc tùng, cũng không nên tham dự bất cứ một cuộc vui nào, tôi thờ ơ nghe mà không quan tâm lắm.

Nhưng rồi những tháng cùng ngày tiếp tục ru nhau đi, tôi mới từ từ nhận thức được là Ông đã thực sự mất, anh chị em chúng tôi đã thực sự, đã hoàn toàn mất đi người cha già kính yêu! rồi tôi lại được biết nguyên do Ông mất, đắng cay nào kể siết ! Sinh một đàn con mười đứa, giây phút cuối cuả cuộc đời không một đứa bên cạnh!  Tôi đã thầm trách cậu em khi nghe kể, tôi có cảm tưởng lúc Ông vấp té nằm xuống, nếu như có đứa con nào bên cạnh đỡ Ông dậy, hoặc đưa Ông vào nhà thương thì có thể Ông còn sống? Cảm nghĩ ấy khiến tôi đau lòng khôn xiết!!!, cứ nghĩ đến đó là tôi vừa giận cậu em vừa xót xa. Không biết Ông đã nghĩ gì? không biết Ông đã có những ao ước gì khi Ông nằm xuống mà biết mình không thể di động? Ông có mong được đứa con nào, đứa cháu nào đó đỡ Ông dậy? Phần nào trong cơ thể Ông đang bị đau đớn? Ông có thèm một ngụm nước chăng?

Bao nhiêu niềm mơ ước nho nhỏ, bình dị nhưng chẳng thể xẩy ra, trong những giây phút cuối đời, những giây phút cô đơn ấy có kéo dài quá không? Ông thật sự đi vào giấc ngủ ngàn thu sau khi đã phải chịu bao phút giây vất vả và đớn đau về thể xác lẫn tinh thần? Ông cô đơn và cô độc gần một đời người, đến những giây phút cuối Ông vẫn lẻ loi, vẫn cô độc. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra, mỗi câu hỏi lại như một vết dao đâm sâu trong tâm tôi. Niềm đớn đau tăng theo ngày tháng, tôi xót xa, tôi thương Ông chất ngất, nhất là khi tôi nhận được một số hình ảnh đám tang Ông. Trên nắp áo quan tài, chiếc khăn tang đề tên tôi được vắt ngang. Một đứa con vắng mặt, vắng cả những giây phút cuối đời của đấng sinh thành, tôi đã khóc, lòng tôi cuộn đau, tôi thực sự cảm nhận được sự mất mát , Thầy tôi đã  ra đi, đã mãi mãi chìm trong giấc ngủ ngàn thu!!! , tôi không đủ can đảm xem hết những tấm hình đám tang Ông, chúng như những vết dao rạch sâu thêm tâm can tôi, từ đó cho đến hết cuộc đời tôi.

Nếu ai có hỏi tôi, trong cuộc đời nay, ai là người tôi kính phục nhất, tôi sẽ không ngần ngại mà nói ngay: Đó chính là Thầy tôi.  Ông sinh ra trong một gia đình giầu có, lại là con trai một, thời trẻ Ông không thích học tiếng Pháp như hai Cô tôi, ông học chữ nho, đời sống khép kín, sống trong tinh thần nho học.Nhìn lại, tôi thấy cuộc đời Ông thật là cô quạnh, hẩm hiu.  Mới hơn bốn mươi ông đã mất vợ! Tuổi đời mới hơn bốn mươi, tuổi của một đời người mới thực sự bắt đầu, Ông mất đi người vợ thân yêu, ông ở vậy nuôi con, nuôi một đàn con bẩy đứa, đứa nhỏ nhất chưa được bẩy tháng.

Tôi chưa hề nghe Ông than về số phần nghiệt ngã mà Ông phải chịu. Ông đóng vai trò cả bố lẫn mẹ, ông dạy bảo chúng tôi từng chút, dậy từ cách rửa mặt, dậy đến cách ăn, cách chào, dạy cách đi, cách đứng. dậy những lễ phép, dậy cách làm người !  Khi Ông vui, Ông luôn luôn kể cho chúng tôi nghe về thuở ấu thơ của Ông, nhưng không bao giờ nhắc đến sự giầu sang của Ông Bà nội tôi cũng như những gì Ông có và đã mất. Thời gian phụ với cô độc làm hao gầy vóc dáng, làm tàn phai sức khỏe của Ông nhanh hơn so với những người cùng tuổi, trong khi đó chúng tôi lớn lên trong một khuông thước khắc khe.  

Ông sống rất mẫu mực, cần cù và thánh thiện, chưa bao giờ làm phiền đến bất cứ ai, bao giờ cũng nhận phần thiệt về mình, nói nhỏ bạn nghe: trong những lần gia đình có giỗ chạp hay trong những ngày gia đình tụ họp, trong bữa cơm có món ngon, anh tôi hay gắp cho Ông, nhưng Ông lại gắp bỏ lại vào đĩa chúng tôi, nhường miếng ngon cho con, cho cháu.  Vì ông rất ít nói, ít cười, nên chúng tôi đều thấy là Ông khó tính chăng?  Ông lại có tính con yêu con ghét, những gì anh tôi và bà chị kể nói Ông đều vui vẻ, nhưng những gì tôi nói Ông đều thấy sai!

Tôi mang mặc cảm là Ông ghét tôi, nên bất cứ Ông nói gì tôi cũng phải làm ngược lại, Ông bảo đó là mầu trắng thì tôi phải quả quyết đó là mầu đen!  Nhưng, khi viết những hàng chữ này, tôi mới nhận ra là tính tình tôi rất giống Ông, những lời giáo huấn ngày xưa tôi làm ngơ, nay hiện ra rất rõ, như mới nghe thấy ngày hôm qua, đôi khi tôi cũng nhắc lại y nguyên lời dạy bảo của Ông với con cái tôi, và tôi còn khó hơn Ông, nghĩa là tôi muốn các con tôi phải nghe mà không được cãi lại.  

Ông khiêm nhường quá đáng đôi khi, chẳng hạn như ngày tôi ra trường kỹ sư, là một niềm hãnh diện của Ông, nhất là tôi lại là con gái!, thế nhưng, có người hàng xóm dò hỏi, ông chỉ mĩm cười, cúi đầu và nói vắn tắt: Dạ cháu nó cũng mới vừa học xong!  Cả đời tôi, tôi chưa thấy một người nào nhún nhường, đơn giản, cần kiệm và khép kín như Ông, đôi khi tôi tự hỏi: Không biết Ông có được bao nhiêu hạnh phúc trong suốt cuộc đời? và hạnh phúc của Ông là ở đâu? Phải chăng là những lúc Ông mang chiếc áo cưới của Mẹ tôi ra phơi nắng cho khỏi bị ẩm mốc? Chiếc áo cưới ấy đâu đây còn phảng phất hương vị ngọt ngào của một tình nghĩa phu thê ngắn ngủi?

Tôi cũng thực sự không biết bắt đầu từ lúc nào mà tôi nhớ Ông nhiều, thương Ông nhiều, có lẽ vào những ngày tôi giỗ Ông, Trong những ngày giỗ Ông, tôi thì thầm khấn nguyện, rồi từng kỷ niệm, từng câu chuyện, nhắc nhớ về Ông, ao ước được làm một điều gì báo hiếu Ông, cái báo hiếu mà tôi chẳng hề nghĩ tới khi Ông còn sống!  Ước ao được làm những việc khiến Ông hài lòng. Nếu như có chuyện thần tiên, cây đèn thần với một điều ưóc, tôi sẽ chỉ mong ước có Ông bên cạnh, cho dù chỉ là một thời gian ngắn, cho dù tôi có phải hao mòn sức khoẻ, cho dù đèn thần bắt tôi phải chịu những hình phạt đớn đau nào chăng nữa, tôi cũng cam tâm tình nguyện, tôi nói có quá không? Tôi nói vậy vì nghĩ đèn thần không bao giờ có thể xẩy ra?

Tôi bối rối, nhưng tâm tôi là thế!Tôi tưởng tượng ra Ông sẽ rất thích khu vườn nhà tôi. Mùa Xuân, mùa Hè, Ông sẽ tha hồ trồng các loại hoa mà Ông thích như xưa, hàng ngày Ông sẽ đi dạo quanh vườn, nhổ cỏ dại , vun tưới những khóm hoa, hoặc đứng ngắm những cụm hoa mà Ông đã bỏ công chăm sóc!  Mùa Đông tôi sẽ biếu Ông một ít giấy để Ông tự đóng tập lấy và viết những bản văn bằng chữ Hán như khi xưa Ông vẫn làm, và tôi sẽ nấu những món ăn mà Ông thích, từ ly cà phê sữa nóng buổi sáng cho đến nồi chè đậu xanh nước dừa đơn giản, đến chiếc bánh bông lang vụng về ngày xưa khi tôi làm mà Ông khen ngon. Tôi sẽ làm Ông vui và hãnh diện.Tôi còn nhớ y nguyên khuôn mặt Ông, lúc tôi giải thích lý do tôi muốn đi du học thêm, chỉ hai hay cùng lắm là ba năm, tôi sẽ về nước, sẽ có một địa vị tương đối,  và tôi sẽ giúp Ông xây lại căn nhà, sẽ phụ giúp anh tôi một phần trách nhiệm nuôi hai cậu em ăn học. Cái nhắm mắt, đầu gật gật của Ông, chứng tỏ Ông hài lòng, đó có lẽ là những hài lòng duy nhất tôi đã mang tới cho Ông. Ôi nhớ làm sao cặp mắt nhắm lim dim, cái đầu gật gật của Ông khi Ông vui và hài lòng!

Ngày đưa tôi ra phi trường đi du học, Ông mới qua khỏi cơn bạo bệnh, tôi nhớ Ông mặc bộ áo ngủ mầu trắng ngà, tay chống gậy, nhắn nhủ tôi đôi ba điều, đó là hình ảnh cuối cùng của tôi với Ông!. Mỗi năm đến ngày giỗ Ông, tôi luôn luôn nấu những món ăn mà tôi nghĩ Ông thích, tôi không cầu kỳ, phải nấu những món thật cao sang, chỉ một đĩa xôi, một ly chè, một tô phở và một nồi cá kho là Ông đã vui rồi. Có những đêm chợt thức giấc, tôi mơ thấy Ông, chỉ một thoáng, biết đó là Ông, tôi thức dậy với muôn vàn tiếc thương! Cảm giác là một đứa con bất hiếu bao phủ lấy tôi trong suốt ngày tháng qua! Tôi tâm sự, tôi than thở với anh tôi, với cô em tôi, ai cũng nói không phải lỗi tại tôi mà vì cuộc sống là thế ! Đúng không? Tôi cũng mong muốn được vịn vào cớ này để giảm bớt cảm giác bất hiếu, được chăng? Con người là thế sao? Khi bên mình còn đấng sinh thành thì mình không làm được điều gì đẹp lòng, bây giờ hối tiếc!

Di vật duy nhất Ông để lại cho tôi là bức thư dài  Ông viết cho tôi trước khi tôi lấy chồng. Thư Ông chỉ nhắc đi nhắc lại những bổn phận và trách nhiệm của tôi đối với chồng và gia đình chồng, làm sao cho tròn bổn phận một người vợ hiền, một người dâu thảo. Phải chăng vũ trụ luân chuyển, càn khôn chỉ là một vòng tròn, mà điểm bắt đầu cũng chính là điểm chấm dứt? Con người là thế? Những gì có bên cạnh thì không biết nâng niu, luyến thương để đến khi mất thì mới chợt tỉnh? Bài học đầu đời cũng vẫn là bài học cuối đời, chẳng ai biết, chẳng ai khôn và chẳng ai dại, bài học nào cũng quý giá, bài học nào cũng bắt ta phải trả một cái giá; Ôi! cái giá của những bài học trong đời sao mà nặng thế? sao mà mắc thế? có ai dám bán những bài học kinh nghiệm trong đời không nhỉ?

Thưa Thầy kính yêu,Vườn cây Thầy đã vun trồng, nay đã đâm bông kết trái, và con ao ước con là một trái chín đều, tốt, không ung thối.Kiếp sau con vẫn là con gái của Thầy, nhưng con hứa sẽ là một đứa con gái ngoan, không làm Thầy phiền lòng.  

Susan Trần Nguyễn
M.D. 2007
Cùng Tác Giả / Đề Tài