![]() |
Lớp Học Chữ Nho |
Trong đời dạy học, giáo viên thường dạy nhiều môn học trong ngành chuyên môn của mình, chẳng hạn giáo viên thú y chăn nuôi, dạy các môn Dục Chủng Gia Súc, Chăn Nuôi Đại Cương,… là chuyện bình thường, ít khi dạy các môn học khác ngành. Tốt nghiệp ngành Sử Địa, ngoài môn Sử Địa, tôi còn dạy Quốc Văn cho các lớp đệ nhất cấp lúc dạy ở Trường Trần Cao Vân (Tam Kỳ). Khi thuyên chuyển về NLS Bảo Lộc, ngoài môn Sử Địa, tôi còn dạy thêm môn Địa Chất Học (thay thế Cô Võ Thị Thúy Lan chuyển về Saigon). Thời gian ở Nha Học Vụ NLS tôi dạy môn Sư Phạm cho các khóa Sư Phạm NLS. Sau năm 1975 về Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức, tôi được tiếp tục phân công giảng dạy các môn sư phạm cho đến tuổi nghỉ hưu.
Tính ra trong đời dạy học đến nay gần nửa thế kỷ, tôi dạy hơn chục môn học, ở nhiều lãnh vực, kể ra có thể còn thiếu sót: Sử Địa, Công Dân Giáo Dục, Quốc Văn, Địa Chất Học, Khảo Hạch và Thi Cử, Phương Pháp Giảng Dạy, Kiểm Tra và Đánh Giá, Lý Thuyết Học Tập, Đào Tạo và Phát Triển, Giáo Dục Suốt Đời, Giáo Dục Tráng Niên, Tổ Chức Quản Lý Quá Trình Đào Tạo, Phương Pháp Nghiên Cứu Khoa Học, Phát Triển Chương Trình Đào Tạo, Khoa Học Giao Tiếp, Lịch Sử Giáo Dục… Tất cả những môn học nầy đối với tôi gần như bình thường vì nằm trong chương trình có sẵn, người học là sinh viên trong lứa tuôi hai mươi hoặc trên dưới xắp xỉ ba mươi thôi. Riêng có một lớp học rất đặc biệt, người học ở lứa tuổi gần sáu mươi mà Không Tử gọi là tuổi “tri thiên mệnh”, biết được mệnh trời. Đó là Lớp Học Chữ Nho của các anh chị cựu học sinh NLS Bảo Lộc!
Lớp học bắt đầu sau Tết năm Canh Tí (2010), anh Văn Công Bông (MS 70-73) đứng ra làm lớp trưởng, học mỗi tháng một lần vào ngày chủ nhật tại nhà của tôi gần khu du lịch Suối Tiên, cách trung tâm Saigon khoảng 20 km hướng về phía Biên Hòa. Hầu hết đi học bằng xe buýt từ Saigon lên. Ngày học đầu tiên tập trung khoảng mươi anh chị khóa 1970-1973 MS, vài chị có “ông xã” kèm theo học ké! Tôi gọi lớp học nầy “đặc biệt” vì không những người học lớn tuổi (gần sáu mươi), mà bốn mươi năm trước lại cùng học chung dưới mái trường NLS Bảo Lộc. Lớp học cũng đặc biệt ở chỗ học suốt ngày, trưa ra khu du lịch Suối Tiên ăn cơm, “vui là chính”. Học cả ngày, không thấy mệt, còn nhớ được chữ hay không là chuyện khác! Lớp học đặc biệt nữa là có người từ Cà Mau, mỗi tháng lặn lội lên một lần, nhưng vì bận rộn mùa màng không theo liên tục. Vì “vui là chính”, thỉnh thoảng Lê Văn Thạch từ Long Thành đi xe hơi cùng gia đình (vợ và 2 con) xuống học. Buổi đó nghỉ học sớm, cả lớp vào Khu du lịch Suối Tiên dạo chơi!
Tôi cố gắng vận dụng phương pháp Sư Phạm Tráng Niên (Andragogy) để người lớn tuổi học cho vui. Một hôm trước khi nghỉ giải lao, tôi lấy bộ bài tứ sắc ra. Vừa mới thấy bộ bài, trò HH ngạc nhiên: “Trời ơi, giải trí bằng đánh bài!”. Tôi chia ngẫu nhiên mỗi người vài con bài để nhận diện chữ. Ai cũng nhận ra tướng sĩ tượng, xe pháo mã, tốt… rồi tốt xanh tốt trắng, tướng đỏ tướng vàng chữ khác nhau. Nhận diện rất nhanh, nhưng viết ra từng nét thì “bó tay”, đây là một trong muôn ngàn khó khăn học chữ Nho!.
Lớp học cũng không có chương trình gì cả, bài học theo đề nghị của người học. Có một lần trò HH đề nghị học Lịch Âm Dương, tên 12 con giáp. Sách vở chỉ nói Tí là con chuột, Sửu là con trâu, Dần là con cọp…. chớ không giải thích tại sao Tí là con chuột. Tôi vận dụng kiến thức chiết tự để giải thích điều nầy (sẽ có một bài viết riêng 12 con giáp). Ở đây minh họa MÙI là con Dê cho vui: Mùi là tiếng Việt, chữ Nho là Vị (味). Trong số các con vật, con vật nào có mùi đặc biệt? Có lẽ con Dê có mùi đặc trưng!
Từ bài học lịch âm dương, xoay qua bói toán, số mệnh. Tôi soạn gần một trăm thẻ ghi các câu châm ngôn, mỗi người bóc một thể như xin xăm, để học mặt chữ.
HH: 同 床 异 梦 (Đồng sàng dị mộng)
TQT: 黄 金 黑 世 心 (Hoàng kim hắc thế tâm)
VCB: 按兵不動 (Án binh bất động)
LNH: (không nhớ)
CKL: 同 心 协 力 (Đồng tâm hợp lực)
….
Lớp học hình như ai cũng có khiếu làm thơ.
CHỮ NHO HAI NGÓN
Hai ngón đưa cao quyết thành công
Chữ Huệ 蕙 chen đứng giữa Hương 香Hồng 紅(1)
Hán Nho lõm bõm hai ba chữ
Chủ nhật mỗi tháng thầy chờ mong.
Chủ nhật mỗi tháng thầy chờ mong
Trò Huệ với Hạnh Tuyết Tâm Bông
Nét chữ ngang dọc cười khúc khích
Lớp học ham vui, thấy an lòng.
Lớp học ham vui, thấy an lòng
Rừng Nho biển thánh quá mênh mông
Lòng người nhỏ bé sao theo kịp
Hai ngón đưa cao quyết thành công!
CKL (ngẫu hứng hình hai ngón)
(1): Ba chữ Nho ở trên bảng
Trần Quang Tâm họa:
Chữ Nho cố gắng sẽ thành công
Cho dù đời bạc trắng tuổi hồng
Mình mới ghi danh vào lớp ấy
Học đôi ba chữ thỏa ước mong.
Học đôi ba chữ thỏa ước mong
Nhớ Thầy, nhớ Huệ Hạnh Tuyết Bông
Lớp học sáu thầy trò còn thiếu
Nhớ thuở xa xưa trĩu cả lòng.
Nhớ thuở xa xưa trĩu cả lòng
Sao thời cắp sách chẳng mênh mông
Nếu ước thời gian xin dừng lại
Chữ Nho hai ngón vẫn thành công. (TQT)
Đặc biệt, bài thơ “Chiếc ná” của ai đó được sáng tác ngay tại lớp (từ hình chữ Nho hai ngón):
Em làm chiếc ná bắn con Tim
Thầy ơi, em ngắm giấc mơ êm
Bắn hồn thơ mộng vào khung lớp
Bay bổng ngập lòng em ngất hương.
Em, cô học trò nhỏ dễ thương
Thầy ơi, em cũng rất bình thường
Thấp thoáng em ghi hình Thầy dạy
Giữa biển rừng Nho, Hán mênh mông.
Thầy ơi, vui chữ lại nhớ thêm
Trường xưa lớp cũ bạn thân quen
Nay ở nơi này thương nhớ rủ
Một thuở qua rồi réo gọi tên.
Thầy ơi, một chiếc ná bắn... Tim
Em bắn vào trong giấc mộng thầm
Để tình lai láng hồn thơ thẩn
Một chút hoa đời âm rất êm.
Tôi chuyển chữ Thầy lên trên, thành bài thơ đậm đà tình hơn:
Em làm chiếc ná bắn Tim Thầy
ôi, ngắm giấc mơ thật êm thay
bắn hồn thơ mộng vào khung lớp
bay bổng ngập lòng em ngất ngây.
Em, cô học trò nhỏ thương Thầy
ôi, em cũng rất bình thường đây
thấp thoáng em ghi hình Thầy dạy
giữa biển rừng Nho, Hán tràn đầy.
Vui chữ lại nhớ mãi bóng Thầy
trường xưa lớp cũ bạn thân lây
nay ở nơi này thương nhớ rủ
một thuở qua rồi, luyến tiếc thay!.
Chiếc ná nhắm bắn đúng Tim Thầy
em bắn vào trong giấc mộng đây
để tình lai láng hồn thơ thẩn
một chút hoa đời lất phất bay… (CKL)
Mỗi người viết tên chữ Nho của mình. Tôi dùng phương pháp chiết tự giải thích từng chữ. Từ đó, xuất hiện bút danh “Cỏ xe lòng” của ai đó. Riêng tên của trò BÔNG là tiếng Việt, không dịch là HOA được, mà là phiên âm tiếng Pháp (Bon). Cả lớp sau gần bốn mười năm mới phát hiện ra điều nầy!!!
Lớp học tồn tại gần một năm, tạm nghỉ vì lớp trưởng bịnh… nhưng không ngờ lớp học nầy lại kết thúc vĩnh viễn. Hiện giờ bốn học viên của lớp học mỗi người một nơi, ngàn trùng xa cách.
VCB về tây phương Phật,
HH định cư ở Australia,
LNH đi Canada,
TQT làm ăn ở Lào.
CKL một mình còn lại luyến tiếc lớp học có một không hai.
Để kết thúc, xin được phép trích một đoạn hồi kỳ của Tuyết Phan ở trang web:
…..
“Tôi còn nhớ buổi học chữ Nho tại nhà Thầy Châu -Kim-Lang ở Suối Tiên. Tôi đến trễ, tìm không ra nhà, Bông là người xách xe ra ngoài cổng khu du lịch Suối TIên đón tôi vào chỗ học. Bông rất có khiếu học chữ Nho, vừa siêng lại viết chữ đep. Trong lớp học, tôi là người viết chữ xấu nhất. Bông và các bạn thường chọc tôi viết chữ Nho mà giống như cái tủ dựng thuốc Bắc! Rõ quê!
Tiếc rằng tôi không theo đuổi môn học này lâu dài vì bận rộn việc gia đình, không có thời gian, đành từ giã Thầy bạn. Bây giờ chỉ còn Bông, Hạnh, Huệ, Tâm. Thời gian sau, Bông phải nghỉ học vì lý do sức khỏe, cả nhóm đều buồn vì vắng một thành viên năng nổ. Nhóm chữ Nho hoãn lại một thời gian dài chờ đợi sự bình phục của Bông. Nhưng không còn cơ hội nữa rồi! Bạn tôi lâm trọng bệnh. Những ngày Bông nhập viện, tôi có đến thăm. Tuy biết rõ tình trạng sức khỏe của mình, thấy bạn đến anh vẫn tỏ ra lạc quan, đùa giỡn. Thấy thật thương!..” (Tuyết Phan. Saigon 25-3-2012)
Châu Kim Lang