Mùa Giáng Sinh vẫn là thời gian của sự đón nhận tin vui của hầu hết mọi người; xa hơn nữa là sự cứu rỗi ở khắp mọi nơi và cũng là niềm hạnh phúc từ đáy tâm hồn của mỗi một người. Đây là những lời trong một bài hát ngoại quốc mà tôi vẫn nghe từ một đài phát thanh vào mỗi sáng sớm khi chở cháu ngoại đến trường.
Florida về đêm đã bắt đầu lạnh, nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm áp, nồng nàn, dịu ngọt của một tình bà cháu. Trước mặt tôi là một tờ giấy bài tập vẽ của đứa cháu gái vẽ trong lớp. Cháu vẽ hình một cây thông Giáng Sinh, hình dáng của thiên thần và với hàng chữ cháu viết: "I wish Grandma no more get sick!". Cảm giác yêu thương tràn ngập lòng tôi và làm tôi nhớ lại câu chuyện lâu lắm rồi của chồng tôi kể khi anh ấy còn là một tù binh bị nhốt ở Nghiã Lộ, một địa danh miền Bắc, Việt Nam.
Anh cùng một anh em trong đơn vị bị bắt năm 1973, đến năm 1976 anh được chuyển về trại tù thứ hai, cũng thuộc một vùng núi hẻo lánh miền Bắc. Nơi đây chỉ có những "nán" của người Thái Trắng. Họ sinh sống bằng nghề đi rừng... Hàng ngày toán của anh có khoảng 16 người ở chung một dẫy nhà lợp bằng cỏ tranh, chung quanh nhà làm bằng những loại cây tre do chính các tù nhân đi rừng chặt mang về. Một ngày mỗi tù nhân được ăn 2 bữa với bắp và khoai mì hay khoai lang khô nấu chung với nhau. Những thực phẩm này các tù nhân tự tay canh tác và thu hoạch. Thức ăn mặn là muối hột. Năm nào chẳng may bắp hay khoai bị mất mùa thì đói ngay! Tù nhân sẽ phải tự mưu sinh bằng cách nào đó hay tệ hơn là ăn cắt xén phần cám heo lấy từ phần thức ăn của heo do tù nhân chăm sóc cho các gia đình cán bộ. Họ lén lút mang về trại và chia cho các anh em khác. Đôi lúc họ ăn cả chuột chết mà vẫn cảm thấy ngon hơn cơm ngô khoai. Dù sao nó vẫn là "chất thịt"!
Cuối năm 1976 đó, anh ấy bị bịnh kiết một tháng, đi cầu ra máu và mủ, sau đó quá kiệt sức, một phần không có lương thực và thuốc men gì cả và không còn đi lao động được nữa. Coi như nằm chờ chết!
Cuối cùng, trong nhóm cũng có vài người cũng bị bịnh như anh. Người cai quản trại quyết định chuyển anh tới một căn nhà cách ly cách khu vực trại khoảng nửa cây số. Anh kể lại lúc đó anh buồn lắm, không phải anh sợ chết mà anh sợ sẽ bị hụt ăn bữa thịt trâu mà trại sẽ cho các tù nhân ăn vào ngày Lễ Giáng Sinh. Con trâu béo tốt do các tù nhân chăm nuôi gần cả năm trời. Con trâu này là do cấp lãnh đạo trên Hà Nội thưởng cho trại tù anh đang ở có tên là trại tù "Nán Tre", với một lý do thật đơn giản, đã tự lao động để sống và không có nợ máu với nhân dân ...
Anh nằm ở nhà "cách ly" được 3 ngày thì anh Dũng, một người bạn tù cùng tiểu đoàn với chồng tôi, cả hai được bắt chung một lúc và cùng được ở tù chung ở trại "Nán Tre". Công việc của anh Dũng là chăn nuôi heo. Anh ta đã lấy cám heo mới nấu còn nóng và dấu vào một chỗ gần hố cầu tiêu để chồng tôi ra đó lấy ăn. Đêm đó chồng tôi bớt đói và thiếp đi trong giấc ngủ với niềm hạnh phúc vô biên của tình đồng đội, tình bạn tù. Càng ngày anh ấy càng yếu dần đi và chỉ còn nằm thiêm thiếp. Anh không đứng dậy được nữa, thậm chí không lết ra được tới hố cầu. Anh biết mình sẽ chết! Một thanh niên 28 tuổi đời tràn đầy sức lực, ý chí còn mạnh mẽ, song cái đói là căn nguyên chính làm con người yếu đuối và bịnh tật. Rồi lúc đó anh chỉ ước muốn được sống đến hết năm rồi hãy chết, để anh có một ngày Giáng Sinh, được ăn một bữa cơm bằng gạo cùng mấy miếng thịt trâu và hớp một ngụm rượu thuốc của một ông Thiếu Tá mà đã được sự chấp thuận của ban quản giáo tù cho phép ông được giữ lại nhân một chuyến thăm nuôi của vợ ông.
Vài người trong nhà "cách ly" lác đác chết. Anh mong từng giờ từng ngày qua nhanh để mong tới ngày 24 tháng Chạp... Thế rồi một buổi chiều, trời đã nhá nhem tối. Một cái đá nhẹ vào chân anh rồi tiếng ông Trại trưởng oang oang: "Cái thằng này chết chưa? Chưa chết thì ngồi dậy uống thuốc". Anh không thể nào ngồi dậy được vì hai chân đã cứng tê vì lạnh. Anh thều thào: "Xin để phần thuốc cho tôi" , rồi anh dơ hai bàn tay yếu đuối lên, bất chợt có ánh đèn pin rọi vào mặt và ai đó hỏi:
- Anh bệnh gì?
- Thưa bệnh kiết
- Uống 3 viên thuốc này, nếu bớt mai tôi phát thêm. Lệnh trên ngày cho 2 viên, anh yếu quá tôi phá lệnh cho thêm một viên nữa.
Một người bệnh ở chung nâng anh dậy và nhét vội cả 3 viên thuốc vào miệng anh, thuốc đắng quá, rồi sự im lặng trở lại. Ngoài trời giá rét, chỉ có tiếng gió và tiếng rên rỉ của ai đó nằm bên cạnh anh. Anh thiếp đi với sự ước ao được ăn một bữa thịt trâu!
Sáng sớm hôm sau có tiếng còi gọi tập họp, anh là người ra khỏi trại nhà sau cùng vì anh không thể đi bình thường mà anh phải bò thay vì đi. Nhà tập họp to như cái chòi, có một cái bàn gỗ cũ kỹ và 2 chiếc ghế đẩu ọp ẹp. Tới nơi hai người bạn giúp anh đứng dậy. Anh nhìn thấy 2 người, một người đàn ông trạc tuổi 50, ông này là một ý tá cao cấp ở tỉnh về đây chữa bệnh; một người nữa là một phụ nữ khoảng tuổi 30, là y tá đang tập sự. Trên đường ra đi họp anh đã nghe giới thiệu qua loa phóng thanh về hai người y tá về công tác ở trại.
Ông y tá hỏi anh: "có phải anh là người chiều qua uống 3 viên thuốc phải không?"
- Thưa phải! Cám ơn cán bộ.
Thế rồi ông lặng lẽ lấy máy đo tim ra đưa cho cô y tá tập sự. Sau đó ông ra lệnh chia người bệnh được chia làm 2 nhóm. Một ý nghĩ vui bất chợt đến trong đầu anh; Anh nghĩ trước sau gì mình cũng chết và anh muốn được đứng bên nhóm của cô ý tá trẻ. Nhưng có lẽ trời chưa đồng ý cho anh chết và số anh không được duyên, anh phải đứng bên nhóm của ông ý tá già và anh là bệnh nhân cuối cùng trong buổi khám đó.
Ông ý tá lạnh lùng hỏi anh"
- Anh tên gì ?
- Thưa cán bộ, tôi tên Nguyễn Văn Tiệp
- Anh người Bắc à, quê quán anh ở đâu?
- Thưa cán bộ, ở Bắc Giang
- Có vợ chưa?
- Thưa cán bộ, tôi có vợ rồi, bố mẹ vợ tôi người Hải Dương.
- Ơ! Thế à, tôi người Hải Dương đây.
Sau mẫu chuyện trao đổi ngắn gọn, người đàn ông từ từ đổi nét mặt rồi hơi thân thiện và nói với anh:
- Tôi tên là Tâm, tôi công tác ở đây 10 ngày. Tôi phát cho anh 10 viên thuốc uống trong 3 ngày. Sau 3 ngày nếu đi lại được, bớt đi kiết thì tôi viết giấy cho anh trở về trại. Thuốc này là thuốc ký ninh, loại thuốc cao cấp đấy!
Về đến nhà cách ly, anh lấy 10 viên thuốc uống hết trong ngày cho bỏ ghét...Thế là anh bớt cái bệnh kiết của anh ngay và 3 ngày sau anh được giấy cho trở về trại. Về trại gặp lại anh Dũng, anh bạn thâm tình và các người bạn tù chung, anh tự nghĩ: "Đúng là thiên đàng chẳng đâu xa, ở ngay bên cạnh ta!"
Mỗi buổi sáng mọi người đều phải tập họp và rồi được phân công làm một cái gì trong ngày. Tới phiên anh, ông trưởng trại nói: "Anh được nghỉ dưỡng bệnh thêm 3 ngày nữa, tới ngày 26 tôi sẽ phân công cho anh sau."
Nghe xong anh vừa sung sướng và lo lắng tự hỏi sao mình không được phân công việc? Hay là một sự thay đổi gì đây? Biết đâu đêm nay có lệnh chuyển trại?
Trên lối về "nán" anh phải đi ngang qua khu nhà ở của các cán bộ. Anh thấy ông Tâm đứng ở ngoài đang hút thuốc lá. Anh lên tiếng chào ông Tâm và ông ta hỏi qua loa về bệnh tình của anh và đốt một điếu thuốc mới rồi dập tắt liền và vất vội điếu thuốc về hướng anh sẽ đi tới. Anh đi chậm lại và nhìn vội về hướng có điếu thuốc. Anh nhặt điếu thuốc cất vội rồi quẩy bước đi nhanh về "nán". Anh tự nhủ chiều nay chờ anh Dũng đi làm về, anh em sẽ có thuốc lá hút chung.
Hôm sau là ngày 24 tháng Chạp, một số anh em lo phần lương thực được đi ra "nán" của người Thái ở để đổi lương khô lấy bột ngọt, măng khô và củ xu hào. Một số anh em ở lại "nán" nhà lo phần giết trâu. Chiều ngày 24, gần 100 tù nhân được một bữa ăn thịt trâu xào với xu hào. Qua ngày 25, được ăn thêm bữa thịt trâu tái với xương trâu hầm với măng khô. Riêng "nán" của anh còn được thêm phần uống rượu thuốc của vợ ông Thiếu Tá mang từ Sài Gòn ra Hà nội trong chuyến thăm chồng. Còn bộ da trâu thì đem ngâm nước muối để dành qua ngày 1 tháng 1 năm 1977.
Sáng ngày 26 anh được tập họp để phân công. Anh được giấy đề nghị của ông Tâm cho anh đi chăm nuôi heo vì trại mới có thêm 3 con heo nái của cán bộ muốn gia tăng sản xuất. Anh nuôi heo được 2 ngày thì ông Tâm rời "nán" trở về Hà Nội.
Trước khi rời trại ông Tâm đã kín đáo dấu ở chỗ cám heo cho anh 5 điếu thuốc lá, 1 gói lương khô và 10 viên thuốc ký ninh. Sau khi ông Tâm rời trại, chồng tôi vẫn luôn nghĩ hay vì mình buột miệng nói ra quê vợ mình ở Hải Dương, cùng quê với ông Tâm và vì tình đồng quê nên ông Tâm đã dành những đặc biệt cho anh?
Riêng tôi, tôi vẫn nhớ kỹ câu chuyện này mấy chục năm nay, nó luôn tiềm ẩn trong tôi và tôi luôn nghĩ; đó là một đặc ân, kỳ diệu của ngày Giáng Sinh. Sự nhiệm mầu giữa sự sống và chết, nó đã xẩy ra trong mùa Giáng Sinh ở một trại tù hẻo lánh, nơi không được phát đồ ăn, tù nhân phải tự lực cánh sinh trong một hoàn cảnh đầy khó khăn thiếu thốn và bệnh tật vây quanh. Lòng nhân hậu của một người như ông Tâm sẽ luôn có ở khắp mọi nơi. Đó là điều tôi mơ ước vào muà Giáng Sinh năm này.
Để tạ ơn với hồng ân này, vợ chồng tôi luôn gìn giữ những tấm lòng chân tình của những ai đã có lòng nghĩ đến chúng tôi. Tôi chả bao giờ quên được những khi tôi đau ốm đã có người bạn đã bỏ công nấu cháo, rồi không quản ngại lái xe đường xa đem đến tận nhà cho tôi dùng. Những cây ăn trái, cây chuối, cây nhãn lồng tôi trồng sau nhà cũng là những món quà và là hình ảnh thân thương của bạn bè đã dành cho gia đình tôi. Hay một người bạn thân với anh tôi, cùng học chung khoá với tôi đã tận tình giúp đỡ các em tôi có công ăn việc làm...
Nguyện mong các Thầy Cô, các anh chị em, bạn bè trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc có được một mùa Giáng Sinh với nhiều đặc ân kỳ diệu và luôn toại lòng.
Nguyễn Thị Thường
Xà Bất, MS67-70